Phân biệt đối xử

(Đổi hướng từ Kỳ thị)

Phân biệt đối xử là hành động tạo ra những sự phân biệt không chính đáng và có thành kiến giữa người với người dựa trên các nhóm, giai cấp, hoặc các hạng mục khác mà họ thuộc về hoặc bị coi là thuộc về.[1] Một người có thể bị phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, bản dạng giới, giới tính, tuổi tác, tôn giáo, khuyết tật, hoặc thiên hướng tính dục cũng như các hạng mục khác.[2] Đặc biệt, phân biệt đối xử xảy ra khi các cá nhân hoặc nhóm bị đối xử bất công theo cách tệ hơn so với cách những người khác được đối xử, trên cơ sở là họ thực chất hoặc được coi là thuộc về hoặc các nhóm hoặc hạng mục xã hội nhất định.[2][3] Nó bao gồm việc hạn chế các thành viên của một nhóm không được tiếp cận các cơ hội hoặc đặc quyền mà các thành viên của một nhóm khác được hưởng.[4]

Một người Mỹ gốc Phi uống nước từ một bình nước tách riêng theo chủng tộc dán nhãn "[cho người] Da màu", ở Oklahoma City, k. 1939.

Các truyền thống, chính sách, ý tưởng, thông lệ, và luật pháp có tính phân biệt đối xử tồn tại ở nhiều quốc gia và thiết chế ở mọi nơi trên thế giới, bao gồm cả ở những vùng mà sự phân biệt đối xử thường bị coi thường. Ở một số nơi, một số nỗ lực, chẳng hạn như chỉ tiêu, đã được sử dụng để mang lại lợi ích cho những người được cho là nạn nhân hiện tại hoặc trong quá khứ của sự phân biệt đối xử. Những nỗ lực này thường vấp phải tranh cãi và đôi khi được gọi là phân biệt đối xử ngược .

Định nghĩa sửa

Các nhà triết học đạo đức đã định nghĩa sự phân biệt đối xử bằng cách sử dụng một định nghĩa về đạo đức. Theo phương pháp này, phân biệt đối xử được định nghĩa là các hành vi, thông lệ, hoặc chính sách áp đặt một cách sai trái một sự bất lợi tương đối hoặc một sự tước đoạt đối với người khác dựa trên tư cách thành viên của họ trong một nhóm xã hội nổi bật.[5] Đây là một định nghĩa kiểu so sánh. Một cá nhân không nhất thiết phải bị tổn hại thực sự để bị phân biệt đối xử. Họ chỉ cần bị đối xử tệ hơn những người khác vì một số lý do tùy tiện nào đó. Nếu một người quyết định quyên góp để giúp đỡ trẻ em mồ côi, nhưng quyết định quyên góp ít hơn, chẳng hạn như cho trẻ em da đen, vì thái độ phân biệt chủng tộc, thì người đó đang hành động theo cách phân biệt đối xử ngay cả khi người đó đang, trên thực tế, mang lại lợi ích cho những người mà họ phân biệt đối xử bằng cách quyên góp một số tiền cho họ.[6] Phân biệt đối xử cũng phát triển thành một nguồn gốc của sự áp bức—việc nhìn nhận ai đó là 'khác biệt' đến mức họ bị đối xử một cách vô nhân đạo và bị hạ thấp.[7]

Định nghĩa phân biệt đối xử được đạo đức hóa này khác với định nghĩa phi đạo đức hóa—ở định nghĩa thứ nhất, phân biệt đối xử theo định nghĩa đã là sai, trong khi ở định nghĩa sau thì không như vậy.[8]

Lập trường của Liên Hợp Quốc về sự phân biệt đối xử bao gồm lời tuyên bố: "Các hành vi phân biệt đối xử có nhiều hình thức, nhưng tất cả chúng đều liên quan đến một số hình thức loại trừ (exclusion) hoặc loại bỏ (rejection)."[9] Hội đồng Quyền Con Người Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác nỗ lực giúp chấm dứt phân biệt đối xử trên toàn thế giới.

