Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (2016)
Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (tiếng Anh: Hanoi Football Club - HNFC) là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp thuộc sở hữu của Tập đoàn T&T có trụ sở tại Hà Nội hiện đang thi đấu tại V.League 1, giải đấu cao nhất trong hệ thống giải bóng đá Việt Nam. Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2006 với tên Câu lạc bộ bóng đá T&T Hà Nội trước khi đổi thành Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội T&T vào năm 2010, và có tên như hiện tại từ cuối năm 2016.
![]() | ||||
Tên đầy đủ | Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội | |||
---|---|---|---|---|
Biệt danh | Đội bóng Thủ đô[1] Đội bóng áo tím[2] (đều do câu lạc bộ tự đặt) | |||
Tên ngắn gọn | HNFC (trong nước) HAN (quốc tế) | |||
Thành lập | 18 tháng 6 năm 2006 2010 với tên Hà Nội T&T 2017 với tên Hà Nội | với tên T&T Hà Nội |||
Sân vận động | Hàng Đẫy | |||
Sức chứa | 22.500 | |||
Chủ sở hữu | Công ty Cổ phần Thể thao T&T (Tập đoàn T&T) | |||
Chủ tịch điều hành | Đỗ Vinh Quang | |||
Huấn luyện viên | Božidar Bandović | |||
Giải đấu | V.League 1 | |||
V.League 1 - 2023 | Thứ 2 | |||
Trang web | Trang web của câu lạc bộ | |||
| ||||
Câu lạc bộ Hà Nội là một trong những câu lạc bộ thành công nhất tại Việt Nam với 6 lần vô địch quốc gia, 3 Cúp quốc gia và đang giữ kỷ lục 5 lần đoạt Siêu cúp quốc gia. Đội bóng cũng nắm giữ kỷ lục 3 năm liền thăng hạng, từ giải hạng ba lên thi đấu ở hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam. Đội bóng áo tím cũng đã từng vào tới tứ kết AFC Cup 2014, vô địch khu vực Đông Nam Á vào đến chung kết liên khu vực (Đông Á) của AFC Cup 2019, đây cũng là thành tích tốt nhất của một câu lạc bộ Việt Nam tại đấu trường châu lục.
Lịch sử
Thuộc sở hữu của tập đoàn T&T, câu lạc bộ ra mắt vào ngày 18 tháng 6 năm 2006. Ba mùa bóng đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, từ một đội bóng gồm đa số các cầu thủ trẻ do huấn luyện viên Triệu Quang Hà (cựu cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam và câu lạc bộ Thể Công) dẫn dắt, đội đã liên tiếp thăng ba hạng, từ hạng ba lên hạng nhì, cuối cùng là hạng nhất trước khi giành quyền thi đấu ở V-League 2009.[3]
Thời kì đầu (2006-2009)
Ngay mùa bóng đầu tiên ra mắt, câu lạc bộ T&T Hà Nội đã giành quyền lên chơi hạng Nhì quốc gia 2007 sau khi vượt qua Phú Yên 4–3 trên loạt sút luân lưu ở vòng chung kết của giải.[4] (không có chung kết, T&T Hà Nội cùng Quân khu 9 đồng hạng nhất).
Giải bóng đá hạng Nhì Quốc gia 2007 gồm 16 đội, chia làm ba bảng đấu theo khu vực. T&T Hà Nội với tư cách là đội duy nhất từ hạng Ba mới lên, chung bảng A với 4 đội khác. Tại vòng bảng, sau khi khá vất vả vượt qua Quang Minh DEC, đội chiếm được vị trí nhất bảng và lọt vào bán kết. Ở bán kết, T&T Hà Nội vượt qua Ngói Đồng Tâm Long An (đội dự bị của Đồng Tâm Long An), vào chung kết giải hạng Nhì gặp Quân khu 7. Dù để thua Quân khu 7 trên loạt sút luân lưu (1–1, 2–4 sút luân lưu), tuy nhiên đội vẫn giành quyền lên hạng Nhất năm 2008 với tư cách là một trong 2 đội xếp hạng cao nhất giải hạng Nhì.[5]
Bước vào giải hạng Nhất năm 2008, câu lạc bộ được sự đầu tư lớn (hơn 10 tỷ đồng) với mục tiêu thăng hạng ngay trong mùa bóng này (lên hạng chuyên nghiệp mùa bóng 2008-09).[6] Đội bóng đã tuyển mộ những tuyển thủ như: thủ môn đội tuyển quốc gia Dương Hồng Sơn, các cựu cầu thủ đội tuyển quốc gia Phạm Như Thuần, Văn Sỹ Sơn, cầu thủ đội tuyển U-23 quốc gia Nguyễn Thành Long Giang (cầu thủ 2 năm liền được bầu là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam), cùng một số cầu thủ nước ngoài như các cầu thủ Brasil Cristiano, Casiano...
Câu lạc bộ khởi đầu giải hạng Nhất khá tốt, tuy chưa lần nào lên ngôi đầu bảng nhưng thường xuyên nằm trong nhóm 3 đội dẫn đầu. Nhưng do các cầu thủ còn non kinh nghiệm nên đã bỏ lỡ những trận thắng đáng tiếc (hai trận hoà ở vòng 6 và 7).
Khi kết thúc lượt đi giải hạng Nhất mùa 2008, với phong độ ổn định, Hà Nội T&T đã chiếm ngôi đầu bảng. Vào ngày 16 tháng 8 năm 2008, T&T Hà Nội đã vượt qua Quân khu 5 với tỷ số 4–2, đồng thời Cao Su Đồng Tháp (đối thủ trực tiếp của T&T Hà Nội) để thua trước Than Quảng Ninh, do vậy T&T Hà Nội chính thức lên hạng chuyên nghiệp V-League 2009 cùng với Quân khu 4 sớm một vòng đấu.
V-League 2009
Kết thúc giai đoạn lượt đi, CLB Hà Nội T&T thi đấu không thuyết phục và đứng cuối bảng xếp hạng (ở những mùa giải trước đó, hầu hết các đội xếp chót bảng lượt đi đều xuống hạng khi kết thúc mùa giải). Để cải thiện phong độ, huấn luyện viên Triệu Quang Hà đã bị sa thải cùng với chủ tịch CLB Lâm Hồng Điệp; thay vào đó là hai gương mặt mới: huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng và chủ tịch mới Nguyễn Quốc Hội - một thành viên ban lãnh đạo công ty T&T. CLB cũng ráo riết tuyển mộ các cầu thủ ngoại quốc để cạnh tranh suất trụ hạng, và đã tuyển mộ được tiền đạo Agostinho - người bị HAGL thanh lý hợp đồng do vi phạm kỷ luật.
Do được tăng cường lực lượng đồng thời thay huấn luyện viên cùng sự đầu tư từ ông chủ câu lạc bộ Đỗ Quang Hiển, Hà Nội T&T đã thi đấu rất thành công và có thời điểm trở thành ứng cử viên vô địch V-League. Hà Nội T&T khép lại mùa giải vị trí thứ 4.
Thời kì HLV Phan Thanh Hùng (2010-2015)
Sau hai tháng làm việc, Hà Nội T&T quyết định chấm dứt hợp đồng với chiến lược gia người Bồ Đào Nha Nicolau Barbosa Vaqueiro, do các phương pháp huấn luyện của Vaqueiro bị xem là thiếu phù hợp với các cầu thủ Việt Nam. Chiều tối ngày 11 tháng 1 năm 2010, CLB bất ngờ thông báo bổ nhiệm trợ lý của HLV Henrique Calisto - ông Phan Thanh Hùng làm HLV trưởng trước thời điểm khởi tranh V-League đúng 20 ngày. Hà Nội T&T giành được chức vô địch sau trận hòa 0-0 trước NaviBank Sài Gòn ở vòng đấu 25, kết thúc mùa giải V-League với 46 điểm, hơn đội về nhì Xi măng Hải Phòng 1 điểm. Chức vô địch của Hà Nội T&T đã chấm dứt 12 năm cơn khát danh hiệu vô địch quốc gia của bóng đá Hà Nội (lần gần nhất 1 đội bóng đóng trên địa bàn Hà Nội vô địch quốc gia là Thể Công năm 1998). Còn nếu xét trên góc độ đội bóng của địa phương thì chức vô địch của Hà Nội T&T đã chấm dứt 26 năm không danh hiệu vô địch quốc gia của bóng đá Hà Nội (lần gần nhất 1 đội bóng của Hà Nội vô địch quốc gia là Công an Hà Nội năm 1984).
Mùa giải 2012, Hà Nội T&T giành ngôi á quân. Sau khi mất chức vô địch vào tay SHB Đà Nẵng, bầu Thụy của Xuân Thành Sài Gòn nói: "Làm bóng đá, đầu tư bóng đá tốn kém rất nhiều mà bị chèn ép. Ai cũng thấy đội Sài Gòn Xuân Thành của tôi bị một đội ôm chân, còn một đội thì được bơm điểm. Đánh kiểu đấy thì ai đánh lại. Tôi sẽ nghỉ và bỏ bóng đá vì sân chơi này bất công quá mà các anh ở VFF biết nhưng cứ để nó hủy hoại".[7][cần định rõ]
Mùa giải 2013 là mùa giải mà Hà Nội T&T đã lên ngôi vô địch trước một vòng đấu sau chiến thắng 2-1 trước Đồng Tâm Long An. Đây cũng là mùa giải mà bộ đôi tiền đạo Gonzalo và Samson đã thi đấu xuất sắc với 28 bàn tổng cộng, qua đó cùng nhau giành danh hiệu vua phá lưới.
Mùa 2014, 2015 đánh dấu sự vươn lên của thế lực mang tên Becamex Bình Dương, đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự chuyển giao thế hệ của đội bóng khi mà những Duy Mạnh, Văn Thành, Minh Long được đôn lên đội 1 cùng với sự ra đi của thủ môn Lê Văn Nghĩa, tiền vệ Sỹ Cường...
Kỷ nguyên Chu Đình Nghiêm (2016-2021)
Mùa giải Toyota V.League 1 2016 chứng kiến nhiều biến động của Hà Nội T&T khi thay đổi HLV đến 2 lần. Lần đầu là trước mùa giải chỉ một tuần khi HLV Phan Thanh Hùng từ chức[8] và HLV của đội U21 Hà Nội T&T khi ấy là ông Phạm Minh Đức được lựa chọn thay thế. Tuy nhiên sau HLV Phạm Minh Đức đã khởi đầu mùa giải với kết quả cực kì thất vọng khi chỉ giành được 1 điểm sau 4 lượt trận đầu tiên và xếp chót bảng. Ngày 17/3/2016, đội bóng áo tím quyết định đưa trợ lý Chu Đình Nghiêm lên tiếp quản chiếc ghế nóng ở Hà Nội T&T thay cho HLV Phạm Minh Đức. Sự thay đổi này giúp đội bóng cải thiện hoàn toàn về lối chơi và kết quả được cải thiện rõ rệt và đưa đội bóng dần bước lên đỉnh bảng khi giải đấu chỉ còn 2 vòng. Ở vòng đấu áp chót và buộc phải thắng để nuôi hy vọng vô địch, Hà Nội T&T chơi đầy quả cảm để giành trọn 3 điểm trước Than Quảng Ninh với bàn thắng duy nhất của Văn Quyết để nắm trong tay quyền tự quyết trước lượt trận cuối. Thắng lợi 2-0 trước FLC Thanh Hóa nhờ cú đúp của Gonzalo ở vòng đấu cuối cùng giúp Hà Nội T&T có lần thứ 3 nâng cao lên ngôi vô địch V-League khi bằng điểm và chỉ hơn Hải Phòng ở chỉ số phụ. Tuy nhiên, ở Cúp Quốc gia thì đội bóng áo tím chỉ giành được vị trí Á quân sau khi để thua đầy đáng tiếc trước Than Quảng Ninh trên sân nhà Hàng Đẫy với tỉ số 1-2.
Cuối năm 2016, câu lạc bộ Hà Nội T&T đổi tên thành Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội.[9][10]. Trên thực tế, đội bóng có truyền thống lâu đời nhất thủ đô là Câu lạc bộ Công an Hà Nội thành lập năm 1956 với 08 lần đoạt chức Vô địch, Á quân toàn quốc.[11]
Từ năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chính thức thí điểm bàn giao sân vận động Hàng Đẫy cho đội bóng áo tím quản lý[12]. Trước thềm mùa giải 2017, nhằm chuẩn bị lực lượng cho nhiều mặt trận, đội đã có đưa về những ngoại binh chất lượng là Moses Oloya đang là thành viên của Đội tuyển quốc gia Uganda hay Alvaro Silva là thành viên của Đội tuyển quốc gia Philippines cùng với lực lượng cầu thủ rất tốt và đang vào độ chín của sự nghiệp. Tuy vậy, mùa giải 2017 lại kết thúc một cách đầy thất vọng với đội bóng áo tím khi chỉ cán đích ở vị trí thứ 3 chung cuộc tại V-league dù nắm trong tay lợi thế rất lớn khi thắng tối thiểu 1-0 trước QNK Quảng Nam ( đội lên ngôi vô địch sau đó ) ở vòng đấu áp chót nhưng lại hòa 4-4 trướcThan Quảng Ninh ở vòng đấu cuối. Ở đấu trường Cúp Quốc gia và AFC Cup, đội bóng áo tím cũng thi đấu thất vọng khi bị loại từ vòng 1/8 Cúp quốc gia bởi Sông Lam Nghệ An và bị loại từ vòng bảng sau trận thua toàn diện 6-2 trước Ceres-Negros của Philippines.
Tại mùa giải 2018, nhờ hiệu ứng mạnh mẽ từ thành công của Đội tuyển U23 Việt Nam tại giải châu Á với nòng cốt là những cầu thủ đội bóng áo tím trải dài cả 3 tuyến nên khán giả thủ đô đã dần quan tâm tới đội bóng. Đội đã bắt đầu với chiến thắng nhọc nhằn 1-0 trước Hải Phòng trên sân nhà Hàng Đẫy rồi thắng áp đảo 5-0 trước Hoàng Anh Gia Lai trong trận đấu mà sân Hàng Đẫy đạt tới giới hạn khán giả là 25.000. Đội bóng áo tím sau đó băng băng về đích và lên ngôi vô địch trước 5 vòng đấu với 64 điểm cùng 72 bàn thắng được ghi. Tuy vậy mùa giải 2018 đã kết thúc không trọn vẹn khi đội bóng áo tím lại lỡ hẹn với Cúp quốc gia khi bị Becamex Bình Dương cầm hòa 0-0 tại Gò Đậu (tổng tỉ số 3-3 và đội bóng áo tím bị loại do luật bàn thắng sân khách).
