Lý Cao Tông

Hoàng đế nhà Lý

Lý Cao Tông (chữ Hán: 李高宗 6 tháng 7 năm 1173 – 15 tháng 11 năm 1210) là vị hoàng đế thứ bảy của nhà Lý, cai trị từ năm 1175 đến năm 1210. Thời kỳ của ông đánh dấu sự suy tàn không thể vực dậy của nhà Lý hay còn gọi là Cao Tông Trung Suy (高宗中衰).

Lý Cao Tông
李高宗
Hoàng đế Việt Nam
Tiền Trị Bình Nguyên Bảo đời Lý Cao Tông
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì14 tháng 8 năm 1175 – 15 tháng 11 năm 1210
35 năm, 93 ngày
Tiền nhiệmLý Anh Tông
Kế nhiệmLý Huệ Tông
Thông tin chung
Sinh(1173-07-06)6 tháng 7, 1173
Mất15 tháng 11, 1210(1210-11-15) (37 tuổi)
An tángThọ Lăng
Thê thiếpAn Toàn Hoàng hậu

Vương Trung Phi
Sở Hoàng Phi

Triệu Lan Phi
Hậu duệLý Hạo Sảm
Lý Thầm
Tên húy
Lý Long Cán (hay Trát[1])
Niên hiệu
Trinh Phù (1176 - 1185)
Thiên Tư Gia Thụy (1186 - 1201)
Thiên Gia Bảo Hựu (1202 - 1204)
Trị Bình Long Ứng (1205 - 1210)
Tôn hiệu
Ứng Thiên Ngự Cực Hoành Văn Hiến Vũ Linh Thiệu Chiếu Phù Chương Đạo Chí Nhân Ái Dân Lý Vật Duệ Mưu Thần Trí Cảm Hóa Cảm Chánh Thuần Phu Huệ Thị Từ Tuy Du Kiến Mỹ Công Toàn Nghiệp Thịnh Long Hiện Thần Cư Thánh Minh Quang Hiếu Hoàng Đế 應乾御極宏文憲武靈瑞照符彰道至仁愛民理物睿謀神智化感政醇敷惠示慈綏猷建美功全業盛龍見神居聖明光孝皇帝
Miếu hiệu
Cao Tông (高宗)
Triều đạiNhà Lý
Thân phụLý Anh Tông
Thân mẫuLinh Đạo hoàng hậu
Tôn giáoPhật giáo

Thân thế sửa

Ông tên thật là Lý Long Trát hay Lý Long Cán (李龍𣉙), sinh tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội, là con trai thứ sáu của Lý Anh Tông, mẹ là Đỗ Thụy Châu. Ông sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tỵ (tức ngày 6 tháng 7 năm 1173), khi mới lên 3 tuổi đã được đưa lên ngôi. Vua cha Anh Tông truất ngôi con cả là Long Xưởng và phong ông là Hoàng thái tử, ủy thác cho Tô Hiến Thành giúp đỡ. Ông chính là anh thứ của Lý Long Tường- người sau này là Hoa Sơn Tướng quân của Cao Ly.

Cai trị sửa

Thời kỳ Tô Hiến Thành phụ chính giám quốc sửa

Sau khi Anh Tông mất (1175), hoàng hậu vợ chính của Anh Tông là Chiêu Linh Thái hậu muốn lập con mình là Lý Long Xưởng lên ngôi nhưng nhờ có sự kiên quyết của Thái úy Tô Hiến Thành, Cao Tông vẫn được tôn phù ở ngôi báu.

Nhưng không lâu sau, Tô Hiến Thành đã tuổi già sức yếu, qua đời năm 1179. Trước khi mất, vì vua mới lên 7 tuổi nên Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá với Đỗ thái hậu. Thái hậu dù khen hay nhưng cuối cùng không theo lời, lấy Đỗ An Di làm phụ chính.

Sau khi Tô Hiến Thành mất sửa

Năm 1181, thái tử cũ là Long Xưởng cầm đầu các gia thuộc nô lệ trộm cướp bừa bãi, muốn mưu làm loạn. Tới năm sau, thái hậu dùng Lý Kính Tu[a] làm đế sư (thầy của vua), trong thì hầu việc giảng sách, ngoài thì dạy dân trung hiếu, từ đấy Chiêu Linh Thái hậu và Long Xưởng không dám manh tâm mưu khác nữa.

