Huguenot là những tín hữu Kháng Cách tại Pháp chấp nhận nền thần học Calvin. Thuật từ này có từ đầu thế kỷ 16 và thường được dùng để gọi những người thuộc Giáo hội Cải cách Pháp. Vào thời đỉnh cao, ước tính cộng đồng Huguenot chiếm khoảng 10% dân số Pháp, phần nhiều sống tại miền Tây và miền Nam nước này.

Thần học Calvin
Jean Calvin

Nguồn gốc

sửa

Khởi thủy, tên gọi này là một sự chế giễu, hiện vẫn chưa có sự khẳng định về nguồn gốc của nó; có thể là từ tên Besançon Hugues, cũng có thể đến từ một từ Đức ngữ Eidgenosse, nghĩa là người Thuỵ SĩGeneva, nơi chốn John Calvin nhận là nhà, cũng là trung tâm của phong trào Calvin. Tại Geneva, Hugues là lãnh tụ của "Đảng Liên bang", do chủ trương thành lập một liên minh giữa thành phố độc lập Geneva và Liên bang Thuỵ Sĩ. Cách giải thích này phù hợp với sự kiện tên Huguenot lần đầu tiên được sử dụng tại Pháp, gọi những người cùng lập kế hoạch cho vụ chính biến Amboise (tất cả đều thuộc thành phần quý tộc đang cầm quyền, và là thuộc viên Giáo hội Cải cách) năm 1560 nhằm tước bỏ quyền lực khỏi tay Nhà Giuse, động thái này làm mối quan hệ của họ với Thuỵ Sĩ càng thân cận hơn. Như vậy, Hugues được kết hợp với eidgenot trở thành tên gọi Huguenot với ngụ ý nối kết các hoạt động của người Kháng Cách với một số sự kiện trong chính trường Pháp.[1]

Một luận điểm khác được trình bày bởi O.I.A. Rouche trong một tác phẩm của ông The Days of the Upright, A History of the Huguenots, theo đó "Huguenot" là "một sự kết hợp giữa một từ tiếng Flemish và một từ Đức ngữ. Trong khu của người Flemish tại Pháp, những người lén lút tụ tập tại nhà riêng để học Kinh Thánh được gọi là Hius Genooten, nghĩa là "bạn một nhà", trong khi trên vùng biên giới Đức-Thuỵ Sĩ, họ được gọi là "bạn cùng thề" vì ràng buộc với nhau vì một lời thề. Khi được Pháp hoá từ này trở thành "Huguenot", trong suốt hai thế kỷ rưỡi, đã trở thành biểu trưng cho hoàn cảnh ngặt nghèo và sự đắc thắng, là dấu hiệu của danh dự và lòng quả cảm bền vững."

Lịch sử

sửa
 
Thập tự giá Huguenot

Trước đó đã có những giáo dân Công giáo Rôma Pháp ủng hộ tư tưởng cải cách như Jacques Lefevre. Những người này đã giành được sự độc lập cho giáo hội tại Pháp trong một thời gian ngắn dựa trên nguyên tắc giáo hội tại Pháp không nên chịu sự kiểm soát của Giám mục thành Rôma, một thế lực ngoại bang.[2] Sau này, những người Huguenot chấp nhận phong trào cải cách của Luther, và cuối cùng là nền thần học Calvin.

Những người Huguenot chia sẻ với John Calvin ý tưởng cần phải có những biện pháp cải cách triệt để chống lại hệ thống tăng lữ, nền thần học thánh lễ và các học thuyết khác của Giáo hội Công giáo Rôma. Họ tin rằng sự cứu rỗi là một hành động của Thiên Chúa, giống như sự sáng tạo là một hành động của Ngài, do đó chỉ bởi lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho người được chọn mà họ được cứu rỗi. Bản Tín điều Pháp năm 1559 thể hiện rõ lập trường thần học Calvin.[3]

Những người Huguenot chỉ trích Giáo hội Công giáo Rôma về nghi thức thờ phượng, thánh lễ, tượng thờ, sự sùng bái các thánh, hành hương, và hệ thống tăng lữ; họ cho rằng những điều này chẳng giúp ích gì cho sự cứu chuộc linh hồn. Theo quan điểm của họ, đức tin Cơ Đốc nên được thể hiện qua đời sống chính trực và tin kính, vâng phục những giáo huấn của Kinh Thánh và xuất phát từ tấm lòng biết ơn Thiên Chúa.

