Lâm Hoành (1824-1883), trước tên là Chuẩn, sau đổi là Hoành (cũng đọc là Hoằng)[1]; là quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử sửa

Ông là người ở thôn Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Thân thế ông không rõ, chỉ biết năm Đinh Mão (1867) đời Tự Đức, ông thi đỗ cử nhân.

Năm Tự Đức thứ 21 (Mậu Thìn, 1868), Lâm Hoành thi đỗ phó bảng (lúc 44 tuổi) cùng khoa với Nguyễn Thuật, Dương Khuê, Nguyễn Đình Tựu...

Ban đầu, ông được bổ làm Tri huyện Kim Thành (thuộc phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương); sau được cử làm Quốc tử giám Tu nghiệp (1872), rồi lần lượt trải các chức: Biện lý bộ Lại, Tham biện Nội các sự vụ, Án sát sứ Nghệ An.

Năm Tự Đức thứ 31 (1878), sung ông làm Phó sứ sang Yên Kinh (Bắc Kinh, Trung Quốc ngày nay); khi về nước, đổi ông làm Hộ lý Tuần phủ Nam Ngãi (tức Quảng NamQuảng Ngãi), rồi làm Bố chính sứ Quảng Ngãi. Ở đây, gặp lúc đời sống khó khăn, ông xin vua chẩn cấp, cứu sống được rất nhiều người dân [2].

Năm Tự Đức thứ 34 (1881), cử ông làm Hữu thị lang bộ Công, rồi thăng Thự Hữu Tham tri ở bộ này.

Năm Tự Đức thứ 36 (1883), sung ông làm Thuận An hải phòng Phó phòng luyện, sau khi nhà vua nghe ông tâu rằng "cửa biển Thuận An là cửa ngõ Kinh sư (Huế), việc phòng bị rất là quan yếu" [2].

Tháng 8 (dương lịch) năm đó (lúc bấy giờ vua Tự Đức vừa mới mất, Hiệp Hòa lên nối ngôi), Hải quân thiếu tướng Courbert cùng với Toàn quyền Harmand đem tàu chiến vào đánh cửa Thuận An, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 8, thì Trấn Hải Thành vỡ. Theo Việt Nam sử lược thì ngay hôm ấy Lâm Hoành và Trần Thúc Nhẫn đã gieo mình xuống sông tự tử [3].

Sử nhà NguyễnĐại Nam chính biên liệt truyện, kể:

Mùa thu năm ấy, nước Pháp đem binh thuyền đến đánh, (Lê) Sỹ cùng Thống chế Lê Chuẩn và Phó phòng luyện Lâm Hoành chia quân ra chống giữ, cầm cự nhau trong 2 ngày, tiếng súng không ngớt. Quân Pháp bèn chia nhau xuống những chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ sam vào bờ, rồi theo lối đường Thái Dương ở phía sau (Trấn Hải Thành) đánh úp. Thành bị hãm, (Lê) Sỹ cùng (Lê) Chuẩn, (Lâm) Hoành và Chưởng vệ Nguyễn Trung đều bị chết...[4]

Năm 1884 đời Kiến Phúc, truy tặng Lâm Hoành chức Công bộ Thượng thư, đồng thời cho con ông là Lâm Hoàn làm Thự Biên tu (sau làm đến Lang trung bộ Công).

Hiện ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên Lâm Hoành.

Tham khảo sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Về mặt chữ Hán, "Hoành" cũng đọc là "Hoằng", nên có sách ghi là "Lâm Hoằng" (giải thích của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, tr. 310).
  2. ^ a b Đại Nam chính biên liệt truyện (bản dịch, tr. 896).
  3. ^ Theo Việt Nam sử lược (tr. 534). Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam chép khác: "Ngày 20 tháng 8, quân Pháp chiếm đóng thành Trấn Hải. Ngay hôm ấy, Trần Thúc Nhẫn gieo mình xuống biển tử tiết cùng với Lâm Hoành và các nghĩa sĩ khác" (tr. 893). Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập 2) kể tương tự: Chiều ngày 20, quân Pháp đổ bộ, đến tối hôm đó, thì chiếm toàn bộ Thuận An. Các quan Trấn thủ nơi đây, trong đó có Lâm Hoành hy sinh (tr. 55). Nếu tin theo đây, thì Lâm Hoành mất ngày 20 tháng 8 năm 1883, ở tuổi 59. Thông tin thêm: Sau khi Thuận An thất thủ, quân Pháp tiếp tục huy hiếp kinh thành Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn sau đó phải ký Hòa ước Quý Mùi, 1883 với họ.
  4. ^ Đại Nam chính biên liệt truyện, tr. 769.