Cao Tông tuy giữ được ngôi vua nhưng khi trưởng thành đã không trở thành minh quân của nhà Lý. Tới năm 1190, ông dùng em vợ (An Toàn nguyên phi) là Đàm Dĩ Mông, vốn là người không có học làm thái phó nên việc triều chính càng suy sút.

Thời kỳ Cao Tông Trung Suy sửa

Khi còn nhỏ, Cao Tông là người ngoan lành, song khi lớn lên bắt đầu trực tiếp cầm quyền trị nước lại sinh ra ham mê săn bắn, chính sự pháp luật không rõ ràng, vơ vét của dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ xây dựng phục dịch nên trộm cướp nổi lên khắp nơi.

Tháng 3 năm 1189, Cao Tông đi du hành khắp các nơi trong cả nước, đi đến đâu mà có thần linh lại cho xây dựng đền miếu.

Năm 1197, Cao Tông cho dựng cung Nghênh Thiềm, đến năm 1203 lại tiếp tục cho xây dựng hàng loạt cung điện. Khi đang xây dở gác Kinh Thiên, có chim khách đến làm tổ, Cao Đường Long cho là điềm báo sắp có vương tộc mới thay thế triều Lý, bèn khuyên can vua:

“ Trước cốt sửa đức, sau hãy khởi công mới phải. ”

Nhưng vua lại nghe lời hoạn quan Phạm Bỉnh Di, càng cho xây gấp khiến trăm họ khốn khổ.

Đến năm 1208 đói kém, người chết đói hàng loạt. Trong lúc ấy thì vua vẫn rong chơi vô độ, xây đền đài không ngớt, nghe ngoài thành có trộm cướp thì lại lờ đi như không biết.

Họa giặc giã sửa

Do chính sự rối ren, lòng dân oán hận, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân và ly khai của các hào trưởng địa phương nổ ra.

Năm 1192 người giáp Cổ Hoằng ở Thanh Hóa làm phản. Năm 1198 người hương Cao Xá ở Câu Diễn là Ngô Công Lý cùng với người châu Đại Hoàng là Đinh Khả tự xưng là con cháu của Đinh Tiên Hoàng nổi loạn.

Tháng 7 năm 1203, vua nước Chiêm Thành là Bố Trì lập mưu tới cửa biển Cơ La, giả cách xin nhà Lý cho nương tựa. Sau đó, Bố Trì giết chết trấn thủ cửa biển, cướp bóc Nghệ An, rồi đem quân về nước.

Tháng 9 năm 1203 có cuộc nổi loạn của 2 người Đại Hoàng Giang là Phí Lang và Bảo Lương trước đây đã tâu các tội mọt nước hại dân của Đàm Dĩ Mông, bị người này đánh, sinh lòng oán hận. Hai người này nhân khi rối ren liền làm phản. Vua sai Trần Lệnh Hinh làm Nguyên soái và Thượng thư Từ Anh Nhữ đem quân từ phủ Thanh Hóa tiến đánh Phí Lang xong bị thua, cả hai tướng đều bị giết; đến tháng 1 năm sau lại sai Đỗ Kính Tu đi đánh nhưng vẫn tiếp tục bại trận. Đến năm 1207 lại tiếp tục có cuộc nổi loạn của người Man ở núi Tản Viên, thanh thế rất lớn.

Thời kì này, nhà Tống còn xua quân sang xâm nhiễu biên giới Đại Việt khiến nhân dân phải chạy loạn "vô cùng khổ sở".

Gian thần Phạm Du sửa

Tháng 3 năm 1207, hào trưởng ở Hồng Châu (Hải DươngHải Phòng) là Đoàn Thượng, Đoàn Chủ nổi dậy, xây đắp thành lũy, xưng vương hiệu. Cao Tông phái rất nhiều quân đi đánh Hồng Châu. Đàm Dĩ Mông đem quân đạo Đại Thông (miền Hà Đông cũ dọc sông Đáy), Phạm Bỉnh Di đem quân đạo Khả Liễu, Trần Hinh đem quân đạo Phù Đái (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Bảo Trinh hầu đem quân đạo Nam Sách (Nam Sách, Hải Dương), cùng họp nhau đánh Đoàn Thượng. Thấy thế lực quân triều đình quá mạnh, Đoàn Thượng liền ngầm sai người đem của cải đút lót cho Thượng phẩm phụng ngự Phạm Du, nguyện xin đem quân chúng theo Du. Cuộc liên minh giữa Thượng và Du bắt đầu từ đó. Phạm Du cố vì Thượng mà xin với Cao Tông tha cho.