Trước thềm mùa giải 2019, đội bóng áo tím đã đưa về một loạt những cầu thủ chất lượng là thủ môn của Đội tuyển quốc gia Bùi Tiến Dũng cùng tiền đạo Pape Omar Faye từ CLB Thanh Hóa và trung vệ Brandon McDonald từ Penang cùng với đó, đội chia tay với Hồng Sơn, Duy Khánh và Văn Thành và thủ môn Trần Anh Đức giải nghệ. Những tân binh chất lượng được kì vọng sẽ kết hợp với dải ngân hà đang có của đội bóng áo tím tiến ra châu lục cũng như giành mọi danh hiệu quốc nội. Đội bóng áo tím khởi đầu mùa giải bằng chiến thắng 1-0 tại trận play-off AFC Champions League 2019. Mùa giải quốc nội của đội bóng áo tím khởi đầu với chiến thắng 2-0 trước Becamex Bình Dương tại trận tranh Siêu cúp Quốc gia . Tuy vậy, ở trận play-off lượt 2, khi phải đối đầu với đội bóng chênh lệch hơn nhiều về đẳng cấp từ Trung Quốc là Sơn Đông Lỗ Năng, đội bóng áo tím đã chịu thất bại 4-1 dù đã có bàn thắng dẫn trước và có một thế trận vượt trội so với đối thủ, thất bại này đã khiến đội bóng áo tím phải xuống chơi tại AFC CUP. Đội bóng áo tím đã khởi đầu V-league 2019 bằng chiến thắng giòn giã 5-0 trước Than Quảng Ninh ở vòng 1 V-league 2019. Tuy nhiên đội bóng áo tím đã có một cuộc đua vô địch khó khăn hơn nhiều so với mùa giải 2018 trước bởi những chấn thương nặng của những trụ cột như Đình Trọng, Oseni và sự ra đi của tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson cùng với đó là mật độ thi đấu dày đặc khi phải thi đấu song song trên 3 mặt trận khác nhau là V-League 1, Cúp quốc gia và AFC Cup, đặc biệt là sự vươn lên của thế lực mới CLB Thành phố Hồ Chí Minh. Ở giai đoạn nước rút, ban lãnh đạo đã bổ sung thêm trung vệ Đinh Tiến Thành từ Thanh Hóa, tiền đạo người Pháp Papa Ibou Kébé và trung vệ người Iran Sajjad Moshkelpour . Tuy vậy đội lại liên tục đánh rơi điểm số ở những phút cuối trước những đối thủ dưới tầm như Hoàng Anh Gia Lai, Sanna Khánh Hòa Biển Việt Nam hay thậm chí trước đối thủ trực tiếp cạnh tranh cho chức vô địch là Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng màn bứt tốc đầy ngoạn mục ở các vòng đấu sau đó giúp đội bóng bứt lên và thắng lợi ở vòng 24 trước Sông Lam Nghệ An tại SVĐ Vinh để đăng quang sớm 2 vòng đấu. Tại Cúp AFC 2019, đội đã vượt qua vòng bảng với vị trí nhất bảng F rồi lần lượt vượt qua Ceres Negros, Becamex Bình Dương, Altyn Asyr và bị loại đầy cay đắng trước 4.25 SC vì luật bàn thắng sân khách. Với 5 chức vô địch tại đấu trường V-league, đội bóng áo tím đã trở thành đội bóng vô địch V.League nhiều nhất kể từ khi giải VĐQG chính thức đi vào chuyên nghiệp hóa vào mùa giải 2000-2001. Tại đấu trường Cúp Quốc gia, đội bóng áo tím ần lượt đánh bại Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Dược Nam Hà Nam Định và thắng thuyết phục 3-0 trước hiện tượng Thành phố Hồ Chí Minh. Ở trận chung kết, dù phải thi đấu trên sân khách và trong điều kiện thời tiết xấu do ảnh hưởng của Bão số 5, nhưng bằng bản lĩnh và đẳng cấp của đội bóng lớn cùng sự tỏa sáng đúng lúc của những ngôi sao, những bàn thắng của Văn Quyết và Ibou Kébé đã giúp đội bóng áo tím vượt qua Quảng Nam và lên ngôi vô địch Cúp Quốc gia 2019, qua đó bổ sung danh hiệu duy nhất còn thiếu sau nhiều lần lỡ hẹn.
Tại V.League 2020, đội bóng áo tím đã chia tay tiền đạo Oseni và Hoàng Vũ Samson để bổ sung thêm tiền đạo Rimario và gọi về một loạt cầu thủ trẻ đầy tiềm năng từ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Ở trận đấu muộn nhất vòng 3, đội bóng áo tím giành chiến thắng dễ dàng và thuyết phục ngay trên sân nhà Hàng Đẫy trước Hoàng Anh Gia Lai nhờ cú đúp của tân binh Rimario và bàn thắng mở tỷ số của Văn Quyết ở phút 24. Đáng nói, đây là trận đấu V.League diễn ra trước sự trở lại hoành tráng của hàng nghìn khán giả sau khi phải thi đấu trên sân nhà không có khán giả ở vòng 23, 25 V.League 2019 (do án phạt từ việc cổ động viên Nam Định đốt pháo sáng) và vòng đầu V.League 2020 (do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại Việt Nam). Tuy vậy mùa giải lại hết sức khó khăn với toàn đội khi những trụ cột liên tục dính chấn thương rất nặng, đặc biệt là những trụ cột quan trọng do phải liên tục cày ải ở cả cấp CLB và ĐTQG. Lần lượt Duy Mạnh, Đình Trọng, Pape Omar, Đức Huy hay thủ môn Phí Minh Long đều dính chấn thương rất nặng, trong khi những cầu thủ còn lại thường xuyên không đạt được thể trạng tốt nhất. Có thời điểm đội chỉ có 10 cầu thủ để tập và HLV Chu Đình Nghiêm phải đưa cầu thủ trẻ lên tập chiến thuật cùng cho đủ quân số. Điều này khiến đội bóng áo tím liên tục đánh rơi những điểm số quan trọng trước các đối thủ trực tiếp, thậm chí là những đối thủ dưới tầm . Trước sự sứt mẻ đội hình nghiêm trọng, ban lãnh đạo đội bóng đã quyết định bổ sung gấp 2 bản hợp đồng là thủ môn Tấn Trường và tiền vệ Tấn Tài, cùng với đó là gọi trở lại Đoàn Văn Hậu từ SC Heerenveen sau 1 năm cho mượn. Sang giai đoạn 2, câu lạc bộ đã thể hiện sự áp đảo trước Hoàng Anh Gia Lai trên sân khách hay trận thắng tưng bừng tại Hàng Đẫy trước Câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn . Ở những vòng đấu cuối cùng, dù đã cố gắng đòi lại vị trí dẫn đầu từ Viettel khi đánh bại Than Quảng Ninh nhưng đội của HLV Trương Việt Hoàng đã bảo toàn tỉ số 1-0 trước Sài Gòn để lên ngôi vô địch nên đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm chỉ đoạt được vị trí á quân. Trong khi đó, tại Cúp Quốc gia 2020, đội bóng áo tím khởi đầu bằng chiến thắng 3-0 trước CLB Đồng Tháp ngay trên sân nhà Hàng Đẫy rồi lần lượt vượt qua Xổ số kiến thiết Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh bằng những trận thắng áp đảo trước khi đụng độ Viettel trong trận chung kết. Dù Viettel bất ngờ có bàn thắng dẫn trước, đội bóng áo tím đã lội ngược dòng với 2 bàn thắng đẳng cấp của Thái Quý và Quang Hải để chính thức bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Cúp Quốc gia.
Tuy nhiên, bước vào V.League 1 2021, đội bóng áo tím lại có màn thể hiện đáng thất vọng dù được bổ sung một loạt những bản hợp đồng chất lượng như Geovane Magno hay Bruno Cunha. Tới đầu tháng 4 năm 2021, HLV Chu Đình Nghiêm đã từ chức sau thất bại toàn diện 0-2 trước SHB Đà Nẵng.[13] Việc thay HLV Chu Đình Nghiêm là quyết định khó khăn với ban lãnh đạo đội bóng áo tím khi chính ông là người đã gắn bó với đội bóng áo tím từ lúc đội mới thành lập, đi lên từ hạng Ba đến V.League.[14] Mùa giải 2021 được nhận định là mùa giải thất bại đối với CLB, sự sa sút của đội thể hiện khi có thời điểm, khoảng cách giữa đội bóng áo tím và kình địch Hoàng Anh Gia Lai lên tới 15 điểm. Trong đó, CLB có chuỗi 6 trận với kết quả tệ hại khi chỉ thắng duy nhất 1 trận trước Quảng Ninh, nhưng chiến thắng này lại bị đặt nhiều nghi ngờ.[15]
Thời kỳ Hàn Quốc hóa (2021–22)
Ngày 28 tháng 4 năm 2021, huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Choong-kyun được chọn để thay thế ông Chu Đình Nghiêm, qua đó mở ra thời kỳ Hàn Quốc hóa ở đội bóng áo tím. Tuy nhiên, ông Park lại khởi đầu thất khá thất vọng với trận thua 0–1 trước Topenland Bình Định ngay tại sân nhà Hàng Đẫy cùng lối chơi mờ nhạt, thiếu sức sống. Mùa giải 2021 đã phải kết thúc giữa chừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Việt Nam, câu lạc bộ cũng chỉ giành vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng nên đã không đủ điều kiện tham dự AFC Cup năm 2022 mặc dù các đội bóng đứng trên khác như Nam Định, Thanh Hóa, Bình Dương đã từ chối tham dự do vấn đề kinh phí.[16] Ngày 19 tháng 2 năm 2022, đội bóng áo tím đã bất ngờ ra thông báo chấm dứt hợp đồng với Park Choong-kyun ngay trước thềm V-league 2022, nguyên nhân được cho là chiến thuật và lối chơi của vị HLV này không hợp với đội bóng áo tím cùng với đó là sự bất đồng giữa ông với ban lãnh đạo và một số cầu thủ trong đội.
Người được chọn thay thế ông Park là trợ lý Chun Jae-ho, người đặt kỳ vọng vào lối chơi tấn công đẹp mặt nhưng thực tế lại chọn lối chơi thực dụng. Đội bóng áo tím đã khởi đầu mùa giải 2022 một cách chậm chạp khi liên tục đánh rơi điểm số trước các đối thủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định hay SHB Đà Nẵng, thậm chí ngay giữa giai đoạn lượt đi, đội bóng áo tím cũng đã nói lời chia tay với ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam - Nguyễn Quang Hải khi anh quyết định tới Pháp đầu quân cho CLB Pau FC ở Ligue 2. Tuy nhiên, đội bóng áo tím lần lượt vượt qua những đối thủ trực tiếp như Hoàng Anh Gia Lai, Hải Phòng hay Topenland Bình Định để kết thúc lượt đi ở vị trí đầu bảng với cách biệt 5 điểm so với đội xếp sau. Trong giai đoạn lượt về V-league 2022, đội bóng áo tím lại liên tục sảy chân trước hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp cho ngôi vô địch là thất bại 0-3 trước Topenland Bình Định ngay tại sân Hàng Đẫy hay trận thua 3-2 trước Hải Phòng khiến khoảng cách với nhóm bám đuổi bị rút ngắn xuống còn 2 điểm. Ở lượt trận áp chót, đội bóng áo tím thắng thuyết phục 2-0 trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh qua đó lên ngôi vô địch Night Wolf V-league 2022. Có ý kiến cho rằng trọng tài đã có những quyết định bất lợi cho các đối thủ của đội bóng áo tím. Ở chung kết Giải bóng đá Cúp Quốc gia 2022, đội bóng áo tím đã lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Câu lạc bộ bóng đá Topenland Bình Định với tỷ số 2-0 để lần thứ 3 liên tiếp lên ngôi vô địch.
