Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Tổ chức xã hội tại Việt Nam

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên Việt Nam và tổ chức thanh niên nhằm đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
Lãnh tụHồ Chí Minh
Chủ tịchNguyễn Tường Lâm
Phó Chủ tịchNguyễn Kim Quy (thường trực)
Nguyễn Ngọc Toàn
Đặng Hồng Anh
Hà Anh Đức
Đào Việt Hằng
Nguyễn Xuân Bắc
Thành lập15 tháng 10 năm 1956
(68 năm, 90 ngày)
Trụ sở chínhsố 64 phố Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội
Ý thức hệChủ nghĩa Mác-Lênin
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ nghĩa dân tộc
Thuộc tổ chức quốc tếLiên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới
Màu sắc chính thức     Xanh trời      Trắng
Quốc giaViệt Nam

Lịch sử

sửa

Công tác vận động thanh niên đã được những người Cộng sản Việt Nam chú trọng ngay từ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính với tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, những người Cộng sản Việt Nam có một nguồn bổ sung cán bộ trẻ, năng động, là nòng cốt để hình thành nên Đảng Cộng sản.

Ngày 26 tháng 3 năm 1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 2 tại Rạch Giá, Trung ương Đảng đã dành một phần quan trọng để bàn về công tác thanh niên và đi đến quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách các vấn đề liên quan tới thanh niên (sau gọi là công tác Đoàn) trong các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương. Tổ chức Đoàn nhanh chóng phát triển làm nòng cốt cho Đảng, thậm chí, trong một số giai đoạn đã thay mặt Đảng hoạt động công khai tập hợp quần chúng.

Nếu như lực lượng Đoàn Thanh niên Cứu quốc là một thành phần của Việt Minh tham gia Tổng khởi nghĩa ở miền Bắc, thì tại miền Trung và miền Nam, do điều kiện tổ chức Đảng bị tan vỡ và bất đồng, các cán bộ Cộng sản miền Nam đã tận dụng cơ hội, cài cán bộ lãnh đạo để nắm tổ chức Thanh niên Tiền phong, từ đó phát triển nhanh chóng lực lượng để tham gia Tổng khởi nghĩa.

Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - là tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946 Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.

CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM

1. Đại hội lần thứ I

Tháng 02/1950, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội là sự thể hiện khối đoàn kết của toàn thể thanh niên Việt Nam trong mặt trận thanh niên vì mục tiêu kháng chiến thắng lợi. Đại hội đã thông qua Nghị quyết và Điều lệ của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam (đồng chí Nguyễn Chí Thanh sau này là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam).

Trong khí thế tiến công mạnh mẽ của thanh niên miền Bắc đang ngày đêm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế văn hóa xã hội và thanh niên miền Nam đấu tranh ngày càng quyết liệt với quân Mỹ - Diệm; từ ngày 08/10 đến ngày 15/10 năm 1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động Mặt trận Thanh niên toàn quốc triệu tập Đại hội tại Nhà hát lớn Hà Nội để thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam và lấy tên là Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Ngày 15/10/1956, Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu đến dự. Huấn thị tại Đại hội, Bác căn dặn: “...Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”. Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 52 thành viên do Bác sỹ - Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch. Đại hội xác định mục tiêu cơ bản của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là: “Đoàn kết rộng rãi, lâu dài, dựa trên sự thật thà, thân ái giúp đỡ nhau, tôn trọng tính chất độc lập của các tổ chức và làm việc theo phương pháp dân chủ bàn bạc để cùng nhau thỏa thuận, thống nhất ý kiến và thực hiện”. Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh lời tuyên bố của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam hòa mình vào Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Đồng thời, khẳng định Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới.

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tiếp sau đó, Hội LHTN giải phóng miền Nam được thành lập bao gồm Hội Liên hiệp Sinh viên giải phóng, Hội Học sinh giải phóng và các tổ chức thanh niên yêu nước khác do nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam làm Chủ tịch Hội.

2. Đại hội lần thứ II

Tháng 12/1961, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có hơn 400 đại biểu của các tổ chức và tầng lớp thanh niên. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới dự. Trong bài nói chuyện với Đại hội, Bác Hồ đã bày tỏ niềm tin yêu sâu sắc đối với thanh niên. Người nói:

- Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.

- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc.

- Vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần, thanh niên có; việc gì khó, thanh niên làm” .

Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội gồm 78 thành viên do Giáo sư Phạm Huy Thông – Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội làm Chủ tịch Hội. Đại hội đã phát động thanh niên tích cực tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và ra sức ủng hộ cho cuộc đấu tranh của đồng bào và thanh niên miền Nam.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, hơn một vạn tập thể thanh niên đã phấn đấu đạt nhiều thành tích to lớn trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; 80 vạn đoàn viên, hội viên, thanh niên miền Bắc tự nguyện đăng ký phấn đấu theo tinh thần "Mỗi người làm việc bằng hai"; 15 vạn thanh niên tình nguyện gia nhập các Đội Thanh niên Xung phong chống Mỹ, cứu nước. Hơn 3 triệu lượt thanh niên đăng ký tham gia phong trào "Ba sẵn sàng" và hơn 2 triệu lượt thanh niên đăng ký tham gia phong trào "Năm xung phong" cùng hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên, hội viên tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang, nêu cao quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ “Các cháu là thế hệ anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Bắc - Nam sum họp một nhà; thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 22 - Khóa III, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong hai ngày 20 và 21/9/1976, đoàn đại biểu Hội LHTN Việt Nam và đoàn đại biểu Hội LHTN giải phóng miền Nam đã tổ chức Hội nghị thống nhất Mặt trận Thanh niên trong cả nước lấy tên chung là Hội LHTN Việt Nam. Đây là sự kiện trọng đại trong phong trào thanh niên nước ta.

Hội nghị thông qua Điều lệ mới của Hội LHTN Việt Nam và hiệp thương chọn cử Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam gồm 96 thành viên do Giáo sư Lê Quang Vịnh làm Chủ tịch. Trong hai ngày tiếp theo 24 - 25/9/1976, Hội nghị toàn quốc của Hội LHTN Việt Nam tiếp tục họp tại thành phố Hồ Chí Minh thảo luận và đề ra nội dung công tác Hội trong thời kỳ mới. Đây là hình ảnh sinh động trong khối đại đoàn kết, tập hợp, thống nhất của thanh niên Việt Nam, là lực lượng hùng hậu của tuổi trẻ Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị đã biểu dương những chiến công của thế hệ trẻ trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, Hội nghị đã dành thời gian thảo luận công tác củng cố tổ chức Hội LHTN Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới.

Tháng 9/1988, Hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam họp tại Hà Nội đã tiến hành kiện toàn Uỷ ban Trung ương Hội. Anh Hà Quang Dự, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá V được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội thay Giáo sư Lê Quang Vịnh nhận nhiệm vụ mới.

3. Đại hội lần thứ III

Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội với 400 đại biểu tham dự. Đại hội đã thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Hội LHTN Việt Nam, hiệp thương chọn cử Uỷ ban Trung ương Hội gồm 110 thành viên, Đoàn Chủ tịch gồm 19 thành viên do anh Hồ Đức Việt, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội. Đại hội đã quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam và quyết định các nhiệm vụ chủ yếu của Hội từ năm 1994 đến năm 1999 với 5 chương trình là: "Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh; "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hoá, thể dục thể thao; "Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh”; "Công tác xã hội, bảo vệ môi trường” và "Hợp tác hữu nghị với tuổi trẻ trong khu vực và trên thế giới”; 3 cuộc vận động là: "Tiết kiệm, tích luỹ”, "Chống mù chữ, chống thất họcvà “Hiến máu nhân đạo”.

Đến cuối năm 1996, đồng chí Hồ Đức Việt được Bộ Chính trị điều động nhận nhiệm vụ mới. Hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam được tổ chức vào tháng 3 năm 1998, đã hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.

4. Đại hội lần thứ IV

Nhằm đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 1994 - 1999, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm kỳ mới; từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 01 năm 2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 599 đại biểu. Đại hội diễn ra vào thời điểm dân tộc ta cùng cả nhân loại bước vào thời khắc lịch sử chuyển giao giữa hai thế kỷ. Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội sửa đổi và quyết định đề ra 5 cuộc vận động là: "Học tập, sáng tạo vượt bậc vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; "Giúp nhau lập nghiệp vì dân giàu, nước mạnh”; "Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; "Vì chủ quyền Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên” và "Xây dựng nếp sống văn minh đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đại hội hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa III giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa IV. Tại kỳ họp Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5 (khoá IV) ngày 15/2/2003, đã hiệp thương kiện toàn Uỷ ban Trung ương Hội khoá IV và hiệp thương chọn cử anh Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.

