HMS Southampton (C83) là một tàu tuần dương hạng nhẹ của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc thuộc lớp Town (1936), từng phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và đã bị máy bay ném bom Đức đánh chìm ngoài khơi Malta vào ngày 11 tháng 1 năm 1941.

Tàu tuần dương HMS Southampton vào năm 1937
Lịch sử
Anh Quốc
Tên gọi HMS Southampton
Xưởng đóng tàu John Brown & Company, Clydebank, Scotland
Đặt lườn 21 tháng 11 năm 1934
Hạ thủy 10 tháng 3 năm 1936
Nhập biên chế 6 tháng 3 năm 1937
Số phận Bị đánh chìm ngoài khơi Malta, 11 tháng 1 năm 1941
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu lớp tàu tuần dương Town
Trọng tải choán nước 11.540 tấn Anh (11.730 t)
Chiều dài 591 ft 7,2 in (180,320 m)
Sườn ngang 62 ft 3,6 in (18,989 m)
Mớn nước 20 ft (6,1 m)
Động cơ đẩy
Tốc độ 32 kn (37 mph; 59 km/h)
Tầm xa 5.300 nmi (6.100 mi; 9.800 km) ở tốc độ 13 kn (15 mph; 24 km/h)
Tầm hoạt động 1.325 tấn dầu
Thủy thủ đoàn tối đa 750
Hệ thống cảm biến và xử lý radar
Vũ khí
Máy bay mang theo 2 × thủy phi cơ Supermarine Walrus (tháo dỡ cuối chiến tranh)
Hệ thống phóng máy bay 1 × máy phóng

Thiết kế và chế tạo sửa

Lớp tàu tuần dương Town bao gồm 10 chiếc được Hải quân Anh chế tạo trước Thế Chiến II, được thiết kế nhằm tuân thủ những hạn chế đặt ra bởi Hiệp ước Hải quân London năm 1930, có trọng lượng choán nước 11.930 tấn và tốc độ tối đa 32 knot (59 km/h). Chúng được trang bị dàn pháo chính 152 mm (6 inch); bao gồm ba lớp phụ riêng biệt, trong đó Southampton là chiếc dẫn đầu của lớp phụ đầu tiên. Nó được đặt lườn tại xưởng đóng tàu của hãng John Brown & Company tại Clydebank, Scotland vào ngày 21 tháng 11 năm 1934, được hạ thủy vào ngày 10 tháng 3 năm 1936 và được đưa ra hoạt động vào ngày 6 tháng 3 năm 1937

Lịch sử hoạt động sửa

Thoạt tiên Southampton phục vụ như là soái hạm của Hải đội Tuần dương 2 trực thuộc Hạm đội Nhà. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, vào ngày 5 tháng 9 năm 1939, nó ngăn chặn chiếc tàu buôn Đức Johannes Molkenbuhr ngoài khơi Stadtlandet, Na Uy, nhưng thủy thủ đoàn chiếc tàu buôn đã tự đánh đắm tàu trước khi nó có thể bị chiếm giữ. Những người sống sót được chiếc HMS Jervis cứu vớt, còn Johannes Molkenbuhr bị HMS Jersey kết liễu.

 
HMS Southampton đang nả pháo ngoài khơi Sardinia. Có thể thấy ánh chớp của các phát đạn pháo, và đạn pháo đối phương rơi phía đuôi tàu. Ảnh chụp từ tàu tuần dương HMS Sheffield