Thời kỳ Božidar Bandović
Ngày 04/01/2023, đội bóng áo tím đã bổ nhiệm ông Božidar Bandović làm HLV trưởng từ mùa giải 2023 với bản hợp đồng có thời hạn 1 năm.[17]
Ngày 29/01/2023 dưới sự dẫn dắt của HLV Božidar Bandović, CLB Hà Nội đã vượt qua CLB Hải Phòng với tỉ số 1-0 để dành Siêu cúp quốc gia lần thứ 5 trong lịch sử CLB.[18]
Trang phục thi đấu
Giai đoạn | Hãng trang phục | Nhà tài trợ in lên áo | ||||
---|---|---|---|---|---|---|
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | ||
2006–2010 | không có | T&T Group | không có | không có | không có | không có |
2011–2013 | Kappa | |||||
2014 | BSH | Otran | Artexport | |||
2015 | Tân Hoàng Minh Group | Artexport | không có | |||
2016 | Hòa Bình | |||||
2017–2019 | SCG | Cảng Quảng Ninh | Artexport | |||
2020 | T&T Group | Vinawind | Bamboo Airways | Cảng Quảng Ninh | Artexport | |
2021 | Jogarbola | Gạo AAN | Vinawind | Cảng Quảng Ninh | ||
2022 | BaF Meat | T&T Group | Vinawind | Cảng Quảng Ninh | không có |
Thương hiệu tài trợ trang phục thi đấu:
Nhà tài trợ gắn lên ngực áo:
Sân vận động
Theo thông báo số 537-TB/TU năm 2017 của Thành ủy Hà Nội, Tập đoàn T&T được thí điểm giao quản lý, sử dụng, đầu tư sửa chữa, vận hành Sân vận động Hàng Đẫy.[19] Đội bóng áo tím thi đấu với sân nhà là Sân vận động Hàng Đẫy nằm ở trung tâm thủ đô với sức chứa tối đa 22.500 chỗ ngồi. Điểm nổi bật của Sân vận động Hàng Đẫy là nằm trong trung tâm thủ đô, nhưng điều này cũng khiến cho giao thông khu vực trở nên ách tắc mỗi khi đội nhà thi đấu. Trong một vài sự kiện mà sân Hàng Đẫy được trưng dụng cho các sự kiện khác, đội sẽ chuyển sang thi đấu tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
Mặt sân Hàng Đẫy ban đầu vô cùng mấp mô, xuống cấp nhưng với sự đầu tư của đội bóng áo tím cũng như sức ép từ VPF,[20][21] SVĐ Hàng Đẫy đã chính thức khởi công dự án cải tạo mặt sân cỏ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế kéo dài từ đầu tháng 5/2017 đến tháng 9/2017, hàng ghế hỏng tại khu vực VIP đã được sửa lại, bạt quảng cáo được in và phủ tại những khu vực nguy hiểm hạn chế khán giả. Mặc dù mặt cỏ sân Hàng Đẫy được đánh giá là chất lượng hàng đầu Việt Nam nhưng những hệ thống cơ sở hạ tầng khác đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, khán đài A và B bê tông bị vỡ, để lộ trụ sắt hoen gỉ; Nhà vệ sinh hỏng hóc, vỡ nát nghiêm trọng; phòng kỹ thuật cho bình luận viên đã hư hỏng, cột chiếu sáng không đảm bảo chất lượng, đường pitch xuống cấp và chắp vá.[22]
Đầu năm 2018, tập đoàn T&T đã công bố kế hoạch dỡ bỏ và xây mới lại toàn bộ sân Hàng Đẫy với kinh phí lên đến 250 triệu euro (khoảng hơn 7 ngàn tỷ đồng). Tập đoàn Bouygues (Pháp) đã nhận được nhận gói thầu này và bất đầu thi công từ quý 4 năm 2018. Theo thiết kế, sân Hàng Đẫy mới có 4 tầng hầm, 2 tầng nổi và khán đài tạo thành quần thể văn hoá thể thao và dịch vụ, thay vì chỉ phục vụ cho thể thao như hiện tại. Sân Hàng Đẫy mới dự kiến không còn đường piste, có sức chứa 2 vạn khán giả, có mái che theo tiêu chuẩn FIFA. Đặc biệt, sân thi đấu bóng đá được đặt ở tầng nổi thứ 2, phía trên một loạt công trình dịch vụ, văn hoá như rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện hay hệ thống tầng hầm để xe, phục vụ cho toàn khu vực dân cư kế cận.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật nên cho tới nay dự án này vẫn chưa thể triển khai. Trong đó, sân vận động Hàng Đẫy là một khu vực có các di tích đặc biệt thì phải đảm bảo được các mối quan hệ về bảo vệ hành lang các di tích lịch sử. Việc xây mới sân Hàng Đẫy đi kèm trung tâm thương mại như thiết kế đề xuất có thể làm trầm trọng hơn tình trạng ùn tắc giao thông ở một trong những khu vực có mật độ dân cư cao nhất cả nước.[23] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cho rằng Hà Nội đã có Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình gồm cụm sân vận động Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước, Cung thể thao trong nhà ...nhưng chưa khai thác hết công năng. Vì thế, nên tập trung đầu tư để phát huy hết công năng Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình để tránh lãng phí. Việc giao 3,2 ha đất vàng ở trung tâm Thủ đô cho Tập đoàn T&T theo cơ chế đặc thù, không qua đấu giá, đấu thầu, là sự kiện bất ngờ, cần xem xét lại, tính toán kỹ từ phương diện luật pháp, sự công khai, minh bạch...đến bảo đảm lợi ích chung.[24] Ngoài ra, thiết kế đề xuất cũng không đưa ra được phương án về không gian, lối thoát hiểm dành cho việc sơ tán cổ động viên và những người trong sân trong tình huống xảy ra sự cố. Điều này hết sức khó khăn khi sân Hàng Đẫy nằm trong khu dân cư đông đúc, quá gần trung tâm chính trị Ba Đình, rất khó giải tỏa để có một không gian lớn đủ chỗ cho 2 vạn người cùng sơ tán trong một thời điểm.
Chuyển nhượng
Thời gian mới thành lập, CLB thường xuyên đưa về các bản hợp đồng bom tấn. Tuy nhiên, sau khi hệ thống đào tạo trẻ đi vào hoạt động, đội bóng áo tím ít khi đưa về những cầu thủ thuộc dạng "bom tấn" đối với nội binh nhưng vị trí ngoại binh thì thường xuyên có những cầu thủ có giá trị lớn như Moses Oloya, Geovane Magno, Bruno Cantanhede, Rimario Allando Gordon,...Đồng thời, CLB cũng tích cực mượn hoặc trao đổi các cầu thủ chất lượng từ CLB Quảng Nam, SHB Đà Nẵng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Sài Gòn F.C, trong đó các CLB này sử dụng rất nhiều cầu thủ trẻ do Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ T&T đào tạo. Việc những ngôi sao lớn của đội tuyển quốc gia là Dương Hồng Sơn, Lê Công Vinh hay Phạm Thành Lương chọn gia nhập đội bóng áo tím không chỉ góp phần tăng cường sức mạnh của đội bóng trên sân cỏ mà đó còn là thỏi nam châm thu hút những ngôi sao khác tới. Sau khi Hà Nội F.C của bầu Kiên ngừng hoạt động, Hà Nội T&T đã kế thừa hoàn toàn hệ thống đào tạo trẻ của CLB này, trong đó có nhiều cầu thủ tên tuổi hiện nay như Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy,...Đây là nguồn lực quan trọng để CLB cạnh tranh các vị trí cao ở các giai đoạn sau này.
Ở vị trí ngoại binh, đội bóng áo tím chú trọng tới những cầu thủ đã hoặc đang chơi bóng ở Việt Nam hoặc từ các nền bóng đá phát triển hơn, nhằm tăng cường chất lượng đội hình cũng như nâng cao thành tích của đội khi thi đấu ở các giải quốc nội cũng như châu lục. CLB sử dụng lối chơi chơi ban bật ngắn, nhỏ, nhuyễn nên thường sử dụng những cầu thủ ngoại thiên về kĩ thuật và tư duy chơi bóng hơn là những cầu thủ sức mạnh, điển hình có thể nói tới Gonzalo Marronkle, Pape Omar Faye hay mới đây là Geovane Magno
Hàng năm các cầu thủ trẻ từ các lò vệ tinh của đội bóng áo tím sẽ được đưa lên đội I hoặc sẽ được gọi trở lại sau khi được cho mượn và thi đấu thành công ở các câu lạc bộ có quan hệ mật thiết với đội bóng áo tím, điều này giúp đội bóng luôn sản sinh ra các lứa kế cận với ngày càng chất lượng nhờ việc được đã được thi đấu cọ xát ở V-league trước đó, từ đó đội đã có được những cầu thủ suất sắc luôn góp mặt ở đội tuyển quốc gia trong đội hình như Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Quang Hải hay mới đây là Phạm Tuấn Hải.
Kình địch
CLB bóng đá Hà Nội
CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên (câu lạc bộ nhận chuyển giao của Công an Hà Nội sau khi giải thể vào năm 2002) cho tới trước khi tạm ngừng tham gia đời sống bóng đá cũng là một trong những đối trọng của đội bóng áo tím tại Thủ đô. Trong các trận đấu ở sân Hàng Đẫy luôn xuất hiện tấm băng rôn của Hội Cổ động viên CLB Hà Nội của bầu Kiên - CHF (tiền thân là Hội Cổ động viên của Công an Hà Nội được thành lập năm 1999) với hàng chữ to: "Đây mới là Hà Nội này." Nhiều cổ động viên Thủ đô vẫn không coi đội bóng áo tím là "Hà Nội xịn".[25]
Công an Hà Nội
Sự kình địch giữa hai CLB đã có từ thời CLB của bầu Kiên (đội bóng kế thừa Công an Hà Nội sau khi CAHN giải thể năm 2002). Năm 2022, Công an Hà Nội được tái lập trên cơ sở suất chơi V.League 1 của Công an nhân dân.[26] Dù được tái lập vào tháng 11/2022[27] nhưng nhiều cổ động viên Hà Nội lại coi đội bóng này mới là đội bóng thực sự của Thủ đô. Băng-rôn "Đây mới là Hà Nội này" tiếp tục được CĐV CAHN sử dụng trong các trận đấu của CLB này.[28] Căn cứ quyết định của Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội (nay là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội) năm 1956 về việc thành lập đội bóng Công an Hà Nội thì Công an Hà Nội được chính thức công nhận là đại diện của nhân dân Thủ đô.[29] Sự kình địch giữa hai câu lạc bộ là giữa một bên là đại diện của nhân dân Thủ đô đã chính thức được công nhận (Công an Hà Nội) với một bên là câu lạc bộ đang đi tìm sự thừa nhận (đội bóng áo tím).
Hai câu lạc bộ gặp nhau lần đầu tại Vòng 2, Giai đoạn I, V-league 2023 khi đội bóng áo tím giành chiến thắng 2-0 trước kình địch với bàn thắng của Trần Văn Kiên phút 71 và Nguyễn Văn Quyết phút 82.[30] Tuy nhiên khi tái đấu trong trận lượt về tại Vòng 5, Giai đoạn II, V-league 2023, sau khi cả hai CLB đã có những thay đổi về nhân sự giữa mùa giải, Công an Hà Nội đã giành chiến thắng 2-1 trước đội bóng áo tím với cú đúp của Gustavo Henrique Rodrigues vào các phút 16 và 47, xen giữa là bàn gỡ của tân binh Milan Jevtović bên phía đội bóng áo tím vào phút 23. Qua đó, Công an Hà Nội vươn lên ngôi đầu của bảng xếp hạng với 2 điểm nhiều hơn đội bóng áo tím.[31] Không chỉ mất ngôi đầu, đội bóng áo tím thua kình địch vào đúng trận thứ 350 của mình tại V-league.[32]
Hải Phòng FC
Đội bóng đất Cảng là một trong những đối thủ luôn gây khó dễ mỗi khi chạm trán đội bóng áo tím với lối chơi đầy khó chịu, cuộc đối đầu giữa hai đội luôn có sự quyết liệt ở trên sân và sự đối địch của các CĐV. Đỉnh điểm là mùa V.League 2016 khi đội bóng áo tím vô địch nhờ hơn về hiệu số so với đội bóng đang cạnh tranh gắt gao khi ấy là Hải Phòng. Ngoài ra, các trận đấu còn nóng theo cả "nghĩa đen" ,với pháo sáng là "đặc sản" của đội bóng đất Cảng mỗi khi họ phải làm khách ở sân Hàng Đẫy. Ở mùa giải 2017, CLB Hải Phòng bị kỷ luật phải đá trên sân nhà không có khán giả khi gây rối trong trận đấu với đội bóng áo tím ở vòng 6 V.League. Trận lượt về mùa giải đó, một cơn “mưa” pháo sáng cùng hàng loạt các chai nước đã được ném xuống sân Mỹ Đình (đội bóng áo tím lúc này chọn sân Mỹ Đình làm sân nhà do sân Hàng Đẫy đang tu sửa). Ban kỷ luật VFF đã ra án phạt cấm CĐV Hải Phòng đến sân khách hết lượt đi. Mùa 2018, CLB Hải Phòng tiếp tục bị ban kỷ luật VFF phạt kỷ lục hơn 300 triệu đồng vì có CĐV đốt pháo sáng. Thế nhưng, bất chấp các án phạt trước đó, đến vòng 6 V.League 2019, một lượng pháo sáng rất lớn lại tiếp tục được đốt. Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF cho biết trận đấu giữa đội bóng áo tím và Hải Phòng là trận đấu có lượng pháo đốt "nhiều nhất từ trước đến nay" mà ông chứng kiến. Còn ông Vũ Xuân Thành - Trưởng Ban kỷ luật VFF cho rằng, phải có hàng thùng pháo sáng được CĐV Hải Phòng đưa vào SVĐ.
Theo một CĐV kỳ cựu của Hải Phòng, việc CĐV thích đốt và đốt pháo sáng trên sân của đội bóng áo tím có nguyên nhân sâu xa. Thời còn Hà Nội ACB và Hoà Phát Hà Nội, CĐV Hải Phòng từng bị làm khó khi BTC tăng giá vé. Có những thời điểm, CĐV Hải Phòng lên Hà Nội cổ vũ đã xảy ra va chạm với lực lượng an ninh. Chính những điều đó mới sinh ra hành động rải tiền âm phủ ở các trận đấu tại Hàng Đẫy. Ngoài ra, nhiều CĐV Hải Phòng cũng bức xúc việc bầu Hiển cùng lúc sở hữu và liên quan đến nhiều đội bóng, họ cho rằng đội bóng của họ khó có cửa vô địch ở bất cứ mùa giải nào, kể cả khi thăng hoa nhất. Đã nhiều lần, CĐV Hải Phòng đã căng những tấm băng-rôn để phản đối bầu Hiển. CĐV kỳ cựu này cũng cho hay, pháo sáng đôi khi là một thông điệp mà CĐV Hải Phòng muốn mang đến trong bầu không khí quá khích. Những điều đó đã tích tụ qua các mùa giải và trở thành thói quen của nhiều thế hệ CĐV Hải Phòng.[33]
Trong hơn 10 năm đối đầu ở V.League, Hải Phòng và đội bóng áo tím đã ghi vào lưới của nhau 63 bàn thắng. Tiền đạo Hoàng Vũ Samson của đội bóng áo tím là người ghi nhiều bàn nhất với 12 pha lập công trong những lần 2 CLB đối đầu nhau.[34]
Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là các trận đấu giữa Hải Phòng FC với hai CLB cũng ở Hà Nội là Công an Hà Nội và Viettel luôn diễn ra an toàn và không có sự cố. Điều này cho thấy bóng đá Hải Phòng không hề kình địch với bóng đá Thủ đô mà chỉ kình địch với riêng đội bóng áo tím.
