Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ


Chuẩn Cát Nhĩ Hãn quốc (chữ Hán: 準噶爾汗國) hay Hãn quốc Zunghar, là một đế quốc du mục trên thảo nguyên châu Á. Hãn quốc nằm trên khu vực được gọi là Dzungaria và trải dài từ cực tây của Vạn Lý Trường Thành đền miền đông Kazakhstan hiện nay, và từ miền bắc Kyrgyzstan hiện nay đến miền nam Siberia, phần lớn lãnh thổ của Hãn quốc nay thuộc địa giới Tân Cương.

Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ
Tên bản ngữ
  • 準噶爾汗國
1634–1758
Đế quốc Chuẩn Cát Nhĩ (khoảng 1750) (đường viền màu lam)
Đế quốc Chuẩn Cát Nhĩ (khoảng 1750) (đường viền màu lam)
Vị thếLiên minh
Thủ đôMột kinh đô tại Ghulja.[1]
Ngôn ngữ thông dụngNgõa Lạt
Tôn giáo chính
Phật giáo
Chính trị
Chính phủQuân chủ
Hãn hay Khong Tayiji 
Lập phápPhong tục tập quán
Bộ luật Mông Cổ-Oirat
Lịch sử
Thời kỳThời cận đại
• Thành lập
1634
• 1619
Ghi chép đầu tiên của Nga về Khara Khula
• 1678
Cát Nhĩ Đan nhận tước hiệu Boshogtu khan từ Đạt-lại Lạt-ma tứ 5
• 1688
Chuẩn Cát Nhĩ xâm lược Khalkha
• 1755
Nhà Thanh xâm chiếm Chuẩn Cát Nhĩ
• Giải thể
1758
Tiền thân
Kế tục
Liên minh Bốn Oirat
Hãn quốc Sát Hợp Đài
Nhà Thanh
Đế quốc Nga
Hiện nay là một phần của Trung Quốc

 Mông Cổ
 Kazakhstan
 Nga

 Kyrgyzstan

Năm 1678, Cát Nhĩ Đan nhận tước hiệu Boshogtu Khan từ Đạt Lai Lạt Ma. Điều này đã khẳng định người Zunghar là bộ tộc lãnh đạo mới của người Oirat (Vệ Lạp Đặc, Mông Cổ Tây). Tuy nhiên, những người lãnh đạo Zunghar mang tước hiệu Khong Tayiji (bắt nguồn từ tước hiệu "Hoàng thái tử") trong khi đất nước của họ thường được gọi là Hãn quốc Zunghar.[2] Sau cái chết của Galdan Boshogtu Khan và Tsewang Rabtan, Hãn quốc suy sụp và bị nhà Thanh sáp nhập vào năm 1756-59.

Từ nguyên

sửa
Chuẩn Cát Nhĩ hãn quốc
Tên tiếng Trung
Phồn thể準噶爾汗國
Giản thể准噶尔汗国
Tên Tây Tạng
Chữ Tạng ཛེ་གུན་གར།།
Tên tiếng Mông Cổ
Tiếng Mông Cổᠵᠡᠭᠦᠨ ᠭᠠᠷ ᠤᠨ ᠬᠠᠭᠠᠨᠲᠣ ᠣᠯᠣᠰ
jegün γar-un qaγan-tu ulus
Tên tiếng Duy Ngô Nhĩ
Tiếng Duy Ngô Nhĩ
جوڭغار
Jongghar

Từ "Dzungar" pha trộn giữa jegün, nghĩa là "trái" hay "đông" và γar nghĩa là "quyền hành" hay "che chở". (Trong tiếng Mông Cổ, "trái" nghĩa là "đông" và "phải" nghĩa là "tây", tương ứng với nhìn về phía nam). Vùng Dzungaria có nguồn gốc tên gọi từ liên minh này. Mặc dù người Zunghar ở phía tây của người Mông Cổ Đông (Khalkha), nguồn gốc tên gọi của họ được cho là do trên thực tế họ đại diện cho phần tả của người Oirat.

