Lời người ra đi
"Lời người ra đi", hay còn có tên gọi "Rằng kháng chiến còn trường kỳ", là một ca khúc thuộc dòng nhạc cách mạng và nhạc trữ tình Việt Nam được sáng tác bởi nhạc sĩ Trần Hoàn vào năm 1950. Bài hát nói về câu chuyện tình của nhạc sĩ khi phải chia tay vợ mình để thực hiện nhiệm vụ công tác mới. Tuy nhiên, trong các vùng kháng chiến ở Việt Nam, bài hát bị hạn chế đến cấm phổ biến do bị cho là "ủy mị".
"Lời người ra đi" | |
---|---|
Bài hát | |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Phát hành | 1950 |
Thể loại | Nhạc đỏ[1] Nhạc trữ tình |
Sáng tác | Trần Hoàn |
Khi phổ biến bài hát tại miền Nam Việt Nam dưới hai chính thể Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã sửa lời của ca khúc, thậm chí cũng có ý kiến cho rằng ông là đồng tác giả cùng nhạc sĩ Trần Hoàn. Bài hát sau này đã được nhiều ca sĩ ở Việt Nam thể hiện, thu âm ở nhiều thời kỳ, được nhiều người Việt yêu thích.
Hoàn cảnh ra đời
sửaVào năm 1950, nhạc sĩ Trần Hoàn chuyển công tác về Hải Phòng, sau khi cưới vợ là Thanh Hồng.[2][3] Ông khi đó tình cờ đọc được bài thơ "Em vẫn đợi anh về" của Konstantin Mikhailovich Simonov và từ đó có cảm xúc, sáng tác nên nhạc phẩm, lấy tên là "Rằng kháng chiến còn trường kỳ",[4][2] với những ca từ liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như "Rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ" hay "Máu còn rơi, xương còn rơi, bao lớp người tiền tuyến tuôn ra",[5][2] cụm từ "kháng chiến" được điệp lại ở một vài khúc.[6][7][8]
Bài hát ban đầu có 3 lời và được cho là hợp với tâm trạng của người lính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,[2][3] được phổ biến nhanh ở Liên khu III và IV. Đoàn văn công Sư đoàn 320, do nhạc sĩ Huy Du chỉ huy, đã thể hiện bài hát này và phổ biến nó ở vùng đồng bằng sông Hồng.[2] Dù có nhiều người hát, tuy nhiên, một vài lãnh đạo không muốn phổ biến bài hát này rộng rãi vì cho rằng nó "ủy mị",[2] "lãng mạn tiểu tư sản". Thậm chí, bài hát còn bị cấm phổ biến trong vùng kháng chiến.[9] Điều này làm Trần Hoàn phải chấp nhận vì "ảnh hưởng đến dũng khí chiến đấu của quân và dân ta [Việt Nam Dân chủ Cộng hòa] lúc đó" và bị cho là "không được tự do triệt để trong sáng tạo".[2][10]
Phổ biến tại miền Nam Việt Nam
sửaBài hát này còn được phổ biến cả vào miền Nam Việt Nam, vùng thuộc quyền kiểm soát của Pháp lúc bấy giờ và sau này là Việt Nam Cộng hòa.[2][11] Trong một bản in vào năm 1954, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã sửa lời ca khúc cho phù hợp với tình hình miền Nam Việt Nam lúc đó, ngoài ra cũng ghi chung tác giả với Trần Hoàn và có một số ý kiến cho rằng, phải ghi chung như vậy để dễ xuất bản ở miền Nam.[2] Có những thông tin cho rằng bài hát của Trần Hoàn đồng tác giả với Hoàng Thi Thơ.[10] Ngay cả nhan đề bài hát "Rằng kháng chiến còn trường kỳ" cũng bị đổi thành "Lời người ra đi", mặc dù nhạc sĩ Trần Hoàn không biết ai đã đổi tên ca khúc, nhưng vẫn chấp nhận và cái tên bị sửa này tồn tại đồng thời được biết đến nhiều đến hiện tại.[12][5] Tập nhạc Những ca khúc một thời vang bóng 1930–1950 của Văn Giảng xuất bản năm 1971 ở Việt Nam Cộng hòa đã in cả 3 lời của ca khúc với nhan đề "Lời người ra đi", nhưng chỉ đề tên nhạc sĩ Trần Hoàn, và các cụm từ "kháng chiến" đều không xuất hiện trong lời được in.[2][13] Cuốn Ca từ trong âm nhạc Việt Nam đã in nhan đề bài hát gốc là "Rằng kháng chiến còn trường kỳ" cùng lời ca gốc; ngoài ra lời bài hát bị sửa được đặt dưới nhan đề "Lời người ra đi".[6]