Có quan điểm giống các tín hữu Kháng Cách vào thời ấy, những người Huguenot tin rằng Giáo hội Rôma cần được tẩy sạch triệt để khỏi những bất khiết, và trong mắt họ Giáo hoàng biểu trưng cho một vương quốc đậm màu thế tục.

Kể từ khi bùng nổ cuộc Cải cách Kháng nghị, người Huguenot bị bách hại trong các giai đoạn khác nhau; Song Francis I (trị vì từ năm 15151547) với chủ trương hoà giải, tìm cách bảo vệ những người Huguenot khỏi những biện pháp của Quốc hội nhằm tiêu diệt họ, cho đến khi xảy ra vụ Affair of the Placards trong năm 1534, khi xuất hiện những bích chương đả kích Giáo hội Công giáo, nhà vua thay đổi thái độ.

Con số thành viên Huguenot tăng nhanh trong quãng thời gian từ năm 1555 đến năm 1562, phát triển mạnh trong giới quý tộc và thị dân. Trong giai đoạn này, những người chống đối gọi họ là Kháng Cách Huguenot; nhưng họ tự nhận mình là những người chủ trương cải cách. Giáo hạt đầu tiên của họ được thành lập năm 1558 tại Paris.

Đến năm 1562, theo ước tính tổng số thành viên Huguenot ít nhất là một triệu người, quy tụ ở miền nam và khu vực trung tâm của đất nước. Cộng đồng Huguenot tại Pháp khi đang ở đỉnh điểm lên đến hai triệu người trên mười sáu triệu giáo dân Công giáo vào lúc ấy.

Chiến tranh

sửa

Phản ứng với ảnh hưởng gia tăng của phong trào Huguenot và lập trường cấp tiến của họ là sự bùng nổ bạo động từ những người Công giáo, trong khi vương triều ban hành những chiếu chỉ mở rộng sự khoan dung tôn giáo.

Năm 1561, Chiếu chỉ Orleans công bố chấm dứt bách hại tôn giáo; Chiếu chỉ Saint Germain lần đầu tiên công nhận cộng đồng Huguenot (ngày 17 tháng 1 năm 1562); nhưng những biện pháp này chỉ đủ che đậy mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai cộng đồng Kháng Cách và Công giáo.

Nội chiến

sửa
 
Gaspard de Coligny

Sự căng thẳng cuối cùng đã dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài, dù có những lúc yên tĩnh từ năm 15621598. Sau mỗi lần ngừng chiến, lòng tin của người Huguenot vào nhà vua Công giáo càng suy giảm, sau đó bạo động càng trở nên dữ dội, những đòi hỏi của người Kháng Cách càng lớn hơn cho đến sau cuộc ngừng chiến sau cùng là lúc sự thù nghịch công khai bùng nổ vào năm 1598.

Cuộc nội chiến dần dần nảy sinh những nhân tố tự thúc đẩy, phát triển thành mối thù nghịch giữa Nhà Bourbon và Nhà Giuse - cùng với sự bất đồng tôn giáo – là mục tiêu chiếm lấy vương quyền nước Pháp. Ngai vàng thuộc về Nhà Valoise, thường vẫn ủng hộ phe Công giáo, nhưng đôi khi vì quyền lợi chính trị cũng quay sang phe Kháng Cách.