Lịch sử

sửa

Nét chính

sửa

Hãn quốc Zunghar được chú ý đến nhiều vì đây là đế quốc du mục thảo nguyên cuối cùng và ảnh hưởng của nó tới tiến trình bành trướng về phía tây của nhà Thanh. Khoảng 1620, người Oirat tiến đến thống nhất tại Dzungaria. Vào khoảng năm 1680, họ chinh phục lòng chảo Tarim ở phía nam. Năm 1688, Galdan đánh bại người Khalkha (Khách Nhĩ Khách hay Mông Cổ Đông), nhiều người trong số đó chạy về phía đông nam đến Nội Mông và trở thành thần dân của người Mãn. Năm 1696, người Mãn đánh bại Galdan gần Ulan Bator, đuổi ông về phía tây và giành lấy quyền kiểm soát đối với Ngoại Mông. Năm 1717, Tsewang Rabtan cử một đội quân đến Tây Tạng, người Mãn đẩy lui người Zunghar và thiết lập quyền bảo hộ tại Tây Tạng. Năm 1750-57, người Mãn tận dụng thời cơ Zunghar đang có nội chiến để chinh phục Dzungaria và tiêu diệt một phần lớn dân cư. Người Mãn tiến về phía nam và sáp nhập lòng chảo Tarim vào năm 1759, như vậy, người Mãn cuối cùng đã hoàn toàn kiểm soát được vùng biên giới phía tây của Trung Quốc hiện nay.

Nguồn gốc

sửa

Những người lãnh đạo của người Zunghar thuộc dòng dõi Choros và tự coi mình là hậu duệ của các taishi Oirat là Toghoon (mất 1438) và Esen Tayisi (cai trị 1438-54). Vào lúc bắt đầu thế kỷ 17, một lãnh đạo trẻ tuổi tên là Khara Khula đã nổi lên để thống nhất người Oirat tiến đánh Sholui Ubashi Khong Tayiji, Altan Khan đầu tiên của người Khalkha, đây là người đã xua đuổi người Oirat khỏi quê hương của họ ở vùng Kobdo tại tây bắc Mông Cổ ngày nay.[3] Vào đầu thời kỳ cai trị của mình, Khara Kula đã thống nhất các thị tộc Choros, DorbodKhoid, tạo thành một dân tộc Zunghar. Trong các cuộc chiến tranh chống người Khalkha vào thập niên 1620, ông đã giành được chiến thắng quyết định. Quê hương của người Oirat nằm dưới sự thống trị của Jasaghtu Khan của người Khalkha. Vào năm 1623, liên minh Oirat đã giết chết Ubashi Khong Tayiji và bảo vệ được nền độc lập của mình. Vào lúc đó, chỉ có Torobaikhu, một lãnh đạo của thị tộc Khoshud là có thể tuyên bố mình là "Hãn" trong khi Baatur Dalai Taishi của thị tộc Dorbod được coi là tù trưởng Oirat mạnh nhất. Con trai của Khara Khula là Baatur Khung Taiji (mất 1653) đã tham gia cuộc viễn chinh Tây Tạng do Gushi Khan Torobaikhu lãnh đạo vào năm 1636-42.[4] Sau khi Baatur trở về Dzungaria với tước hiệu Erdeni (do Đạt-lại Lạt-ma ban cho) và nhiều chiến lợi phẩm, ông đã tiến hành ba cuộc viễn chinh chống lại người Kazakh (Cáp Tát Khắc). Với các cuộc nhập cư của người Torghud, người Khoshud và người Dorbod từ năm 1630 đến 1677, sức mạnh của người Zunghar được tăng cường tại Zungaria.