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã sử dụng ca khúc này trong chiến dịch chiêu hồi của họ, cùng với một số nhạc phẩm khác có xuất xứ từ miền Bắc.[14] Bài hát được cho là cũng được nhiều binh lính của Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa hát mỗi khi buồn tình.[15] "Lời người ra đi" đã được thu âm ở miền Nam Việt Nam qua các giọng ca của Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm, Khánh Ly,...[3][16][17]
Đón nhận và trình diễn sau 1975
sửaSau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong một lần vào công tác ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhạc sĩ Trần Hoàn tỏ ra ngạc nhiên khi nhiều người ở khu vực này đã thuộc bài hát "Lời người ra đi" của ông, gọi ông là tác giả ca khúc.[2][11] Nghệ sĩ Thu Hiền đã thể hiện ca khúc này và được truyền phát rộng rãi qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.[18] "Lời người ra đi" cũng đã được nhiều ca sĩ thể hiện trong giai đoạn này, mà Bảo Yến được xem là một trong những người thể hiện thành công; đồng thời được nhiều thế hệ khán giả yêu thích.[19] Tú Ngọc và cộng sự (2000) trong cuốn Âm nhạc mới Việt Nam – tiến trình và thành tựu đã nhận xét nhạc phẩm này "không chết", "tự tìm lối rẽ".[20]
Khi nhạc sĩ Trần Hoàn qua đời năm 2003, "Lời người ra đi" được chọn làm tên cho một đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh.[21] Năm 2013, trong một đêm nhạc mừng Ngày thương binh liệt sĩ ở Việt Nam, "Lời người ra đi" đã được Vân Khánh trình bày trong một chương chủ đề về cuộc kháng chiến chống Pháp ở nước này.[22] Vào năm 2021, trong một chương trình kỷ niệm 46 năm thống nhất Việt Nam, hai nghệ sĩ Thanh Ngân và Trọng Phúc đã thể hiện một bản tân cổ giao duyên dựa trên ca khúc này và được Hoàng Song Việt viết lời.[23][24]
Tham khảo
sửaChú thích
sửa- ^ Chi Mai (ngày 2 tháng 9 năm 2007). ""Tiếp lửa" cho nhạc cách mạng". Báo Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b c d e f g h i j k Hạ Nguyên (ngày 18 tháng 3 năm 2022). "Về bài hát "Lời người ra đi" của nhạc sĩ Trần Hoàn". Báo Thừa Thiên Huế (nay là báo Huế Ngày Nay). Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b c Hà Đình Nguyên (ngày 19 tháng 2 năm 2012). "Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 4: Lời người ra đi". Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ Dân Huyền (ngày 19 tháng 8 năm 2016). "Cách mạng Tháng Tám và 3 nhạc sĩ tuổi Thìn". Báo điện tử VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b Nguyễn Đình San (ngày 11 tháng 2 năm 2021). "Trần Hoàn và hai bài hát đặc sắc về mùa xuân". Báo Công An Nhân Dân. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b Dương Viết Á 2000, tr. 299–300
- ^ Nhất Lâm (ngày 12 tháng 1 năm 2009). "Ca khúc thời hào hùng". Tạp chí Sông Hương. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ Trần Hoàn 2011, tr. 22–23
