Heinrich của Phổ (1726–1802)

hoàng tử Phổ (1726-1802)
Vương thân Heinrich
Thông tin chung
Sinh(1726-01-18)18 tháng 1 năm 1726
Mất3 tháng 8 năm 1802(1802-08-03) (76 tuổi)
Phối ngẫuWilhelmina của Hesse-Kassel
Thân phụFriedrich Wilhelm I của Phổ
Thân mẫuSophie Dorothea xứ Hannover
Chữ kýChữ ký của Vương thân Heinrich

Friedrich Heinrich Ludwig (18 tháng 1 năm 1726 – 3 tháng 8 năm 1802), thường được gọi là Heinrich, là một Vương thân của Vương quốc Phổ, em trai của vua Phổ Friedrich II Đại đế. Ông là một vị tướng và là một triều thần tài ba của nước Phổ, từng đóng góp nhiều công lao cho quốc gia, nhất là trong cuộc Chiến tranh Bảy năm. Năm 1786, Heinrich từng được đề cử làm Quốc vương của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tuy nhiên đề cử này sau đó bị bác bỏ trước khi ông kịp trả lời.

Tiểu sử sửa

Heinrich là con thứ 13 của vua Phổ Friedrich Wilhelm I (1713-1740) và là em trai của vua Phổ Friedrich II Đại đế. Sự xung khắc giữa hai anh em Friedrich và Heinrich đã trở nên nổi tiếng.

Vào lúc vua Friedrich II mới lên ngôi, Heinrich được phong hàm Đại tá và bổ nhiệm làm chức chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 35 khi chỉ mới 14 tuổi. Không lâu sau đó ông chỉ huy lực lượng này tham gia vào chiến tranh Silesia. Trong một thời gian dài Heinrich phải sống dưới cái bóng quá lớn của ông anh vĩ đại Friedrich II, vì vậy ông thường xuyên chỉ trích các chiến thuật quân sự và chính sách ngoại giao của Friedrich. Vào năm 1753 ông xuất bản một hồi ký dưới bút danh là "Maréchal Gessler".

Tập tin:Portrait of Wilhelmine of Hesse-Kassel (1726-1808) by Johann Valentin Tischbein.jpg
Wilhemina của Hesse-Kassel, phu nhân của Heinrich.

Năm 1752, Heinrich kết hôn với Wilhemina, con gái của Vương công Maximilian xứ Hesse-Kassel, tại Charlottenburg. Ông được vua anh Friedrich II trao tặng lãnh địa Rheinsberg và sống ở đó. Mặc dù đã kết hôn, Heinrich không hề giấu giếm sự quan tâm "trên mức tình cảm" của mình đối với những người bạn cùng giới và có mối quan hệ khá là thân thiết đối với người diễn viên Blainville và một Bá tước người Pháp tên là La Roche-Aymon. Một sủng nam của ông, Thiếu tá Kaphengst, đã lợi dụng mối quan hệ mật thiết với vị Vương thân để sống một cuộc sống hết sức hoang phí và bê tha tại một điền trang không xa Rheinsberg.[1]

Heinrich là một nhà quân sự tài ba và ông đã lập nhiều công lao hiển hách trong cuộc Chiến tranh bảy năm (1756–1763), trong cuộc chiến này ông không hề thua bất kỳ trận đánh nào. Trong trận Kunersdorf (1759), Heinrich đã cố khuyên vua anh Friedrich II đừng cố tấn công liên quân Nga-Áo nhưng vị vua Phổ không nghe và đã gánh chịu thảm bại sau đó. Sau thất bại ở Kunersdorf, Heinrich đảm trách việc gầy dựng lại quân đội Phổ và được Friedrich giao nhiệm vụ trấn giữ mặt Đông của nước Phổ, một vị trí có tầm quan trọng lớn về chiến lược. Sau đó, vào năm 1762 Heinrich gặt hái được một thắng lợi to lớn ở Trận Freiberg.

Sau chiến tranh, Heinrich đảm đương nhiệm vụ ngoại giao và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ nhất. Trong thập niên 1780 ông từng hai lần đi sứ tới Pháp.

Heinrich từng có ý muốn sở hữu một công quốc cho mình và cũng từng hai lần thử tranh cử danh hiệu vua Ba Lan, nhưng bị Friedrich II phản đối. Sau đó và Friedrich cũng phá hoại một nỗ lực của Heinrich nhằm làm vua một vương quốc nhỏ mà Ekaterina II của Nga định thành lập ở Românească.

Vào năm 1786, Nathaniel Gorham, chủ tịch Quốc hội Lục địa,[2]Friedrich Wilhelm von Steuben, vị tướng Phổ tham gia Quân đội Lục địa,[3] đã đề nghị với Alexander Hamilton rằng Vương công Heinrich nên được đưa lên làm Quốc trưởng[4] hoặc là vua của Hoa Kỳ, nhưng đề nghị này bị bác bỏ trước khi Heinrich kịp có ý kiến gì. Cùng năm đó, Friedrich II chết và Heinrich hy vọng rằng sau cái chết của anh trai, ảnh hưởng của ông trong triều đình Phổ có thể tăng lên khi ông được bổ nhiệm làm cố vấn cho tân vương Friedrich Wilhelm II (1786-1797). Mặc dù ông không đạt được ảnh hưởng mà mình mong muốn, nhưng vai trò của ông trở nên quan trọng hơn khi ông trở thành cố vấn của vua Friedrich Wilhelm III (1797-1840).

Trong khi Voltaire xem Friedrich II là một "vị vua hiền triết", đại văn hào nước Pháp này hy vọng Heinrich là người thực thi đường lối triết học Khai sáng và mở ra "Thời kỳ Lý trí".

Heinrich qua đời vào năm 1802 ở Rheinsberg, thọ mạng 76 tuổi.

Gia phả sửa

Chú thích sửa

 
Lăng mộ của Heinrich tại Lâu đài Rheinsberg.
  1. ^ Eugen Wilhem, "Die Homosexualitat des Prinzen Heinrich von Preussen, des Bruders Friedrichs des Grossen", Zeitschrift fur Sexualwissenschaft 15, (1929)
  2. ^ "Jeffrey Rogers Hummel, William Marina. The Independent Institute. Did the Constitution Betray the Revolution?". Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2007.
  3. ^ John Richard Alden. The History of the American Revolution[liên kết hỏng]. Da Capo Press, 1989. ISBN 0-306-80366-6
  4. ^ Richard Krauel. "Prince Henry of Prussia and the Regency of the United States, 1786". The American Historical Review, Vol. 17, No. 1 (October, 1911), pp. 44-51

Liên kết ngoài sửa