Năm 1653, Sengge kế vị cha là Baatur Khung Taiji để trở thành lãnh đạo Zungharia, tuy nhiên một tranh chấp nội bộ giữa ông và người anh em trai khác mẹ là Chechen Tayiji đã nổ ra và thu hút sự tham gia của người Khoshuud.[5] Từ năm 1657 trở đi, con trai của Senge là Amin-Dara và Galdan phải đối mặt với những chống đối từ những anh em trai cùng cha khác mẹ. Được Ochirtu Khan của người Khoshuud giúp sức, xung đột chấm dứt với thắng lợi của Sengge vào năm 1661. Vào năm 1667, ông bắt được Erinchin Lobsang Tayiji, vị Altan Khan thứ ba và cũng là cuối cùng. Tuy nhiên, chính ông lại bị các người anh em khác mẹ là Chechen Tayiji và Zotov giết hại trong một cuộc chính biến vào năm 1670.[6]

Người em trai của Sengge là Galdan ngay lập tức từ Tây Tạng hồi quốc để trả thù Chechen. Là một sư tăng Phật giáo, Galdan đã đến Tây Tạng vào năm 13 tuổi và được tu học dưới sự chỉ dậy của Ban-thiền Lạt-ma thứ 4 và Đạt-lại Lạt-ma thứ 5. Liên minh với Ochirtu Sechen của thị tộc Khoshuud, Galdan đánh bại Chechen và đẩy Zotov ra khỏi Zungharia. Tuy nhiên, hai con trai của Sengge là Sonom Rabdan and Tsewang Rabtan đã nổi loạn chống lại ông, song cuối cùng cả hai đều bị tiêu diệt. Năm 1671, Đạt-lại Lạt-ma ban tước hiệu Hãn cho Galdan. Mặc dù Galdan đã cưới Anu-Dara, cháu gái của Ochirtu, song ông ta lại bị cuốn vào xung đột với người ông của vợ mình. Lo ngại trước ảnh hưởng của Galdan, Ochirtu đã nhận được trợ giúp từ người chú của Galdan và cũng là kình địch, Choqur Ubashi, ông là người đã từ chối công nhận tước hiệu hãn của Galdan. Chiến thắng trước Ochirtu đã khiến Galdan đạt được quyền bá chủ đối với người Oirat. Vào năm sau, Đạt-lại Lạt-ma đã trao tước hiệu cao nhất Boshoghtu (hay Boshughtu) cho ông,[7] Galdan thống nhất toàn bộ các thị tộc Oirat tại Zungaria và miền tây Mông Cổ.

Chinh phục lòng chảo Tarim và chiến tranh với người Trung Á

sửa
 
Ảnh Phật và câu thần chú tiếng Tạng trên đá gần Almaty

Naqshbandi Sufi Imam đã thay thế Sát Hợp Đài Hãn vào đầu thế kỷ 17. Họ đã đánh bại Afaq Khoja và người này đã yêu cầu Đạt-lại Lạt-ma giúp đỡ quân sự vào năm 1677. Với danh nghĩa thực hiện yêu cầu này, Galdan đã lật đổ Naqshbandu và đưa Afaq Khoja trở thành người lãnh đạo của ông tại đây.[8] Galdan đã ra lệnh rắng người Turkestan có thể được xét sử bằng luật của riêng họ ngoại trừ các trường hợp gây ảnh hưởng đến Đế quốc Zunghar. Người Zunghar giữ quyền kiểm soát lòng chảo Tarim cho tới năm 1757.

Vào năm 1680, người Khirgiz Đen đã đột kích Moghulistan và chiếm Yarkent. Các cư dân Yarkent yêu cầu Galdan giúp đỡ. Hãn quốc Zunghar sau đó đã chinh phục Kashgar và Yarkend; và Galdan được các cư dân lựa chọn làm người lãnh đạo của họ.[9] Năm sau, ông xâm chiếm lên phía bắc của dãy núi Tengeri tại Kazakhstan hiện nay; song thất bại trong việc chiếm thành phố Sairam. Cuối cùng ông đã có thể chinh phục được Turfan và Hami vào năm sau.[10] Năm 1683, quân của Galdan dưới quyền Tsewen Rabtan đã đến TashkentSyr Darya và đè bẹp hai đội quân của người Kazakh. Sau đó Galdan đã khuất phục người Khirgiz Đen và tàn phá thung lũng Fergana.