Hoàng Anh Gia Lai
Hoàng Anh Gia Lai và đội bóng áo tím là hai CLB sở hữu lượng cổ động viên đông đảo nhất cả nước, vì vậy mà cuộc đối đầu giữa hai CLB được mệnh danh là "Siêu kinh điển Việt Nam". Trong 27 lần gặp nhau trên tất cả các đấu trường từ năm 2009 đến năm 2020, đội bóng áo tím áp đảo với 14 lần thắng, hòa 6, thua 7. Tuy nhiên, cuộc đại chiến giữa hai đội chỉ bắt đầu được chú ý nhiều hơn từ năm 2018, khi U-23 Việt Nam vừa tạo lập kỳ tích ở Giải vô địch bóng đá U-23 châu Á 2018 và những cái tên hay nhất, được yêu mến nhất của đội tuyển quốc gia đều tập trung ở 2 CLB. Từ đó đến nay, các trận đấu với Hoàng Anh Gia Lai luôn là tâm điểm của truyền thông khi sự cạnh tranh giữa hai đội không chỉ là những diễn biến trên sân mà còn là triết lý phát triển và quản lý bóng đá, với sự tham gia của 2 ông bầu có tiếng Đỗ Quang Hiển và Đoàn Nguyên Đức.[35]
Trái với một bầu Hiển ít khi lên tiếng trên mặt báo, bầu Đức không ngần ngại có những phát ngôn gây sốc, thậm chí công kích cả đối thủ. Tại V.League 2019, khi TP.HCM đang dẫn đầu bảng xếp hạng, ông bầu này phát biểu: “Tôi khẳng định luôn rằng TP.HCM không thể nào vô địch được V.League năm nay vì họ là một đội, làm sao đối đầu với 5 đội bóng. 5 thằng ốm đánh một thằng mập thì thằng mập làm sao mà chịu nổi. Tôi dám chắc CLB TP.HCM có mua Messi về cũng không thể vô địch V.League năm nay”. Kết quả là năm đó đội bóng áo tím có lần thứ 5 vô địch quốc gia, và câu chuyện "5 thằng gầy đánh một thằng béo" của bầu Đức trở thành đề tài tranh luận và công kích lẫn nhau của CĐV hai đội, làm tăng tính chất quyết liệt mỗi khi 2 đội gặp nhau. Pháo sáng và cảnh tượng ném chai lọ đã từng xuất hiện trong trận đấu giữa hai đội.[36]
Những cái đầu nóng không chỉ xuất hiện giữa các cầu thủ, cổ động viên mà đã có lần lan sang cả ban huấn luyện.[37] Do tính chất căng thẳng của cặp đấu nên nhiều lần các quyết định của trọng tài đã gây tranh cãi, làm ảnh hưởng đến cục diện và kết quả trận đấu. Như trận Hoàng Anh Gia Lai và đội bóng áo tím tại sân Hàng Đẫy mùa 2018, CĐV đội bóng áo tím đã đốt pháo sáng còn CĐV Hoàng Anh Gia Lai đã ném chai lọ xuống sân.[38]
Nam Định FC
Từ cuối mùa giải 2018, Nam Định trở thành một đối thủ kị dơ, không đội trời chung với đội bóng áo tím. Nguyên nhân được cho là khi cuộc đua trụ hạng giữa Nam Định và XSKT Cần Thơ đang diễn ra quyết liệt, đội bóng xứ Tây Đô lại đang gặp nhiều khó khăn về tài chính thì rộ tin bầu Hiển treo thưởng 3 tỷ đồng nếu Cần Thơ trụ hạng thành công. Sự việc khiến cho các cầu thủ, ban huấn luyện và các CĐV thành Nam tức giận[39]; nhiều CĐV Nam Định bắt đầu học theo Hải Phòng đốt pháo sáng ở sân Hàng Đẫy nhằm trả thù đội bóng áo tím.[40] Đỉnh điểm là ở vòng 22 V.League 2019, trong trận đấu mà đội bóng áo tím đã thắng Nam Định tới 6-1, một quả pháo sáng từ khán đài B của CĐV Nam Định lao về phía khán đài A khiến đám đông không né kịp. Một CĐV nữ không may bị trúng pháo ở phần đùi, chị bị bỏng lưu huỳnh nặng và phải đưa đến bệnh viện phẫu thuật [41]. Hành động quá khích của một bộ phận CĐV Nam Định đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người hâm mộ bóng đá Việt Nam.[42]
Mâu thuẫn giữa hai câu lạc bộ tiếp tục dâng cao vào mùa giải 2020 khi trước trận đấu giữa Nam Định và Quảng Nam - một đội bóng thuộc sở hữu của bầu Hiển, sân vận động Thiên Trường bị yểm bùa. Trong buổi tập làm quen sân vào chiều 11 tháng 7, cổ động viên Nam Định phát hiện trợ lý HLV Quảng Nam dùng một chất màu trắng được cho là “yểm bùa” khung thành Nam Định.[43] Trước đó ở mùa 2019, cũng ở trận gặp Quảng Nam, 1 nữ cổ động viên của Nam Định đã không may qua đời trên đường đến SVĐ nên nhiều cổ động viên khá nhạy cảm với việc yểm bùa.[44] Sau sự cố "yểm bùa", sân vận động Thiên Trường đã được tăng cường mức độ an ninh[45] và đội Quảng Nam sau đó vẫn thất bại 1-0 trước Nam Định.
Chơi ở sân vận động Thiên Trường cũng chưa bao giờ dễ dàng với đội bóng áo tím. Ngay trong mùa giải đỉnh cao 2019, đội bóng áo tím vẫn để thua 0-2 trước Nam Định tại Thiên Trường.[46]
Sông Lam Nghệ An
Sông Lam Nghệ An luôn là một đối thủ khó chơi với đội bóng áo tím. Tương tự các cuộc đấu với CLB Hải Phòng, trận đấu luôn nóng cả ở dưới sân lẫn trên khán đài. Chính Sông Lam Nghệ An là đội đã chấm dứt chuỗi 32 trận bất bại trên sân nhà vào chính dịp sinh nhật của đội bóng áo tím vào mùa giải 2021.[47][48] Năm 2012, Sông Lam Nghệ An đã tạo ra trận thua đậm nhất trong lịch sử đội bóng áo tím khi giành chiến thắng 6-2 ngay tại Hàng Đẫy trước đội chủ nhà. Trong trận đấu đó, số lượng cổ động viên đội khách còn áp đảo số lượng cổ động viên đội nhà.[49] Tại trận đấu giữa hai CLB mùa 2022, Thành Chung của đội bóng áo tím đã khiêu khích cổ động viên Sông Lam Nghệ An sau khi ghi bàn.[50]
Topenland Bình Định
Topenland Bình Định với sự đầu tư mạnh mẽ dần trở thành một đối trọng lớn của đội bóng áo tím trong các cuộc cạnh tranh các danh hiệu quốc nội. Các trận đấu giữa hai câu lạc bộ thường diễn ra kịch tính và hấp dẫn, cũng không thiếu các tình huống gây tranh cãi làm ảnh hưởng đến kết quả sau cùng của trận đấu. Topenland Bình Định cũng là đội bóng thường xuyên có những chiến thắng cách biệt ngay tại sân nhà của đội bóng áo tím. Kết quả thi đấu không như ý đó thường khiến các cầu thủ áo tím có những tình huống mất kiểm soát trên sân, dẫn tới những thẻ phạt và án phạt nguội sau trận đấu.
Thanh Hóa
Thanh Hóa cũng chưa bao giờ là đối thủ dễ dàng của đội bóng áo tím.[51] Phần nhiều các trận đấu thường kết thúc với tỷ số hòa hoặc hơn nhau 1 bàn.[52] Những màn rượt đuổi tỷ số luôn là một phần không thể thiếu trong trận đấu giữa hai đội.[53]
Becamex Bình Dương
Sự so kè giữa đội bóng áo tím với Becamex Bình Dương luôn diễn ra căng thẳng ở các mùa giải.[54] Ở thời kỳ đỉnh cao, Becamex Bình Dương là đội duy nhất đủ khả năng vượt qua đội bóng áo tím để vô địch 2 năm liền bất chấp việc "chỉ có 1 đội". Ngay cả khi đã mất gần hết đội hình "trong mơ", Bình Dương vẫn khiến đội bóng áo tím mướt mồ hôi.[55] Trận đấu của hai đội thường hay xuất hiện những tình huống va chạm trên mức cần thiết với nhau với nhiều thẻ phạt.[56][57]
CLB TP. Hồ Chí Minh
Do là cuộc đấu giữa những câu lạc bộ từ những thành phố lớn nhất cả nước nên các cuộc đối đầu giữa đội bóng áo tím với CLB TP. Hồ Chí Minh luôn diễn ra hết sức kịch tính.[58] Trận đấu ở TP. Hồ Chí Minh cũng luôn diễn ra với những khán đài chật kín. Dưới sân, không thiếu các tình huống trên mức cần thiết nên thẻ phạt luôn là điểm dễ nhận thấy của cặp đấu này.[59] Có thời điểm, cuộc đối đầu giữa hai câu lạc bộ được coi là "siêu kinh điển" của bóng đá Việt Nam.[60] Trận đấu giữa hai đội luôn có những tình huống quyết định gây tranh cãi của các trọng tài, đỉnh điểm là trận đấu mùa 2020, TP.HCM bị từ chối hai tình huống phạt đền, dẫn đến thất bại 0-3.[61]
Khánh Hòa
Trận đấu giữa đội bóng áo tím và Khánh Hòa thường diễn ra căng thẳng và kịch tính. Hoặc cùng đua vô địch hoặc đội bóng áo tím đua vô địch còn Khánh Hòa tránh xuống hạng nên các trận đấu đều diễn ra nảy lửa khi hai CLB luôn muốn đạt kết quả cao nhất để đạt được mục tiêu cả mùa giải của mình.
Thể Công/Viettel
Bên cạnh Công an Hà Nội, Thể Công/Viettel luôn là một đối thủ lớn có trụ sở cùng thành phố với đội bóng áo tím. Thể Công/Viettel tự hào là CLB giàu thành tích nhất Việt Nam với 19 chức vô địch cấp quốc gia trong đó có cùng 6 chức vô địch V-league với đội bóng áo tím. Tuy nhiên, đội bóng áo tím cũng tự hào là một trong những CLB thành công nhất kể từ năm 2018-nay. Hai CLB và Công an Hà Nội luôn cạnh tranh nhau khốc liệt trong nhóm đua vô địch.
Mặc dù Thể Công/Viettel và Công an Hà Nội luôn coi nhau là những đại kình địch nhưng với sự có mặt của đội bóng áo tím, thế chân kiềng của bóng đá Thủ đô thời Thể Công-Công an Hà Nội-Tổng cục Đường sắt đã được tái hiện trong thời kỳ hiện đại. Việc Công an Hà Nội trở lại V-league đã tạo sức ép cực lớn lên cả Thể Công/Viettel và đội bóng áo tím kể cả về mặt chuyên môn lẫn cạnh tranh về danh tiếng khi Công an Hà Nội rõ ràng là một thương hiệu lớn của bóng đá Thủ đô, thậm chí là đại diện của bóng đá Thủ đô được UBND Thành phố Hà Nội công nhận kết hợp với việc câu lạc bộ này đã chiêu mộ hàng loạt hảo thủ của V-league ngay khi mới trở lại.[62]
Nếu Thể Công/Viettel và Công an Hà Nội chỉ nóng ở trên sân nhưng quan hệ giữa cổ động viên hai bên khá hòa nhã thì cổ động viên và chính đội bóng áo tím cũng nhiều lần cà khịa cả Thể Công/Viettel[63] lẫn Công an Hà Nội. Thậm chí, ông Nguyễn Quốc Hội, cựu chủ tịch đội bóng áo tím và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thể thao Hà Nội T&T đã từng trực tiếp ra mặt tranh cãi với các cổ động viên của Thể Công/Viettel ngay tại sân vận động và ở giữa trận đấu.[64]
United City F.C.
Ở khu vực Đông Nam Á, đối thủ kỵ dơ nhất của đội bóng áo tím là Ceres Negros (hiện tại là United City FC) khi đại diện tới từ Philippines từng đả bại đội bóng áo tím 6-2 tại AFC Cup 2017 khiến thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm cay đắng nhìn đối thủ đi tiếp sau đó do thua về hiệu số. Đến AFC Cup 2019, hai đội lại chạm trán nhau ở bán kết khu vực Đông Nam Á, lần này đội bóng áo tím đã giành thắng lợi kịch tính 3-2 chung cuộc và làm nên lịch sử sau đó.
Cổ động viên
Ban đầu, cổ động viên đội bóng áo tím thường là tầng lớp trung niên đi thưởng thức không khí bóng đá ngày cuối tuần. Theo ghi nhận của báo An ninh Thủ đô, Tập đoàn T&T từng phải kêu gọi nhân viên, người thân và đã có thời điểm, đội bóng áo tím còn bỏ tiền thuê CĐV, thuê người đến xem cho khán đài sân Hàng Đẫy đỡ hiu quạnh. Việc phải thuê cổ động viên hay kê khống số lượng cổ động viên đã khiến CLB nhiều lần bị mỉa mai.[65] Thậm chí, trong nhiều trận đấu, số lượng cố động viên đội khách áp đảo lực lượng của đội bóng áo tím ngay tại sân vận động Hàng Đẫy.[66] Thời điểm năm 2013, sau khi CLB Hà Nội của bầu Kiên ngừng tham gia đời sống bóng đá, Hà Nội chỉ còn Hà Nội T&T chơi ở V.League, một người dân gần sân Hàng Đẫy cho biết: "Càng ngày sân Hàng Đẫy càng vắng vì người Hà Nội không mấy gắn bó với đội bóng hiện nay."[67]
Đội bóng có một hội cổ động viên thành lập vào 2015 mang tên Contras Hanoi với đa phần là học sinh, sinh viên hay những người trẻ tuổi hâm mộ đội bóng. Contras Hanoi thường cổ vũ bằng trống và fanchant cùng trống, băng rôn cỡ lớn. Ban đầu, hội cổ động viên có 15 thành viên, tới năm 2018 là hơn 300 thành viên. Hội CĐV này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ cả về tinh thần lẫn tài chính từ ban lãnh đạo đội bóng áo tím.[68]
Lối chơi
CLB chủ trương trung thành với lối chơi kiểm soát bóng, ban bật nhỏ, ngắn đã được duy trì qua nhiều thời huấn luyện viên với khởi đầu từ thời HLV Nguyễn Hữu Thắng rồi được nâng tầm với lối chơi kiểm soát bóng của HLV Phan Thanh Hùng cho tới đỉnh cao của HLV Chu Đình Nghiêm với hai chức vô địch quốc gia liên tiếp, lối chơi tấn công luôn được sử dụng dù cho đội bóng phải đối đầu với những đội bóng mạnh hơn nhiều trong khu vực. Trong phòng ngự, đội sẵn sàng sử dụng các tình huống tiểu xảo hay đá thô bạo để ngăn cản đối phương,[69] thậm chí khiến đối phương chấn thương.[70]
Khi HLV Chun Jae-ho lên nắm quyền vào năm 2022, ông đã không còn sử dụng những đợt tấn công ào ạt, tốc độ cao như thời HLV Chu Đình Nghiêm mà sử dụng lối đá thực dụng và tối đa hóa khả năng kiểm soát thế trận, xử lý trận đấu theo từng tình huống trên sân.