Các lý thuyết về phân biệt đối xử sửa

Lý thuyết xã hội như chủ nghĩa quân bình nhấn mạnh rằng sự bình đẳng về xã hội phải là nguyên tắc nền tảng. Ở một số xã hội, bao gồm hầu hết các nước phát triển, các quyền dân sự của cá nhân bao gồm quyền không bị nhà nước phân biệt đối xử về xã hội.[10]

Các triết gia đã tranh luận xem định nghĩa về phân biệt đối xử nên được mở đến mức nào. Một số triết gia lập luận rằng phân biệt đối xử nên giới hạn ở việc chỉ các hành vi đối xử sai trái hoặc làm thiệt hại cho một nhóm xã hội nổi bật (như là chủng tộc, giới, tính dục, v.v.) trong một bối cảnh cụ thể. Theo quan điểm này, việc không giới hạn khái niệm phân biệt đối xử sẽ dẫn đến việc khái niệm này trở nên bao trùm quá mức; ví dụ, vì hầu hết các vụ giết người xảy ra do một số khác biệt (có thật hoặc chỉ trong nhận thức) giữa thủ phạm và nạn nhân, nhiều vụ giết người sẽ cấu thành sự phân biệt đối xử nếu không bao gồm yêu cầu về sự nổi bật trong xã hội. Do đó, quan điểm này lập luận rằng việc đưa ra định nghĩa về phân biệt đối xử theo nghĩa rộng quá mức sẽ khiến nó trở nên vô nghĩa. Ngược lại, các nhà triết học khác lập luận rằng sự phân biệt đối xử chỉ nên đề cập đến sự đối xử bất lợi sai trái bất kể mức độ nổi bật về mặt xã hội của nhóm, lý luận rằng việc giới hạn khái niệm chỉ dành cho các nhóm nổi bật về mặt xã hội là tuỳ tiện, cũng như đặt ra vấn đề xác định nhóm nào sẽ được coi là nổi bật về mặt xã hội. Vấn đề nhóm nào nên được coi là nổi bật đã gây ra nhiều tranh luận chính trị và xã hội.[11]

Dựa vào lý thuyết xung đột thực dụng (realistic-conflict)[12] và lý thuyết bản sắc xã hội,[13] Rubin và Hewstone[14] đã nhấn mạnh sự khác nhau giữa ba kiểu phân biệt đối xử:

  1. Cạnh tranh thực dụng (realistic competition) được thúc đẩy do lợi ích tự thân và nhằm đến việc dành được nguồn lực vật chất (ví dụ, lương thực, lãnh thổ, khách hàng) cho nhóm của mình (ví dụ, thiên vị nhóm của mình để dành được tài nguyên tốt hơn cho thành viên nhóm mình, bao gồm bản thân).
  2. Cạnh tranh xã hội (social competition) được thúc đẩy do nhu cầu được coi trọng của bản thân và hướng đến việc đạt được vị thế xã hội cao hơn cho nhóm mình so với các nhóm khác (ví dụ thiên vị nhóm mình để tạo ra lợi thế so sánh với các nhóm khác).
  3. Phân biệt đồng thuận (consensual discrimination) được thúc đẩy do nhu cầu chính xác về phân loại và thứ bậc,[15] phản ánh trật tự địa vị giữa nhóm (ví dụ, thiên vị một nhóm của mình có vị thế cao vì có vị thế cao).

Thuyết dán nhãn sửa

Phân biệt đối xử, trong Thuyết dán nhãn, là hình thức phân loại trong nhận thức các nhóm thiểu số và sử dụng các khuôn mẫu. Lý thuyết này mô tả sự khác biệt như là sự lệch lạc khỏi chuẩn mực, dẫn đến việc hạ thấp và kỳ thị xã hội có thể coi là phân biệt đối xử. Chuỗi này bắt đầu từ việc mô tả một trật tự xã hội "tự nhiên". Chủ nghĩa Phát xít trong những năm 1930 và chính quyền Apartheid ở Nam Phi đã dùng các chính sách phân biệt chủng tộc cho mục đích chính trị. Mô hình này vẫn được một số nhà nước hiện nay sử dụng.[cần dẫn nguồn]

