Hào Cách

Thân vương nhà Thanh

Hào Cách (chữ Hán: 豪格, tiếng Mãn: ᡥᠣᠣᡤᡝ, Möllendorff: Hooge, Abkai: Houge, 16 tháng 4 năm 1609 - 4 tháng 5 năm 1648), Ái Tân Giác La, là Hoàng trưởng tử của Thanh Thái Tông.

Hào Cách
豪格
Thân vương nhà Thanh
Hòa Thạc Túc Thân vương
Tại vị16361648
Tiền nhiệmTước vị thành lập
Kế nhiệmPhú Thụ
Thông tin chung
Sinh(1609-04-16)16 tháng 4, 1609
Mất4 tháng 5, 1648(1648-05-04) (39 tuổi)
Phối ngẫuxem văn bản
Hậu duệxem văn bản
Tên đầy đủ
Ái Tân Giác La Hào Cách (愛新覺羅 豪格)
Tên hiệu
Thái Nhạc
Thụy hiệu
Hòa Thạc Túc Vũ Thân vương (和碩肅武親王)
Hoàng tộcÁi Tân Giác La
Thân phụHoàng Thái Cực
Thân mẫuKế phi Ô Lạp Nạp Lạt thị

Ông là một trong những Thân vương góp công lớn trong việc đưa Thanh binh nhập quan, thống nhất Trung Quốc. Nhưng vì bị buộc tội ám sát Đa Nhĩ Cổn mà bị cách tước, giam giữ, sau ông tự sát trong ngục. Sau này ông được giải oan, truy phong Túc Thân vương, trở thành 1 trong 12 Thiết mạo tử vương của nhà Thanh.

Thân thế

sửa

Hào Cách sinh vào giờ Tý, ngày 13 tháng 3 (âm lịch) năm Minh Vạn Lịch thứ 37 (1609), là con trai lớn nhất của Kế phi Ô Lạp Nạp Lạt thị. Ông là anh ruột của Lạc Cách (洛格) và Cố Luân Ngao Hán Công chúa (固倫敖漢公主).

Cuộc đời

sửa

Niên thiếu chinh chiến

sửa

Ông là con trai lớn nhất của Hoàng Thái Cực, từ rất sớm đã theo Thái Tông chinh thảo Mông Cổ, Sát Cáp Nhĩ, Ngạc Nhĩ Đa Tư, liên tiếp lập chiến công, được tổ phụ Nỗ Nhĩ Cáp Xích phong Bối Lặc.

Năm Thiên Mệnh thứ 11 (1626), ông cùng với Đại Bối lặc Đại Thiện chinh phạt Mông Cổ Trát Lỗ Đặc bộ. Tại trận chiến này, ông thể hiện cực kỳ xuất sắc, chính tay chém chết Trát Lỗ Đặc Bối lặc Ngạc Trai Đồ (鄂斋图).[1]

Năm Thiên Thông nguyên niên (1627), Hoàng Thái Cực lên ngôi Đại Hãn của Hậu Kim, phát động trận Ninh Cẩm (宁锦之战). Hào Cách đại chiến và đánh bại cùng quân Minh ở Cẩm Châu, sau lại suất quân bảo vệ lương vận ở Tháp Sơn (塔山).

Năm thứ 2 (1628), ông cùng Bối lặc Tế Nhĩ Cáp Lãng chinh phạt Mông Cổ Cố Đặc Tháp Bố Nang (固特塔布囊), sau khi đánh bại hoàn toàn liền thu toàn bộ Bộ lạc.[2]

Năm thứ 3 (1629), vì khó có thể công phá phòng tuyến tại Ninh Cẩm, Hoàng Thái Cực đích thân suất lĩnh quân Bác kỳ, đi đường vòng qua Mông Cổ, đột nhập vào nội địa. Cuộc chiến lần này Hào Cách cũng có tham gia, ông cùng Tam Bối lặc Mãng Cổ Nhĩ Thái bắt đầu tuần tra bến phà Thông Châu, quân Bác kỳ áp sát Kinh sư Bắc Kinh của nhà Minh. Bên ngoài Quảng Cừ môn (广渠门), ông suất lĩnh quân đánh tan viện binh của quân Minh từ Ninh, Cẩm chi viện đến. Sau đó, ông cùng các Bối lặc Nhạc Thác, Tát Cáp Liêm bao vây Vĩnh Bình ở phía đông Bắc Kinh, tấn công Hương Hà.