Chiến tranh Tôn giáo

sửa

Chiến tranh Tôn giáo Pháp bắt đầu với vụ thảm sát tại Wassy ngày 1 tháng 3 năm 1562, có ít nhất 30 người[4] (từ những nguồn tin khác là 1000 người[5] hoặc hơn) Huguenot bị giết và khoảng 200 người bị thương.

Sau vụ thảm sát, người Huguenot tự tổ chức thành một phong trào chính trị, tạo lập một đạo quân hùng hậu và một lực lượng kỵ binh thiện chiến đặt dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Gaspard de Coligny. Henry xứ Navarre và Nhà Bourbon liên minh với phe Huguenot, tăng cường sức mạnh và thêm thành luỹ cho nhóm Kháng Cách, trong lúc mạnh nhất họ có trong tay 60 thành trì kiên cố, trở thành một mối đe doạ nghiêm trọng cho vương triều Công giáo và thủ đô Paris trong suốt ba thập niên.

Thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy

sửa
 
Thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy, tranh của François Dubois (1790 - 1871).

Cuộc chính biến được biết dưới tên vụ Thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy xảy ra từ ngày 24 tháng 817 tháng 9 năm 1572, khi phe Công giáo giết hàng ngàn người Huguenot tại Paris. Các cuộc thảm sát tương tự diễn ra ở những thị trấn khác trong những tuần lễ tiếp theo, với số nạn nhân ước tính khoảng 110.000 người. Sau đó, một lệnh ân xá cho những người tổ chức và thực hiện vụ thảm sát được ban hành năm 1573.

Chiếu chỉ Nantes

sửa

Cuộc thánh chiến thứ năm chống lại người Huguenot khởi sự từ ngày 23 tháng 1 năm 1574. Sự xung đột tiếp diễn trong từng giai đoạn cho đến năm 1598, khi Henry xứ Navarre, người chấp nhận đức tin Công giáo để trở thành Vua Henri IV của Pháp, ban hành chiếu chỉ Nantes. Chiếu chỉ này cho phép người Kháng Cách sống bình đẳng với người Công giáo như là những thần dân của nhà vua, cũng bảo đảm một mức độ tự do về tôn giáo và chính trị trong vùng lãnh thổ của họ. Đồng thời, chiếu chỉ Nantes bảo vệ quyền lợi người Công giáo và ngăn chặn việc thành lập nhà thờ Kháng Cách trong những vùng đất ở dưới quyền kiểm soát của người Công giáo.

Sau khi chiếu chỉ Nantes được ban hành, những áp lực từng buộc người Huguenot phải rời khỏi nước Pháp cũng suy giảm. Tuy nhiên, trong thời trị vì của Vua Louis XIV (trị vì 1643-1715), tể tướng của nhà vua, Hồng y Mazarin (nắm giữ quyền bính khi nhà vua còn niên thiếu cho đến khi ông – Mazarin - qua đời năm 1661) tái lập những cuộc bách hại người Kháng Cách, sử dụng quân đội để khủng bố họ đến nỗi nhiều người không còn chịu đựng nỗi và buộc phải lưu vong.

Chiếu chỉ Fontainebleau

sửa

Năm 1685, nhà vua thu hồi chiếu chỉ Nantes, và ban hành chiếu chỉ Fontainebleau công bố đức tin Kháng Cách là bất hợp pháp. Đông đảo người Huguenot (ước tính từ 200.000 đến 1.000.000[6] người) bỏ trốn sang các quốc gia Kháng Cách lân cận như Anh Quốc, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Na Uy, Đan MạchPhổ - ở Phổ, Đại Vương hầu Frederick William đón tiếp họ, và những người tị nạn ra sức giúp phục hồi đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh và thưa dân của vương hầu.