Lý thuyết trò chơi sửa

Nhà kinh tế Yanis Varoufakis (2013) lập luận rằng "phân biệt đối xử dựa trên những đặc điểm hoàn toàn sai trái nảy nảy nhanh chóng và có hệ thống trong các thí nghiệm sắp đặt", và rằng cả lý thuyết trò chơi cổ điển lẫn kinh tế tân cổ điển đều không thể giải thích hiện tượng này. Varoufakis và Shaun Hargreaves-Heap (2002) làm một thí nghiệm trong đó tình nguyện viên chơi một trò chơi giả lập nhiều tập làm diều hâu - bồ câu. Ở mỗi đầu hiệp, mỗi người tham gia được giao ngẫu nhiên một màu, đỏ hoặc xanh da trời. Trong mỗi vòng đấu, người chơi được biết màu của đối phương nhưng không được biết những điều khác về đối phương. Hargreaves-Heap và Varoufakis phát hiện ra rằng hành vi của người chơi trong một hiệp thường xuyên tạo thành một phản ứng mang tính phân biệt đối xử, tạo ra một cân bằng Nash trong đó người chơi cùng một màu (màu "lợi") dùng các chiến thuật hiếu chiến "diều hâu" với người chơi mang màu khác, màu "bất lợi", trong khi những người này chơi chiến thuật hiền lành "bồ câu" với người mang màu "lợi". Người chơi của cả hai màu đều dùng chiến thuật hỗn hợp khi chơi với người có cùng màu.[cần dẫn nguồn]

Khi thí nghiệm thêm phương án hợp tác, thì những người chơi "bất lợi" thường hợp tác với nhau, trong khi những người "có lợi" thì không. Những nhà nghiên cứu cho rằng trong khi thế cân bằng đạt được ở trò diều hâu - bồ câu ban đầu có thể dự đoán được bằng lý thuyết trò chơi tiến hóa, lý thuyết trò chơi không lý giải diễn biến hợp tác của nhóm yếu thế. Dùng nghiên cứu tâm lý của Matthew Rabin, họ đưa ra giả định rằng một quy chuẩn về vị thế khác nhau đã phát sinh trong cả hai nhóm, và quy chuẩn này định nghĩa một thế cân bằng "công bằng "công bằng" trong nhóm yếu thế.[cần dẫn nguồn]

Nhà nước với thị trường tự do sửa

Người ta tranh luận rằng thị trường có khuyến khích hay không những phân biệt đối xử do nhà nước tạo ra. Một lập luận là vì phân biệt đối xử hạn chế tiếp cận đến khách hàng và tạo thêm chi phí, quy luật thị trường trừng phạt sự phân biệt đối xử. Việc các công ty phản đối luật phân biệt sắc tộc kiểu "Jim Crow" là một ví dụ điển hình. Một lập luận khác là thị trường không nhất thiết sẽ giải quyết việc phân biệt đối xử, vì nếu phân biệt đối xử mà mang lại lợi nhuận cho chiều theo "thị hiếu" cá nhân (vốn là trọng tâm của thị trường), thì thị trường sẽ không trừng phạt phân biệt đối xử. Lập luận này dẫn chứng rằng các phân tích kinh tế vĩ mô về phân biệt đối xử dùng các phương pháp bất thường để xác định hiệu quả (dùng chức năng sản xuất trực tiếp) và rằng việc phân biệt đối xử tồn tại phổ biến trong việc làm (xác định bằng khoảng cách lương giữa những người bị phân biệt) về lâu dài là mâu thuẫn với lập luận rằng thị trường sẽ vận hành tốt và trừng phạt phân biệt đối xử. Thêm nữa, các tác nhân kinh tế có thể có thông tin không hoàn hảo và sự phân biệt đối xử có thể xảy ra một cách lý tính, không có định kiến.[cần dẫn nguồn]

Quy định cấm phân biệt đối xử trong luật quốc tế sửa

Luật nhân quyền quốc tế cấm "bất kỳ dạng phân biệt nào, bao gồm chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, vị thế sinh thành hay địa vị khác."[16]

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 cấm "bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác"[17] trong việc bảo đảm các quyền dân sự và chính trị.

Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966 cấm "bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác"[17] trong việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc 1965 đặc biệt cấm mọi sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, hay nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc.

Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979 quy định về các biện pháp cần thực hiện để loại bỏ việc phân biệt đối xử với phụ nữ.

Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật 2007 nhấn mạnh các nguyên tắc và yêu cầu không phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Ngoài ra còn có các văn kiện quy định về không phân biệt đối xử với các nhóm đặc biệt khác như trẻ em, người cao tuổi, người nhập cư, người thiểu số về tôn giáo, ngôn ngữ và sắc tộc.