Từ năm 1685, quân của Galdan đã tấn công mạnh người Kazakh. Trong lúc tướng Rabtan chiếm thành Taraz, đội quân chính của ông đã buộc người Kazakh phải di cư về phía tây.[11] Năm 1698, người kế vị của Galdan là Tsewen Rabtan đã vươn đến hồ Tengiz và Turkestan, người Zunghar kiểm soát Zhei-Su Tashkent cho đến năm 1745.[12]

Kình địch với người Khalkha

sửa

Ban đầu, người Oirat và người Khalkha nằm trong một liên minh, ràng buộc bởi các điều khoản của bộ luật Mông Cổ-Oirat.[13] Để thắt chặt liên minh này, Galdan đã cố gắng liên minh với Zasaghtu Khan Shira, người đã bị mất một phần các thần dân vào tay Tushiyetu Khan Chakhundorji, và chuyển cung điện của ông đến gần dãy núi Altai. Tushiyetu Khan đã tấn công cánh hữu của người Khalkha và giết chết Shira vào năm 1687. Galdan đã phái quân dưới quyền chỉ huy của em trai Dorji-jav tấn công Tushiyetu Khan vào năm sau, nhưng họ cuối cùng đã bị thất bại và Dorji-jav đã bị giết chết trong trận đánh kế tiếp. Chakhundorji đã giết chết Degdeehei Mergen Ahai của Zasaghtu Khan khi người này trên đường đến chỗ Galdan. Triều đình nhà Thanh đã can thiệp và đình lại việc các quý tộc Mông Cổ tập hợp lại trong một hội nghị.

Để báo thù cho cái chết của em trai và mở rộng ảnh hưởng của mình với các khu vực khác của người Mông Cổ, Galdan đã có sự chuẩn bị chiến lược cho một cuộc chiến với người Khalkha. Galdan thiết lập quan hệ hữu hảo với người Nga, thế lực đang có chiến tranh với Tushiyetu Khan tại các lãnh thổ gần hồ Baikal ở miền bắc Khalkha. Có lợi ích chung trong việc đánh bại người Khalkha, cả Galdan và người Nga đẫ đồng thời tấn công Khalkha và chinh phục hầu hết lãnh thổ Khalkha. Được vũ trang với các loại súng cầm tay mua từ người Nga, Galdan đã tấn công vùng đất của Zasaghtu Khan cuối cùng, và tiến đến lãnh địa của Chakhundorji. Người Cossack Nga trong lúc đó đã tấn công và đánh bại 10.000 quân Khalkha gần hồ Baikal. Sau hai trận đánh đẫm máu với người Zunghar gần Tu viện Erdene Zuu và Tomor, Chakhundorji cùng con trai ông ta là Galdandorji đã chạy trốn đến sông Ongi.

Người Zunghar chiếm được quê hương của người Khalkha và buộc Jibzundamba Zanabazar phải bỏ trốn. Nhà Thanh đã cho củng cố các tiền đồn quân sự phía bắc và khuyến khích người Khalkha chống lại Galdan. Sau khi củng cố quân lực, Tushiyetu Khan Chakhundorji đã tấn công ngược người Zunghar, và đánh nhau với đội quân này gần hồ Olgoi vào ngày 3 tháng 8 năm 1688. Người Oirat chiến thắng sau một trận chiến kéo dài ba ngày. Cuộc chinh phục lãnh thổ người Mông Cổ Khalkha của Galdan đã khiến cho Zanabazar và Chakhundorji thần phục triều đình nhà Thanh vào tháng chín.