Đầu năm 1209, Cao Tông sai Phạm Du coi việc quân ở châu Nghệ An. Bấy giờ miền này đang đói lớn, số người bị chết đói rất nhiều. Những người còn sống sót cũng bị phá sản, lưu vong. Nhân cơ hội ấy, Phạm Du nói với vua rằng:

“ Nay thiên hạ rối loạn, bọn gian tặc nổi lên khắp nơi... xin cho phép tôi được tuyển bọn trai tráng để tự đề phòng, mới mong khỏi lo tai họa. ”

Vua bằng lòng. Phạm Du bèn chiêu tập những người vong mệnh ngang nhiên đi khắp các nơi. Từ đó đường đất bị cắt đứt, thuyền bè không đi lại được. Cao Tông thấy tình hình nguy khốn liền sai Phạm Bỉnh Di lấy quân ở Đằng Châu (thị xã Hưng Yên) để đánh Phạm Du. Du trở về Cổ Miệt cùng với Đoàn Thượng, Đoàn Chủ ở Hồng Châu hợp binh làm phản triều đình, đánh Đằng Châu. Bỉnh Di bị thua.

Tháng 2 năm 1209, Bỉnh Di lại đem binh ở Đằng Châu, Khoái Châu đi đánh Du. Phạm Du thua trận bỏ trốn. Bỉnh Di tịch biên gia sản của Du rồi đốt hết.

Tháng 4 năm 1209, Phạm Bỉnh Di đánh tan quân Đoàn Thượng. Phạm Du ngầm sai người về kinh đút lót cho bọn quan lại trong triều, nói rằng Bỉnh Di tàn ác, giết hại người vô tội và kể lể tình oan, xin về kinh đợi tội. Cao Tông sai Trần Hinh triệu Phạm Du về kinh, lại triệu cả Bỉnh Di về triều. Phạm Du về kinh trước hầu Cao Tông, được vua tin cẩn; Bỉnh Di đến kinh sau, vào triều phụng mệnh. Cao Tông sai bắt Bỉnh Di và con là Phụ giam ở Thủy Viên, toan làm tội.

Loạn Quách Bốc sửa

Tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc nghe tin đó, đem binh lính phá cửa Đại Thanh kéo vào nội điện để cứu chủ. Du cùng em là bọn Phạm Kinh giết Bỉnh Di và con của Bỉnh Di là Phụ rồi cùng Cao Tông chạy trốn.

Quách Bốc liền tôn hoàng tử nhỏ là Thầm lên làm vua. Cao Tông chạy về Tam Nông (Phú Thọ) nương nhờ nhà Hà Vạn, một thủ lĩnh miền thiểu số có thế lực. Thái tử Sảm cùng mẹ là Nguyên phi Đàm thị và hai em gái chạy về Hải Ấp, Thái Bình dưới quyền cai quản của Trần Lý.

Sảm chạy trốn đến ở nhà Trần Lý, tôn xưng là Thắng Vương, lấy con gái Lý là Trần Thị Dung làm vợ, phong cho làm phi. Lý Sảm lại phong cho Trần Lý tước Hải Minh Tự, chức vụ Chinh Bắc Đại Nguyên Soái, lĩnh binh lên bắc thảo phạt Quách Bốc. Em vợ Trần Lý là Tô Trung Từ (cậu Thị Dung) bấy giờ đang làm Tổng Binh Phủ Thiên Trường cũng được phong làm Điện tiền Chỉ huy sứ, Phạm Kính Ân được phong Thượng Phẩm Phụng Ngự, người thân tín đều được phong chức phong quan.

Trần Lý là gia chủ họ Trần, nhận được tước phong lập tức phát động dòng họ mộ binh bị chiến. Họ Trần uy vọng rất cao ở khắp vùng Hải Ấp, trai tráng nghe lời mộ mà nuòm nượp đến tòng quân. Tô Trung Từ làm Tổng Binh Thiên Trường Phủ cũng có trong tay mấy vạn quân, hai người hợp binh lên đến gần chục vạn người, lại lấy danh nghĩa Lý Sảm phát chiếu thảo phạt nghịch tặc, kêu gọi đồng minh rầm rộ tiến lên Bắc đánh Quách Bốc.

