Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một danh thắng, một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu dưới thời phong kiến, và là một di tích lịch sử cấp quốc gia Việt Nam (xếp hạng năm 1997).

Tiểu đình ở giữa sân lăng

Nguồn gốc sửa

Sơn Lăng tọa lạc tại vị trí mà Thoại Ngọc Hầu (tên thật là Nguyễn Văn Thoại) đã chọn để làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn cho ông về sau.

Công trình này được khởi dựng vào năm nào chưa rõ, chỉ biết rằng khi người vợ thứ của ông là Trương Thị Miệt mất (tháng 7 năm Tân Tỵ, 1821) [1], ông đã cho an táng bà tại đây (nằm bên trái ngôi mộ của ông trong tương lai). Đến tháng 10 năm Bính Tuất (1826), bà vợ chính của ông là Châu Thị Tế mất, cũng được ông đem an táng tại đây (nằm bên phải ngôi mộ của ông trong tương lai). Như vậy, có thể nói Sơn Lăng đã được Thoại Ngọc Hầu cho xây đúc (chưa rõ đã cơ bản hoàn thành hay chỉ một phần) trước khi ông qua đời vào tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829)[2].

Kiến trúc sửa

 
Sơn Lăng (ảnh 1)

Sơn Lăng nằm nơi chân núi Sam, và kề bên quốc lộ 91 ngày nay. Đây là một khối kiến trúc to lớn nhưng hài hòa. Muốn lên lăng, phải qua chín bậc đá ong [3] dài trên trăm mét, xây hình thang rồi mới đến sân.

Sân lăng bằng phẳng, rộng thênh thang, có hai tiểu đình do người đời sau xây dựng: một dùng để chứa tấm bia Thoại Sơn (bản sao) bằng đá cẩm thạch trắng; hai dùng để tượng ngựa và người lính hầu...Tiếp đến là vòng thành và hai cổng vào lăng hình bán nguyệt được đúc dày, nên trông lăng thật bề thế, vững vàng.

Hiện vật đáng chú ý nơi tường thành có cổng ra vào, là năm tấm bia đá do người sau qui tập về và gắn chặt vào tường thành. Bia ở chính giữa rất có thể là bia Vĩnh Tế Sơn được dựng lên từ năm 1828, tức bốn năm sau khi đào xong kênh Vĩnh Tế. Bia cao hơn đầu người, bằng loại đá sa thạch, khắc 730 chữ Hán. Do để ngoài trời, không chăm sóc, nên mặt đá đã bị rạn nứt, bị bào mòn nên chữ đã không còn đọc được. Bốn tấm bia còn lại cũng đã bị thời gian làm cho nhẵn nhụi, nên không rõ tung tích...

Qua khỏi cổng là ba phần mộ nằm giữa vuông lăng. Mộ Thoại Ngọc Hầu nằm giữa, hai bên là mộ bà chính thất Châu Thị Tế và mộ bà thứ thất Trương Thị Miệt (được xây lùi lại một chút để tỏ sự kính nhường). Tất cả đều được xây bằng hồ ô dước vì thời đó chưa có xi-măng. Phía đầu ba ngôi mộ là bình phong có đắp chi chít những chữ Hán. Phía chân các ngôi mộ đều có bi ký.

 
Sơn Lăng (ảnh 2)

Theo bậc thang lên cao, ra khỏi vuông lăng là đền thờ ông Thoại. Đền tựa lưng vào núi Sam, và được dựng lên về sau này[4]. Trong đền bày trí đẹp, có tượng bán thân Thoại Ngọc Hầu với đủ đồ lễ bộ, tạo không gian ấm cúng và trang nghiêm...

 
Nghĩa trủng, nơi cải táng hài cốt của những người đã chết trong lúc đào kênh Vĩnh Tế.

