Lưu thái công

(Đổi hướng từ Lưu Thái Công)

Lưu Thái công (chữ Hán: 劉太公; 277/271 TCN - 197 TCN), được biết đến là cha của Hán Cao Tổ Lưu Bang - người thành lập nên triều đại nhà Hán. Đồng thời, ông là tổ tiên của các vua nhà Hánnhà Lưu Tống sau này (thông qua một người con trai của ông là Lưu Giao).

Lưu Thái công
劉太公
Thái thượng hoàng nhà Hán
Thái thượng hoàng Đại Hán
Tại vị202 TCN197 TCN
Thông tin chung
Sinh277/271 TCN
ấp Phong, quận Bái
Mất197 TCN
Lịch Dương cung, Trường An
An tángVạn Niên lăng (萬年陵)
Phối ngẫuChiêu Linh hoàng hậu
Thái thượng hoàng hậu Mỗ thị
Hậu duệ
Tên huý
Lưu Thoan (劉煓)[1]
Tên tự
Chấp Gia (執嘉)[1]
Thụy hiệu
Đại hoàng đế
Miếu hiệu
Thủy Tổ (始祖)
Tước hiệuThái thượng hoàng (太上皇)
Hoàng tộcNhà Hán

Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang lên ngôi, ông muốn dùng một tôn hiệu cao quý để xưng hô cho cha ruột, nên ra chỉ tấn tôn Lưu Thái công làm Thái thượng hoàng. Trước đó, Tần Thủy Hoàng là người đầu tiên dâng huy hiệu này cho cha ruột là Tần Trang Tương vương, nhưng đó chỉ là truy tôn sau khi qua đời. Thời điểm Lưu Bang dâng tôn huy hiệu này, Lưu Thái công là vị Thái thượng hoàng duy nhất được tôn hiệu của triều đại nhà Hán, đồng thời là vị Thái thượng hoàng đầu tiên được tôn hiệu khi còn sống trong lịch sử Trung Quốc cũng như lịch sử các quốc gia đồng văn Đông Á.

Cuộc đời

sửa

Gia thế và hành trạng

sửa

Sách Sử ký Tư Mã Thiên thời nhà Hán không ghi lại tên thật của ông, "Thái công" chỉ là một cách gọi tương tự "Đức ông" hay "Ông lớn" kèm theo họ mà thôi. Còn theo Tân Đường thư ghi lại, Lưu Thái Công có húy Thoan (煓), biểu tự Chấp Gia (執嘉).[1] Ông người ấp Phong, quận Bái (nay là huyện Phong, tỉnh Giang Tô). Hành trạng của Lưu Thái Công trước thời kỳ Hán Cao Tổ lên ngôi không ghi chép gì nhiều, theo cứ liệu của Tân Đường thư thì dòng dõi họ Lưu có nguồn gốc từ Nghiêu thời Thượng cổ.

Khoảng năm 206 TCN, là lúc diễn ra Chiến tranh Hán-Sở, đất Bái trở thành nơi quân Sở kiểm soát gắt gao, Lưu Bang khi ấy đã là Hán vương, cho người đem hơn nghìn quân toan hộ tống Lưu Thái công đến Hán quốc thì bị quân Sở ngăn cản. Sang năm sau (205 TCN), Lưu Bang bị bại ở Bành Thành (nay là Từ Châu, tỉnh Giang Tô), Lưu Thái công cùng con dâu là Lã Trĩ bị Tây Sở Bá vương Hạng Vũ bắt làm con tin.

Năm 203 TCN, quân Sở cùng quân Hán giằng co mãi không có kết quả. Hạng Vũ không thể nhẫn nhịn, khi hẹn với Lưu Bang bàn định chiến sự liền đem Lưu Thái công trói lên một ván gỗ rất lớn, hô lên với Lưu Bang nếu không đầu hàng sẽ đem Lưu Thái công nấu thịt làm canh. Không ngờ, Lưu Bang thản nhiên hô lại:"Ta và ngài cùng thụ mệnh Sở Hoài vương, kết bái huynh đệ, cha ta cũng là cha ngài. Nếu ngài nhất quyết đem cha của chính mình nấu canh mà ăn, hãy nhớ tới ta cùng chia sẻ một bát!". Hạng Vũ giận dữ, toan giết Lưu Thái công, nhưng Hạng Bá cản lại mà nói:"Bây giờ người trong thiên hạ tranh giành, đã sớm không màn đến tình cảm gia đình nữa. Giết con tin vô ích, chỉ có tai họa", do đó Lưu Thái công mới thoát một kiếp tai ương. Cũng trong năm đó, quân Sở liên tiếp bất lợi, Hạng Vũ không còn cách nào bèn phải trao trả Lưu Thái công cùng Lã Trĩ với Lưu Bang để đổi lấy hòa bình, sử gọi [Hồng Câu chi ước; 鴻溝之約].