Nhìn chung, các cơ sở phân biệt đối xử bị cấm trực tiếp trong các công ước nhân quyền quốc tế bao gồm: giới tính, tuổi tác, tình trạng khuyết tật, sức khỏe, sắc tộc/dân tộc, màu da hay ngôn ngữ, địa vị kinh tế và xã hội, nơi sinh sống, xuất thân, tôn giáo, tình trạng hôn nhân và gia đình, thể hiện giới, quan điểm chính trị, và các cơ sở khác.[18] Chú ý rằng các cơ chế nhân quyền quốc tế coi danh sách các cơ sở phân biệt đối xử bị cấm này là một "danh sách mở", mang tính khuyến cáo chứ không bắt buộc, nghĩa là mỗi quốc gia vẫn có thể đề ra các bộ luật mang tính phân biệt đối xử tùy theo quan điểm chính trị, văn hóa tại mỗi quốc gia đó.

Quy định cấm phân biệt đối xử ở các quốc gia sửa

Nhìn chung, các luật cấm phân biệt đối xử được các quốc gia đưa ra trong thế kỷ 20 là kết quả của các phong trào đấu tranh vì bình đẳng và chống phân biệt đối xử. Các luật này có thể được quy định về bình đẳng và cấm phân biệt đối xử với một hoặc một vài nhóm dễ bị phân biệt đối xử như là về cấm phân biệt chủng tộc, bình đẳng giới, luật về khuyết tật, hay có thể được quy định trong một lĩnh vực như là cấm phân biệt đối xử trong bầu cử, trong cung cấp dịch vụ công như y tế, giáo dục, hoặc là áp dụng với khu vực tư nhân. Trong 30 năm trở lại đây, nhiều quốc gia bắt đầu đưa ra các quy định chống phân biệt đối xử toàn diện nhằm hướng đến bình đẳng về cơ hội và bình đẳng thực chất.[cần dẫn nguồn]

Ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 quy định tại điều 16: "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội"[19] Có thể coi đây là một quy định cấm phân biệt đối xử toàn diện. Tuy vậy, về mặt kỹ thuật, điều 16 Hiến pháp chỉ nêu nguyên tắc không phân biệt đối xử trong các lĩnh vực đời sống mà không chỉ ra cụ thể các cơ sở phân biệt đối xử bị cấm (việc quy định cụ thể sẽ nằm trong các Luật chuyên ngành). Trong số các cơ sở phân biệt đối xử bị cấm, chỉ có phân biệt đối xử về giới là bị cấm trực tiếp trong Hiến pháp, điều 26 khoản 3.[20]

Nhiều bộ luật ở Việt Nam gần đây đã được cập nhật quy định về cấm phân biệt đối xử trong các lĩnh vực khác nhau. Bộ luật Lao động 2019 Lưu trữ 2021-02-15 tại Wayback Machine nghiêm cấm "hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp". Luật Giáo dục 2019 Lưu trữ 2021-04-24 tại Wayback Machine quy định tại Điều 13 "Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập." Luật Khám chữa bệnh 2017 quy định nguyên tắc trong hành nghề khám chữa bệnh là "Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh."[21] Luật Bình đẳng Giới quy định rõ về bình đẳng giới và các biện pháp chống phân biệt đối xử về giới. Luật Người Khuyết tật 2010 cấm các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật.[22]