Đến giữa thập niên 1660, số cư dân Huguenot tại Pháp chỉ còn 856.000 người, đa phần sống ở nông thôn. Basse-Guyenne, Saintonge-Aunis-Angoumois, và Poitou là những khu vực có đông người Huguenot nhất.[7]

Di cư

sửa

Những di dân đầu tiên

sửa

Những di dân Huguenot đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Jean Ribault rời bỏ nước Pháp để tránh bị bách hại từ năm 1562, thiết lập một khu định cư nhỏ ở Ft. Caroline, dọc bờ sông St. John, ngày nay là Jacksonville, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ.

Đây là nỗ lực đầu tiên trong chuỗi di cư liên tục từ Âu châu đến thiết lập những khu định cư trên vùng đất mới, ngày nay là Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Dù vậy, khu định cư Ft. Caroline chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn; một khu định cư của người Tây Ban Nha xuất hiện không lâu sau đó ở St. Augustine đã quét sạch nhóm người Pháp trong năm 1565.

Nam Phi

sửa
Tập tin:HuguenotMemorialMuseum.jpg
Đài Tưởng niệm Huguenot tại Franschhoek, Nam Phi.

Ngày 31 tháng 12 năm 1687, một nhóm Huguenot từ Pháp vượt biển đến Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope), Nam Phi. Trước đó, từ năm 1671 đã có các thành viên Huguenot đến đây, nhưng những đợt di dân Huguenot với quy mô lớn diễn ra trong hai năm 16881689.

Nhiều người đến định cư tại vùng đất được đặt tên Franschhoek (tiếng Hà Lan nghĩa là Khu Pháp), nay là tỉnh Western Cape thuộc Nam Phi. Một tượng đài lớn ghi dấu những bước chân đầu tiên của nhóm di dân Huguenot trên vùng đất mới Nam Phi được khánh thành ngày 7 tháng 4 năm 1948 tại Franschhoek.

Nhiều nông trang ở tỉnh Western Cape, Nam Phi, vẫn mang tên Pháp và vẫn còn nhiều gia đình, hầu hết nói tiếng Afrikaan, mang họ Pháp như là bằng chứng cho nguồn gốc Huguenot của mình. Điển hình là những họ như Joubert, du Toit, de Villiers, Viljoen, Theron, du Plessis, Labuschagne, và những họ khác, là những họ phổ biến tại Nam Phi ngày nay.[8]

Bắc Mỹ

sửa

Bị cấm di cư đến vùng Tân Pháp (những khu thuộc địa của nước Pháp ở Bắc Mỹ từ Newfoundland đến Hồ Superior và từ Vịnh Hudson đến Vịnh Mexico), nhiều người Huguenot tìm đến khu định cư Tân Hà Lan của người Hà Lan, về sau sáp nhập vào New YorkNew Jersey và 13 khu thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ, lần đầu tiên vào năm 1624.

Di dân Huguenot thành lập New Paltz, New York, ở đây có con đường cổ xưa nhất nước Mỹ với những ngôi nhà xây dựng bằng đá, New Rochelle, New York (được đặt tên theo thị trấn La Rochelle tại Pháp).

Những di dân khác chọn khu định cư Virginia, thành lập những cộng đồng ngày nay là Quận Chesterfield và Quận Powhatan ngay phía tây Richmond, tiểu bang Virginia, hậu duệ của họ tiếp tục sinh sống ở đây. Ngày12 tháng 5 năm 1705, Nghị viện Virginia thông qua một đạo luật ban quốc tịch cho 148 người Huguenot sinh sống tại Manakintown.[9] Cầu Tưởng niệm Huguenot bắc ngang sông James được đặt tên để vinh danh họ, tương tự như vậy là một số cơ sở ở địa phương bao gồm các trường học.