5. Đại hội lần thứ V

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ ngày 25 đến ngày 27/02/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 798 đại biểu. Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và kế hoạch 5 năm (2001 - 2005). Đồng chí Nông Đức Mạnh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội, đồng thời, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã trao tặng thanh niên Việt Nam và Hội LHTN Việt Nam bức trướng mang dòng chữ “Thanh niên Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, hăng hái tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại hội đã tổng kết công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ IV và đề ra phương hướng công tác Hội nhiệm kỳ V, thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, hiệp thương chọn cử Uỷ ban Trung ương Hội khoá V gồm 135 thành viên; anh Nông Quốc Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam. Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã phát động thanh niên Việt Nam hưởng ứng và tham gia 5 cuộc vận động lớn trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 là: "Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập”; "Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo; “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”; “Thanh niên vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền Tổ quốc”"Thanh niên sống đẹp.

Hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5 - khóa V năm 2008 đã hiệp thương chọn cử anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Nông Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ mới.

6. Đại hội lần thứ VI

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VI, sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của thanh niên Việt Nam được tổ chức trong 2 ngày 26 và 27/4/2010 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 995 đại biểu đại diện cho khối đại đoàn kết các tầng lớp thanh niên của 54 dân tộc anh em. Tại Đại hội, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định những đóng góp của tuổi trẻ Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm qua. Đồng thời, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã tặng thanh niên Việt Nam và Hội LHTN Việt Nam bức trướng mang dòng chữ: “Thanh niên Việt Nam xây hoài bão lớn, đoàn kết, sáng tạo, xung kích vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Với tinh thần “Thanh niên Việt Nam xây hoài bão lớn, chung sức trẻ vì Tổ quốc giàu mạnh và văn minh”, Đại hội đã phát động trong thanh niên cả nước 3 cuộc vận động:  “Thanh niên sống đẹp - sống có ích”; “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”“Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”;  02 chương trình: “Khi Tổ quốc cần”“Xây dựng, phát triển tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên”.  Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VI gồm 155 thành viên; anh Nguyễn Phước Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa V được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 7, khóa VI, anh Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VI thay anh Nguyễn Phước Lộc được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.

Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 10, khóa VI, anh Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VI thay anh Phan Văn Mãi được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.

7. Đại hội lần thứ VII

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 là sự kiện lớn của tuổi trẻ, ngày hội đoàn kết các tầng lớp thanh niên Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên, diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 12 năm 2014 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Tham dự Đại hội có 800 đại biểu chính thức là những cán bộ Hội, hội viên xuất sắc và cá nhân tiêu biểu trong và ngoài nước, đại diện cho khối đại đoàn kết các tầng lớp thanh niên của 54 dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định những đóng góp của thanh niên Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với tinh thần “Trung thực, Trách nhiệm, Nghị lực, Cống hiến”, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010 - 2014; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2014 - 2019, xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vững mạnh, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên yêu nước, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VII gồm 157 ủy viên; anh Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VI được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019.

Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 9, khóa VII, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VII thay anh Nguyễn Phi Long được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.

8. Đại hội lần thứ VIII

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 là ngày hội đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 12 năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Tham dự Đại hội có tham dự của 996 đại biểu là những cán bộ, hội viên, thanh niên ưu tú đại diện cho hơn 9,9 triệu hội viên và trên 23 triệu thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, đại diện cho khối đại đoàn kết các tầng lớp thanh niên của 54 dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định những đóng góp của thanh niên Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với khẩu hiệu hành động “Thanh niên Việt Nam yêu nước, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển”, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2019 - 2024, xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vững mạnh, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên yêu nước, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VIII gồm 137 ủy viên; cử anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Ngày 09/9/2021, Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 5, khóa VIII, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương đã được hiệp thương chọn cử giữ chức danh Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 thay anh Nguyễn Anh Tuấn.

Với những cống hiến xuất sắc của các thế hệ cán bộ, hội viên và các tầng lớp thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999 và Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005 vì “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động thanh niên tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

9. Đại hội lần thứ IX

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029 là sự kiện lớn của thanh niên, ngày hội đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam yêu nước, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên. Đại hội diễn ra từ ngày 16 - 18/12/2024, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 980 đại biểu, đại diện cho hơn 21 triệu cán bộ, hội viên, thanh niên cả nước. Đại hội vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên trọng thể Đại hội.

