Khởi nghĩa Thái Nguyên
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Khởi nghĩa Thái Nguyên hay Binh biến Thái Nguyên là tên gọi cuộc nổi dậy ở tỉnh lỵ Thái Nguyên vào năm 1917 do Trịnh Văn Cấn chỉ huy, chống lại chính quyền Bảo hộ của Pháp để giành độc lập cho người Việt.
Khởi nghĩa Thái Nguyên | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam | |||||||
| |||||||
Tham chiến | |||||||
Liên bang Đông Dương | Nghĩa quân Thái Nguyên | ||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||
Giám binh Noël Tướng Michard Đại úy Payroux Quan tư Berger Giám binh Rainert Thống sứ Le Gallen |
Trịnh Văn Cấn Lương Ngọc Quyến Dương Văn Giá Nguyễn Gia Cầu | ||||||
Lực lượng | |||||||
2.700 | 630 | ||||||
Thương vong và tổn thất | |||||||
? | Đa số tử trận hoặc bị bắt. |
Bối cảnh lịch sử
sửaSau vụ Hà Thành đầu độc năm 1908 vỡ lở và âm mưu đưa vua Duy Tân ra ngoài bưng khởi nghĩa năm 1916 thất bại, xã hội Việt Nam ngày càng sôi động mặc dầu chính quyền Bảo hộ cố dập tắt các phong trào kháng cự và bắt giam nhiều người. Trong số những người phải thụ án giam ở Thái Nguyên là Lương Ngọc Quyến, con cụ Cử Lương Văn Can, hiệu trưởng của Đông Kinh Nghĩa thục. Lương Ngọc Quyến cũng là thành viên của Việt Nam Quang phục Hội và qua ông, trại lính khố xanh canh phòng ở Thái Nguyên hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy chống lại chỉ huy người Pháp. Họ tôn ông là quân sư.
Trong số các binh lính được Lương Ngọc Quyến cảm hóa, có đội trưởng lính khố xanh Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn). Đội Cấn là một người rất khâm phục cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, đồng thời phẫn nộ trước sự khinh miệt của chỉ huy Pháp với binh lính người Việt. Thông qua Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn đã biết tới đường lối đấu tranh của Việt Nam Quang phục Hội và tình nguyện gia nhập tổ chức. Sau đó Đội Cấn đã cùng với Đội Giá, Đội Xuyên, Đội Nam... bàn bạc quyết định tổ chức một cuộc nổi dậy chiếm tỉnh Thái Nguyên với lực lượng binh lính ở tỉnh lỵ và các đồn xung quanh cùng với số tù chính trị trong nhà lao.
Tuy nhiên, những sĩ quan Pháp đã nhận biết được ý định khởi nghĩa của binh lính nên đã tìm cách đảo lộn hàng ngũ binh lính, liên tục điều chuyển đồng thời ra sức đề phòng. Cuộc khởi nghĩa do đó bị trì hoãn nhiều lần. Đến tháng 8 năm 1917, được tin sắp có cuộc thuyên chuyển, Đội Cấn quyết định khởi nghĩa vào đến 30 tháng 8 năm 1917.
Diễn biến
sửa
Đại Hùng đế quốc
|
|||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
1917–1917 | |||||||||
Quốc kỳ | |||||||||
Tổng quan | |||||||||
Vị thế | Đế quốc | ||||||||
Thủ đô | Thái Nguyên | ||||||||
Ngôn ngữ thông dụng | Tiếng Việt | ||||||||
Tôn giáo chính | Phật giáo | ||||||||
Chính trị | |||||||||
Chính phủ | Quân chủ lập hiến | ||||||||
Lịch sử | |||||||||
• Tuyên bố thành lập | 1917 | ||||||||
• Pháp tái chiếm thành Thái Nguyên | 1917 | ||||||||
Kinh tế | |||||||||
Đơn vị tiền tệ | Tiền giấy | ||||||||
|
Trịnh Văn Cấn, viên cai đội (caporal) lính khố xanh ở Thái Nguyên cầm đầu cuộc nổi dậy vào đêm 30 Tháng Tám năm 1917. Ông chỉ huy lực lượng 175 người lính giết giám binh người Pháp, Noël, đoạt khí giới đạn dược, rồi phá ngục, giết cai ngục Loew, giải cứu Lương Ngọc Quyến cùng 203 tù nhân. Nghĩa quân sau đó cướp kho bạc và làm chủ toàn tỉnh lỵ[1], trừ đồn lính khố đỏ cố thủ ở bên bờ sông Cầu.
Trong sáu ngày từ đêm 30 Tháng Tám đến ngày 5 Tháng Chín, quân của Đội Cấn trấn giữ thành Thái Nguyên, lại thu nạp thêm các dân phu mỏ và dân địa phương nâng quân số lên khoảng hơn 600 người. Thành phần lực lượng khởi nghĩa gồm khoảng 130 lính vệ binh, hơn 200 tù nhân, 300 dân phu và dân địa phương.[2] Theo gợi ý của Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn chia lực lượng khởi nghĩa thành hai tiểu đoàn, tiểu đoàn thứ nhất gồm các lính vệ binh cũ, tiểu đoàn thứ hai gồm tù nhân và dân quân, chỉ huy là Ba Chi. Trang bị của đội quân này gồm 92 súng hỏa mai và 75 súng trường mà quân nổi dậy thu được từ kho vũ khí của Pháp.