Nhiều thành viên Huguenot đến định cư tại vùng đất xung quanh địa điểm ngày nay là thành phố Charleston, tiểu bang Nam Carolina. Năm 1685, Mục sư Elie Prioleau từ thị trấn Pons, Pháp tìm đến định cư ở vùng đất nay gọi là Charlestown. Ông trở thành quản nhiệm cho nhà thờ Huguenot đầu tiên ở Bắc Mỹ. Nhà thờ Kháng Cách (Huguenot) Pháp tại Charleston, là giáo đoàn Huguenot cổ xưa nhất tại Hoa Kỳ vẫn duy trì sinh hoạt cho đến ngày nay.

Hầu hết các giáo đoàn Huguenot ở Bắc Mỹ đều sáp nhập với các giáo phái Kháng Cách khác như Giáo hội Trưởng Lão Hoa Kỳ, Giáo hội Cơ Đốc Hiệp nhất, các giáo hội Cải cách và giáo phái Baptist Cải cách.

Anh Quốc

sửa

Ước tính có khoảng 50.000 thành viên Huguenot di cư đến Anh. Nhà thần học và tác giả hàng đầu của Huguenot lãnh đạo một cộng đồng di dân ở Luân Đôn, Andre Lortie, nổi tiếng với những phê phán nhắm vào Toà Thánh và giáo lý biến thể trong Bí tích Thánh thể.

Trong số những người tị nạn đặt chân lên bờ biển Kent, nhiều người tập trung về thành phố Canterbury. Cho đến ngày nay vẫn còn một nhà nguyện Huguenot trong Đại giáo đường Canterbury, nơi nhiều gia đình Huguenot từng được nước Anh đón nhận. Nhiều họ có nguồn gốc từ Pháp được ghi trên tấm thảm đặt ở cổng nhà nguyện.

Rất đông người Huguenot tìm đến sinh sống ở Shoreditch, Luân Đôn. Tại đây họ tạo lập công nghiệp dệt trong vùng Spitafields và Wandsworth.

Nhiều thành viên Huguenot đến Ái Nhĩ Lan và xây dựng các nông trang, một số tham gia chiến đấu chống lại Vua Louis XIV trong cuộc chiến William ở Ái Nhĩ Lan, nhờ đó họ được ban thưởng đất đai và tước hiệu, nhiều người định cư ở Dublin.[10] Một số người Huguenot có tay nghề sinh sống ở Ulster giúp thành lập công nghiệp vải sợi ở đây.

Đức và Bắc Âu

sửa
 
Tháp Kỷ niệm của di dân Huguenot tại Fredericia, Đan Mạch

Những người tị nạn Huguenot tìm thấy nơi trú ẩn an toàn tại những xứ sở chấp nhận đức tin Lutheran và Cải Cách như ở một số vùng của Đức và các quốc gia thuộc vùng Scandinavia. Vào năm 1685 Gần 50 ngàn di dân Huguenot tìm đến định cư ở Đức, 20 ngàn tập trung trong vùng lãnh thổ thuộc Phổ, nơi tuyển hầu Friedrich Wilhelm với Sắc lệnh Potsdam cho họ những đặc quyền.[11] Người Huguenot ở đây đã thành lập 2 đội quân: Bộ đội Varenne (1686)Bộ đội Wylich (1688). Nhiều người trong số những hậu duệ của họ sau này trở thành những nhân vật nổi tiếng. Họ cũng thành lập các giáo đoàn tại Fredericia (Đan Mạch), Berlin, Stockholm, Hamburg, Frankfurt, và Emden. Khoảng năm 1700, một số lượng đáng kể cư dân Berlin sử dụng tiếng Pháp như là tiếng mẹ đẻ, người Huguenot tại thành phố này đã cố bảo tồn Pháp ngữ trong cuộc sống thường nhật trong gần một thế kỷ. Song, cuối cùng họ quyết định sử dụng tiếng Đức nhằm phản kháng cuộc xâm lăng nước Phổ của Napoleon trong những năm 1806 - 1807.