Sau đó Southampton bị hư hại vào ngày 16 tháng 10 năm 1939 trong khi đang thả neo ngoài khơi Rosyth thuộc Scotland, khi nó bị đánh trúng một quả bom 500 kg trong một cuộc không kích. Quả bom được thả từ độ cao chỉ có 150 m bởi một chiếc Junkers Ju 88 thuộc Liên đội I/KG.30, và đã đánh trúng góc của hầm đạn pháo phòng không pom-pom, xuyên qua ba tầng hầm ở một góc nghiêng và thoát ra khỏi lườn tàu trước khi phát nổ dưới nước. Chiếc tàu tuần dương bị hư hại nhẹ cấu trúc thượng tầng và hỏng tạm thời hệ thống điện. Nó được sửa chữa, và đến cuối năm nó là một trong những tàu chiến đã tham gia săn đuổi các thiết giáp hạm Đức ScharnhorstGneisenau sau khi chúng đánh chìm chiếc HMS Rawalpindi. Sau đó nó phục vụ cùng với Lực lượng Humber cho đến tháng 2 năm 1940, khi được điều sang Hải đội Tuần dương 18 tại Scapa Flow. Vào ngày 9 tháng 4 năm 1940, trong khi hoạt động ngoài khơi bờ biển Na Uy, Southampton bị hư hại nhẹ bởi mảnh đạn trong một đợt không kích của Đức, khiến bộ điều khiển hỏa lực dàn pháo chính tạm thời không hoạt động. Sau khi được sửa chữa, nó đảm nhiệm vai trò tuần tra chống xâm nhập tại bờ biển phía Nam nước Anh cho đến khi quay trở về Scapa Flow vào tháng 10.

 
HMS Southampton trong vũng biển Topsundet, Na Uy

Vào ngày 15 tháng 11 Southampton lên đường đi Địa Trung Hải, và đã tham gia Trận chiến mũi Spartivento vào ngày 27 tháng 11. Đến tháng 12 nó di chuyển sang Hồng Hải làm nhiệm vụ hộ tống các đoàn tàu vận tải chuyển quân, đồng thời tham gia vào việc bắn phá Kismayu trong Chiến dịch Đông Phi. Vào ngày 1 tháng 1 năm 1941 nó gia nhập Hải đội Tuần dương 3 và tham gia hộ tống các đoàn tàu vận tải Malta. Trưa ngày 11 tháng 1, ở về phía Đông Nam Malta, Southampton cùng với HMS Gloucester chịu đựng một cuộc không kích bởi 12 máy bay ném bom bổ nhào Đức Junkers Ju 87 (Stuka). Nó bị đánh trúng ít nhất hai quả bom và bốc cháy; đám cháy lan nhanh từ đuôi tàu đến mũi tàu làm nhiều người bị kẹt lại trong các tầng hầm bên dưới.[3] 81 người đã bị thiệt mạng trong trận chiến, những người sống sót được GloucesterHMS Diamond cứu vớt. Bị hư hại nặng và không còn động lực, Southampton bị đánh chìm bởi một quả ngư lôi của Gloucester và bốn quả của HMS Orion.

Trong một lá thư riêng gửi cho Thứ trưởng Hải quân Anh Sir Dudley Pound một tuần sau khi Southampton bị đánh chìm, Đô đốc Andrew Cunningham, Tổng tư lệnh Hạm đội Địa Trung Hải, đã viết: "Tôi không thích lớp 'Southampton' này. Chúng là những con tàu tốt, nhưng cấu trúc hầm máy bay quá lớn hầu như là một điểm ngắm tốt, chúng luôn luôn bị đánh trúng tại đây."[3]

Xem thêm sửa

  Tư liệu liên quan tới HMS Southampton (83) tại Wikimedia Commons

Tham khảo sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Lenton & Colledge 1968 trang 41&44
  2. ^ Campbell 1985 trang 34
  3. ^ a b Otter 2001, tr. 63–64

Thư mục sửa

  • Chesneau, Roger (ed.) (1980). Conway's All the World's Fighting Ships, 1922-1946. London: Conway Maritime Press. ISBN 0-85177-146-7.Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
  • Colledge, J. J.; Warlow, Ben (1969). Ships of the Royal Navy: the complete record of all fighting ships of the Royal Navy (Rev. ed.). London: Chatham. ISBN 978-1-86176-281-8. OCLC 67375475.
  • Otter, Ken (2001) [1999]. HMS Gloucester The Untold Story (ấn bản 2). Durham: G.A.M. Books. ISBN 0-9522194-2-5. Đã bỏ qua tham số không rõ |o clc= (trợ giúp)

Liên kết ngoài sửa