Đội bóng áo tím thường có những pha phối hợp tới ngách trung lộ ở hai biên để tạo khoảng trống ở trung lộ để các tiền đạo hoặc tiền vệ phá xộc thẳng vào vòng cấm của đối phương và khiến đối thủ không kịp bịt khoảng trống. Ngoài ra, HLV Božidar Bandović cũng thường bố trí sơ đồ đội hình 3 hậu vệ với hậu vệ giữa thường dâng cao đôi chút để vừa nhiệm vụ đánh chặn từ xa của một tiền vệ phòng ngự, vừa phát động tấn công lẫn kéo về chơi trung vệ như bình thường. Trong đó, câu lạc bộ áo tím sử dụng việc gây sức ép, áp sát đối phương với cường độ và tốc độ cao ngay trên phần sân đối phương vừa để phá vỡ hệ thống phòng ngự của đối phương, vừa để ngăn chặn đối phương phản công nhanh. Với hàng thủ luôn dâng cao, đội bóng áo tím sử dụng bẫy việt vị để ngăn chặn tiền đạo cắm của đổi phương phối hợp bật tường hoặc sử dụng tốc độ để xâm nhập vòng cấm. Để thực hiện phương án phòng thủ từ xa này, đội bóng áo tím ưa sử dụng các ngoại binh có sức mạnh và khả năng thu hồi bóng từ giữa sẫn cũng như sẵn sàng phạm lỗi để ngăn đối phương phản công nhanh, thậm chí phạm lỗi thô bạo để khiến đối phương ức chế dẫn đến không phối hợp hiệu quả. Trường hợp tiền đạo đối phương quá nhanh và khỏe, hậu vệ đội bóng áo tím sẵn sàng phạm lỗi để ngăn chặn, thậm chí nhiều trường hợp là phạm lỗi thô bạo hoặc tiểu xảo để tiền đạo đối phương suy giảm hoặc mất khả năng thi đấu vì chấn thương.
Đồng thời, đội bóng áo tím luôn cố gắng tận dụng các đường chọc khe bổng hoặc sệt để bỏ bóng đằng sau lưng hàng hậu vệ đối phương, từ đó tiền đạo cắm sẽ dùng tốc độ và khả năng tỳ đè để băng lên để phối hợp bật tường để tuyến tiền vệ hoặc tiền đạo lùi, tiền đạo cánh băng lên xâm nhập vòng cấm hoặc sút xa để ghi bàn hoặc trực tiếp tiền đạo cắm xâm nhập vòng cấm để ghi bàn. Ngoài ra, trường hợp đối phương phòng thủ quá chặt, đội bóng áo tím sẽ để trực tiếp tiền đạo cánh hoặc tiền vệ cánh tạt cánh để tiền đạo cắm ngoại binh phía trong tận dụng chiều cao và khả năng tỳ đè ghi bàn. Trường hợp đối phương phòng thủ nhiều lớp, đội bóng áo tím sẽ sử dụng tuyến tiền vệ và tiền đạo lùi, tiền đạo cánh sử dụng kỹ thuật và tốc độ để di chuyển cơ động khiến hàng thủ đối phương rối loạn rồi chuyền ra biên cho hậu vệ biên băng lên căng ngang hoặc tạt cánh cho cầu thủ bên trong ghi bàn hoặc chính hậu vệ biên sẽ xâm nhập vòng cấm hoặc sút xa. Lối chơi này đòi hỏi các cầu thủ phải giàu thể lực, có tốc độ để theo kịp tình huống bóng cũng như phối hợp nhuyễn để duy trì nhịp độ tấn công cao khiến cho hàng thủ đối phương rồi loạn.
Để duy trì lối chơi này, đội bóng áo tím cần các ngoại binh giàu sức mạnh ở vị trí tiền đạo cắm để kết hợp với sự cơ động của hai hậu vệ biên và tuyến tiền vệ.
Thành tích thi đấu
Thành tích bóng đá trong nước
Thành tích của đội bóng áo tím từ khi đội thành lập | |||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Năm | Hạng đấu | Thành tích | St | T | H | B | Bt | Bb | HS | Điểm | |||
I | II | III | IV | ||||||||||
2006 | Vô địch | ||||||||||||
2007 | Á quân | 10 | 5 | 5 | 0 | 18 | 7 | 11 | - | ||||
2008 | Á quân | 26 | 14 | 9 | 3 | 46 | 24 | 22 | 51 | ||||
2009 | Hạng 4 | 26 | 11 | 6 | 9 | 44 | 35 | 9 | 39 | ||||
2010 | Vô địch | 26 | 14 | 4 | 8 | 35 | 25 | 10 | 46 | ||||
2011 | Á quân | 26 | 13 | 7 | 6 | 51 | 31 | 20 | 46 | ||||
2012 | Á quân | 26 | 13 | 8 | 5 | 43 | 35 | 10 | 47 | ||||
2013 | Vô địch | 20 | 11 | 5 | 4 | 46 | 24 | 22 | 38 | ||||
2014 | Á quân | 22 | 14 | 5 | 3 | 66 | 40 | 26 | 47 | ||||
2015 | Á quân | 26 | 13 | 7 | 6 | 51 | 30 | 21 | 46 | ||||
2016 | Vô địch | 26 | 16 | 2 | 8 | 45 | 28 | 17 | 50 | ||||
2017 | Hạng 3 | 26 | 12 | 10 | 4 | 54 | 31 | 23 | 46 | ||||
2018 | Vô địch | 26 | 20 | 4 | 2 | 72 | 30 | 42 | 64 | ||||
2019 | Vô địch | 26 | 15 | 8 | 3 | 60 | 30 | 30 | 53 | ||||
2020 | Á quân | 20 | 11 | 6 | 3 | 37 | 16 | 21 | 39 | ||||
2021 | Giải đấu bị hủy do COVID-19 | ||||||||||||
2022 | Vô địch | 24 | 15 | 6 | 3 | 47 | 21 | 26 | 51 |
- Vô địch (6): 2010, 2013, 2016, 2018, 2019, 2022
- Á quân (6): 2011, 2012, 2014, 2015, 2020, 2023
- Hạng ba (1): 2017
- Á quân (1): 2008
- Á quân (1): 2007
- Vô địch (1): 2006
Cúp quốc gia
Thành tích tại Giải bóng đá Cúp quốc gia | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Năm | Vòng | Ngày | Sân vận động | Đối thủ | Kết quả (HNFC bên trái) | Thành tích | |
Tỷ số | Chung cuộc | ||||||
2014 | Vòng loại | Đặc cách vào vòng 1/8 | Vòng 1/8 | ||||
Vòng 1/8 | 18/05/2014 | Hàng Đẫy | Đắk Lắk | 0-0 (Pen 3-5) | |||
2015 | Vòng loại | Đặc cách vào vòng 1/8 | Á quân | ||||
Vòng 1/8 | 20/06/2015 | Cẩm Phả | Than Quảng Ninh | 5-2 | |||
Tứ kết | 24/06/2015 | Hàng Đẫy | Hoàng Anh Gia Lai | 2-0 | |||
Bán kết | 05/08/2015 | Hải Phòng | 5-0 | ||||
Chung kết | 26/09/2015 | Gò Đậu | Becamex Bình Dương | 2-4 | |||
2016 | Vòng loại | Đặc cách vào vòng 1/8 | Á quân | ||||
Vòng 1/8 | 10/06/2016 | Hàng Đẫy | Thanh Hóa | 1-0 | |||
Tứ kết | 14/06/2016 | Thiên Trường | Nam Định | 0-0 | 3-1 | ||
20/07/2016 | Hàng Đẫy | 3-1 | |||||
Bán kết | 20/07/2016 | Tam Kỳ | Quảng Nam | 3-2 | 7-5 | ||
03/08/2016 | Hàng Đẫy | 4-3 | |||||
Chung kết | 24/09/2016 | Cẩm Phả | Than Quảng Ninh | 4-4 | 5-6 | ||
29/09/2016 | Hàng Đẫy | 1-2 | |||||
2017 | Vòng loại | Đặc cách vào vòng 1/8 | Vòng 1/8 | ||||
Vòng 1/8 | 04/06/2017 | Hàng Đẫy | Sông Lam Nghệ An | 0-0 (Pen 3-4) | |||
2018 | Vòng loại | 09/04/2018 | Đắk Lắk | 0-0 (Pen 4-2) | Hạng ba | ||
Vòng 1/8 | 28/04/2018 | Sài Gòn | 5-0 | ||||
Tứ kết | 11/05/2018 | Pleiku | Hoàng Anh Gia Lai | 2-2 | 3-3 (Thắng nhờ BTSK) | ||
15/05/2018 | Hàng Đẫy | 1-1 | |||||
Bán kết | 25/07/2018 | Becamex Bình Dương | 3-3 | 3-3 (Thua do BTSK) | |||
11/10/2018 | Gò Đậu | 0-0 | |||||
2019 | Vòng loại | Đặc cách vào vòng 1/8 | Vô địch | ||||
Vòng 1/8 | 30/06/2019 | Hàng Đẫy | Hồng Lĩnh Hà Tĩnh | 3-0 | |||
Tứ kết | 04/07/2019 | Thiên Trường | Nam Định | 4-3 | |||
Bán kết | 27/10/2019 | Hàng Đẫy | Thành phố Hồ Chí Minh | 3-0 | |||
Chung kết | 31/10/2019 | Tam Kỳ | Quảng Nam | 2-1 | |||
2020 | Vòng loại | Đặc cách vào vòng 1/8 | Vô địch | ||||
Vòng 1/8 | 31/05/2020 | Hàng Đẫy | Đồng Tháp | 3-0 | |||
Tứ kết | 11/09/2020 | Xổ số kiến thiết Cần Thơ | 7-0 | ||||
Bán kết | 16/09/2020 | Thành phố Hồ Chí Minh | 5-1 | ||||
Chung kết | 20/09/2020 | Viettel | 2-1 | ||||
2022 | Vòng loại | 07/04/2022 | Hàng Đẫy | Công An Nhân Dân | 4-0 | Vô địch | |
Vòng 1/8 | 11/04/2022 | Hòa Xuân | SHB Đà Nẵng | 2-1 | |||
Tứ kết | 08/09/2022 | Bình Phước | Bình Phước | 5-0 | |||
Bán kết | 23/11/2022 | Pleiku | Hoàng Anh Gia Lai | 2-0 | |||
Chung kết | 27/11/2022 | Hàng Đẫy | Bình Định | 2-0 |
Đấu trường châu lục
Ngày 26 tháng 2 năm 2019, đội bóng áo tím trở thành đội bóng sở hữu trận thắng đậm nhất lịch sử Cúp AFC sau khi hủy diệt Nagaworld của Campuchia với tỉ số 10–0 trên sân Hàng Đẫy[71]
Mùa giải | Giải đấu | Vòng đấu | Đối thủ | Sân nhà | Sân khách | Kết quả |
---|---|---|---|---|---|---|
2011 | Cúp AFC | Vòng bảng | Muangthong United | 0–0 | 0–4 | Hạng 3 bảng G |
Victory | 2–0 | 1–0 | ||||
Tampines Rovers | 1–1 | 1–3 | ||||
2013 | AFC Champions League | Vòng loại 1 | Pune | — | 3–0 | — |
Vòng loại 2 | Muangthong United | — | 0–2 | — | ||
2014 | Cúp AFC | Vòng bảng | Maziya | 5–1 | 2–1 | Nhất bảng F |
Arema | 2–1 | 3–1 | ||||
Selangor | 1–0 | 1–3 | ||||
Vòng 1/8 | Nay Pyi Taw | 5–0 | — | — | ||
Tứ kết | Erbil | 0–1 | 0–2 | 0–3 | ||
2015 | AFC Champions League | Vòng loại 1 | Persib Bandung | 4–0 | — | — |
Vòng loại 2 | FC Seoul | — | 0–7 | — | ||
2016 | AFC Champions League | Vòng loại 1 | Kitchee | 1–0 | — | — |
Vòng loại 2 | Pohang Steelers | — | 0–3 | — | ||
2017 | AFC Champions League | Vòng loại 1 | Kitchee | — | 2–3 | — |
2017 | Cúp AFC | Vòng bảng | Ceres–Negros | 1–1 | 2–6 | Nhì bảng G |
Felda United | 4–1 | 1–1 | ||||
Tampines Rovers | 4–0 | 2–1 | ||||
2019 | AFC Champions League | Vòng loại 2 | Bangkok United | — | 1–0 | — |
Vòng loại 3 | Sơn Đông Lỗ Năng | — | 1–4 | — | ||
2019 | Cúp AFC | Vòng bảng Khu vực ĐNÁ | Nagaworld | 10–0 | 5–1 | Nhất bảng F |
Tampines Rovers | 2–0 | 1–1 | ||||
Yangon United | 0–1 | 5–2 | ||||
Bán kết Khu vực ĐNÁ | Ceres Negros | 2–1 | 1–1 | 3–2 | ||
Chung kết Khu vực ĐNÁ | Becamex Bình Dương | 1–0 | 1–0 | 2–0 | ||
Bán kết Liên khu vực | Altyn Asyr | 3–2 | 2–2 | 5–4 | ||
Chung kết Liên khu vực | Câu lạc bộ 4.25 | 2–2 | 0–0 | 2–2 (a) | ||
2023–24 | AFC Champions League | Vòng bảng | Vũ Hán Tam Trấn | – | – | |
Pohang Steelers | – | – | ||||
Urawa Red Diamonds | – | – |
Danh hiệu Nhà nước khen tặng
Ngoài ra, đội còn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.