Biết tin Thái tử Sảm lập triều đình riêng và tự ý phong tước cho Trần Lý, Tô Trung Từ, Phạm Ngu... nên vua Lý Cao Tông ở Quy Hóa muốn đánh dẹp, bèn sai Phạm Du đi để liên lạc với họ Đoàn (Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi) ở vùng Hồng. Nhưng Du lại ham sắc, tư thông với công chúa Thiên Cực, nên lỡ hẹn với họ Đoàn. Khi Du lên thuyền đi gặp họ Đoàn, tới Ma Lãng thì bị đồng minh bấy giờ của họ Trần là lính dưới quyền hào trưởng Bắc Giang Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải đón bắt và giết chết.

Trần Lý và Tô Trung Từ mang quân đánh về kinh thành dẹp Quách Bốc. Cuối năm 1209, loạn Quách Bốc bị dẹp, Trần Lý tử trận, Tô Trung Từ đón vua Cao Tông về cung. Do Phạm Du đã chết mà thế lực Trung Từ mạnh nên vua Cao Tông buộc phải dựa vào Trung Từ. Đàm Dĩ Mông trước đã hàng phục Lý Thầm và Quách Bốc vẫn không bị trị tội, được làm chức thái uý.

Sử sách chép không rõ về kết cục của Quách Bốc, Lý Thầm. Toàn thư ghi đại lược: "Trừng trị bọn Quách Bốc làm loạn, xử tội theo mức độ khác nhau". Cương mục cũng ghi vắn tắt: "Vua xét tội tùy theo nặng nhẹ có sai biệt". Sách Việt sử Tiêu án không đề cập tới việc xử tội phe Quách Bốc. Các nhà chuyên môn nhận định không có tài liệu nào nói tới việc bắt hay giết Quách Bốc, Lý Thầm.

Ban chiếu tạ lỗi với dân sửa

Lý Cao Tông trong suốt 37 năm trị vì đã chứng kiến sự suy yếu không thể vực dậy của nhà Lý vì lối ăn chơi hưởng lạc của mình. Trước khi qua đời, ông đã cho ban chiếu hối lỗi để tạ tội với thần dân của mình. Vua Lý Cao Tông lên ngôi khi chỉ mới 3 tuổi với sự trợ giúp của Thái úy Tô Hiến Thành. Lớn lên, khi trực tiếp cầm quyền trị nước, Cao Tông ham mê săn bắn, chính sự pháp luật không rõ ràng, vơ vét của dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ phục dịch nên trộm cướp nổi lên khắp nơi.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém...". Mãi đến năm 1207, nhà vua nhìn cảnh giặc cướp nên hối lỗi và ban chiếu tự nhận lỗi lầm.[2]

Sách Đại Việt sử lược chép lại bản chiếu đó: "Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết được cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới. Dân đã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi, cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại".[3]

Với chiếu hối lỗi, Lý Cao Tông được xem là vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam "dám" hạ mình xin lỗi dân, song năm 1207 đã là những năm cuối đời của ông vua này. Ba năm sau, Lý Cao Tông qua đời trong cảnh đất nước loạn lạc và triều đình phải dựa hẳn vào thế lực nhà họ Trần. Vì vậy, chiếu nhận lỗi của vị vua này được giới sử học xem như là những lời hối lỗi quá muộn màng và hối chỉ để mà hối thôi chứ không thực hiện một biện pháp gì để chấn chỉnh hoặc tình trạng đã quá tệ để có thể thay đổi được.