Gần 4.000 Hugenotten khác đã tới Baden, Franken (công quốc Bayreuthcông quốc Ansbach, bây giờ thuộc Bayern), công quốc Hessen-Kassel và Württemberg. Nhiều người khác đã tới vùng Rhein-Main, Saarland và Kurpfalz. Khoảng 1.500 Hugenotten định cư ở Hamburg, BremenNiedersachsen. Có lẽ vì hôn thê Eleonore d’Olbreuse cũng là một người Huguenot, công tước Georg Wilhelm von Braunschweig und Lüneburg đã nhận 300 Huguenot vào khu vực của mình ở Celle.

Ảnh hưởng

sửa

Cuộc di dân của người Huguenot làm nước Pháp bị chảy máu chất xám và phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi. Sự kiện vương quyền Pháp từ chối cho phép người Kháng Cách đến định cư tại vùng Tân Pháp khiến dân số trong vùng tăng chậm, tạo điều kiện thuận lợi cho người Anh đến xâm chiếm lãnh thổ hải ngoại này của Pháp.

Nhiều nhân vật nổi tiếng của Hoa Kỳ là hậu duệ của người Huguenot như Alexander Hamilton, John Jay cùng những chính khách hàng đầu khác. Người ta tin rằng khoảng một phần tư người Anh cũng có nguồn gốc từ di dân Huguenot.

Frederick Đại đế của Phổ, một người chủ trương khoan dung tôn giáo, chào đón người Huguenot đến định cư trong vương quốc của ông, nhiều người trong số các hậu duệ của họ nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền Phổ. Thủ tướng sau cùng của Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức), Lothar de Maizière, có nguồn gốc Huguenot.

Chấm dứt Bách hại

sửa

Chính sách bách hại tín hữu Kháng Cách chấm dứt năm 1764, sau đó cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 dành cho họ quyền công dân đầy đủ.

Ngày nay số tín hữu Kháng Cách ở Pháp chiếm 2% dân số, tức khoảng 1 triệu người,[12][13] tập trung hầu hết tại vùng Cévennes ở miền nam.

Danh sách nhân vật nổi tiếng có nguồn gốc Huguenot

sửa

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ History: The origin of the name Huguenot' Lưu trữ 2007-01-10 tại Wayback Machine The Huguenot Society of America
  2. ^ The Word Made Flesh: A History of Christian Thought, Margaret Ruth Miles, 2005, Blackwell Publishing, pg 381
  3. ^ The French Confession of Faith of 1559
  4. ^ The Catholic Encyclopedia, Antoine Dégert, 1911, Huguenots
  5. ^ A History of the Reformation, by Thomas Martin Lindsay, 1907, p190 "six or seven hundred Protestants were slain"
  6. ^ Encyclopedia Britannica, 11th ed, Frank Puaux, Huguenot
  7. ^ Benedict, Philip (1991). The Huguenot Population of France, 1600-1685: The Demographic Fate and Customs of a Religious Minority. Philadelphia: The American Philosophical Society. tr. 8. ISBN 0871698153.
  8. ^ Ces Français Qui Ont Fait L'Afrique Du Sud. Translation: The French People Who Made South Africa. Bernard Lugan. tháng 1 năm 1996. ISBN 2-84100-086-9'
  9. ^ Huguenots in ManakintownPDF (69.7 KiB)
  10. ^ The Irish Pensioners of William III's Huguenot Regiments
  11. ^ Zu Preußen zusammenfassend Ursula Fuhrich-Grubert: Minoritäten in Preußen. Die Hugenotten als Beispiel. In: Wolfgang Neugebauer (Hrsg.): Handbuch der Preußischen Geschichte. Bd. 1: Das 17. und 18. Jahrhundert und Große Themen der Geschichte Preußens. De Gruyter, Berlin 2009, ISBN 978-3-11-014091-0, S. 1125–1224 (Vorschau bei Google Bücher).
  12. ^ [1]
  13. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2006.

Liên kết ngoài

sửa