Nơi nội lăng và hai bên phải trái vuông lăng còn có hai khu đất rộng, cũng có vòng thành ngăn chắn xung quanh dày cả mét. Ở đây có trên 50 ngôi mộ xây bằng hồ ô dước, có mộ xây hình voi phục, có mộ xây hình bầu dài hoặc vuông vắn, v.v...Những ngôi mộ này đều vô danh, đa số là những hài cốt của những người đã bỏ mình trong lúc đào kênh Vĩnh Tế được ông Thoại cho qui tập về.

Lăng Thoại Ngọc Hầu thuộc khu danh thắng núi Sam đã được Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 1 tháng 12 năm 1997.

Phát hiện mới sửa

 
Tấm bia bên phải ảnh có thể là bia Vĩnh Tế Sơn

Trung tuần tháng 9 năm 2010, trong lúc tu bổ lăng Thoại Ngọc Hầu, đơn vị thi công phát hiện một lằn phui sụp xuống và sau đó được cơ quan chức năng xác định đây là dấu vết khu vực chôn đồ tùy táng. Sau đó, vào ngày 19 và 20 tháng 10 cùng năm, ngành chức năng đã cho tiến hành cuộc khai quật khẩn cấp và đã thu được kết quả lớn với việc phát hiện 523 hiện vật cùng hàng trăm vật dụng bằng gỗ, kim loại,...tại hố chôn thứ nhất (nằm cạnh mộ bà Châu Thị Tế), và tại hố chôn thứ hai (nằm cạnh mộ bà Trương Thị Miệt)...Theo TS. Ngô Quang Láng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang, thì "thông qua hiện vật, chúng ta hiểu biết về những vật dụng sinh hoạt trong gia đình một vị quan lại phong kiến Việt Namthế kỷ 19 tại vùng đất phía Nam, mà hầu như chưa nơi nào phát hiện được. Qua đó để thấy được tính chất, đặc điểm của một thời kỳ lịch sử cũng như hình dung được đời sống vật chất, tinh thần trong gia đình quan lại Việt Nam....Nhất là việc phát hiện hiện vật chôn theo mộ bà Châu Thị Tế có 1 đồng tiền từ thời kỳ Nguyễn Nhạc [5].

Xem thêm sửa

 
Sơn Lăng vừa được trùng tu (2013), không còn màu rêu phong cũ bởi thứ nước sơn thời hiện đại

.

Chú thích sửa

  1. ^ Tức mấy tháng sau khi ông Thoại đến Châu Đốc nhận nhiệm vụ "Án thủ Châu Đốc đồn, kiêm quản quân vụ trấn Hà Tiên".
  2. ^ Theo Toan Ánh và Cửu Long Giang (Người Việt-Đất Việt, Nam Chi Tùng Thư, 1967, tr. 434), thì lăng được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Đây có thể là năm xây xong, vì GS Nguyễn Văn Hầu (Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Hương sen xuất bản, tr. 304) cũng đã ghi rằng năm 1829, ông Thoại "đã xây xong nhiều lăng mộ và cất xong nhiều từ miếu".
  3. ^ Đây là loại đá được chuyển từ miền Đông vào. Sở dĩ, người chỉ huy công trình xây dựng lăng không muốn dùng đá hoa cương tại chỗ, là vì màu sắc và cấu trúc của đá ong, tự nó sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp của chốn thâm nghiêm (theo Địa chí An Giang tập II, UBND tỉnh ấn hành, 2007, tr. 228).
  4. ^ GS. Hầu (sách đã dẫn, tr. 269) không cho biết năm dựng.
  5. ^ Đây là một phát hiện hết sức đặc biệt, vì nhà Nguyễn vẫn xem nhà Tây Sơn là "ngụy triều", cho nên việc một vị đại thần của triều Nguyễn đã giữ gìn đồng tiền triều Nguyễn Nhạc, lại chôn cùng theo mộ của phu nhân là điều gợi mở nhiều hướng nghiên cứu cho giới sử học. Theo TS Phạm Hữu Công, một thành viên trong hội đồng giám định di vật, đồng tiền này "có thể liên quan đến một bí mật lịch sử chưa từng được biết" [1][liên kết hỏng].

Liên kết ngoài sửa