Qua đời sửa

Ngày 28 Nhâm Ngọ, năm Canh Ngọ (tức 15 tháng 11 năm 1210), Cao Tông mất ở cung Thánh Thọ, ủy thác cho Đỗ Kính Tu việc triều đình. Cao Tông thọ 38 tuổi, an táng tại Thọ Lăng. Thái tử Lý Sảm lên ngôi, tức là vua Lý Huệ Tông. Vua Lý Huệ Tông truy tôn cho cha miếu hiệu là Cao Tông, thụy hiệu là Ứng Thiên Ngự Cực Hoành Văn Hiến Vũ Linh Thiệu Chiếu Phù Chương Đạo Chí Nhân Ái Dân Lý Vật Duệ Mưu Thần Trí Cảm Hóa Cảm Chánh Thuần Phu Huệ Thị Từ Tuy Du Kiến Mỹ Công Toàn Nghiệp Thịnh Long Hiện Thần Cư Thánh Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Tình hình trong nước ngày càng rối ren hơn, được hơn 10 năm thì nhà Lý mất về tay họ Trần (1225).

Gia đình sửa

Thân Phụ: Lý Anh Tông

Thân Mẫu: Linh Đạo Hoàng hậu

Phi Tần
STT Danh hiệu Tên Sinh mất Cha Ghi chú
1 An Toàn Hoàng Hậu Đàm Thị Bà là thân mẫu của vua Lý Huệ Tông.
2 Trung Phi Vương Thị
3 Hoàng Phi Sở Thị
4 Lan Phi Triệu Thị
Hoàng Tử
STT Danh hiệu Tên Năm sinh Mẹ Ghi chú
1 Lý Huệ Tông Lý Sảm 1194-1226 An Toàn Hoàng Hậu Đàm Thị
2 Lý Thầm 1201-?

Nhận định sửa

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư nhận định về Lý Cao Tông như sau:

Trong sách Việt sử Tiêu án, Ngô Thì Sĩ viết:

Vua Cao Tông ham chơi bời, lại thiếu sáng suốt. Trước nghe theo Phạm Bỉnh Di bắt dân phu hoàn thành nhanh cung thất, sau lại nghe Phạm Du sàm tấu mà giết Bỉnh Di. Thực ra không phải vì trước đây Bỉnh Di là sủng thần mà sau đó bị thất sủng, mà vì vua Cao Tông chỉ thích hưởng lạc nên điều Bỉnh Di tâu việc đốc công là hợp ý vua mà thôi.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, chính sự nhà Lý tới thời Cao Tông đã rất lỏng lẻo do lỗi lầm của nhà vua:

  • Trước sai Phạm Bỉnh Di dẹp Phạm Du, sau lại nghe lời tâu bậy của Du mà tin dùng Du, coi Du là "phải", Bỉnh Di là "trái".
  • Bộ tướng Quách Bốc của Bỉnh Di không hẳn đã có một đạo quân hùng hậu, vậy mà triều đình trung ương nghe tin Bốc kéo vào liền hốt hoảng bỏ chạy không dám chống cự; vua một nơi, hoàng hậu cùng hoàng tử và công chúa một nơi.
  • Đàm Dĩ Mông thần phục Lý Thầm và Quách Bốc, lẽ ra phải trị tội như Lê Chiêu Tông giết thái sư Lê Quảng Độ theo Trần Cảo sau này, nhưng Cao Tông lại dung tha cho Mông, để làm đại thần.

Bởi bên dưới khinh nhờn luật nước vẫn được dung túng, nên sau này quần hùng nổi dậy, nay đánh mai hàng, loạn mãi không chấm dứt được. Dân bị bóc lột đã oán triều đình. Công thần bị giết oan, lòng người càng chia lìa. Bởi vậy các sử gia nhận định rằng lỗi làm mất nhà Lý bắt đầu từ Cao Tông.

Trong văn hoá đại chúng sửa

Năm Tác Phẩm Diễn Viên
2013 Thái sư Trần Thủ Độ NSND Hoàng Dũng

Ghi chú sửa

  1. ^ Nguyên họ Đỗ, được ban họ vua.
  2. ^ Chỉ họ Trần.

Chú thích sửa

  1. ^ Theo Đại Việt sử ký toàn thư
  2. ^ Lê, Văn Viết; Vũ, Thu Hương (25 tháng 9 năm 2007). “Thư viện Đại học Việt Nam trong xu thế hội nhập”. Tạp chí Thư Viện Việt Nam. 2 (10). doi:10.3125/tctvv.v2i10.537. ISSN 1859-1450.
  3. ^ century., Ngô, Sĩ Liên, active 15th (1998). Đại Việt sử ký toàn thư. Khoa học xã hội. OCLC 41997144.

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

Liên kết ngoài sửa