Năm thứ 5 (1631), trước khi diễn ra chiến dịch Đại Lăng Hà, Mãng Cổ Nhĩ Thái nhân cơ hội đã yêu cầu Hoàng Thái Cực bổ sung thêm tướng sĩ cho kỳ của mình nhưng đã bị Hoàng Thái Cực từ chối. Mãng Cổ Nhĩ Thái bất mãn không kiềm chế được mình đã cãi vã với Hoàng Thái Cực và ẩu đả với người em ruột của mình là Đức Cách Loại, người đã lên tiếng chỉ trích thái độ phạm thượng của ông. Tuy đây chỉ là một hành động bộc trực đặc trưng của các dân tộc du mục nhưng Hoàng Thái Cực nhân cớ đó để thực hiện việc đoạt quyền. Mãng Cổ Nhĩ Thái vì hận Hoàng Thái Cực tước binh quyền của mình nên đã liên kết với chị của mình là Mãng Cổ Tế âm mưu giết Hoàng Thái Cực nhưng chuyện bị bại lộ. Mãng Cổ Nhĩ Thái bị bắt giam và chết trong ngục, còn Mãng Cổ Tế thì bị xử lăng trì. Sau đó, Chính Lam kỳ không ai quản lý nên Hoàng Thái Cực liền giao lại cho con trai của mình là Hào Cách nắm giữ.

Năm thứ 6 (1632), ông lại theo đại quân thảo phạt Sát Cáp Nhĩ bộ, suất lĩnh quân đội tiến nhập biên cảnh nhà Minh, trắng trợn tiến công chiếm đóng các con đường ở Quy Hóa.Tháng 6, ông được phong Hòa Thạc Bối lặc (和硕贝勒).[3]

Năm thứ 7 (1633), Hoàng Thái Cực trưng cầu ý kiến của các đại thần về việc đánh Minh triều, Triều Tiên, Sát Cáp Nhĩ, nên đánh địa phương nào trước. Hào Cách nói:

Cách suy nghĩ của ông và Đa Đạc giống nhau, đều nhận được tán thưởng từ Hoàng Thái Cực. Vì vậy, tháng 8 cùng năm, quân Bác kỳ tấn công Sơn Hải quan.[4]

Năm thứ 8 (1634), ông theo Hoàng Thái Cực từ Tuyên Phủ (宣府) thẳng đến Sóc Châu. Ông cùng Dương Cổ Lợi (扬古利) cùng nhau phá hủy biên tường của nhà Minh, lại chia quân ra từ Thượng Phương bảo (尚方堡) tiến vào nội địa, tấn công Sóc Châu cùng Ngũ Đài sơn. Sau ông lại theo Hoàng Thái Cực tuần tra Đại Đồng, Sơn Tây, đánh bại viện quân của nhà Minh.[5]

Năm thứ 9 (1635), nghe tin Lâm Đan Hãn - vị Đại Hãn cuối cùng của Mông Cổ đã chết, Hoàng Thái Cực phái ông cùng Đa Nhĩ Cổn suất lĩnh 10 vạn quân, đến khu vực Hà Sáo thuộc Hoàng Hà chiêu an dân chúng Sát Cáp Nhĩ. Lần này tiến quân, tiến triển thuận lợi, trước sau chiêu hàng được Na Mộc Chung, Tô Thái Thái hậu - Phúc tấn góa phụ của Lâm Đan hãn - và Ngạch Triết - con trai của Lâm Đan hãn. Khi xưa, Lâm Đan hãn từng có được Ngọc tỷ truyền quốc từ nhà Nguyên, trên có khắc 4 chữ ["Chế cáo chi bảo"; 制诰之宝]. Ông đem ngọc tỷ về dâng cho Hoàng Thái Cực, quần thần liền xin Hoàng Thái Cực theo các Đại hãn triều Nguyên tiến hành quân lâm thiên hạ, đăng cơ trở thành Hoàng đế. Sát Cáp Nhĩ vẫn còn chống đỡ ở Quy Hóa thành, ông một lần nữa suất quân đánh phá vùng biên giới Sơn Tây, hủy Ninh Vũ quan (宁武关), suất quân tiến nhập Đại Châu (代州), Hãn Châu.[6]

Phong Thân vương

sửa

Sùng Đức nguyên niên (1636), tháng 4, Hoàng Thái Cực xưng Đế, với quân công nhiều năm, lại là đích trưởng tử, ông được phong làm Hòa Thạc Túc Thân vương (和硕肃亲王), chưởng quản Hộ bộ. Không lâu sau, vì cùng Nhạc Thác có thái độ bất mãn với Hoàng Thái Cực mà bị hàng tước xuống Bối lặc (贝勒), giải trừ quản lý Hộ bộ, phạt một ngàn lượng bạc. Nhưng rất nhanh ông lại được trọng dụng, cùng Đa Nhĩ Cổn tấn công Cẩm Châu, tiếp tục quản lý Hộ bộ.