U-21
U-19
Tranh cãi
Một ông chủ nhiều đội bóng
Một ông chủ nhiều đội bóng là vấn đề gây tranh cãi nhất liên quan đến đội bóng áo tím. Ngày 5 tháng 7 năm 2019, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai đã có bình luận về tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng ở V.League. Khi TP.HCM đang dẫn đầu bảng xếp hạng, nói về cơ hội vô địch của TP.HCM ở mùa giải này, bầu Đức phát biểu: “Tôi khẳng định luôn rằng TP.HCM không thể nào vô địch được V.League năm nay vì họ là một đội, làm sao đối đầu với 5 đội bóng. 5 thằng ốm đánh một thằng mập thì thằng mập làm sao mà chịu nổi". Phát biểu của bầu Đức gây liên tưởng tới ông Đỗ Quang Hiển, hiện là ông chủ, nhà tài trợ đặc biệt của 7 câu lạc bộ tại V.League 1 và V.League 2.[73] Trước đó vào năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức cũng cho rằng tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng sẽ làm giảm động lực đầu tư vào bóng đá Việt Nam.[74] Dư luận nhận định trong 10 năm từ 2009 đến 2019, chỉ hai năm vô địch liên tiếp 2018 và 2019 là đội bóng áo tím thể hiện sức mạnh rõ ràng, nhờ dàn tuyển thủ quốc gia có lúc lên tới 10 người; các chức vô địch còn lại đều có "dấu ấn" của các mối quan hệ điểm số giữa đội bóng áo tím – Đà Nẵng – Quảng Nam - Sài Gòn (là các CLB của bầu Hiển).[75][76] Tuy nhiên, câu chuyện một ông chủ nhiều đội bóng cũng gây nhiều tranh cãi cả trong hai năm 2018 lẫn 2019 với những phát biểu của HLV Nguyễn Văn Sỹ của CLB Nam Định, bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, HLV Chung Hae-song của CLB TP. Hồ Chí Minh hay ông bầu Trịnh Văn Quyết của FLC Thanh Hóa. Thậm chí ông Quyết còn tuyên bố: "Nếu chỉ có một mình FLC Thanh Hoá chắc chắn không thể vô địch". HLV Lê Thụy Hải, người từng 3 lần vô địch với B.Bình Dương nhận định: "Một ông chủ sở hữu hai đội bóng thôi cũng đã khiến các đội vất vả trong cuộc đua đến ngôi vô địch hay xuống hạng rồi, huống gì có đến bốn đội thì sao chịu nổi. Nhiều đội cũng muốn đầu tư và quyết tâm vô địch V.League lắm nhưng nhìn thấy tình trạng một ông chủ bốn đội bóng (dù không rõ ràng) cũng đâm ra do dự…". Mùa giải 2022 cũng gặp điều tiếng khi Ban Tổ chức phải phát cảnh báo về việc một số đội nhường điểm cho nhau.[77] Sau trận thua 0-3 trước đội bóng áo tím tại lượt về mùa giải 2022, bầu Hiển đã xuống động viên và cùng hô quyết tâm trụ hạng với thầy trò CLB SHB Đà Nẵng.[78][79][80] Có luồng dư luận cho rằng, chức vô địch V.league 2022 của đội bóng áo tím cũng có phần từ phía những phán quyết của trọng tài có lợi cho đội bóng áo tím.[81]
Dàn xếp tỷ số
Báo Công an nhân dân nhận định vấn nạn dàn xếp tỷ số ở Việt Nam được cho cũng có liên quan đến vấn đề "một ông chủ nhiều đội bóng", thậm chí chỉ đích danh đội bóng áo tím. Năm 2017, dư luận đặt ra nhiều hoài nghi khi đội bóng áo tím đang tràn trề hi vọng vô địch bất ngờ để Than Quảng Ninh cầm hòa 4-4 trong trận đấu mà đội bóng Thủ đô đã dẫn trước 2 bàn. Đáng nói, tỉ số ấy vừa đủ để Quảng Nam lần đầu tiên lên ngôi vương.[82] Thống kê mùa 2019 cho thấy CLB TP.HCM chỉ giành được 23% điểm từ các đội Đà Nẵng, Sài Gòn, Quảng Nam và Quảng Ninh, trong khi đội bóng áo tím nhận được 13 trong 15 điểm tối đa trước các đội này. Mùa 2017, FLC Thanh Hóa mất 22 điểm trước nhóm "anh em" trong khi Quảng Nam mất 9 điểm.[83]
Được trọng tài thiên vị
Năm 2017, trung vệ Lê Bật Hiếu của CLB Thanh Hóa đã lên tiếng cho rằng các trọng tài luôn ưu ái đội bóng áo tím, làm cầu thủ đối phương ức chế và sai lệch kết quả trên sân.[84] Tại mùa giải 2020, HLV Nguyễn Thanh Sơn (Becamex Bình Dương) cũng cho rằng trọng tài đã thiên vị đội bóng áo tím và làm cầu thủ đối phương ức chế trên sân.[85] Tại mùa giải 2022, HLV Nguyễn Huy Hoàng của CLB Sông Lam Nghệ An cũng cho rằng trọng tài đã mắc những sai lầm nghiêm trọng làm đảo lộn kết quả thi đấu trên sân, giúp đội bóng áo tím chiến thắng.[86] Đài Tiếng nói Việt Nam đã thống kê và cho thấy đội bóng áo tím rất nhiều lần được trọng tài thiên vị chỉ trong riêng mùa giải 2022.[87]
Sau đó tại mùa giải 2023, HLV Vũ Tiến Thành (CLB TP. Hồ Chí Minh) chỉ ra rằng mình đã làm thống kế và nhận thấy trọng tài Nguyễn Đình Thái cầm còi các trận của đội bóng áo tím nhiều một cách bất thường.[88] Trước đó, ông Thành cũng cho rằng ông Nguyễn Quốc Hội (Phó chủ tịch VPF, trước đây là Chủ tịch đội bóng áo tím, cha đẻ của Trưởng đoàn đội bóng áo tím Nguyễn Quốc Tuấn) trừng mắt một cái thì không trọng tài nào dám bắt công bằng.[89] Ông Thành cũng cho rằng CLB TP.HCM liên tục thua đội bóng áo tím là do trọng tài.[90]
Sau trận đấu với đội bóng áo tím tại Hàng Đẫy tại vòng 1, giai đoạn 2 V-league 2023, huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng của Topenland Bình Định cho rằng trận này trọng tài bỏ qua nhiều pha bóng nguy hiểm, mang tính triệt hạ của cầu thủ đội bóng áo tím khiến Phạm Văn Thành vì chấn thương, còn Hà Đức Chinh (đều của đội khách) cũng chịu nhiều pha vào bóng nguy hiểm.[70] Tại vòng 2, giai đoạn 2 V-league 2023, trong trận đấu gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trên Sân vận động Hà Tĩnh, phút 34 khi tỷ số đang là 1-1, Văn Quyết đã lập công để đưa đội bóng áo tím vươn lên dẫn trước 2-1 dù anh đã để bóng chạm tay trước khi ghi bàn nhưng trọng tài không thổi còi và vẫn công nhận bàn thắng.[91] Tại vòng 3, giai đoạn 2 V-league 2023, trong phần họp báo sau trận đội bóng áo tím tiếp Thép Xanh Nam Định trên sân nhà, huấn luyện viên Vũ Hồng Việt của đội khách cho rằng trọng tài đã thổi không đúng ở một số tình huống nhạy cảm gây bất lợi cho Thép Xanh Nam Định.[92] Trong đó, tại phút 64 của trận đấu, Coutinho (Thép Xanh Nam Định) đánh đầu chạm tay Bùi Hoàng Việt Anh (đội bóng áo tím) nhưng trọng tài Lê Vũ Linh nhận định cầu thủ đội chủ nhà không mắc lỗi.[93] Tại vòng 6, giai đoạn 2 V-league 2023, trong trận Đông Á Thanh Hóa tiếp đón đội bóng áo tím trên Sân vận động Thanh Hóa, trợ lý HLV đội chủ nhà Mai Xuân Hợp cho rằng CLB Đông Á Thanh Hóa luôn bị thổi bất lợi, đặc biệt là tình huống dẫn đến bàn thua thứ 2 của CLB.[94]
Cổ động viên
Năm 2018, CĐV của CLB đã khởi đầu hiện tượng ném giấy vệ sinh xuống sân thi đấu,[95] tuy nhiên sau khi hành động này diễn ra trong khuôn khổ trận đấu của U-23 Việt Nam khiến BTC sân Việt Trì mất 4 giờ đồng hồ để dọn dẹp đã gây lên làn sóng tranh cãi.[96] Cuối cùng, VFF ra quyết định cấm hoàn toàn hoạt động ném giấy vệ sinh xuống sân trong khuôn khổ các trận đấu diễn ra ở Việt Nam.
Cổ động viên của CLB từng gây tranh cãi khi phản ứng với quyết định triệu tập các cầu thủ của CLB mình lên đội tuyển quốc gia năm 2021 và cho rằng việc gọi các cầu thủ của đội bóng áo tím lên tập trung ĐTQG có thể khiến chấn thương của họ tái phát hoặc kéo dài.[97] Phía VFF cho rằng việc gọi các cầu thủ thuộc biên chế đội bóng áo tím lên ĐTQG là để kiểm tra, đánh giá tình hình chấn thương để tiện cho điều trị.[98]
Một ý kiến gây tranh cãi khác là đội bóng áo tím nhận phải nhiều phản ứng tiêu cực nhất từ cổ động viên ở Việt Nam. Có nhiều lý do được đưa ra, từ việc thành công của họ bị cho đến từ việc được các đội bóng khác có cùng liên hệ với bầu Hiển nhường điểm hay hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau,[99] hành xử xấu xí trên sân của một số cầu thủ, một bộ phận cổ động viên của câu lạc bộ có phần quá khích khi hành xử với cổ động viên câu lạc bộ khác.[100]
Lùm xùm ngoài sân cỏ
Ngày 9 tháng 3 năm 2008, khi phát hiện ra một nhóm thanh niên có hành vi sử dụng thuốc lắc tại khách sạn Mai Vinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, công an địa phương đã phát hiện trong đó có 5 cầu thủ Hà Nội T&T.[101] Họ cũng bị nghi ngờ đã sử dụng ma tuý.[102] Ngay sau đó, dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, lãnh đạo câu lạc bộ đã có hình thức kỉ luật đối với ban huấn luyện (phạt tiền và khiển trách) và 5 cầu thủ này, trong đó Lê Hoàng Anh Thi, người mua thuốc lắc và rủ rê đồng đội, bị sa thải khỏi đội, 4 cầu thủ khác bị cắt lương, thưởng và treo giò hết tháng 3. Tuy vậy, do sức ép thành tích (ngay sau khi 5 cầu thủ dính líu vào ma tuý đội đã thua trên sân nhà) và đặc biệt là sức ép từ phía đội bóng, lãnh đạo đội đã cho 4 cầu thủ này tiếp tục thi đấu ngay trong tháng 3, chỉ bị treo giò 1 trận.
Lối chơi thô bạo và những hình ảnh không đẹp
Mặc dù đội bóng áo tím luôn cố gắng xây dựng hình ảnh đội bóng thân thiện nhưng những diễn biến trên sân lại không thể hiện được điều đó. Tần suất chơi thô bạo của cầu thủ đội bóng áo tím càng gia tăng khi họ không có được kết quả như ý.[103][104][105] Theo thống kê của VnExpress, đội bóng áo tím là câu lạc bộ đứng đầu về số thẻ đỏ trực tiếp ở V.league (chưa kể án phạt nguội tương đương và nặng hơn thẻ đỏ) trong khoảng thời gian từ 2019-2023. Trong giai đoạn trên, đội bóng áo tím cũng là CLB có 100% số thẻ đỏ là thẻ đỏ trực tiếp trong khi tỷ lệ này của V.league là 50%. Ngoài ra, đội bóng áo tím cũng đứng thứ ba về số điểm kỷ luật của V.league.[106]
Ngay trong mùa giải đầu tiên tham dự V.league (2009), đội bóng áo tím đã phải chịu án kỷ luật khi xảy ra xô xát với CLB XM The Vissai Ninh Bình.[107][108] Mùa giải sau đó (2010), hành động vái lạy trọng tài đã khiến Lê Công Vinh phải chịu án phạt treo giò 6 trận và phạt tiền 10 triệu đồng.[109]. Trong mùa giải 2012, sau khi nhận thẻ vàng vì thúc đầu gối vào lưng của Văn Nhiên (Hoàng Anh Gia Lai), Nguyễn Quốc Long đã chắp tay vái trọng tài, hậu quả là hậu vệ của Hà Nội T&T phải chịu án phạt treo giò 3 trận.[110] Quốc Long sau đó tiếp tục phải chịu án treo giò 5 trận và nộp phạt 20 triệu đồng vì có hành động phi thể thao và xúc phạm tới các phóng viên tác nghiệp trên sân trong khuôn khổ Cúp Quốc gia 2012 trận gặp Sài Gòn Xuân Thành. Cùng trận đấu, Văn Quyết phải chịu án treo giò 2 trận, thủ môn Phạm Ngọc Tú bị phạt 15 triệu đồng, đình chỉ thi đấu 4 trận kế tiếp, HLV thủ môn CLB Hà Nội T&T Trần Tiến Anh cũng bị phạt 5 triệu đồng, cấm chỉ đạo 2 trận tại Cup QG 2013 vì lỗi phản ứng.[111] Trong mùa giải này còn có tình huống rợn người khác khi Samson của Hà Nội T&T “đáp” gầm giày xuống mặt Huy Hoàng để trả đũa khiến trung vệ người Nghệ An bất tỉnh trên sân.[112] Trong mùa giải 2013, Cao Sỹ Cường phải nhận thẻ đỏ vì lao thẳng người vào Lê Hoàng Thiên (HAGL).[113] Sau đó, Quốc Long đã nhảy bổ lên, dùng rất nhiều lời nói phản cảm và lao vào định “sống mái” với trọng tài dẫn đến án phạt treo giò 2 trận đấu liên tiếp và nộp phạt 5 triệu đồng. Mùa giải sau đó, Hoàng Vũ Samson đã đánh nhau với 3 cầu thủ Hải Phòng trên sân.[114] Trong khuôn khổ trận tranh Siêu Cup cùng năm, trợ lý Văn Sỹ Sơn đã dọa đấm trọng tài Đinh Văn Dũng "thụt còi vào mồm", còn Bầu Hiển cũng xuống sân mắng té tát trọng tài và các cộng sự.[115][116]. Mùa giải 2015, cầu thủ đội bóng áo tím đã xô xát với cầu thủ HAGL [117] trong khi Dương Thanh Hào khiến Abass (B.Bình Dương) gãy chân trong trận chung kết Cúp quốc gia 2015.[118]
Trong mùa giải 2016 sau khi đổi tên, Văn Quyết đã xô ngã trọng tài trong trận gặp Sanna Khánh Hòa khiến cầu thủ này bị treo giò 5 trận, phạt 15 triệu và không được triệu tập lên ĐTQG.[119]. Mùa giải sau đó, Hoàng Vũ Samson gây phẫn nộ khi bỏ bóng đạp thẳng vào đầu gối của Châu Ngọc Quang (HAGL). Trong trận thua 2-6 trước Ceres Negros trong khuôn khổ AFC Cup, cầu thủ này còn đấm gục hai cầu thủ đối phương khiến Tổng giám đốc VPF phải rầu rĩ thốt lên: "Thật xấu hổ cho bóng đá Việt Nam".[120]. Ngoài ra, Sầm Ngọc Đức đã có pha vào bóng đầy ác ý bằng cả hai chân trúng ống đồng chân phải của Nguyễn Anh Hùng (Hải Phòng).[121][122]
Bước vào giai đoạn đỉnh cao từ mùa giải 2018, hình ảnh HLV trưởng Chu Đình Nghiêm nóng nảy và lao vào sân định "ăn thua" với trọng tài Ngô Duy Lân sau khi "vua áo đen" truất quyền thi đấu của đội trưởng Phạm Thành Lương cũng vì lỗi lăng mạ trọng tài khiến nhiều người cho rằng đội bóng áo tím đã mất điểm nghiêm trọng trong mắt công chúng.[123] Mùa giải sau đó, một lần nữa HLV Chu Đình Nghiêm lại lăng mạ trọng tài và bị cấm chỉ đạo 2 trận.[124][125]. Trong mùa giải 2020, hình ảnh các cầu thủ và ban huấn luyện đội bóng áo tím bao vây, phản ứng thiếu văn hóa, hành động thiếu văn minh với tổ trọng tài lại tiếp tục làm CLB mất điểm trong mắt người hâm mộ.[126]
Thống kê cho thấy sau 8 vòng đấu đầu tiên của mùa giải 2021, đội bóng áo tím đã nhận đến 16 thẻ vàng, 1 thẻ đỏ kèm 2 án phạt nguội vì lối đá có phần thô bạo.[127] Mùa giải sau đó, Duy Mạnh đã thể hiện lối chơi xấu xí với 2 tình huống gồm bỏ bóng đá người đối với tiền đạo Rafaelson (Bình Định) trong vòng 16,50m và pha giật cùi chỏ khiến Jaemie Lynch (Bình Định) phải nằm sân.[128]
Trong trận tranh Siêu cúp Quốc gia năm 2023, Duy Mạnh cũng đã đạp thẳng vào đỉnh đầu Việt Hưng.[129] Sau khi xâm phạm thân thể của trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành bằng hình thức thúc củi chỏ vào ngực trọng tài và phải nhận thẻ đỏ từ trọng tài chính Nguyễn Mạnh Hải trong trận gặp Bình Định tại Vòng 7, V.league 2023, đội trưởng Văn Quyết của đội bóng áo tím bị Ban kỷ luật VFF ra án phạt kịch khung với việc treo giò 8 trận và phạt 40 triệu đồng.[130][131][132] Ban Giải quyết khiếu nại VFF sau đó cũng đã quyết định không giảm án phạt với nhận định đây là lỗi cố ý, không kìm nén được bức xúc cá nhân, không kiểm soát được bản thân, dẫn tới có hành vi xâm phạm thân thể trọng tài, là hành vi nhạy cảm, gây bất bình trong dư luận, làm xấu hình ảnh bóng đá trong xã hội và người hâm mộ, uy tín của giải, đạo đức tư cách và hình ảnh đẹp của các cầu thủ.[133][134] Tại trận U-23 Việt Nam gặp U-23 Philippines trong khuôn khổ Bảng C Giải U-23 Đông Nam Á 2023, Nguyễn Văn Trường của đội bóng áo tím sau khi bị phạm lỗi đã liên tục trả đũa, tạo ra tình huống hỗn loạn trên sân. Sau khi vãn hồi trật tự, trọng tài dành cho Nguyễn Văn Trường và Faris (Philippines) mỗi người một thẻ vàng nhưng Văn Trường dường như không cam tâm nên đến bù giờ anh lại có hành vi phi thể thao với Faris.[135][136] Thậm chí, Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn muốn thay Văn Trường ra sân ngay lập tức do hành động phi thể thao của cầu thủ này nhưng không thể do đội đã hết quyền thay người. Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: "Bóng đá là bóng đá chứ không phải đánh nhau".[137][138]
Các cầu thủ
Đội hình hiện tại
- Tính đến mùa giải 2023-24
Ghi chú: Quốc kỳ chỉ đội tuyển quốc gia được xác định rõ trong điều lệ tư cách FIFA. Các cầu thủ có thể giữ hơn một quốc tịch ngoài FIFA.
