Kế Sách

Huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng

Kế Sách là một huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam.

Kế Sách
Huyện
Huyện Kế Sách
Đường 30/4, thị trấn Kế Sách vào tháng 6 năm 2017
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
TỉnhSóc Trăng
Huyện lỵThị trấn Kế Sách
Trụ sở UBNDSố 15, đường 3/2, ấp An Thành, thị trấn Kế Sách
Phân chia hành chính2 thị trấn, 11 xã
Thành lập24/08/1906
Địa lý
Tọa độ: 9°49′30″B 105°57′25″Đ / 9,825°B 105,95694°Đ / 9.82500; 105.95694
MapBản đồ huyện Kế Sách
Kế Sách trên bản đồ Việt Nam
Kế Sách
Kế Sách
Vị trí huyện Kế Sách trên bản đồ Việt Nam
Diện tích352,83 km²
Dân số (1/4/2019)
Tổng cộng149.174 người
Thành thị24.443 người
Nông thôn135.737 người
Mật độ454 người/km²
Dân tộcViệt, Hoa, Khmer
Khác
Mã hành chính943[1]
Mã bưu chính97
Biển số xe83-C1-CA
Số điện thoại
  • 0299.3.876.299
  • 0299.3.876.231
  • 0299.3.877.737
Websitekesach.soctrang.gov.vn

Địa lý sửa

 
Đường 30/4, thị trấn Kế Sách
 
Một góc thị trấn Kế Sách

Huyện Kế Sách có tọa độ địa lý từ 9°14’ đến 9°55’ vĩ độ Bắc và từ 105°30’ đến 106°04’ kinh độ Đông và là cửa ngõ phía bắc của tỉnh Sóc Trăng, có ranh giới với 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, có vị trí địa lý:

Huyện Kế Sách có diện tích 352,83 km², dân số 149.174 người (vào ngày 1/04/2019).[2]

Khí hậu sửa

Huyện Kế Sách nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu, thời tiết mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ẩm, có chế độ nhiệt cao.

Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm 26,8 °C. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối là 37,8 °C (vào tháng 4 hàng năm); nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối là 16,2 °C (vào tháng 12 – 1 hàng năm). Tổng số giờ nắng trung bình hàng năm là 2.342 giờ, bình quân 6,5 giờ/ngày.

Trong năm, khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình là 1.846 mm; lượng mưa phân bố không đều giữa các tháng trong năm, trong mùa mưa lượng mưa chiếm trên 90% tổng lượng mưa cả năm, tổng số ngày mưa trung bình là 136 ngày/năm.

Trên địa bàn huyện có 2 hướng gió chính: gió mùa Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 11, gió mùa Đông Bắc từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Tốc độ gió trung bình 2 m/s. Mỗi năm bình quân có trên 30 cơn giông và lốc xoáy, gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống. Các yếu tố khí hậu thời tiết bất lợi và thiên tai có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Nhìn chung, các yếu tố khí hậu thời tiết cơ bản thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi. Tuy nhiên, những biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra, nhất là vấn đề nước biển dâng sẽ tác động mạnh đến các vung ven sông. Việc kiên cố hóa hệ thống đê sông trên địa bàn Kế Sách cần được coi trọng trong thời kỳ tới.

Hành chính sửa

 
Trung tâm thương mại - dịch vụ
thị trấn Kế Sách

Huyện Kế Sách có 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Kế Sách (huyện lỵ), An Lạc Thôn và 11 xã: An Lạc Tây, An Mỹ, Ba Trinh, Đại Hải, Kế An, Kế Thành, Nhơn Mỹ, Phong Nẫm, Thới An Hội, Trinh Phú, Xuân Hòa với 86 ấp.

Lịch sử sửa

Nguồn gốc tên gọi sửa

Theo Vương Hồng Sển và Đào Văn Hội: Kế Sách (tiếng Khmer: ខ្សាចំ[3] / Khsach) xuất phát từ cách gọi của người Khmer Khsach (phnor Khsắt: Giồng Cát) đọc trại thành Kế Sách. Nơi đây có 1 dãy đất Giồng Cao ráo bắt đầu từ ấp Tập Rèn (cũ) - nay là ấp An Hòa và An Nhơn, xã Thới An Hội, xuyên qua thị trấn Kế Sách (cùng thuộc huyện Kế Sách) xã Phú Tâm đến ngã ba An Trạch và Bưng Trốp huyện Châu Thành. Ngày trước trên dãy đất giồng này đều thuộc huyện Kế Sách. Tại Phú Tâm (Phú Nổ phiên từ Phnor) còn 1 ấp tên gọi là ấp Giồng Cát thuộc xã Phú Tâm, huyện Châu Thành ngày nay[4].