Tháng 12, Hoàng Thái Cực lấy lý do Triều Tiên vi phạm minh ước, thân chinh Triều Tiên. Hào Cách cũng cùng theo Hoàng Thái Cực xuất chinh. Ông cùng Đa Nhĩ Cổn từ Khoan Điện (宽甸) tiến vào Trường Sơn khẩu (长山口), đánh hạ Xương Châu (昌州), đại bại quân Triều Tiên tại An Châu, lại cử người đánh bại viện quân của Triều Tiên. Cùng lúc này, Nhạc ThácĐa Đạc đuổi theo Triều Tiên Nhân Tổ Lý Tông đến Nam Hán Sơn thành (南漢山城, 남한산성), và vây khốn Lý Tông tại đây. Đại quân đến đươc Tuyên Truân thôn (宣屯村), dân chúng ở đấy nói rằng: "Tướng quân đóng thủ Hoàng Châu nghe tin Quốc vương bị vây khốn ở Nam Hán Sơn thành đã phái 15 ngàn quân đi cứu viện, đã xuất phát được 3 ngày". Hào Cách liền suất quân thần tốc một ngày một đêm, đuổi đến Đào Sơn, đánh bại viện binh Triều Tiên.[7] Cuối cùng Triều Tiên Nhân Tổ phải đầu hàng nhà Thanh và ký Hòa ước Tam Điền Độ (三田渡, 삼전도), theo đó Lý Tông đã phải dập đầu cúi lạy tới chín lần đối với Hoàng Thái Cực. Tiếp theo, hai Vương tử trưởng của Lý Tông cũng bị đưa tới Trung Quốc như những tù nhân. Triều Tiên trở thành nước phiên thuộc của nhà Thanh vào năm 1636.

Năm thứ 3 (1638), Tháng 9, quân Thanh tiến vào nội địa, Hào Cách suất quân từ Đổng Gia khẩu (董家口) phá biên tường mà vào, đánh bại quân Minh ở Phong Nhuận. Đánh hạ được Sơn Đông, chiêu hàng được Cao Đường, một phen đánh thẳng đến Tào Châu (曹州), lại đánh hạ được Đông Quan[8]

Năm thứ 4 (1639), tháng 4, đại quân khải hoàn về kinh, ông được Hoàng Thái Cực ban thưởng hai con ngựa, một vạn lượng bạc, tiếp tục quản lý Hộ bộ, phục phong Túc Thân vương (肃亲王). Ông lại cùng Đa Đạc đánh bại quân Minh tại Ninh Viễn, trảm đầu Minh tướng Kim Quốc Phượng (金国凤).

Trận Tùng - Cẩm

sửa

Năm thứ 5 (1640), vì để trường kỳ vây khốn Cẩm Châu, Hoàng Thái Cực quyết định cho quân đóng ở phụ cận Nghĩa Châu. Ông phụng mệnh cùng Đa Nhĩ Cổn xây dựng đồn trú ở Nghĩa Châu, cắt đứt mạch đường đến Cẩm Châu, hạ được nhiều thành của quân Minh. Quân Minh bị tập kích nhiều lần liền đem quân phản kích, đánh vào đại doanh Tương Lam kỳ, nhưng đều bị Hào Cách đánh bại. Sau vì ông tự ý đi xa khỏi nơi đóng quân mà bị hàng tước xuống Quận vương (郡王)[9].

Năm thứ 6 (1641), triều đình nhà Minh đã cử một tướng lĩnh có công trong việc trấn áp quân Lý Tự ThànhHồng Thừa Trù, suất lĩnh 13 vạn quân lên quan ải giữ chức vụ "Tổng đốc Kế Liêu" (Kế ChâuLiêu Đông). Dù không thiên về phòng ngự chủ động như Viên Sùng Hoán, Hồng Thừa Trù cũng đã thực hiện nhiều phương án để củng cố và tăng cường tuyến phòng thủ Sơn Hải quan. Dù ở thế "án binh bất động", không có hoạt động quân sự nào đáng kể, quân Minh cũng đủ sức ngăn chặn sự phát triển của quân Thanh xuống phía Nam. Hào Cách đã theo lệnh của Hoàng Thái Cực dẫn Chính Lam kỳ của mình bao vây Cẩm ChâuTùng Sơn cùng với Chính Bạch kỳ của Đa Nhĩ Cổn, Tương Bạch kỳ của Đa Đạc, Tương Lam kỳ của Tế Nhĩ Cáp Lãng, Chính Hồng kỳ của Đại Thiện, Tương Hồng kỳ của Nhạc Thác. Hồng Thừa Trù đột phá vòng vây bất thành, đành cố thủ trong Tùng Sơn thành.[10]