Xem thêm sửa

Ghi chú sửa

  1. ^ “What drives discrimination and how do we stop it?”. www.amnesty.org (bằng tiếng Anh). Amnesty International. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2020. Discrimination occurs when a person is unable to enjoy his or her human rights or other legal rights on an equal basis with others because of an unjustified distinction made in policy, law or treatment.
  2. ^ a b “Discrimination: What it is, and how to cope”. American Psychological Association. 31 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2020. Discrimination is the unfair or prejudicial treatment of people and groups based on characteristics such as race, gender, age or sexual orientation.
  3. ^ “discrimination, definition”. Cambridge Dictionaries Online. Cambridge University. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2013.
  4. ^ Introduction to sociology. 7th ed. New York: W. W. Norton & Company Inc, 2009. p. 334.
  5. ^ Altman, Andrew (2020), Zalta, Edward N. (biên tập), “Discrimination”, Stanford Encyclopedia of Philosophy , Metaphysics Research Lab, Stanford University, truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2020, [A]s a reasonable first approximation, we can say that discrimination consists of acts, practices, or policies that impose a relative disadvantage on persons based on their membership in a salient social group. [...] [W]e can refine the first-approximation account of discrimination and say that the moralized concept of discrimination is properly applied to acts, practices or policies that meet two conditions: a) they wrongfully impose a relative disadvantage or deprivation on persons based on their membership in some salient social group, and b) the wrongfulness rests (in part) on the fact that the imposition of the disadvantage is on account of the group membership of the victims. [[L]à một ước tính đại khái hợp lý, chúng ta có thể nói rằng sự phân biệt đối xử bao gồm các hành vi, thông lệ, hoặc chính sách áp đặt một sự bất lợi tương đối cho đối với người khác dựa trên tư cách thành viên của họ trong một nhóm xã hội nổi bật. [...] [T]a có thể tinh chỉnh cách giải thích đại khái về phân biệt đối xử và nói rằng khái niệm đạo đức hoá về phân biệt đối xử được áp dụng đúng đối với các hành vi, thông lệ hoặc chính sách đáp ứng hai điều kiện: a) chúng áp đặt một cách sai trái một sự bất lợi tương đối hoặc một sự tước đoạt đối với người khác dựa trên tư cách thành viên của họ trong một nhóm xã hội nổi bật nào đó, và b) sự sai trái (một phần) dựa vào việc áp đặt sự bất lợi với lý do là tư cách thành viên [thuộc] nhóm [nào đó] của các nạn nhân.]
  6. ^ Kasper Lippert-Rasmussen, “Private Discrimination: A Prioritarian, Desert-Accommodating Account”, San Diego Law Review, 43, 817-856 (2006); Oscar Horta, “Discrimination in Terms of Moral Exclusion”, Theoria: Swedish Journal of Philosophy, 76, 346-364 (2010).
  7. ^ Thompson, Neil (2016). Anti-Discriminatory Practice: Equality, Diversity and Social Justice (bằng tiếng Anh). Palgrave Macmillan. ISBN 978-1-137-58666-7.[liên kết hỏng]
  8. ^ Altman, Andrew (2020), Zalta, Edward N. (biên tập), “Discrimination”, Stanford Encyclopedia of Philosophy , Metaphysics Research Lab, Stanford University, truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2020
  9. ^ “United Nations CyberSchoolBus: What is discrimination?”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 6 năm 2014.
  10. ^ “Civil rights”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 10 năm 1999. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2019.
  11. ^ Altman, Andrew (2020), Zalta, Edward N. (biên tập), “Discrimination”, Stanford Encyclopedia of Philosophy , Metaphysics Research Lab, Stanford University, truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2020
  12. ^ Sherif, M. (1967). Group conflict and co-operation. London: Routledge.
  13. ^ Tajfel, H.; Turner, J. C. (1979). “An integrative theory of intergroup conflict”. Trong Austin, W.G.; Worchel, S. (biên tập). The social psychology of intergroup relations. Monterey, CA: Brooks/Cole. tr. 33–47.
  14. ^ Rubin, M.; Hewstone, M.; et al. (2004). "Social identity, system justification, and social dominance: Commentary on Reicher, Jost et al., and Sidanius et al". Political Psychology. 25 (6): 823–844. doi:10.1111/j.1467-9221.2004.00400.x
  15. ^ “Prejudice & Discrimination Theories #2”. Keith E Rice's Integrated SocioPsychology Blog & Pages (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2023.
  16. ^ Điều 2, Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát. Xem tại Human Rights in the Administration of Justice: A Manual on Human Rights for Judges, Prosecutors and Lawyers. Trang 636. Truy cập ngày 22/02/2021 tại https://www.un.org/ruleoflaw/files/training9chapter13en.pdf
  17. ^ a b Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. 2012. Giới thiệu Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ICCPR 1966. Trang 496. Truy cập ngày 22/02/2021 tại http://nhanquyen.vn/images/File/50sach%20cong%20uoc%20quyen%20ds%20chtri.pdf
  18. ^ OHCHR. Guidance Note for Implementation of Survey Module on SDG Indicator 16.b.1 & 10.3.1 (Discrimination). Trang 4. Truy cập ngày 22/02/2021 tại https://www.ohchr.org/Documents/Issues/HRIndicators/SDG_Indicator_16b1_10_3_1_Guidance_Note%20.pdf
  19. ^ Hiến pháp 2013. Điều 16. Truy cập ngày 22/02/2021 tạihttp://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop?categoryId=920&articleId=10053009 Lưu trữ 2018-11-13 tại Wayback Machine
  20. ^ Hiến pháp 2013. Truy cập ngày 22/02/2021 tại http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop?categoryId=920&articleId=10053009 Lưu trữ 2018-11-13 tại Wayback Machine
  21. ^ Luật số 12/VBHN-VPQH ngày 12/12/2017, điều 3.
  22. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2021.

Liên kết sửa