Khẩu hiệu hành động trình tại Đại hội là “Thanh niên Việt Nam yêu nước - đoàn kết - khát vọng - sáng tạo - tiên phong - tự tin bước vào kỷ nguyên mới”. Đại hội đã xác định mục tiêu: “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam có lý tưởng cách mạng, giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự cường, khát vọng cống hiến, nêu cao trách nhiệm đối với Tổ quốc. Mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp các tầng lớp thanh niên Việt Nam. Tạo môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, lao động, giải trí để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ. Bồi dưỡng, phát huy thanh niên có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ xung kích, tình nguyện, tiên phong, sáng tạo, tự tin bước vào kỷ nguyên mới xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Củng cố, phát triển tổ chức Hội vững mạnh về tư tưởng, chính trị, đoàn kết, thống nhất về tổ chức và hành động”.

Đại hội đã phát huy tinh thần dân chủ, hiệp thương cử Ủy ban Trung ương Hội khóa IX gồm các đại biểu có đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu cho thanh niên cả nước. Đại hội đã thống nhất hiệp thương chọn cử 135 đại biểu tham gia Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029; hiệp thương chọn cử 8 đại biểu tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa IX. Hội nghị Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất, khóa IX thống nhất hiệp thương cử 37 Ủy viên Đoàn Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch và cử đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa IX.

Tổ chức

sửa

Hệ thống Ủy ban Hội các cấp

sửa

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có 4 cấp ủy ban Hội bao gồm:

  • Cấp Trung ương.
  • Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương
  • Cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
  • Cấp xã, phường, thị trấn và tương đương.

Dưới sự quản lý của cấp xã là mạng lưới chi Hội, Câu lạc bộ, Tổ, Đội, Nhóm thanh niên ở cơ sở.

Các tổ chức thành viên tập thể

sửa

Các đơn vị trực thuộc

sửa
  • Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên
  • Trung tâm Tư vấn tình yêu, hôn nhân và gia đình
  • Trung tâm Dạy nghề thanh niên
  • Trung tâm Thông tin nguồn lực Tình nguyện Việt Nam
  • Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp
  • Báo Thanh niên
  • Cổng tri thức Thánh Gióng

Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương khóa IX (2024 - 2029)

sửa

Cơ cấu

sửa
  • Chủ tịch: Bí thư Trung ương Đoàn
  • Phó Chủ tịch Thường trực: Trưởng Ban Mặt trận thanh niên Trung ương Đoàn
  • Phó Chủ tịch: Chủ tịch Hội Doanh nhận trẻ Việt Nam
  • Phó Chủ tịch: Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam
  • Phó Chủ tịch: Lãnh đạo Báo Thanh niên
  • Phó Chủ tịch: Đại diện Trí thức trẻ tiêu biểu
  • Phó Chủ tịch: Đại diện Văn nghệ sĩ trẻ tiêu biểu

Danh sách cụ thể

sửa
  • Chủ tịch: Nguyễn Tường Lâm (SN 1984) - Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam
  • Phó Chủ tịch thường trực: Nguyễn Kim Quy (SN 1984) - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Mặt trận thanh niên Trung ương Đoàn
  • Phó Chủ tịch:
  1. Nguyễn Ngọc Toàn (SN 1968) - Tổng Biên tập Báo Thanh niên
  2. Đặng Hồng Anh (SN 1980) - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TTC
  3. Hà Anh Đức (SN 1973) - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
  4. Đào Việt Hằng (SN 1987) - Chủ tịch Mạng lưới Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu, Giảng viên Bộ môn Nội tổng hợp - Trường ĐH Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm nội soi - Bệnh viện ĐH Y Hà Nội
  5. Nguyễn Xuân Bắc (SN 1976) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ Việt Nam, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá - Thể Thao và Du lịch)