Năm thứ 7 (1642), tướng quân nhà Minh là Hạ Thừa Đức vốn đang bị vây khốn ở Tùng Sơn, lén cho người đến đại doanh nhà Thanh xin hàng. Hào Cách phái hai cánh quân trái phải, dùng thang dây vào thành ngay trong đêm, quân Bác kỳ cứ lần lượt mà vào. Ngay ngày hôm sau, Tùng Sơn bị quân Thanh đánh hạ, bắt sống Hồng Thừa Trù, giết hơn trăm quan quân và hơn ngàn binh lính nhà Minh. Ông tiếp tục tiến quân đến Hạnh Sơn, hội quân với Tế Nhĩ Cáp Lãng, cùng nhau đánh hạ Tháp Sơn. Trận Tùng - Cẩm kết thúc với thắng lợi hoàn toàn của nhà Thanh.

Vì trong đại chiến Tùng - Cẩm có công lớn, ông được phục phong Túc Thân vương, ban thưởng một bộ yên ngựa, bảy thất Mãng đoạn.[11]

Bình định Tứ Xuyên

sửa

Thuận Trị nguyên niên (1644), tháng 4, vì ngôn từ xúc phạm Đa Nhĩ Cổn, ông bị Cố Sơn Ngạch Chân Hà Lạc Hội tố giác, cũng vì vậy mà bị cách tước. Lúc quân Thanh nhập quan, Hào Cách suất lĩnh đại quân vào thành. Tháng 10, nhà Thanh chính thức định đô ở Bắc Kinh, Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn và Thuận Trị Đế đại phong chư Vương, niệm tình Hào Cách có công bình định Trung Nguyên, phục phong cho ông tước vị Túc Thân vương. Cũng mùa đông năm này, ông lĩnh quân tiến vào Sơn Đông, bình định đám thổ khấu ở đây.[12]

Năm thứ 3 (1646), Hào Cách được phong làm "Tĩnh Viễn Đại tướng quân" và Ngô Tam Quế thống soái đại quân Mãn Hán, toàn lực tiến đánh quân đội nông dân Đại Tây. Lúc này tham tướng Dương Triển của nhà Minh đã giành lại các châu huyện ở Xuyên Nam, đưa quân bắc tiến, cùng quân đội của Trương Hiến Trung giao chiến ở trấn Giang Khẩu, huyện Bành Sơn. Trương Hiến Trung đại bại, lui về Thành Đô. Dương Triển dần áp sát mặt nam của Thành Đô, Vương Ứng Hùng lại phái Tằng Anh làm tổng binh, Vương Tường làm tham tướng, liên quân tấn công, ngăn cản quân đội Đại Tây tiến xuống phía đông. Họ tấn công ráo riết quân đội nông dân, uy hiếp nặng nề chính quyền Đại Tây. Đối với việc này, Trương Hiến Trung lấy cứng chọi cứng, kiên quyết đánh trả. Tháng 5, Hào Cách soái quân Thanh chiếm được Hán Trung.

Tháng 7, vì muốn lên Thiểm Tây ở phía bắc nhằm chống lại quân Thanh, Trương Hiến Trung quyết định rời bỏ Thành Đô. Ông giết hết thê thiếp, con trai của ông còn nhỏ tuổi, cũng bị đánh chết. Ông nói với Tôn Khả Vọng: "Ta cũng là một anh hùng, không thể để con nhỏ lại cho người ta cầm tù, ngươi cuối cùng chính là thế tử của ta vậy. Nhà Minh đã 300 năm ở ngôi chính thống, chưa hẳn đã dứt, cũng là ý trời. Con trai của ta, nếu ngươi muốn về với nhà Minh, cũng không phải là hành vi bất nghĩa." Tiếp đó, Trương Hiến Trung chia quân của mình làm 4, rồi mệnh cho "4 vị tướng quân" (Tôn Khả Vọng, Lý Định Quốc, Lưu Văn Tú, Ngải Năng Kì) đều đưa hơn 10 vạn quân tiến đến Thiểm Tây. Giữa tháng 9, Trương Hiến Trung đưa quân rời khỏi Thành Đô, lên phía bắc chống lại quân Thanh. Tháng 11, Trương Hiến Trung đóng quân ở núi Phượng HoàngTây Sung. Quân Thanh dùng phản tướng Lưu Tiến Trung của quân Đại Tây làm hướng đạo tiến vào Xuyên Bắc.