Họ truyền hịch, đợi các nơi hưởng ứng nổi dậy cùng ngoại viện từ bên Trung Quốc và Nhật đến vì tin rằng Việt Nam Quang phục Hội có lực lượng đợi sẵn để trợ lực. Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa cũng tuyên bố độc lập, lấy quốc hiệu là "Đại Hùng". Họ trương cờ Ngũ tinh liên châu của Việt Nam Quang phục Hội trên cửa thành.
Vào ngày 2 Tháng Chín năm 1917 thì quân Pháp bắt đầu phản công với đội quân 2.700 người[3] và đến ngày 5 Tháng Chín thì đánh vào tỉnh lỵ. Lương Ngọc Quyến trúng đạn ở đầu chết.[4] Đội Cấn phải triệt thoái khỏi Thái Nguyên chạy về phía bắc. Đến trưa ngày mồng 5 thì Pháp tái chiếm được thành. Số thương vong bên nghĩa quân là 56 người; quân Pháp thiệt mạng 107 người.[5]
Đội Cấn sau đó dẫn quân chạy lên Đại Từ, Tam Đảo rồi xuống Vĩnh Yên, trước khi trở lại vùng Thái Nguyên nhưng lực lượng hao mòn dần. Bị truy nã, ông rút về núi Pháo rồi để không bị bắt ông tự tử bằng súng, bắn vào bụng. Đó là ngày 11 Tháng Giêng năm 1918; cuộc khởi nghĩa chấm dứt. Theo các tài liệu chính thức của Pháp, một vệ sĩ của ông giết ông để lấy thưởng. Người này dẫn quân Pháp đến nơi được coi là mộ của Đội Cấn. Tuy nhiên dù người Pháp không tỏ vẻ nghi ngờ đương sự, họ vẫn cho là Đội Cấn do bị thương nặng, đã yêu cầu thuộc hạ kết liễu đời mình để khỏi rơi vào tay quân Pháp.[6]
Quân Pháp tiếp tục càn quét tàn quân của cuộc khởi nghĩa tới Tháng Ba thì xong, với một chiến thuật mà họ sử dụng rất hiệu quả là bắt giữ thân nhân của quân khởi nghĩa để buộc họ phải ra hàng. Một số người bị bắt bị kết án tử hình, những người khác bị kết án và đày ra Côn Đảo.
Chú thích
sửa- ^ Đứng đầu tỉnh lỵ Thái Nguyên lúc đó là công sứ Darles (4/1913 - 9/1917), một kẻ tàn ác; được liệt vào "Tứ hung" (nhất Đác (Darles), nhì Ke (Eckert), tam Be (Galembert), tứ Bích (Bride)). Lúc còn ở Pháp, Darles chỉ là một người bán cháo ở xóm dân nghèo Latin tại thủ đô Paris. Tên này cố gắng học hành và có bằng cử nhân văn chương. Khi sang Việt Nam, do có "công lao" đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta, tên Darles được cất nhắc lên làm công sứ tỉnh Thái Nguyên. Y cai trị cùng với tên phó công sứ Tusle. Darles và những tên quan cai trị dưới quyền đàn áp nhân dân Thái Nguyên tàn bạo mà những lời kể của Nguyễn Ái Quốc trong "Bản án chế độ thực dân Pháp" đã chứng minh rõ. Khi khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra, hai tên này đi nghỉ mát nên thoát chết...về sau chúng hợp với bộ chỉ huy Pháp (đứng đầu là Thống sứ le Gallen) đàn áp dã man. Đến tháng 9/1917, y từ chức và tên Tussot lên làm công sứ (1917 - 1920?), y được cử làm ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn Một số quan cai trị Thái Nguyên có thể kể ra ở đây: Cutte de la Riviere (1889, trưởng đồn Thái Nguyên); Desteney (1900 - 1901), Emmerich (1901 - 1902); Conrandy (1903 - 1906), Maire (1907 - 1908), Conrandy (1908 - 1910?)...., Mathieu (1923 - 1927), Chapoulart (1928 - 1929), Echinard (1929 - ?)
- ^ Zinoman, trang 166
- ^ theo Zinoman, trang 166, trích Trần Huy Liệu Loạn Thái Nguyên, lực lượng Pháp có hơn 500 quân chính quy được trang bị trọng pháo
- ^ "Những phong trào chống Pháp đầu thế kỷ 20"[liên kết hỏng] Theo tài liệu này thì Lương Ngọc Quyến nhờ Trịnh Văn Cấn bắn vào ngực để quyên sinh
- ^ Trần Huy Liệu, trang 111
- ^ Zinoman, trang 167
Tham khảo
sửa- Trần Huy Liệu (1955). Cách mạng cận đại Việt Nam, tập 3. Hà Nội.
- Hoàng Cơ Thụy (2002). Việt sử khảo luận. Paris, Nam Á. ISBN 2907104004.
- Peter Zinoman (2001). The colonial Bastille: a history of imprisonment in Vietnam, 1862-1940. University of California Press. ISBN 0520224124.