Kế Sách còn một tên gọi khác là Cái Sách, xuất phát từ Vàm sông Kế Sách là nhánh của sông Hậu nên khoảng thời gian trước nông dân nơi đây gọi chợ Kế Sách là chợ Cái Sách hoặc chợ Ruộng. Theo các vị cao niên kể lại chợ Kế Sách ngày trước không lớn nhưng do vùng đất còn thấp có những gò đất chỉ vài trăm mét vuông, người ta đặt những sản vật địa phương (trái cây, khô, cá...) để trao đổi, mua bán[4].

Ban đầu, địa danh Kế Sách chỉ là tên một làng thuộc tổng Định Khánh, tỉnh Sóc Trăng. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp thành lập quận và đặt tên là quận Kế Sách do lấy theo tên gọi làng Kế Sách vốn là nơi đặt quận lỵ.

Thời Pháp thuộc sửa

Vào thời nhà Nguyễn độc lập, vùng đất Kế Sách ngày nay thuộc địa bàn hai tổng Định Khánh và Định Hòa, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang.

Sau khi chiếm hết được các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Hai tổng Định Khánh và Định Hòa lúc này thuộc hạt Thanh tra Ba Xuyên và sau đó là hạt Thanh tra Sóc Trăng.

Năm 1876, hạt Thanh tra Sóc Trăng đổi thành hạt tham biện Sóc Trăng.

Đến ngày 1 tháng 1 năm 1900, lại đổi các hạt tham biện thành tỉnh. Hai tổng Định Khánh và Định Hòa khi đó cùng thuộc tỉnh Sóc Trăng. Cuối thế kỷ XIX, hai tổng Định Khánh và Định Hòa có các làng trực thuộc như sau:

  • Tổng Định Khánh gồm 16 làng: An Lạc Thôn, An Lạc Tây, An Mỹ, An Nghiệp, Ba Trinh, Đại An, Kế Sách, Khả Phú Tây, Mỹ Hội, Ninh Thới, Nhơn Mỹ, Phong Nẫm, Phú Nổ, Thế Nghiệp, Trường Kế, Xuân Hòa.
  • Tổng Định Hòa gồm 11 làng: An Thạnh Nhứt, An Thạnh Nhì, Đại Đức, Đại Ngãi, Hậu Thạnh, Long Hưng, Phú An, Phú Hữu, Phụng Sơn, Phụng Tường, Thái Bình.

Ngày 10 tháng 9 năm 1906, thực dân Pháp cho thành lập quận Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Năm 1917, quận Kế Sách bao gồm 3 tổng: Định Khánh, Định Hòa và Định Tường. Trong đó, tổng Định Tường được thành lập do tách ra từ tổng Định Khánh.

  • Tổng Định Khánh gồm 9 làng: An Mỹ, An Nghiệp, Hélène-ville, Kế Sách, Khả Phú Tây, Mỹ Hội, Nhơn Mỹ, Phú Nổ, Trường Kế.
  • Tổng Định Hòa gồm 10 làng: An Thạnh Nhứt, An Thạnh Nhì, Đại Đức, Đại Ngãi, Hậu Thạnh, Long Hưng, Phú An, Phú Hữu, Phụng Sơn, Phụng Tường.
  • Tổng Định Tường gồm 7 làng: An Lạc Thôn, An Lạc Tây, Ba Trinh, Đại An, Ninh Thới, Phong Nẫm, Xuân Hòa.

Ngày 19 tháng 11 năm 1929, Pháp hủy bỏ tất cả các Nghị định thành lập quận thuộc tỉnh Sóc Trăng trước đó, khi đó quận Kế Sách bị giải thể.

Ngày 1 tháng 1 năm 1930, quận Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng lại được tái lập. Quận lỵ Kế Sách ban đầu thuộc làng Kế Sách. Sau này thực dân Pháp cho hợp nhất hai làng Kế Sách và An Nghiệp thành một làng mới lấy tên là Kế An. Kể từ đó, quận lỵ Kế Sách thuộc địa bàn làng Kế An.