- ^ Nguyễn Thế Khoa (ngày 7 tháng 4 năm 2019). "Nhớ Trần Hoàn - vị "Bộ trưởng hát rong"". Báo Đại Biểu Nhân Dân. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b Nguyễn Thụy Kha (ngày 23 tháng 11 năm 2018). "Trần Hoàn: Dâng mùa xuân cho đời". Báo Người Lao Động. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ a b Phạm Xuân Dũng (ngày 4 tháng 5 năm 2023). "Nhạc sĩ Trần Hoàn và những ca khúc cách mạng nổi tiếng". Báo Đắk Lắk. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ Nguyễn Đình San (ngày 26 tháng 5 năm 2017). "Chuyện trăm năm của nhạc sĩ Trần Hoàn". Báo Công An Nhân Dân. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ Văn Giảng 1971, tr. 62–63
- ^ Hà Đình Nguyên (ngày 22 tháng 2 năm 2013). "Ngày về trong giấc mơ hoa". Nhạc Xưa Thời Báo. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ Hải Thanh (ngày 17 tháng 8 năm 2015). "Câu chuyện về bài hát cuối cùng viết cho sự giã biệt". Báo Công An Nhân Dân. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2025.
- ^ Quỳnh Giao (ngày 31 tháng 7 năm 2023). "Tìm lại một định nghĩa mới cho chữ "nhạc sến"". Nhạc Xưa Thời Báo. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ Đông Kha (ngày 30 tháng 10 năm 2020). "Đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết và những bản thu âm trước 1975 hay nhất". Nhạc Xưa Thời Báo. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ Dương Viết Chiến (ngày 23 tháng 10 năm 2015). "Nhạc sĩ Trần Hoàn và duyên nợ với miền sơn cước Tuyên Hóa". Báo Quảng Bình. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2025.
- ^ Lê Thị Ánh Tuyết (ngày 6 tháng 8 năm 2018). "Cuộc tình lạ của nhạc sĩ Trần Hoàn". Báo Người Đưa Tin. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ Tú Ngọc và đồng nghiệp 2000, tr. 229
- ^ Thúy Loan (ngày 24 tháng 11 năm 2003). "Lời người ra đi – Đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Trần Hoàn". Báo Hànộimới. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2025.
- ^ Phan Anh (ngày 28 tháng 7 năm 2013). "Đức Tuấn, Thanh Thúy gây xúc động trong đêm nhạc chào mừng 27/7". Báo Dân Trí. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2025.
- ^ Minh Hiệp (ngày 29 tháng 4 năm 2021). ""Bản hùng ca của mùa xuân đại thắng"". Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- ^ Thúy Ngọc (ngày 30 tháng 4 năm 2021). "Đan Trường, Cẩm Ly hát mừng 30/4". VietNamNet. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2025.
Thư mục
sửa- Dương Viết Á (2000), Ca từ trong âm nhạc Việt Nam, Hà Nội: Viện Âm nhạc
- Trần Hoàn (2011), Lời người ra đi – 111 tình khúc (1945 - 2001), Nhà xuất bản Hà Nội
- Tú Ngọc; Nguyễn Thị Nhung; Vũ Tự Lân; Nguyễn Ngọc Oánh; Thái Phiên (2000), Âm nhạc mới Việt Nam – tiến trình và thành tựu, Hà Nội: Viện Âm nhạc, OCLC 682149444
- Văn Giảng (1971), Những ca khúc một thời vang bóng 1930–1950, Sài Gòn: Nhà xuất bản Hiện Đại
Liên kết ngoài
sửa- "Nhạc sĩ Trần Hoàn và những ca khúc trữ tình". VnExpress. ngày 27 tháng 8 năm 2002.
- "Lời Người Ra Đi - Hoàng Thi Thơ, Trần Hoàn - Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết trình bày". Kênh YouTube Nhạc Xưa Sài Gòn Pre75.
- "Lời Người Ra Đi - Bảo Yến hát". YouTube.