Chiến tranh Oirat-Mãn Châu lần thứ nhất

sửa

Với chiến thắng năm 1688, Galdan đã đẩy người Khalkha vào vòng tay của nhà Thanh và khiến ông trở thành một mối đe dọa quân sự đối với người Mãn. Không may cho Galdan, Hoàng đế Khang Hy là một người mạnh mẽ và thiện chiến. Năm 1690, quân Mãn và quân Zunghar đã chiến đấu trong một trận đánh bế tắc và Galdan rút lui về phương bắc. Trận chiến diễn ra tại Ulan Butong, cách 350 km về chính bắc của Bắc Kinh gần nguồn phía tây của Liêu Hà tại cực nam của Đại Hưng An Lĩnh. Vấn đề trong tất cả các cuộc chiến du mục này là ở chỗ người Mãn đã không thể duy trì một đội quân trên thảo nguyên. Nếu người Mãn cử một đội quân đến thì những người du mục sẽ tạm thời rút chạy và họ trở lại khi quân Mãn cạn nguồn lương thảo. Năm 1696, Galdan ở thượng lưu sông Kerulen tại phía đông Ulan Bator, cách khoảng 700 km ở phía tây bắc của Bắc Kinh. Kế hoạch của Khang Hy là đích thân dẫn một đội quân tiến về phía tây bắc đến chỗ Galdan trong khi cử một đội quân thứ hai tiến về phía bắc từ vùng Ordos để chặn đường thoát của Galdan. Khang Hy đến Kerulen, thấy Galdan đã đi và cho quân quay trở lại do thiếu nguồn tiếp tế. Tròng cùng ngày mà Khang Hy trở về (12/6), Galdan đã phạm phải sai lầm khi lọt vào vòng đội quân Thanh ở phía tây (từ Ordos lên) và bị đánh bại ở Zuunmod gần thượng du sông Tuul, phía đông của Ulan Bator. Vợ của Galdan, Hoàng hậu Anu, bị giết chết và quân Mãn đã thu giữ được 20.000 gia súc và 40.000 cừu. Galdan chạy trốn cùng với 40 hay 50 lính. Ông tập hợp một vài ngàn người đi theo, song những người này bị bỏ lại do thiếu lương thực. Ngày 4 tháng 4 năm 1697, ông qua đời đột ngột tại khu vực dãy núi Altai gần tỉnh Khovd hiện nay khi đang ở cùng 300 người trong một hoàn cảnh bí ẩn. Kế vị ông là Tsewang Rabtan, một người đã nổi dậy chống ông.

Can thiệp tại Tây Tạng

sửa
 
Các nhà nước Zunghar và Kalmyk (một mảnh bản đồ đế quốc Nga dưới thời Pyotr Đại đế, một quân nhân Thụy Điển vẽ vào khoảng năm.1725).

Người Zunghar dưới sự lãnh đạo của anh em của Tsewang Rabtan là Tsering Dondup đã xâm lược Tây Tạng, lúc bấy giờ đang do bộ lạc Khoshut thống trị. Vị Đạt-lại Lạt-ma thứ năm đã khuyến khích các lạt-ma người Mông Cổ ngăn cản bất cứ lời dạy nào không phải của phái dGe-lugs-pa trong cộng đồng người Mông Cổ. Người Zunghar sớm sau đó bắt đầu cướp phá Lhasa, làm mất đi thiện cảm ban đầu của người Tạng đối với họ. Hoàng đế Khang Hy đã trả đũa vào năm 1718, song cuộc viễn chinh của ông bị người Zunghar đánh bại không xa Lhasa.[14]

Nhiều NyingmapaBonpo đã bị hành quyết và người Tạng đến chỗ chính quyền Zunghar bị bắt phải đặt lưỡi ra ngoài để cho người Zunghar có thể phát giác nếu một ai đó niệm thần chú.[15] Thói quen dính lưỡi ra ngoài để tỏ lòng tôn trọng khi chào hỏi ai đó vẫn là một nét trong văn hóa Tạng cho đến thời gian gần đây.

Hoàng đế Khang Hy gửi đến một đội viễn chinh thứ hai và lớn hơn, quân của Tsewang Rabtan đã bị đuổi khỏi Tây Tạng vào năm 1720 và đội quân viễn chinh được hoan nghênh như những người giải phóng. Họ đưa Kälzang Gyatso cùng họ từ Kumbum đến Lhasa và ông được lập làm Đạt-lại Lạt-ma thứ bảy vào năm 1721.[16]

Chiến tranh Oirat-Mãn Châu lần thứ hai

sửa

Sụp đổ

sửa
 
Vị Hãn cuối cùng của Zunghar, Dawaachi

Khi Galdan Tseren qua đời năm 1745, người Zunghar vẫn hùng mạnh. Hãn quốc tuy vậy đã đột ngột sụp đổ, nguyên nhân bắt nguồn từ các con trai của Galdan Tseren.[17] Năm 1749, con trai của Galden Tseren là Lamdarjaa đã chiếm lấy ngôi vị từ người em trai. Tuy nhiên ông sau đó lại bị người anh em họ là Dawaachi và quý tộc bộ lạc Khoid là Amursanaa lật đổ. Hai người này về sau lại đánh lẫn nhau để tranh quyền kế vị. Năm 1753, ba người bà con của người cai trị bộ lạc Dorbod đã đầu hàng nhà Thanh, Amursanaa theo sau họ. Vào mùa xuân năm 1755, nhà Thanh tấn công Ghulja, và bắt giữ Hãn Zunghar. Amursana yêu cầu được tuyên bố mình là Hãn Zunghar, song Hoàng đế Càn Long chỉ cho ông làm Hãn của người Khoid, một trong bốn vị hãn của người Oirat. Vào mùa hè, Amursana cùng với Chingünjav lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại triều đình. Trong hai năm tiếp theo, quân Mãn và quân Mông Cổ của nhà Thanh đã phá hủy các tàn dư của Hãn quốc Zunghar. Vị lãnh đạo cuối cùng, Amursanaa đã nổi dậy chống lại nhà Thanh và chạy trốn về phía bắc để tìm nơi nương náu chỗ người Nga. Amursana sau đó chết vì bệnh đậu mùa. Vào mùa xuân năm 1762, thi thể đông cứng của ông được đưa tới Kyakhta để người Mãn xem. Người Nga sau đó chôn cất thi thể, từ chối yêu cầu của người Mãn muốn hành hạ thi thể.[18] Để kỉ niệm chiến thắng, Càn Long cho lập Tổ hợp chùa Phổ Ninh tại Thừa Đức vào năm 1755.

Hoàng đế Càn Long đã cho di chuyển những người Zunghar còn lại vào vùng nội địa và lệnh cho các tướng giết chết tất cả nam giới tại Barkol hay Túc Châu, còn phụ nữ và trẻ em được phân cho các binh lính nhà Thanh.[19][20] Học giả thời nhà Thanh Ngụy Nguyên ước tính rằng tổng dân số Hãn quốc Zunghar trước khi sụp đổ là 600.000 người, hay 200.000 hộ. Theo một trích dẫn[21][22], Ngụy Nguyên viết rằng 40% số hộ Zunghar bị chết do bệnh đậu mùa, 20% chạy trốn đến Nga hay các bộ lạc người Kazakh, và 30% bị quân lính giết chết, sau này không còn một yurt (lều du mục) nào trong một khu vực rộng hàng nghìn ngoại trừ của những kẻ đầu hàng.[23] Dựa trên số liệu này, Chu Văn Trường viết rằng 80% trong tổng số 600.000 hoặc hơn người Zunghar bị tiêu diệt do sự kết hợp của bệnh tật và chiến tranh [24], Michael Clarke mô tả điều này "sự tiêu diệt hoàn toàn không chỉ với nhà nước Zunghar mà còn với người Zunghar với vị thế là một dân tộc."[25] Sử gia Peter Perdue quy việc sát hại người Zunghar là một chính sách hủy diệt rõ ràng do Càn Long đưa ra song ông cũng nhận thấy một chính sách khoan dung hơn sau giữa năm 1757[22]. Mark Levene, một sử gia gần đây quan tâm nghiên cứu về vấn đề diệt chủng, phát biểu rằng việc tiêu diệt người Zunghar là "Người ta có thể cho đây là tội diệt chủng đặc biệt ở thế kỷ 18"."[26]

Người Mãn đã cho người dân từ những nơi khác trong đế quốc nhập cư đến vùng đất hoang vắng, nhưng một thế kỷ sau cuộc nổi loạn Hồi giáo lại tàn phá vùng đất này.