|
|
- 12: Năm 2017, đội bóng quyết định treo vĩnh viễn chiếc áo số 12. Số áo này được dành tặng cho các cổ động viên như một lời tri ân và coi họ là một phần của đội bóng.
Các cầu thủ khác
Ghi chú: Quốc kỳ chỉ đội tuyển quốc gia được xác định rõ trong điều lệ tư cách FIFA. Các cầu thủ có thể giữ hơn một quốc tịch ngoài FIFA.
|
|
Đội trẻ
Ghi chú: Quốc kỳ chỉ đội tuyển quốc gia được xác định rõ trong điều lệ tư cách FIFA. Các cầu thủ có thể giữ hơn một quốc tịch ngoài FIFA.
|
|
Quan chức đội bóng hiện tại
Chức vụ | Tên |
---|---|
Chủ tịch Câu lạc bộ | Đỗ Vinh Quang |
Giám đốc điều hành kiêm Trưởng đoàn | Nguyễn Quốc Tuấn |
Giám đốc kỹ thuật | Hoàng Văn Phúc |
Huấn luyện viên trưởng | Božidar Bandović |
Trợ lý Huấn luyện viên | Srđan Stojčevski |
Nguyễn Tiến Dũng | |
Lê Đức Tuấn | |
Huấn luyện viên Thủ môn | Nguyễn Thế Anh |
Huấn luyện viên Thể lực | Bruno Luis Inarra |
Bác sĩ | Nguyễn Đức Thiện |
Vũ Thành Luân | |
Phiên dịch | Văn Bá An |
Hậu cần | Nguyễn Văn Đức |
Thành viên nổi bật
Quả bóng vàng Việt Nam
Cầu thủ đoạt giải Quả bóng vàng Việt Nam khi đang chơi cho Đội bóng áo tím:
- Dương Hồng Sơn - 2008
- Phạm Thành Lương - 2014, 2016
- Nguyễn Quang Hải - 2018
- Đỗ Hùng Dũng - 2019
- Nguyễn Văn Quyết - 2020, 2022
Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất
Cầu thủ đoạt giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất khi đang chơi cho Đội bóng áo tím:
- Nguyễn Văn Quyết - 2010, 2011
- Đoàn Văn Hậu - 2017, 2018, 2019
- Bùi Hoàng Việt Anh - 2020
Vua phá lưới V.League
- Gonzalo Marronkle - 2014
- Hoàng Vũ Samson - 2013, 2014
- Ganiyu Bolayi Oseni - 2018
- Pape Omar Faye - 2019
Các huấn luyện viên trong lịch sử
|
Logo của câu lạc bộ
-
2006–2009
-
2010–2016
-
2017
-
2018
-
2019
-
2020–2022
-
2023-nay
Xem thêm
Tham khảo
- ^ “CLB bóng đá Hà Nội hoàn tất lực lượng mùa giải 2023”. hanoifc.com.vn. 1 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Công bố lịch thi đấu CLB bóng đá Hà Nội mùa giải 2023”. hanoifc.com.vn. 26 tháng 12 năm 2022.
- ^ “Hà Nội T&T đổi tên, được giao quản lý sân Hàng Đẫy”. VnExpress. ngày 21 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2019.
- ^ VFF (10 tháng 11 năm 2006). “Kết thúc giải bóng đá hạng Ba toàn quốc 2006: T&T Hà Nội và Quân Khu 9 giành quyền thăng hạng!”. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
- ^ Quốc Bảo (17 tháng 8 năm 2008). “Quân Khu 4 và T&T Hà Nội thăng hạng”. Báo Tuổi trẻ online.
- ^ Hoàng Hà (27 tháng 12 năm 2007). “T & T Hà Nội: 20 tỷ đồng cho mục tiêu V-League”. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử.
- ^ “Nan giải câu chuyện "một ông chủ, nhiều đội bóng"”. Đại đoàn kết. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Ha Noi T&T face changes when V.League starts up”. vietnamnews.vn. Vietnam News. ngày 15 tháng 2 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2016.
- ^ Lâm Thỏa (21 tháng 12 năm 2016). “Hà Nội T&T đổi tên, được giao quản lý sân Hàng Đẫy”. VnExpress.net. Truy cập 21 tháng 12 năm 2016.
- ^ L.T (20 tháng 12 năm 2016). “CLB Hà Nội T&T đổi tên, trực tiếp quản lý sân Hàng Đẫy”. Báo Dân trí (dantri.com.vn). Truy cập 21 tháng 12 năm 2016.
- ^ “Câu lạc bộ bóng đá Công an Hà Nội - Nơi hội tụ của những tuyển thủ quốc gia và nhiều cầu thủ tài năng khác”. congan.hanoi.gov.vn (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Hà Nội T&T kỷ niệm 10 năm thành lập: Từ hiện tượng, thành biểu tượng”. Bóng đá +. ngày 20 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2019.
- ^ thao 247, Thể (3 tháng 4 năm 2021). “Vì sao Chu Đình Nghiêm rời CLB Hà Nội?”. Thể thao 247. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ News, VietNamNet. “Báo VietnamNet”. VietNamNet News. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ VnExpress. “Vì sao Hà Nội FC sa sút?”. vnexpress.net. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ Thanh Nhã (18 tháng 12 năm 2021). “CLB Hà Nội khó được tham dự AFC Cup 2022”. Báo Thể thao & Văn hóa.
- ^ ONLINE, TUOI TRE (4 tháng 1 năm 2023). “Ông Bozidar Bandovic làm HLV trưởng CLB Hà Nội”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “CLB Hà Nội viết tiếp trang sử hào hùng”. vff.org.vn. 29 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2023.
- ^ Văn Chiến (8 tháng 2 năm 2017). “Thí điểm giao Công ty cổ phần Tập đoàn T&T quản lý Sân vận động Hàng Đẫy”. Cổng Giao tiếp điện tử Thành Phố Hà Nội. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2021.
- ^ https://www.facebook.com/baobongda. “Sân Hàng Đẫy cần sớm được sửa chữa, nâng cấp”. Bongdaplus-Báo Bóng đá. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ vpf (28 tháng 11 năm 2016). “Sân Hàng Đẫy cần có kế hoạch tu sửa, nâng cấp sớm”. VPF. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ baotintuc.vn (18 tháng 10 năm 2018). “Sân vận động Hàng Đẫy nứt nẻ, bong tróc sau 60 năm hoạt động”. baotintuc.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ 338806193198259 (19 tháng 4 năm 2018). “Xây mới sân Hàng Đẫy cần giải pháp chống ùn tắc giao thông và bảo vệ di tích lịch sử”. nhadautu.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.Quản lý CS1: tên số: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ “"Bài toán" Sân vận động Hàng Đẫy!”. https://dangcongsan.vn (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Thành Lương và giấc mơ người Hà Nội”. VTC News. 29 tháng 12 năm 2012.
- ^ “CLB Công an Hà Nội tại V.League 2023: Tham vọng và kỳ vọng”. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ https://www.anninhthudo.vn/clb-bong-da-cong-an-ha-noi-huyen-thoai-tro-lai-post537162.antd
- ^ “Tiếng nói của tham vọng”. VOV2. 8 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Nhớ về một tượng đài – Đội bóng đá Công an Hà Nội”. TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ https://vtv.vn/bong-da-trong-nuoc/vong-2-vleague-2023-clb-ha-noi-2-0-cong-an-ha-noi-van-quyet-toa-sang-2023020918553882.htm
- ^ https://tienphong.vn/danh-bai-clb-ha-noi-cahn-chiem-ngoi-dau-v-league-post1557924.tpo
- ^ https://vov.vn/the-thao/cot-moc-dac-biet-cho-ha-noi-fc-o-tran-dau-voi-clb-cong-an-ha-noi-post1037344.vov
- ^ “Vì sao CĐV Hải Phòng thích đốt pháo sáng ở sân Hàng Đẫy?”. laodong.vn. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ “Hải Phòng vs Hà Nội FC: Ai là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử đối đầu?”. https://bongdaplus.vn/. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2021. Liên kết ngoài trong
|publisher=
(trợ giúp) - ^ “Bầu Đức đã muốn thắng bầu Hiển sau 12 năm”. Báo Thanh Niên. 15 Tháng tư 2021. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ bongda24h.vn (6 Tháng tư 2018). “CĐV Hà Nội đốt pháo sáng, fan HAGL ném chai lọ xuống sân”. Tin bóng đá 24h. Truy cập 8 Tháng sáu 2021.
- ^ “Nổi nóng ở sân Pleiku, HLV Chu Đình Nghiêm xin lỗi người hâm mộ”. laodong.vn. Truy cập 8 Tháng sáu 2021.
- ^ Bongda24h (6 tháng 4 năm 2018). “CĐV Hà Nội đốt pháo sáng, fan HAGL ném chai lọ xuống sân”. Tin bóng đá 24h. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ News, V. T. C. (29 Tháng chín 2018). “HLV Văn Sỹ 'đá xoáy' chuyện bầu Hiển treo thưởng 3 tỷ đồng cho Cần Thơ”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ “CĐV Nam Định đốt pháo sáng để trả thù Hà Nội FC?”. https://xemdabanhhd.com/. Truy cập 16/09/2019. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|access-date=
(trợ giúp); Liên kết ngoài trong|publisher=
(trợ giúp) - ^ “CĐV Nam Định đốt pháo sáng làm một người bị thương nặng”. Báo Lao Động. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2020.
- ^ “Khởi tố vụ án, triệu tập nhiều CĐV Nam Định điều tra vụ đốt pháo, làm loạn sân Hàng Đẫy”. https://nld.com.vn/. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2021. Liên kết ngoài trong
|publisher=
(trợ giúp) - ^ Trí, Dân. “Sân Thiên Trường bị yểm bùa trước trận CLB Nam Định gặp Quảng Nam?”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ Nam, Đời Sống Việt. “CĐV Nam Định tiết lộ thông tin bất ngờ vụ nghi bị yểm bùa sân Thiên Trường”. doisongvietnam.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ thanhnien.vn (12 tháng 7 năm 2020). “Sau nghi án 'yểm bùa', sân Thiên Trường được tăng cường an ninh”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ Phương Nam (15 tháng 1 năm 2021). “Hà Nội FC có xóa nỗi ác mộng khi làm khách ở Thiên Trường?”. webthethao.vn. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2021.