Năm thứ 3 (1646), 26 tháng 11, Hào Cách phái Phó Đô thống Chính Lam kỳ Ngao Bái, trang bị gọn nhẹ để tiến quân, hòng bất ngờ tập kích nghĩa quân. Rạng sáng ngày 27, quân Thanh cùng quân đội của Trương Hiến Trung cách khe Thái Dương đối mặt, lập tức phát động tấn công. Trương Hiến Trung lập tức ứng chiến, chỉ huy quân đội nông dân chia ra mã bộ 2 hướng đánh trả quân Thanh. Bấy giờ, đại quân của Hào Cách vừa đến, sai Tham lĩnh Cách Bố Khố đánh vào cánh phải, Đô thống Chuẩn Tháp tấn công cánh trái của nghĩa quân. Chiến đấu vô cùng kịch liệt, tướng lĩnh nhà Thanh là Cách Bố Khố bị giết chết, quân nông dân cũng tổn thất nặng nề.

Trương Hiến Trung không kịp chuẩn bị, nghe tin binh đến, chỉ khoác trên mình một chiếc áo chẽn dài chừng nửa cánh tay, hông giắt 3 mũi tên, dẫn nha tướng đến bờ sông quan sát hình thế. Lưu Tiến Trung chỉ cho tướng Thanh biết: "Đấy là Bác Đại vương!", tướng Thanh bắn tên ngầm, Trương Hiến Trung không may trúng tên, khi mất chưa tròn 40 tuổi.

Năm thứ 4 (1647), tháng 8, các huyện Tuân Nghĩa, Quỳ Châu, Mậu Châu, Vinh Xương, Long Xương, Phú Thuận, Nội Giang đều lần lượt được bình định. Thế cục tại Tứ Xuyên dần dần ổn định.[13] Vì Tứ Xuyên những năm gần đây luôn xảy ra chiến loạn, xã hội gần như không phát triển, không thể giải quyết vấn đề tiền bạc và lương thực, Hào Cách đành suất lĩnh quân Mãn Hán vượt Thiểm Tây về kinh, lưu lại những hàng tướng nhà Minh là Vương Tuân Thản, Lý Quốc Anh trú thủ Tứ Xuyên.

Bất hạnh qua đời

sửa

Vì bị tố cáo có âm mưu ám sát Đa Nhĩ Cổn, Hào Cách bị cách tước, giam vào ngục.

Năm Thuận Trị thứ 5 (1648), Hào Cách qua đời trong ngục, chung niên 40 tuổi. Sau khi ông mất, một số thê thiếp đều bị Đa Nhĩ Cổn thu lấy.

Năm thứ 8 (1651), Thuận Trị Đế thân chính, xử lý Đa Nhĩ Cổn, lật lại vụ án giải oan cho Hào Cách, đem Hà Lạc Hội lăng trì xử tử. Xét chiến công lúc sinh tiền, Hào Cách được truy thụy Túc Vũ Thân vương (肅武親王), lập bia tưởng niệm.

Năm Càn Long thứ 43 (1778), ông được đưa vào phối hưởng Thái miếu.

Một số sự kiện

sửa

Giết chết Đích Phúc tấn của mình

sửa

Sau khi Mãng Cổ Nhĩ TháiMãng Cổ Tế ám sát Hoàng Thái Cực không thành thì bị bắt giam. Đích Phúc tấn của Hào Cách là Cáp Đạt Na Lạp thị (哈達那拉氏) muốn nhờ Hào Cách xin Hoàng Thái Cực tha tội chết cho Mãng Cổ Tế nhưng vì sợ bị liên quỵ nên Hào Cách đã không đồng ý và lỡ tay giết chết chính thất của mình. Hoàng Thái Cực biết chuyện liền nổi giận lôi đình nhưng không nhẫn tâm trị tội của Hào Cách. Chỉ trừng phạt Hào Cách bằng cách không tận dụng ông trong vị trí lục bộ của nhà Thanh.

Tranh giành ngôi báu

sửa

Sau cái chết của Hoàng Thái Cực năm 1643, Hào Cách và Đa Nhĩ Cổn (em trai của Hoàng Thái Cực) xảy ra cuộc chiến giành ngôi báu. Mặc dù Hào Cách có lợi thế tư cách trưởng tử của Đại hãn, trực tiếp kiểm soát ba kỳ (Chính Hoàng, Tương Hoàng và Chính Lam) do Hoàng Thái Cực trao lại; so với thế lực của Đa Nhĩ Cổn, vốn chỉ khống chế hai kỳ (Chính Bạch và Tương Bạch), nhưng Đa Nhĩ Cổn có uy vọng cao, lại được sự giúp sức của các em ruột của mình (A Tế CáchĐa Đạc), nên có phần lấn lướt.