Chủ tịch Hội qua các thời kỳ

sửa
  • Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967), Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam 1950-1956, là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện đã mất
  • Phạm Ngọc Thạch (1909 - 1968), Bộ trưởng Bộ Y tế. Hiện đã mất
  • Phạm Huy Thông (1916 - 1988), Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội (1956-1966), Viện trưởng Viện Khảo cổ học (1967-1988), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại biểu Quốc hội khóa II, III. Hiện đã mất
  • Lê Quang Vịnh (1936), nguyên Bí thư Trung ương Đoàn khóa 4, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bí thư Quận ủy Côn Đảo, nguyên Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Hiện đã nghỉ hưu
  • Hà Quang Dự (1945), Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa 5, Bộ trưởng phụ trách công tác thanh niên và thể dục thể thao của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao. Hiện đã nghỉ hưu
  • Hồ Đức Việt (1947 - 2013), Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa 6. Từng là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam., Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Phó ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Hiện đã mất
  • Trương Thị Mai (1958), từng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII, nguyên Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Hiện đã nghỉ hưu.
  • Hoàng Bình Quân (1959), Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa VII, VIII, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
  • Nông Quốc Tuấn (1963), Bí thư Trung ương Đoàn khóa VIII, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Hiện đã nghỉ hưu.
  • Võ Văn Thưởng (1970), nguyên là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa IX, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Nguyên Chủ tịch nước. Hiện đã nghỉ công tác
  • Nguyễn Phước Lộc (1970), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa IX, Nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, hiện là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Phan Văn Mãi (1973), Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn khóa X, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre, hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Nguyễn Đắc Vinh (1972), Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa IX, khóa X, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội.
  • Nguyễn Phi Long (1976), Bí thư Trung ương Đoàn khóa X, hiện là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình.
  • Lê Quốc Phong (1978), Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa X, XI, hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.
  • Nguyễn Anh Tuấn (1979), Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa XI, hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.
  • Nguyễn Ngọc Lương (1978), Bí thư thường trực Trung ương Đoàn khóa XI, XII, hiện là Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.
  • Nguyễn Tường Lâm (1984), Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Các phong trào, chương trình hành động cách mạng

sửa

Cũng như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức thực hiện các phong trào, chương trình hành động cách mạng để đoàn kết, tập hợp, giáo dục và tổ chức cho sinh viên thực hiện các mục tiêu của Hội.

Mỗi nhiệm kỳ, Hội phát động một hoặc một vài phong trào, chương trình và cuộc vận động phù hợp với đặc điểm của từng thời kỳ.

Nhiệm kỳ III (1994 - 2000)

sửa
  • Chương trình "Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh"
  • Chương trình "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hoá, thể dục thể thao"
  • Chương trình "Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh"
  • Chương trình "Công tác xã hội, bảo vệ môi trường"
  • Chương trình "Hợp tác hữu nghị với tuổi trẻ trong khu vực và trên thế giới"
  • Cuộc vận động "Tiết kiệm, tích luỹ"
  • Cuộc vận động "Chống mù chữ, chống thất học"
  • Cuộc vận động "Hiến máu nhân đạo"

Nhiệm kỳ IV (2000 - 2005)

sửa
  • Cuộc vận động "Học tập, sáng tạo vượt bậc vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước"
  • Cuộc vận động "Giúp nhau lập nghiệp vì dân giàu, nước mạnh"
  • Cuộc vận động "Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng"
  • Cuộc vận động "Vì chủ quyền Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên"
  • Cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn minh đậm đà bản sắc dân tộc"

Nhiệm kỳ V (2005 - 2010)

sửa
  • Cuộc vận động "Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập"
  • Cuộc vận động "Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo"
  • Cuộc vận động "Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng"
  • Cuộc vận động "Thanh niên vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền Tổ quốc",
  • Cuộc vận động "Thanh niên sống đẹp".

Nhiệm kỳ VI (2010 - 2014)

sửa
  • Cuộc vận động "Thanh niên sống đẹp, sống có ích"
  • Cuộc vận động "Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường"
  • Cuộc vận động "Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng"
  • Chương trình "Khi Tổ quốc cần"
  • Chương trình "Xây dựng, phát triển tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên"

Nhiệm kỳ VII (2014 - 2019)

sửa
  • Phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi"
  • Chương trình "Xây dựng Hội Liên hiệp Thanh viên Việt Nam vững mạnh"

Nhiệm kỳ VIII (2019 - 2024)

sửa
  • Phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi"
  • Chương trình "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"
  • Chương trình "Xây dựng Hội Liên hiệp Thanh viên Việt Nam vững mạnh"

Nhiệm kỳ IX (2024 - 2029)

sửa
  • Phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi"
  • Chương trình "Xây dựng Hội Liên hiệp Thanh viên Việt Nam vững mạnh"
  • 02 đề án: Đề án “Thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029”; Đề án “Đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân và lao động trẻ giai đoạn 2024 - 2029”.

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa