Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý

Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý là một trong những tổ chức Hội Thánh (giáo hội) Cao Đài. Đây là Hội Thánh Cao Đài có số lượng tín đồ đứng thứ 6 tại Việt Nam, gồm khoảng 1 vạn tín đồ trên khắp 32 tỉnh, thành phố trực thuộc hệ thống 38 tỉnh, thành có cơ sở thờ tự Cao Đài, với 30 thánh thất và các trường quy. Địa bàn có đông tín đồ nhất là tỉnh Tiền Giang, địa phương có nhiều thánh thất nhất là tỉnh Long An. Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý được Nhà nước Việt Nam công nhận chính thức tư cách pháp nhân vào ngày 14 tháng 3 năm 2000. Trung ương Hội Thánh đặt tại Tòa Thánh Chơn Lý, thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Lịch sử sửa

Theo tài liệu của Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý, đạo Cao Đài chính là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã trải qua đến 2 thời kỳ phổ độ là Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ. Điều này giống như tất cả các Hội Thánh Cao Đài khác. Nhưng Cao Đài Chơn Lý tin rằng trong Tam Kỳ Phổ Độ có 3 thời kỳ nhỏ nữa gọi là Tam Tiểu Thời Kỳ.

Nhứt Tiểu Thời Kỳ (1926 - 1930) sửa

Là thời kỳ hành Đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh, được chính phủ Nam Kỳ lúc bấy giờ công nhận vào năm 1926, có Tổ Đình đầu tiên ngày nay là Tòa Thánh Tây Ninh.

Ngày 21 tháng 08 năm 1926 âm lịch, ông Nguyễn Văn Ca hầu đàn cơ do ông Cao Quỳnh Cư và ông Phạm Công Tắc phò cơ. Sau khi nhập Đạo, ông Ca được tuyên bố là Chơn Thánh, được thăng dần lên chức Thái Phối Sư, về Tòa Thánh Tây Ninh và được giao chức "Khâm Sai Tài chính".

Nhị Tiểu Thời Kỳ (1930 - 1937) sửa

Là thời kỳ cơ bút của đàn cơ Cao Thiên Đàn Kiên Giang hợp cùng đàn cơ Định Tường, thời kỳ này đã độc lập với Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, gọi là Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Lý. Thánh thất Định Tường trở thành Tòa Thánh Trung ương. Ông Nguyễn Văn Ca và ông Nguyễn Hữu Phùng là nhị vị Chưởng Quản Lưỡng Đài.

Hành đạo tại Tây Ninh một thời gian thì xảy ra việc các chức sắc Tòa Thánh chia rẽ. Ông Ca về Mỹ Tho phổ độ và hợp tác cùng các ông Trần Đạo Quang, Nguyễn Hữu Phùng lập Minh Chơn Lý. Từ đó, Thánh thất Định Tường trở nên độc lập, thành lập Hội Thánh Minh Chơn Lý.

Tam Tiểu Thời Kỳ (1938 - 1947) sửa

Là thời kỳ chuyển từ Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Lý thành Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý.

Cuối năm 1937, ông Nguyễn Hữu Phùng lúc bây giờ là Thiên Sư, Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài già yếu và cũng nản chí tu hành nên bỏ về Tân An, chưởng quản Hiệp Thiên Đài bỏ trống. Giáo sư Ngọc Được Thanh thế danh Lê Văn Được về Tòa Thánh Trung ương, được mọi người đồng thuận là Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài mới thay cho ông Phùng và gọi ông với nhiều tên khác nhau như: Ngọc Chơn Long, Đại đức Tam Tôn, Hàng Long La Hán. Hội Thánh Minh Chơn Lý trở thành Hội Thánh Chơn Lý từ năm 1938. Ông Nguyễn Văn Ca và ông Lê Văn Được là nhị vị Chưởng Quản Lưỡng Đài, cùng Hội đồng Thập Ngũ Linh Đăng mà hai ông đứng đầu, lãnh đạo Hội Thánh.

Sau năm 1948 sửa

Cao Đài Chơn Lý là một trong những Hội Thánh Cao Đài ủng hộ kháng chiến chống Pháp của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông Được quy vị năm 1948. Từ đó Cao Đài Chơn Lý không còn chấp bút nữa. Đến năm 1956, ông Nguyễn Văn Ca cũng quy vị, từ đó trở về sau, Cao Đài Chơn Lý không còn chức Chưởng Quản Cửu Trùng Đài và Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài nữa mà chỉ còn chức Quyền Chưởng Quản cho những người nối hậu hai vị Ca và Được.

Năm 1956, Ông Năm là quyền Chưởng Quản Cửu Trùng Đài tách khỏi Tòa Thánh Định Tường về xã Lương Hòa Lạc lập Giáo hội Cao Đài Việt Nam. Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý từ đó về sau hoạt động ổn định cho đến khi nhà nước Việt Nam công nhận tư cách pháp nhân và được truyền đạo trên toàn quốc.

Đặc điểm sửa

Tam Tiểu Thời Kỳ sửa

Theo quan điểm của các tín đồ Cao Đài Chơn Lý, đạo Cao Đài chính là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã trải qua đến 2 thời kỳ phổ độ là Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ. Điều này giống như tất cả các Hội Thánh Cao Đài khác. Nhưng Cao Đài Chơn Lý tin rằng trong Tam Kỳ Phổ Độ có 3 thời kỳ nhỏ nữa gọi là Tam Tiểu Thời Kỳ, với những dẫn luận sau đây:

Quả Càn Khôn

Khi Đức Cao Đài giao cho ông Thái Bính Thanh là việc làm quả càn khôn có đường kính 3,3 m, ông Bính có hỏi Đức Cao Đài, Đức Cao Đài có nói ngày sau sẽ rõ. Cao Đài Chơn Lý nói 3 trước dấu phẩy là Tam Kỳ Phổ Độ, trong Tam Kỳ Độ có Tam Tiểu Thời Kỳ tức là số 3 nằm sau dấu phẩy.

Danh xưng A Ă Â của Đức Cao Đài

Ngày lập Đạo, Đức Cao Đài Tiên Ông đã xưng A Ă Â, Cao Đài Chơn Lý lấy dẫn luận bài kinh sau đây để chứng minh tiên tri cho sự chuyển đạo 2 lần từ Nhứt Tiểu Thời sang Nhị Tiểu Thời và từ Nhị Tiểu Thời sang Tam Tiểu Thời:

"Trước Thầy chỉ chữ A là một Chữ Ă này Thầy cột Nhị Kỳ Â là Tam Tiểu Đạo Quy Ba về Một mối dây Đạo Trời"

Không theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền sửa

Cao Đài Chơn Lý là một trong những Hội Thánh không theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền. Thay vào đó, Hội Thánh có Luật Bình Quân và Thập Ngũ Qui Điều.

Biểu tượng Thiên Nhãn sửa

Năm 1930, Hội Thánh chuyển Thánh Tượng Thiên Nhãn sang thành Thánh Tượng con mắt nằm giữa trái tim. Đến năm 1938 đến nay, Hội Thánh thờ Thánh Tượng Tâm Hòa Nhãn, nghĩa là trái tim bên ngoài và Thần Nhãn nằm giữa. Thánh tượng có tất cả 72 tia hào quang. Chỉ có Cao Đài Chơn Lý mới thờ Thánh Tượng đó. Giáo hội Cao Đài Việt Nam cũng thờ dạng Thánh Tượng này nhưng cái khác là hào quang 108 tia.

Biểu tượng Thái Cực Đăng sửa

Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý thờ Thái Cực Đăng nằm trên 14 ngọn đèn còn lại, nghĩa là số đèn lên đến 15 ngọn chứ không phải một ngọn như các Hội Thánh Cao Đài thờ Thiên Nhãn hình con mắt trái. 15 ngọn đèn đó gọi là Thập Ngũ Linh Đăng.

Hình Thể Tòa Thánh sửa

Tòa Thánh Định Tường, còn gọi là Tòa Thánh Cao Đài Chơn Lý, có đến 4 hình thể gồm Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Châu Thiên Đài. Các Hội Thánh Cao Đài khác không lập Châu Thiên Đài.

Hình thể Tòa Thánh Cao Đài Chơn Lý mang hình nhân đang nằm quay về hướng nam, ứng hóa với câu "Thánh nhân nam diện, nhi thính thiên hạ". Hình nhân nằm đó là hình thể Đức Cao Đài tại thế. Tòa Thánh là Bạch Ngọc Kinh tại thế của Đức Cao Đài.

Bát quái của Cao Đài Chơn Lý là Bát Quái Hậu Thiên nằm trước Hiệp Thiên Đài.

Ngoài ra, Thánh sở của Cao Đài Chơn Lý đều có cửa giữa và lối đi chính giữa gọi là đường Huỳnh Đạo, cho nên không có chữ Khí và bàn thờ Hộ pháp như các Hội Thánh khác.

Thánh danh sửa

Ở nhiều Hội Thánh Cao Đài, danh tự Hương gắn trước tên các vị chức sắc nữ phái, riêng Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo thêm danh tự Ngọc; Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý chia nữ phái thành năm nhóm, gọi là năm cung, theo đó 5 danh tự tương ứng gồm Quế, Diêu, Quỳnh, Liên, Bích ứng với năm màu sắc khác nhau, được thêm vào trước tên các vị chức sắc nữ phái.

Ở Nam phái, cũng chia làm 3 phái nhỏ là Thái, Thượng, Ngọc ứng với đại diện cho Thích Giáo, Tiên Giáo và Nho Giáo. Tuy nhiên, khi tu lên đến phẩm Đầu Sư Chính Vị thì tên không lấy theo tịch đạo là Thanh nữa mà lấy Phái + Tên + Nhựt/Nguyệt/Tinh, nếu phái Thái Đầu Sư thì lấy chữ Nhựt gắng sau tên, Thượng đi với Nguyệt và Ngọc đi với Tinh.

Hiện nay Tam Thanh Đầu sư của Cao Đài Chơn Lý là Thái Long Nhựt, Thượng Chình Nguyệt và Ngọc Trực Tinh.

Chức sắc sửa

Theo quan điểm của các tín đồ Cao Đài Chơn Lý, Thời Quân là người canh giữ và nghiên cứu tiết khí của Bát Quái Hậu Thiên để do theo cơ Đạo và Tọa Hóa.

Cao Đài Chơn Lý có Thập Bát La Hán, La Hán này là những vị trên Thượng Giới giáng hạ để phụ giúp Đức Cao Đài giáo hóa nhân sanh. Biểu hiện của La Hán là các thẻ La Hán. Có tất cả 18 vị La Hán nhưng chỉ có 17 thẻ. Thẻ Lan Hán của La Hán dược sư không có tức là thẻ vô vi. La Hán là chức sắc Hiệp Thiên Đài.

Trong số 17 thẻ La Hán ấy, hiện nay Cao Đài Chơn Lý chỉ sử dụng 15 thẻ, trừ hai thẻ Hàng Long và An Thiên của ông Lê Văn Được và ông Nguyễn Văn Ca để làm sử liệu chứ không ai dám bái mạng thẻ này. Do đó, hệ thông La Hán của Cao Đài Chơn Lý ngày nay chỉ còn 15 thẻ. Tất cả đầu sư đều là La Hán, do vậy, họ vừa mang chức sắc Châu Thiên Đài (Chức sắc trong hàng Thập Ngũ Linh Đăng) nhưng vừa là chức sắc Hiệp Thiên Đài. Trong số Tam Thanh Đầu Sư, có 2 vị bái mạng Quyền Chưởng Quản thì thánh danh của họ cũng thay đổi. Khi đó thánh danh được gọi theo tên La Hán cộng với phái mà họ mang.

Ví dụ: Ông Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài hiện nay của Cao Đài Chơn Lý là ông Lý Văn Tiên. Khi làm đầu sư, ông là Ngọc Tiên Tinh, mang phẩm La Hán Hỗn Ngươn, sau khi bái mạng Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, ông không còn tên Ngọc Tiên Tinh nữa mà gọi thánh danh của ông là Ngọc Hỗn Ngươn.

Chức sắc Cửu Trùng Đài cũng giống như các Hội Thánh khác, đi từ Lễ Sanh lên Chánh Phối Sư.

Chức Sắc Châu Thiên Đài gọi là chức sắc Thập Ngũ Linh Đăng gồm có:

5 vị Thiên Sư gọi là Ngũ Hành Thiên Sư gồm Đông Tây Nam Bắc và Trung Thiên sư, Đạo Phục của Thiên sư hoàn toàn khác của chức sắc còn lại.

4 vị Tứ Bửu

3 vị Tam Thanh Đầu Sư

2 vị Chưởng Quản, ngày nay chỉ có Quyền Chưởng Quản

1 vị Giáo chủ là Đức Cao Đài, không ai dám gọi là Ngội Độc Nhất mà chỉ có Đức Cao Đài mới dám xưng.

Cao Đài Chơn Lý không có các chức Truyền Trạng, Hiền Tài, Thừa Sử hoặc Giáo Tông, Hộ pháp như các Hội Thánh khác, tuy nhiên tên gọi thì khác nhưng vẫn có chức đối phẩm như trên và thi hành nhiệm vụ giống như trên.

Chẳng hạn: Chưởng Quản Cửu Trùng Đài đối phẩm với Giáo Tông

Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài đối phẩm Hộ pháp.

Tu tập sửa

Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý cấm việc ngồi tịnh luyện mà thay vào đó tín đồ phải ngồi u minh để độ người đã chết và phổ độ người còn sống. Hội Thánh có 2 cấp là Trung ương Hội Thánh và Họ Đạo, riêng Tiểu Tòa Thánh An Thái là trường hợp đặc biệt đại diện cho Tòa Thánh tại miền Trung Việt Nam.

Hoạt động của Cao Đài Chơn Lý hiện nay sửa

Hiện nay, số lượng tín đồ của Cao Đài Chơn lý vào khoảng 1 vạn tín đồ, gồm 30 thánh thất, 1 Hồi Quán Vô Vi Cảnh, 2 Phổ Đà Cảnh, 1 Vạn Linh Đài, 1 Tiên Linh Đài, 1 Tiểu Tòa Thánh nằm ở Bình Định và 1 Tòa Thánh.

STT Cơ sở Tỉnh Địa chỉ Ghi chú
1 Tòa thánh Chơn Lý - Định Tường Tiền Giang 193 Nguyễn Trung Trực, Ấp Mỹ An, Xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho Tòa Thánh
2 Tiểu Tòa Thánh An Thái Bình Định Thôn An Thái, Xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn Tiểu Tòa Thánh
3 Thánh thất An Hòa - Rạch Sỏi Kiên Giang 494 Nguyễn Chí Thanh, KP.6, P.Rạch Sỏi, TP.Rạch Giá
4 Thánh thất An Lục Long Long An Ấp An Tập, Xã An Lục Long, Huyện Châu Thành
5 Thánh thất An Thạnh Thủy Tiền Giang Ấp An Khương, Xã An Thạnh Thủy, Huyện Chợ Gạo
6 Thánh thất Bình An Long An Ấp Vàm Kinh, Xã Bình An, Huyện Thủ Thừa
7 Thánh thất Bình Giang Bình Định Thôn Trung Sơn, Xã Tây Thuận, Huyện Tây Sơn
8 Thánh thất Bình Nhâm Bình Dương Đường Bình Nhâm 2, KP.Bình Thuận, P.Bình Nhâm, TP.Thuận An
9 Thánh thất Bình Tâm Long An Ấp 4, Xã Bình Tâm, TP.Tân An
10 Thánh thất Bình Thành - Thủ Thừa Long An ĐT818, KP.11, TT.Thủ Thừa, Huyện Thủ Thừa
11 Thánh thất Bình Thới Bến Tre Ấp 3, Xã Bình Thới, Huyện Bình Đại
12 Thánh thất Buôn Ma Thuột Đắk Lắk 256 Hoàng Diệu, P.Thành Công, TP.Buôn Ma Thuột
13 Thánh thất Cửu Đạo Gia Lai TX.An Khê
14 Thánh thất Đông Phước Phú Yên Thôn Đông Phước, Xã Hòa An, Huyện Phú Hòa
15 Thánh thất Đông Thuận TP.Cần Thơ Ấp Cầu Kinh Ngang, Xã Đông Thuận, Huyện Thới Lai
16 Thánh thất Long Thắng Đồng Tháp Ấp Hòa Bình, Xã Long Thắng, Huyện Lai Vung
17 Thánh thất Long Toàn Trà Vinh Ấp Bến Chuối, Xã Long Toàn, TX.Duyên Hải
18 Thánh thất Mỹ Long Đồng Tháp Ấp 2, Xã Mỹ Long, Huyện Cao Lãnh
19 Thánh thất Nam Thái Kiên Giang Ấp 6 Đình, Xã Nam Thái, Huyện An Biên
20 Thánh thất Ngọc Phát Bạc Liêu Ấp Bình Thạnh, Xã Vĩnh Phú Tây, Huyện Phước Long
21 Thánh thất Nha Trang Khánh Hòa 111B Lê Hồng Phong, P.Phước Hải, TP.Nha Trang đang xây cơ sở mới
22 Thánh thất Phú Cường Bình Dương 134A Cách Mạng Tháng Tám, KP.10, P.Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một
23 Thánh thất Phú Nhiêu Phú Yên Thôn Phú Nhiêu, Xã Hòa Mỹ Đông, Huyện Tây Hòa
24 Thánh thất Phù Cát Bình Định
25 Thánh thất Phước Hòa - Long Xuyên An Giang ĐT943, Khóm Tây Huề 3, P.Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên
26 Thánh thất Quơn Long Tiền Giang Ấp Long Thạnh, Xã Quơn Long, Huyện Chợ Gạo
27 Thánh thất Song An Gia Lai TX.An Khê
28 Thánh thất Song Bình Tiền Giang Ấp Tân Tỉnh, Xã Song Bình, Huyện Chợ Gạo
29 Thánh thất Tân Hòa Đồng Tháp Ấp Hòa Bình, Xã Tân Hòa, Huyện Lai Vung
30 Thánh thất Tân Lập - Mộc Hóa Long An Ấp 3, Xã Tân Lập, Huyện Mộc Hóa
31 Thánh thất Thanh Bình Tiền Giang Ấp 3, Xã Thanh Bình, Huyện Chợ Gạo
32 Hồi Quán Vô Vi Cảnh Tiền Giang Ấp Tân Lược, Xã Tân Lý Đông, Huyện Châu Thành
33 Phổ Đà Cảnh - Định Tường Tiền Giang 193 Nguyễn Trung Trực, Ấp Mỹ An, Xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho (Khuôn viên Tòa Thánh) Thờ Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu
34 Phổ Đà Cảnh
35 Vạn Linh Đài Tiền Giang Ấp Mỹ Hưng, Xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho
36 Tiên Linh Đài

Nhầm lẫn về danh xưng sửa

Hiện nay, vì một số các Hội Thánh Cao Đài có tổ chức liên giao vẫn chưa hiểu được sử quan của Cao Đài Chơn Lý, nên vẫn thường gọi là Cao Đài Minh Chơn Lý.

Tuy nhiên Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Lý hiện không còn nữa và Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý là người tiếp nối truyền thống Minh Chơn Lý. Do đó, hiện nay Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý đang cố gắng thông tri toàn Đạo về vấn đề Minh Chơn Lý và Chơn Lý này.

Chú thích sửa

Tham khảo sửa