Trước tham vọng nắm ngôi Đại hãn của Đa Nhĩ Cổn, các Hòa thạc Bối lạc còn lại bèn liên minh với Hào Cách. Với sự liên minh của các kỳ Chính Hồng, Tương Hồng (do Đại Thiện và con trai Thạc Thác quản lý) và Tương Lam (do Tế Nhĩ Cáp Lãng quản lý), cũng như sự ủng hộ từ các đại thần như Sách Ni, Ngao Bái, Át Tất Long, Đồ Nhĩ Cách,... dù binh lực hơn gấp đôi phe Đa Nhĩ Cổn (43.500 người so với 19.500 người), nhưng Hào Cách lại là một người thiếu quyết đoán, chỉ duy trì được thế cục giằng co. Nhưng ngay chính Đa Nhĩ Cổn cũng không thể thực hiện thành công ý định của mình do ảnh hưởng công lao của Hoàng Thái Cực quá lớn, nhiều quý tộc trong 6 kỳ liên minh muốn duy trì được địa vị trong Bát kỳ phản đối. Cuối cùng, giải pháp thỏa hiệp là phò lập con trai thứ 9 của Hoàng Thái Cực mới 6 tuổi là Phúc Lâm (顺治) lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Thuận Trị. Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn và Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng cùng phụ chính.

Bị vu cáo ám sát Đa Nhĩ Cổn

sửa

Mặc dù Thuận Trị Đế nắm quyền, xích mích giữa Hào Cách và Đa Nhĩ Cổn vẫn không chấm dứt. Nhiều người tin rằng Đa Nhĩ Cổn đã sắp đặt cuộc chiến giành quyền lực với Thuận Trị Đế khi Thuận Trị Đế đã sang tuổi trưởng thành nhưng kế hoạch bị bại lộ bởi Đa Đạc, một người em khác của Đa Nhĩ Cổn. Hào Cách bị tướng dưới trướng là Hà Lạc Hội phản bội và vu cáo có ý muốn ám sát Đa Nhĩ Cổn, sau đó Hào Cách bị bắt và ép chết trong ngục.

Gia quyến

sửa

Thê thiếp

sửa

Đích Phúc tấn

sửa

Trắc Phúc tấn

sửa
  • Nạt Lạp thị (納喇氏), con gái của Thai cát Hách Lễ (赫礼).
  • Thạc Long Vũ thị (碩隆武氏), con gái của Đức Nhĩ Hách Lễ Tha Bố Nang (德尔赫礼他布囊).
  • Cát Nhĩ Nhạc Đại thị (吉爾岳岱氏), con gái của Bố Mặc Hỗ Di Cát (布穆祜台吉).
  • Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị (博爾濟吉特氏), em gái Đích Phúc tấn của Đa Nhĩ Cổn và tái giá với ông sau khi Hào Cách qua đời.
  • Đài Ti Na (苔丝娜), nguyên là Đài Ti Na Bá Kỳ Phúc tấn của Lâm Đan hãn, cải giá với Hào Cách sau khi quy thuận nhà Thanh năm Thiên Thông thứ 9. "Bá Kỳ" trong tiếng Mông Cổ là danh xưng dành cho con gái của các Thủ lĩnh Bộ lạc.

Thứ Phúc tấn

sửa
  • Ninh Cổ Tháp thị (宁古塔氏), con gái của Tá lĩnh Tha Khắc Đồ (他克图).
  • Tây Lâm Giác La thị (西林觉罗氏), con gái của Nam tước Ninh Nhĩ Nạp (宁尔纳).
  • Tây Lâm Giác La thị (西林觉罗氏), con gái của Tá Lĩnh Thái Nhĩ Khang (泰尔康).
  • Hoàng thị (黄氏), con của Hoàng Nghiệp Thẫm (朝鲜黄业沁), gốc Triều Tiên, tự thiêu mà chết.
  • Đài Ti Nã (苔丝娜), không rõ gốc gác.

Thứ thiếp

sửa
  • Qua Nhĩ Giai thị (瓜爾佳氏), con gái của Lạc Nhĩ Hách Nạp (乐尔赫纳).
  • Ngưu thị (牛氏), con gái của Chư Nhĩ Mật (诸尔密).
  • Na Lạp thị (那拉氏), con gái của Đặc Mục (特穆).
  • Y Nhĩ Căn Giác La thị (伊爾根覺羅氏), con gái của Hàng Tố (杭素).
  • Vương thị (王氏), con gái của Vương Minh (王明).