- ^ https://www.facebook.com/baobongda. “Hà Nội FC 0-1 SLNA: Dứt mạch bất bại 32 trận trên sân nhà”. Bongdaplus-Báo Bóng đá. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ News, V. T. C. (18 Tháng sáu 2020). “Hà Nội FC thua đau SLNA trong ngày sinh nhật, mất kỷ lục bất bại trên sân nhà”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ Hà Nội T&T - SLNA | Thất bại đậm nhất trong lịch sử đội bóng Thủ đô | V.League 2012 | VPF Media, truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023
- ^ “Giúp Hà Nội FC thắng SLNA, Thành Chung "khiêu khích" CĐV xứ Nghệ?”. Báo điện tử báo Nông thôn Ngày nay. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ “Toàn cảnh chiến thắng "căng như dây đàn" của Hà Nội FC trước Thanh Hóa”. VOV.VN. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ “Kết quả bóng đá Hà Nội FC 3-2 Thanh Hóa: Nghẹt thở trên sân Hàng Đẫy!”. Báo Thanh Niên. 18 Tháng ba 2021. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ “Hà Nội FC nối dài mạch bất bại sau màn rượt đuổi tỷ số căng thẳng - Bóng Đá”. www.bongda.com.vn. 26 Tháng năm 2018. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ thao 247, Thể (23 Tháng một 2021). “Hà Nội thua ngược Bình Dương, xuống đáy BXH V.League”. Thể thao 247. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ Triệu Vân (24 tháng 10 năm 2020). “CLB Hà Nội và sự công bằng của V.League”. webthethao.vn. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2021.
- ^ “HLV Huỳnh Đức lao vào sân ngăn cầu thủ xô xát”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. 28 tháng 5 năm 2023. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ “Quang Hải xô xát với nhân viên y tế của Bình Dương”. Thể thao 247. 25 tháng 6 năm 2020. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.Quản lý CS1: địa điểm (liên kết)
- ^ “Top 3 trận đấu kịch tính nhất giữa Hà Nội FC và TPHCM”. VOV.VN. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ https://www.facebook.com/baobongda. “TP.HCM 2-2 Hà Nội FC: Kịch tính đến tận cùng”. Bongdaplus-Báo Bóng đá. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ baotintuc.vn (16 tháng 9 năm 2020). “Hà Nội FC - CLB TP Hồ Chí Minh: 'Luận anh hùng'”. baotintuc.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ VTV, BAO DIEN TU (25 tháng 7 năm 2020). “Tranh cãi xung quanh 2 tình huống không thổi phạt penalty trong trận CLB TP Hồ Chí Minh gặp CLB Hà Nội”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ https://laodong.vn/bong-da/ha-noi-fc-va-viettel-truoc-suc-ep-tu-doi-cong-an-ha-noi-1144398.ldo
- ^ https://sport5.vn/ha-noi-fc-ca-khia-viettel-cuc-dau-truoc-tran-derby-thu-do-20210406165532655.htm
- ^ https://vtc.vn/cdv-xin-ve-giua-tran-viettel-cuu-chu-tich-ha-noi-fc-sa-sa-mang-y-thuc-o-dau-ar576067.html
- ^ “Sân có đông vì 'Táo giao thông'?”. nongnghiep.vn. 6 Tháng ba 2014. Truy cập 6 Tháng sáu 2021.
- ^ VietnamPlus (30 Tháng chín 2016). “[Photo] Cổ động viên Than Quảng Ninh "phá đảo" sân Hàng Đẫy - Bóng đá - Vietnam+ (VietnamPlus)”. VietnamPlus. Truy cập 8 Tháng sáu 2021.
- ^ ONLINE, TUOI TRE (3 tháng 3 năm 2013). “Điểm nhấn khán giả”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Hành trình đi tìm sự thừa nhận của CĐV Hà Nội”. laodong.vn. Truy cập 8 Tháng sáu 2021.
- ^ https://vtc.vn/cau-thu-ha-noi-fc-nhan-the-do-vi-sao-cu-thua-cuoc-la-da-xau-ar605538.html
- ^ a b https://vnexpress.net/hlv-binh-dinh-trong-tai-de-cau-thu-ha-noi-fc-da-triet-ha-4630479.html
- ^ thao 247, Thể; Thao 247, Thể. “Thắng 10–0, CLB Hà Nội mở bữa tiệc bàn thắng tại AFC Cup”. Thể thao 247.
- ^ “Hà Nội T&T vô địch giải bóng đá U19 Việt Nam 2011”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2011.
- ^ “Bỗng dưng bầu Đức ám chỉ 5 đội bóng của 1 ông bầu”. laodong.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ http://nghean24h.vn. “Bầu Đức: 'Tôi không trở lại VFF, mong bóng đá Việt Nam trong sạch'”. Nghệ An 24h.
- ^ “Bầu Hiển sở hữu bao nhiêu đội bóng ở Việt Nam?”. thethaovanhoa.vn. ngày 2 tháng 6 năm 2020.
- ^ “Bầu Đức có 'nổ' đâu, Hà Nội FC giúp Quảng Nam FC kìa”. archive.ph. 5 tháng 5 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2022.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ “Sòng phẳng và những dấu hỏi”. laodong.vn. 9 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ thao 247, Thể (30 tháng 10 năm 2022). “Bầu Hiển xuống sân động viên SHB Đà Nẵng sau trận thua trước Hà Nội FC”. Thể thao 247. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ danviet.vn. “Chứng kiến Hà Nội FC thắng đậm, bầu Hiển xuống sân động viên... SHB Đà Nẵng”. danviet.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ https://www.facebook.com/baobongda. “Bầu Hiển động viên SHB Đà Nẵng sau trận thua Hà Nội FC”. Bongdaplus-Báo Bóng đá. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ danviet.vn. “Hà Nội FC xứng đáng vô địch V.League 2022?”. danviet.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ cand.com.vn. “Vẫn nan giải câu chuyện "một ông chủ, nhiều đội bóng"”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2023.
- ^ VnExpress. “Chuyện xin - cho ở V-League”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2023.
- ^ https://danviet.vn/cuu-tuyen-thu-viet-nam-tai-sao-trong-tai-luon-uu-ai-clb-ha-noi-7777754947.htm
- ^ “HLV Bình Dương: 'Chúng tôi ức chế vì trọng tài quá thiên vị Hà Nội'”. Thể thao 247. 25 tháng 10 năm 2020. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.Quản lý CS1: địa điểm (liên kết)
- ^ https://zingnews.vn/slna-lam-don-khieu-nai-trong-tai-sau-tran-thua-clb-ha-noi-post1341078.html
- ^ http://baotnvn.vn/tin-tuc/The-thao/22526/Co-hay-khong-doi-bong-hoang-gia-o-VLeague
- ^ “HLV Vũ Tiến Thành: 'Một nhóm trọng tài bị thao túng'”. Báo điện tử VTC News. 13 tháng 4 năm 2023. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ “HLV TP. HCM: 'Lãnh đạo Hà Nội FC trừng mắt một cái là trọng tài phải sợ hết'”. Thể thao 247. 9 tháng 4 năm 2023. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.Quản lý CS1: địa điểm (liên kết)
- ^ https://zingnews.vn/hlv-vu-tien-thanh-cu-da-voi-clb-ha-noi-la-thua-vi-trong-tai-post1420056.html
- ^ https://thethaovanhoa.vn/vua-tro-lai-sau-an-phat-van-quyet-lap-tuc-ghi-ban-tu-quyet-dinh-gay-tranh-cai-cua-trong-tai-20230722190051315.htm?fbclid=IwAR3ZG5xnqv4bEv9L7S6Z75vWjCD6OXKsMZJV-Hj4LyFBU9c2zS2_siIbE_U
- ^ https://vov.vn/the-thao/hlv-nam-dinh-trong-tai-da-thoi-khong-dung-o-mot-so-tinh-huong-nhay-cam-post1035796.vov
- ^ https://vtc.vn/danh-bai-nam-dinh-clb-ha-noi-tam-gianh-ngoi-dau-bang-v-league-2023-ar809157.html
- ^ https://ithethao.vn/bong-da/v-league/thua-clb-ha-noi-tro-ly-clb-thanh-hoa-khong-hai-long-voi-trong-tai-v-league-tt81268.html
- ^ “Cổ động viên Contras Hà Nội tạo "mưa trắng" bởi... giấy vệ sinh”. laodong.vn. 15 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ ONLINE, TUOI TRE (9 tháng 5 năm 2022). “Tranh cãi nảy lửa về việc ném hàng vạn cuộn giấy vệ sinh trên khán đài sân Việt Trì”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Contras Hà Nội 'tấn công' ông Park Hang-seo vì chấn thương của Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu?”. Báo điện tử Tiền Phong. 5 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “VFF lý giải nguyên nhân ông Park Hang-seo gọi Thành Chung, Đình Trọng khi đang chấn thương”. Báo điện tử Tiền Phong. 15 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Vì sao người hâm mộ quay lưng sân Hàng Đẫy?”. Báo điện tử Tiền Phong. 21 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ Vì sao Hà Nội FC luôn bị nghi ngờ, ghét bỏ dù có công cực lớn với BĐVN ?, truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023
- ^ “5 cầu thủ T & T Hà Nội bị nghi sử dụng thuốc lắc”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2010.
- ^ Trí, Dân. “5 cầu thủ T&T Hà Nội bị bắt khi đang "lắc" thoát y”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ 103797614442908 (8 tháng 4 năm 2021). “Liên tục chơi xấu đối phương, CLB Hà Nội bị NHM ví như 'đội bóng côn đồ' trên sân cỏ”. Sports 442. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.Quản lý CS1: tên số: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ “Sự xấu xí đáng báo động”. Báo Nhân Dân điện tử. 22 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ News, V. T. C. (8 tháng 4 năm 2021). “Cầu thủ Hà Nội FC nhận thẻ đỏ: Vì sao cứ thua cuộc là đá xấu?”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Đội nào nhiều thẻ đỏ trực tiếp nhất V-League 5 năm qua?”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. 19 tháng 4 năm 2023. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ “VFF - Thông báo số 10 giải VĐQG Petro Vietnam Gas 2009”. VFF. 9 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “VFF - Ban kỷ luật LĐBĐVN thống nhất với quyết định kỷ luật các cầu thủ của CLB T&T HN”. VFF. 8 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Đằng sau án phạt treo giò 6 trận của Lê Công Vinh: Khi ngôi sao hờn dỗi...”. https://dangcongsan.vn (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ VnExpress. “Vái trọng tài, hậu vệ Hà Nội T&T lĩnh án treo giò”. vnexpress.net. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Hai tuyển thủ quốc gia nhận án phạt nặng”. cms.baothainguyen.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ danviet.vn. “Những án phạt kỳ quặc của VFF về bạo lực sân cỏ”. danviet.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ News, V. T. C. (2 tháng 3 năm 2013). “Đội bầu Đức thua đau trong trận cầu bạo lực”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ thanhnien.vn (1 tháng 6 năm 2014). “Hai cầu thủ Hải Phòng và Hà Nội T&T 'đấu võ' trên sân”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Bầu Hiển xuống sân mắng trọng tài sau khi đội nhà thua sốc”. ZingNews.vn. 22 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ http://nghean24h.vn. “[Hồi ức] Trọng tài bị bầu Hiển vào sân mắng, trợ lý HLV Hà Nội dọa "đấm thụt còi vào mồm"”. Nghệ An 24h. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Hà Nội T&T xô xát cầu thủ HAGL, thách thức khán giả”. ZingNews.vn. 2 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ VTV, BAO DIEN TU (26 tháng 9 năm 2015). “Thanh Hào khóc ngất khi chứng kiến Abass bị gãy chân”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Văn Quyết bị cấm thi đấu 5 trận, nộp phạt 15 triệu đồng”. VOV.VN. 14 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ baohatinh.vn (29 tháng 4 năm 2017). “Đấm đối thủ, Hoàng Vũ Samson bị AFC phạt cực nặng”. Báo Hà Tĩnh. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ thanhnien.vn (26 tháng 6 năm 2017). “Nguyễn Anh Hùng: Nạn nhân của những pha 'chặt chém' ghê rợn nhất V-League”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Rợn người xem Sầm Ngọc Đức đạp thẳng "ống đồng" Anh Hùng”. Báo điện tử An ninh Thủ đô. 24 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ NLD.COM.VN (13 tháng 5 năm 2018). “CLB Hà Nội từ sự cố trọng tài: Xây 10 năm, phá 1 giờ”. https://nld.com.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Bầu Hiển có dám loại bỏ hình ảnh xấu xí ở CLB Hà Nội?”. laodong.vn. 14 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “"Miệt thị" trọng tài, HLV Chu Đình Nghiêm nhận án phạt nặng từ VFF”. Người Đưa Tin. 16 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ News, V. T. C. (5 tháng 11 năm 2020). “HLV chửi tục, cầu thủ hùng hổ dọa trọng tài, Hà Nội FC tiếp tục hoen ố hình ảnh”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Thua Viettel, có một Câu lạc bộ Hà Nội tệ nhất sau nửa thập kỷ”. laodong.vn. 8 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ ONLINE, TUOI TRE (2 tháng 9 năm 2022). “Duy Mạnh đá thô bạo, người hâm mộ bức xúc”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ danviet.vn. “Vào bóng thô bạo với đối thủ, Duy Mạnh có hành động xin lỗi gây hiểu lầm”. danviet.vn. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Văn Quyết bị VFF phạt kịch khung vì 'xâm phạm thân thể' trọng tài”. Báo Điện tử Tiền Phong. 21 tháng 4 năm 2023. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ “Văn Quyết nhận án phạt kịch trần”. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ “Văn Quyết nhận án phạt nặng từ Ban Kỷ luật VFF”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ “Không giảm án cho Văn Quyết”. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ “Văn Quyết bị bác đơn kháng cáo, giữ nguyên án cấm thi đấu 8 trận”. 16 tháng 5 năm 2023. Truy cập 24 tháng 6 năm 2023.
- ^ https://vnexpress.net/tuyen-thu-viet-nam-noi-nong-trong-tran-philippines-4644857.html
- ^ https://vietnamnet.vn/u23-viet-nam-van-truong-co-hanh-dong-khong-dep-hlv-can-phai-chinh-2180951.html
- ^ https://vtc.vn/hlv-hoang-anh-tuan-toi-muon-quen-ngay-tran-dau-nay-ar814729.html
- ^ https://tienphong.vn/hlv-hoang-anh-tuan-khong-vui-muon-quen-chien-thang-cua-u23-viet-nam-post1562675.tpo
- ^ “Danh sách đăng ký thi đấu của đội trẻ Hà Nội tại giải hạng Ba quốc gia 2022”. vff.org.vn. 4 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2022.