Sau này, chính quyền thực dân Pháp cũng tiến hành hợp nhất một số làng và lấy tên gọi mới cho các làng như: Kế An (hợp nhất Kế Sách và An Nghiệp), Thới An Hội (hợp nhất ba làng Ninh Thới, Đại An và Mỹ Hội), Khả Phú Mỹ (hợp nhất Khả Phú Tây và An Mỹ), Song Phụng (hợp nhất Phụng Sơn và Phụng Tường), Long Đức (hợp nhất Long Hưng và Đại Đức).

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, đồng thời bỏ danh xưng quận, gọi thay thế bằng huyện. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến năm 1956 cũng thống nhất dùng danh xưng là xã, tuy nhiên vẫn gọi là quận cho đến năm 1975. Lúc này, Kế Sách vẫn là huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Năm 1955, quận Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa sắp xếp hành chánh có 16 làng trực thuộc: Kế An, Phú Nổ, Đại Ngãi, Phú An, Khả Phú Mỹ, Song Phụng, Hậu Thạnh, Ba Trinh, Thới An Hội, An Lạc Tây, An Lạc Thôn, Nhơn Mỹ, Phong Nẫm, Xuân Hòa, Long Đức, Phú Hữu.

Giai đoạn 1956-1976 sửa

Việt Nam Cộng hòa sửa

Sau năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban đầu đặt quận Kế Sách thuộc tỉnh Ba Xuyên (tức tỉnh Sóc Trăng trước đó), quận lỵ đặt tại xã Kế An.

Ngày 23 tháng 2 năm 1957, tỉnh Ba Xuyên giao quận Kế Sách cho tỉnh Phong Dinh (tức tỉnh Cần Thơ trước đó) quản lý. Quận Kế Sách khi đó gồm 2 tổng với 10 xã trực thuộc:

  • Tổng Định Tường gồm 6 xã: An Lạc Tây, An Lạc Thôn, Ba Trinh, Phong Nẫm, Thới An Hội và Xuân Hòa;
  • Tổng Định Khánh gồm 4 xã: Kế An (gồm cả trại định cư Đại Hải), Nhơn Mỹ, Khả Phú Mỹ và Phú An

Lúc này, một phần xã Phú An thuộc tổng Định Hòa được giao về cho tổng Định Khánh. Đồng thời, các xã Long Đức, Phú Hữu nhập về quận Long Phú; các xã Đại Ngãi, Hậu Thạnh, Song Thạnh, Phú Nổ và một phần xã Phú An nhập về quận Châu Thành.

Ngày 14 tháng 8 năm 1958, thành lập mới xã Đại Hải (lấy khu vực trại định cư Đại Hải dành cho đồng bào miền Bắc di cư vào năm 1954) thuộc tổng Định Khánh do tách ra từ xã Kế An. Sau này, lại hợp nhất hai xã Phú An và Khả Phú Mỹ thành xã An Mỹ.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, vào ngày 16 tháng 9 năm 1958, tỉnh Ba Xuyên nhận lại quận Kế Sách từ tỉnh Phong Dinh. Quận Kế Sách trở lại thuộc tỉnh Ba Xuyên cho đến năm 1975. Sau năm 1965, cấp tổng bị giải thể, các xã trực thuộc quận.

Ngày 23 tháng 4 năm 1968, ba xã Xuân Hòa, An Lạc Thôn, Phong Nẫm của quận Kế Sách được cắt chuyển về quận Phong Thuận mới được thành lập trực thuộc tỉnh Phong Dinh. Quận Phong Thuận khi đó gồm 5 xã: Đông Phú, Phú Hữu, Xuân Hòa, An Lạc Thôn và Phong Nẫm. Quận lỵ đặt tại Cái Côn, về mặt hành chánh thuộc xã An Lạc Thôn.

Ngày 14 tháng 11 năm 1968, hai xã Phú Tâm và Thuận Hòa của quận Thuận Hòa được giao về cho quận Kế Sách.

Năm 1970, quận Kế Sách gồm 9 xã: An Mỹ, An Lạc Tây, Ba Trinh, Đại Hải, Kế An, Nhơn Mỹ, Phú Tâm, Thới An Hội và Thuận Hòa.