Hậu duệ

sửa

Con trai

sửa
  1. Tề Chính Ngạch (齐正额; 1635 - 1677), mẹ là Thứ thiếp Y Nhĩ Căn Giác La thị. Bị đuổi khỏi Hoàng tộc, vô tự.
  2. Quốc Thái (國泰; 1639 - 1701), mẹ là Thứ Phúc tấn Hoàng thị. Được phong Phụ quốc Tướng quân (輔國將軍), sau bị tước. Có bảy con trai.
  3. Ác Hách Nạp (握赫纳; 1640 - 1662), mẹ là Thứ Phúc tấn Hoàng thị. Được phong Phụ quốc Tướng quân (輔國將軍), Có một con trai.
  4. Phú Thụ (富绶; 1644 - 1669), mẹ là Kế Phúc tấn Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị. Năm 1651 được thế tập tước vị của Hào Cách, được phong Hiển Thân vương (显親王). Sau khi qua đời được truy thụy Hiển Ý Thân vương (显懿亲王). Có tám con trai.
  5. Mãnh Nga (猛峩; 1644 - 1674), mẹ là Trắc Phúc tấn Thạc Long Vũ thị. Năm 1657 được phong làm Ôn Quận vương (溫郡王). Sau khi qua đời được truy thụy Ôn Lương Quận vương (溫良郡王). Có ba con trai.
  6. Tinh Bảo (星保; 1644 - 1686), mẹ là Trắc Phúc tấn Ninh Cổ Tháp thị. Được phong làm Đầu đẳng Thị vệ (頭等侍衛). Có ba con trai.
  7. Thư Thư (舒书; 1646 - 1685), mẹ là Thứ thiếp Y Nhĩ Căn Giác La thị. Có bảy con trai.

Con gái

sửa
# Tước hiệu Sinh Mất Mẹ Hôn phối Ghi chú
1 1631 1692 Qua Nhĩ Giai thị Đạt Thế Hiền (達世賢) thuộc Triệu Giai thị.
2 Quận quân 1636 1680 Trắc Phúc tấn Thạc Long Vũ thị Nặc Nhĩ Bố (諾爾布) thuộc Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị.
3 1638 1646 Trắc Phúc tấn Nạp Lạt thị
4 1638 1667 Vương thị Anh Tích Bố (英錫布) thuộc Mã Giai thị.
5 Quận chúa 1638 1652 Trắc Phúc tấn Thạc Long Vũ thị Hoa Thiện (華善), ông nội của Qua Nhĩ Giai thị.
6 1638 1693 Ngưu thị Tôn Chư (孫諸) thuộc Mã Giai thị.
7 Quận quân 1641 1703 Thứ Phúc tấn Hoàng thị Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung (耿精忠). Từng được phong Quận chúa
8 1641 1701 Thứ Phúc tấn Tây Lâm Giác La thị
(con gái của Ninh Nhĩ Nạp)
A Cáp Bố (阿哈布) thuộc Na Lạp thị.
9 1644 1661 Thứ Phúc tấn Tây Lâm Giác La thị
(con gái của Thái Nhĩ Khang)
Bác Lỗi (博磊) thuộc Hách Xá Lý thị.
10 1646 1677 Ngưu thị Sát Bích (察璧) thuộc Y Nhĩ Căn Giác La thị.
11 1646 1692 Thứ Phúc tấn Tây Lâm Giác La thị
(con gái của Thái Nhĩ Khang)
Ngự sử Trương Vấn (張問).

Trong văn hoá đại chúng

sửa
Năm Tác phẩm Diễn viên
1987 Mãn Thanh tập tam hoàng triều

(满清十三皇朝)

Dương Đắc Thời

(杨得时)

1992 Nhất đại Hoàng hậu Đại Ngọc Nhi

(一代皇后大玉儿)

Đại Mạnh Quang

(徐孟光)

2001 Cách cách yêu xuất giá

(格格要出嫁)

Vương Vĩ Quang

(王伟光)

2003 Hiếu Trang bí sử

(孝庄秘史)

Lục Quân

(陆军)

2005 Minh mạt phong vân

(明末风云)

Đinh Chính Dũng

(丁正勇)

2005 Sóng gió Đại Thanh

(大清风云)

Lô Tinh Vũ

(卢星宇)

2008 Thập đại kỳ oan

(十大奇冤)

Lý Tinh

(李晶)

2012 Sơn hà luyến Mỹ nhân vô lệ Vương Kim Đạc

(王今铎)

2012 Thâm cung điệp ảnh

(深宫谍影)

Trương Đan Phong

(张丹峰)