Lãnh đạo Hãn quốc Zunghar

sửa
  • Khara Khula, tước hiệu: Khong Tayiji
  • Erdeni Batur, tước hiệu: Khong Tayiji
  • Sengge, tước hiệu: Khong Tayiji
  • Galdan, tước hiệu: Khong Tayiji, Boshogtu Khan
  • Tsewang Rabtan (ᠼᠧᠸᠠᠩ ᠠᠷᠠᠪᠲᠠᠨ), tước hiệu: Khong Tayiji
  • Galdan Tseren, tước hiệu: Khan
  • Tsewang Dorji Namjal, tước hiệu: Khong Tayiji
  • Lama-Darjaa, tước hiệu: Khong Tayiji
  • Dawaachi, tước hiệu: Khong Tayiji
  • Amursana (ᠠᠮᠤᠷᠰᠠᠨ᠎ᠠ)

Chú thích

sửa
  1. ^ James A. Millward, Ruth W. Dunnell, Mark C. Elliott-New Qing imperial history, p.99
  2. ^ C.P.Atwood-Encyclopedia of Mongolia and the Mongol Empire, p.622
  3. ^ Fred Walter Bergholz-The partition of the steppe, p.522
  4. ^ Henry Hoyle Howorth - History of the Mongols from the 9th to the 19th Century: Part 1, p.595
  5. ^ Ed. Reuven Amitai-Preiss, David Morgan-The Mongol empire and its legacy, p.328
  6. ^ Autobiography of Dalai Lama V, Vol. Kha, fol 107b. II 5-6
  7. ^ Martha Avery -The Tea Road: China and Russia meet across the Steppe, p.104
  8. ^ Gertraude Roth Li - Manchu: a textbook for reading documents, p.318
  9. ^ Valikhanov, Ch. Ch. - The Russians in Central Asia, p.169
  10. ^ Baabar, Christopher Kaplonski, D. Suhjargalmaa - Twentieth century Mongolia, p.80
  11. ^ Michael Khodarkovsky - Where Two Worlds Met: The Russian State and the Kalmyk Nomads, 1600-1771, p.211
  12. ^ C.P. Atwood-Ibid, p.622
  13. ^ David Sneath-The headless state, p.183
  14. ^ Richardson, Hugh E. (1984). Tibet and its History. Second Edition, Revised and Updated, pp. 48-9. Shambhala. Boston & London. ISBN 0-87773-376-7 (pbk)
  15. ^ Norbu, Namkhai. (1980). "Bon and Bonpos". Tibetan Review, December, 1980, p. 8.
  16. ^ Richardson, Hugh E. (1984). Tibet and its History. Second Edition, Revised and Updated, pp. 48-9. Shambhala. Boston & London. ISBN 0-87773-376-7 (pbk)
  17. ^ C.P.Atwood-Ibid, 623
  18. ^ G. Patrick March,'Eastern Destiny: Russian in Asia and the Pacific, 1996, Chapter 12
  19. ^ 大清高宗純皇帝實錄, 乾隆二十四年
  20. ^ 平定準噶爾方略
  21. ^ Lattimore, Owen (1950). Pivot of Asia; Sinkiang and the inner Asian frontiers of China and Russia. Little, Brown. tr. 126.
  22. ^ a b Perdue 2005, tr. 283-287
  23. ^ Ngụy Nguyên, 聖武記 Thánh vũ ký, quyển.4. "計數十萬戶中,先痘死者十之四,繼竄入俄羅斯哈薩克者十之二,卒殲於大兵者十之三。除婦孺充賞外,至今惟來降受屯之厄鲁特若干戶,編設佐領昂吉,此外數千里間,無瓦剌一氊帳。"
  24. ^ Chu, Wen-Djang (1966). The Moslem Rebellion in Northwest China 1862-1878. Mouton & co. tr. 1.
  25. ^ “Michael Edmund Clarke, In the Eye of Power (doctoral thesis), Brisbane 2004, p37” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2012.
  26. ^ Levene 2008, tr. 188

Tham khảo

sửa
  • Perdue, Peter C. China Marches West: The Qing Conquest of Central Eurasia. Cambridge, MA: Belknap Press of Harvard University Press, 2005.
  • [Хойт С.К. http://www.lib.kalmsu.ru/text/TRUD/Hoit_SK/p001.pdf Lưu trữ 2012-03-14 tại Wayback Machine Последние данные по локализации и численности ойрат] // Проблемы этногенеза и этнической культуры тюрко-монгольских народов. Вып. 2. Элиста: Изд-во КГУ, 2008. стр. 136-157.