Chính quyền Cách mạng sửa

Còn về phía chính quyền Cách mạng, năm 1949 giao huyện Kế Sách về cho tỉnh Cần Thơ quản lý.

Năm 1954, trả huyện Kế Sách về cho tỉnh Sóc Trăng.

Từ năm 1958, lại giao huyện Kế Sách về cho tỉnh Cần Thơ lần nữa. Huyện Kế Sách thuộc tỉnh Cần Thơ cho đến năm 1975.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt huyện Kế Sách thuộc tỉnh Cần Thơ cho đến đầu năm 1976 với huyện lỵ là thị trấn Kế Sách, được thành lập do tách đất từ xã Kế An. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).

Từ năm 1976 đến nay sửa

Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơthành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới: tỉnh Hậu Giang. Lúc này, huyện Kế Sách trực thuộc tỉnh Hậu Giang, bao gồm thị trấn Kế Sách và 10 xã: An Lạc Tây, An Lạc Thôn, An Mỹ, Ba Trinh, Đại Hải, Kế An, Nhơn Mỹ, Phong Nẫm, Thới An Hội, Xuân Hòa.

Ngày 21 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 174-CP[5] về việc chia một số xã thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Hậu Giang như sau:

  • Chia xã Ba Trinh thành 2 xã: Ba Trinh và Trinh Phú.
  • Chia xã Kế An thành 2 xã: Kế An và Kế Thành.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, huyện Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng cho đến ngày nay.[6]

Ngày 19 tháng 7 năm 2013, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 87/NQ-CP[7] về việc thành lập thị trấn An Lạc Thôn trên cơ sở toàn bộ 2.015,71 ha diện tích tự nhiên và 11.390 nhân khẩu của xã An Lạc Thôn.

Sau khi thành lập thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách có 35.287,61 ha diện tích tự nhiên và 159.562 nhân khẩu, 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Kế Sách, An Lạc Thôn và 11 xã: An Lạc Tây, Phong Nẫm, An Mỹ, Thới An Hội, Ba Trinh, Trinh Phú, Xuân Hòa, Nhơn Mỹ, Kế Thành, Kế An, Đại Hải.

Ngày 4 tháng 10 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1900/QĐ-TTg[8] về việc công nhận các xã Phong Nẫm, An Lạc Tây, Nhơn Mỹ là xã đảo.

Giao thông sửa

Huyện Kế Sách nằm ở vùng hạ lưu sông Hậu, cách Thành phố Sóc Trăng 20 km, cách thành phố Cần Thơ 40 km.

Các tuyến đường chính như:

  • Đường Nam sông Hậu (QL91C) dài 151 km, đoạn đi qua huyện Kế Sách dài 23,7 km, là trục giao thông quan trọng, tạo môi trường thuận lợi cho việc khai thác tiềm năng và lợi thế của vùng ven sông Hậu.
  • Đường tỉnh lộ 1 (tỉnh lộ 932).

Các tuyến đường tỉnh nối đường Nam sông Hậu với Quốc lộ 1, cùng với các tuyến đường huyện và giao thông nông thôn sẽ được nâng cấp, là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển toàn diện các ngành kinh tế - xã hội.

Chú thích sửa

  1. ^ Tổng cục Thống kê
  2. ^ “Nghị quyết số 87/NQ-CP của Chính phủ”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2013.
  3. ^ Ngữ nguyên: ខ្សា (n) [ksac]: cát sỏi, ចំ (adj) [cɑm]: thẳng đứng.
  4. ^ a b http://www.thuviensoctrang.org/index.php?option=com_content&view=article&id=70%3Angun-gc-a-danh-hanh-chanh-tnh-soc-trng&catid=25%3Athong-tin-a-chi&Itemid=46&limitstart=1
  5. ^ Quyết định 174-CP năm 1979 về việc điều chỉnh địa giới xã thuộc tỉnh Hậu Giang
  6. ^ “Nghị quyết về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh”.
  7. ^ “Nghị quyết số 87/NQ”. Truy cập 16 tháng 8 năm 2015.
  8. ^ “Quyết định số 1900/QĐ-TTg ngày 04/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận xã đảo thuộc tỉnh Sóc Trăng”. Thư viện Pháp luật. 4 tháng 10 năm 2016.

Tham khảo sửa