2014 Đại Ngọc Nhi truyền kì Vạn Phái Hâm

(万沛鑫)

Chú thích

sửa
  1. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:肃武亲王豪格,太宗第一子。初从征蒙古董夔、察哈尔、鄂尔多斯诸部,有功,授贝勒。天命十一年,偕贝勒代善等征紥噜特部,斩其贝勒鄂斋图。
  2. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:天聪元年,败明兵於锦州,复率偏师卫塔山粮运。二年,偕济尔哈朗讨蒙古固特塔布囊,诛之,收其众。
  3. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:三年十月,偕贝勒莽古尔泰等视通州渡口,师薄明都,豪格迎击宁、锦援兵于广渠门外,敌伏於右,豪格以所部当之,冲击至城壕,明兵大溃,偕岳讬、萨哈璘围永平,克香河。六年,从伐察哈尔,移师入明边,略归化诸路。六月,进和硕贝勒。
  4. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:七年,诏问征明与朝鲜、察哈尔三者何先,疏言:"征明,如徒得锦州,馀坚壁不下,旷日持久,恐老我师。宜悉我众及边外新旧蒙古从旧道入,谕各屯寨,以我欲和而彼君不答,彼将自怨其主。再用更番法,俟马肥,益以汉兵巨炮,一出宁远,一出旧道,夹攻山海关,不得,则屯兵招谕流贼,驻师通州,待其懈而击之。朝鲜、察哈尔且缓图焉。"八月,略山海关。
  5. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:八年,从上自宣府趋朔州。豪格偕扬古利毁边墙,分兵自尚方堡入,略朔州及五台山,从上视大同,击败明援兵。
  6. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:九年,偕多尔衮等收察哈尔林丹汗子额哲,抵托里图,定盟。还抵归化城,复略山西边郡,毁宁武关,入代州、忻州。
  7. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:崇德元年四月,进封肃亲王,掌户部事。寻坐党岳讬漏上言有怨心,降贝勒,解任,罚银千。旋偕多尔衮攻锦州,仍摄户部。又从征朝鲜,偕多尔衮别自宽甸入长山口,克昌州,败安州、黄州兵於宁边城下。复遣将败其援兵,次宣屯村,村民言:"黄州守将闻国王被围,遣兵万五千往援,行三日矣。"我军疾驰一昼夜,追及於陶山,击败之。
  8. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:三年九月,伐明,自董家口毁边墙入,败明兵於丰润。遂下山东,降高唐,略地至曹州,还下东光。
  9. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:四年四月,师还,赐马二、银万,复摄户部,复原封。又偕多铎败宁远兵,斩明将金国凤。五年六月,偕多尔衮屯田义州,刈锦州禾,克台九、小凌河西台二。明兵夜出袭镶蓝旗营,击败之。又击洪承畴杏山,偕多尔衮围锦州。坐离城远驻,复遣兵还家,降郡王。
  10. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:六年,再围锦州,击松山及山海关援兵,皆败之,获马五百馀。
  11. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:承畴将兵十三万援锦州,破其垒三。上至军,将驻高桥,豪格等恐敌约军夹攻,请改屯松山、杏山间。七年,松山明将夏承德密遣人请降,以其子舒为质,豪格遣左右翼夜梯城入,八旗兵继之,旦,克松山,获承畴及巡抚邱民仰等,斩官百馀、兵千六十有奇。进驻杏山,复偕济尔哈朗克塔山。叙功,复原封,赐鞍马一、蟒缎百。
  12. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:顺治元年四月,以语侵睿亲王多尔衮,为固山额真何洛会所讦,坐削爵。十月,大封诸王,念豪格从定中原有功,仍复原封。其年冬,定济宁满家洞土寇,堙山洞二百五十一。
  13. ^ 《清史稿·卷二百十九·列传六》:三年,命为靖远大将军,偕衍禧郡王罗洛浑、贝勒尼堪等西征。师次西安,遣尚书星讷等破敌邠州,别遣固山额真都类攻庆阳。时贺珍、二只虎、孙守法据汉中、兴安,武大定、高如砺、蒋登雷、石国玺、王可成、周克德据徽县、阶州。师自西安分兵进击,登雷、国玺、可成、克德俱降,馀溃走,下所陷城邑。陕西平。十一月,入四川,张献忠据西充,遣巴牙喇昂邦鳌拜先发,师继进,抵西充,大破之,豪格亲射献忠,殪,平其垒百三十馀所,斩首数万级。捷闻,上嘉奖。四年八月,遵义、夔州、茂州、荣昌、隆昌、富顺、内江、宝阳诸郡县悉定。四川平。

Tham khảo

sửa