Tôn hiệu cao quý

sửa

Sử sách không có ghi chép gì thêm về Lưu Thái công mãi cho đến khi Lưu Bang xưng Hoàng đế. Theo đó, cứ 5 ngày một lần thì Lưu Bang đến trước mặt Lưu Thái công thực hiện triều kiến, y hệt cách mà cha con nhà bình dân hay làm với nhau. Có người nói với Thái Công rằng:"Một bầu trời không thể có hai thái dương! Ngài tuy là hoàng đế chi phụ, song hoàng đế là thánh nhân, ngài há có thể nhận cái lạy của thánh nhân sao?!", thế là khi Lưu Bang theo lệ đến bái thăm, Lưu Thái công bèn cầm chổi, cung kính bái lạy trước cửa. Lưu Bang kinh hãi, biết nguyên nhân thì liền tôn cha mình làm Thái thượng hoàng[2].

Tiểu thuyết Tây kinh tạp ký (西京杂记) có ghi lại một câu chuyện về Lưu Thái công. Khi đó, Lưu Thái công trở thành Thái thượng hoàng, dời đến cung điện lộng lẫy tại Trường An mà mãi vẫn luôn buồn phiền. Lưu Bang dò hỏi mới biết được Lưu Thái công quen với cảnh uống rượu, tán gẫu, chơi đá gà ở dân gian quen rồi, đến khi vào cung vàng điện ngọc, lắm quy củ nhưng mỗi ngày đều nhàm chán nên cảm thấy không còn vui vẻ như trước. Thế là Lưu Bang thành Tân Phong, đem các lão bạn già của Thái thượng hoàng đều an trí ở đây, có thể hằng ngày cùng Thái thượng hoàng trò chuyện. Từ đó Lưu Thái công mới lại vui vẻ yêu đời như trước.

Năm Hán Cao Tổ thứ 10 (197 TCN), tháng 7, ông mất tại Lịch Dương cung (櫟陽宮). Ông được táng ở Vạn Niên lăng (萬年陵), nay là khu vực phía Bắc của Lâm Đồng, Tây An, tỉnh Thiểm Tây.

Gia quyến

sửa
  • Vợ:
  1. Lưu Ảo [劉媼], không rõ họ tên gì, là mẹ của Hán Cao Tổ Lưu Bang, được dâng thụy là Chiêu Linh phu nhân (昭靈夫人). Sau Lã hậu truy làm Chiêu Linh hoàng hậu (昭靈皇后)[3].
  2. Thái thượng hoàng hậu, không rõ tên tuổi, kế thê của Lưu Thái Công. Mất vào tháng 5, trước Lưu Thái công khoảng 2 tháng. Hợp táng Vạn Niên lăng[4].
  • Hậu duệ:
  1. Lưu Bá [劉伯], mẹ là Chiêu Linh hoàng hậu. Mất sớm, Hán Cao Tổ tặng làm Vũ Ai hầu (武哀侯), sau Lã hậu tặng làm Vương.
  2. Lưu Hỉ [劉喜], mẹ là Chiêu Linh hoàng hậu. Khi Hán Cao Tổ lên ngôi, phong làm Đại vương (代王). Khi Hung Nô vào, bỏ quốc mà chạy, giáng làm Hợp Dương hầu (合暘侯). Con là Ngô vương Lưu Tỵ.
  3. Lưu thị, mẹ là Chiêu Linh hoàng hậu. Hán Cao Tổ truy phong làm Tuyên phu nhân (宣夫人). Lã hậu tặng làm Chiêu Ai hậu (昭哀后)[3].
  4. Lưu Bang [劉邦], tự Quý (季), mẹ là Chiêu Linh hoàng hậu. Lập ra nhà Hán, tức Cao Tổ hoàng đế.
  5. Lưu Giao [劉交], tự Du (游), mẹ không rõ, rất có thể là Thái thượng hoàng hậu. Sau là Sở Nguyên vương (楚元王), trong 4 anh em là người có học vấn cao nhất.

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b c 《新唐书·宰相世系表》:刘氏出自祁姓。帝尧陶唐氏子孙生子有文在手曰:「刘累」,因以为名。能扰龙,事夏为御龙氏,在商为豕韦氏,在周封为杜伯,亦称唐杜氏。至宣王,灭其国。其子隰叔奔晋为士师,生士蒍。蒍生成伯缺,缺生士会。会适秦,归晋,有子留于秦,自为刘氏。 生明,明生远,远生阳,十世孙喬,战国时获于魏,遂为魏大夫。秦灭魏,徙大梁,生清,襲大夫,秦圍魏,徙居沛。生仁,号丰公。生煓,字执嘉。生四子:伯、仲、邦、交。邦,汉高祖也。
  2. ^ 《史記》- 卷八 高祖本纪: 六年,高祖五日一朝太公,如家人父子禮。太公家令說太公曰:「天無二日,土無二王。今高祖雖子,人主也;太公雖父,人臣也。柰何令人主拜人臣!如此,則威重不行。」後高祖朝,太公擁篲,迎門卻行。高祖大驚,下扶太公。太公曰:「帝,人主也,柰何以我亂天下法!」於是高祖乃尊太公為太上皇。心善家令言,賜金五百斤。
  3. ^ a b 《汉书·卷三·高后纪第三》:夏五月辛未,诏曰:"昭灵夫人,太上皇妃也;武哀侯、宣夫人,高皇帝兄姊也。号谥不称,其议尊号。"丞相臣平等请尊昭灵夫人曰昭灵后,武哀侯曰武哀王,宣夫人曰昭哀后,六月,赵王恢自杀。
  4. ^ 《汉书》记载:"夏五月,太上皇后崩。秋七月癸卯,太上皇崩,葬万年。"