Ma-ha-ca-diếp

(Đổi hướng từ Ma-ha Ca-diếp)

Ma-ha-ca-diếp (tiếng Phạn: महाकाश्यप, chuyển tự Mahākāśyapa, tiếng Pali: Mahakassapa) còn gọi là Tôn giả Ca Diếp hay Đại Ca Diếp là một người Bà la môn xứ Ma Kiệt Đà, cha tên Ẩm Trạch, mẹ tên Hương Chí. Ông là một trong mười đại đệ tử của Tất đạt đa Cồ đàm (Phật Thích Ca), và cũng là người tổ chức, chỉ đạo đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất, nhờ vậy mà Tam tạng pháp bảo của đạo Phật còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Ma-ha-ca-diếp nổi tiếng có hạnh Đầu đà nghiêm túc nhất và là người đứng đầu Tăng-già sau khi Tất đạt đa Cồ đàm mất. Phật Thích Ca là người khai sinh và truyền bá đạo Phật, còn người kế thừa di sản của Phật để truyền lại cho đời sau chính là tôn giả Ca Diếp vậy.

Ma-ha-ca-diếp
Sơ tổ Ma-ha-ca-diếp tôn giả
(初祖摩訶迦葉尊者)
Tôn giáoPhật giáo
Tên khácMahākāśyapa
Cá nhân
Sinh616 TCN
Pipphali, làng Maha Tittha, nước Ma-kiệt-đà
Mất496 TCN
núi Cũ-lô-bá-đà
Chức vụ
Chức danhSơ tổ Thiền tông Ấn Độ
Tôn phongĐầu đà đệ nhất
Kế nhiệmA-nan-đà
Hoạt động tôn giáo
Sư phụThích-ca Mâu-Ni

Ma-ha-ca-diếp là sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ, được đức Tất đạt đa Cồ đàm truyền tâm ấn. Trong tranh tượng, Ma-ha-ca-diếp cùng với A-nan-đà thường được thể hiện đứng 2 bên Tất đạt đa Cồ đàm.

Cuộc đời

sửa

Bối cảnh và gia thế

sửa

Về nguồn gốc gia tộc thì Tôn giả Ca Diếp, cũng như hai đại tôn giả là ngài Xá Lợi Phất (Sāriputta) và ngài Mục Kiền Liên (Moggallāna) của Đức Phật. Ông xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn. Đại Ca Diếp đã lớn tuổi hơn Đức Phật. Ông sinh ra trong xứ Ma Kiệt Đà (Magadha), tại một làng gọi là Mahātittha (tạm dịch là làng Giao Lưu, nghĩa là nơi đó là ngã tư của các trục giao thông, dân chúng tứ phương có thể qua lại thường xuyên bằng đường bộ lần đường thủy).

Ông là con của đại bá hộ Bà-la-môn tên Kapila, và thân mẫu là bà Sumanadevì. Khi sinh ra, ông được đặt tên là Pipphali (tạm dịch là Thường Tịnh) vì tính khí luôn luôn yên tĩnh ngay từ lúc lọt lòng mẹ của ông. Ngay từ khi ra đời, tôn giả đã hội đủ những quý tướng của một bậc vĩ nhân, trong đó có bảy quý tướng giống với vẻ đẹp của Đức Phật.

Thân phụ của tôn giả có thể xem như một vị tiểu vương, vì làm chủ một lãnh thổ bao trùm đến mười sáu ngôi làng. Chính vì sinh ra trong một gia đình giàu có, Đại Ca Diếp rất được cha mẹ cưng chiều. Khi Đại Ca Diếp lên tám, theo luật lệ của Bà la môn, cậu bé được người cha giàu có của mình mời danh sư về nhà dạy học. Với trí thông minh thiên bẩm, tôn giả Đại Ca Diếp nhanh chóng tiếp thu các môn học rất nhanh và trở nên xuất chúng trong nhiều lĩnh vực như văn học, toán thuật, thi họa, thiên văn,...

Trước khi xuất gia

sửa

Tuy thông minh và giỏi giang vô cùng như vậy, nhưng ngay từ khi còn nhỏ, tôn giả Đại Ca Diếp đã tỏ ra rất khác so với những đứa trẻ đồng trang lứa, không thích các trò hoan lạc, ghét những chỗ ồn ào và thường chỉ muốn ở một mình. Cuộc sống của ngài giản dị nhưng trong sạch, không vương hạt bụi nhỏ nào của tình cảm nam nữ thế gian. Đó là những đức tính cao đẹp chỉ hiện diện nơi một bậc Thánh xuất thế trong tương lai.

Khi thấy Đại Ca Diếp đã lớn khôn, trở thành một thanh niên tuấn tú, cha mẹ gọi Đại Ca Diếp đến và nói rằng, ông đã đến tuổi kết hôn và cha mẹ ông sẽ chọn cho ông một cô gái thật xinh đẹp, thùy mị nết na về làm vợ. Nhưng ngay khi nghe đến chuyện lấy vợ, Đại Ca Diếp đã vội vã xua tay nói: "Thưa cha mẹ, con muốn sống một mình để được phụng dưỡng cha mẹ. Và nếu được cha mẹ cho phép con chỉ muốn xuất gia đi tu mà thôi. Nếu như lấy vợ thì sự tu hành của con sẽ không thành".

Tuy vậy, cha mẹ ngài bằng mọi cách ép ngài phải cưới vợ. Mặc dù không thích việc này nhưng vì để vừa lòng cha mẹ, tôn giả Đại Ca Diếp đã đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe và tạc ra bức chân dung một người phụ nữ thật đẹp để làm khó thân mẫu. Nhưng không ngờ rằng với bức tượng đó, cha mẹ ông đã tìm được cô gái ấy và ông buộc phải thành thân. Tên nàng là Bhaddà Kàpilànì.Vì Bhaddà có nghĩa là may mắn, hữu hạnh, còn chữ Kàpilànì ám chỉ một màu sắc thâm trầm giống như màu thẩm chu).

Nhưng một điều trùng hợp lạ lùng, là nàng Bhaddà Kàpilànì cũng không muốn lấy chồng. Nàng chỉ ước ao được xuất gia, sống đời sống phạm hạnh của một nữ đạo sĩ. Vì thế, hai người tuy mang danh nghĩa là vợ chồng nhưng hai vị sống chung với nhau như hai người bạn trong sạch, không chút ái luyến, không chút vẩn đục. Hai vị đã sống cuộc sống thanh cao như thế cho đến ngày xuất gia cầu đạo.

Xuất gia theo Phật

sửa

Năm ấy, Đại Ca Diếp đã trên ba mươi tuổi. Người ta nói rằng, ngày ngài rời nhà tìm thầy học cũng là ngày Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thành đạo nơi gốc cây bồ đề. Đại Ca Diếp đi nhiều nơi, học qua nhiều thầy nhưng vẫn chưa tìm được thầy ưng ý. Cho tới một hôm, ông nghe có người mách Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni mới thực sự là bậc đại giác ngộ hiện thời.

Nghe theo lời đồn đại, Đại Ca Diếp tìm đến đạo tràng Trúc Lâm (Venuvana) nơi Phật Thích Ca cùng các đệ tử đang mở đạo tràng giảng về Phật pháp. Ban đầu, Đại Ca Diếp không đến gặp Đức Phật ngay mà chỉ đi theo những người mộ đạo đến nghe giảng để thử xem có thực Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là một thầy giỏi như lời đồn hay không. Cho tới một hôm, sau khi đến nghe giảng về, giữa đường, Đại Ca Diếp nhìn thấy Đức Phật Thích Ca ngồi dưới một tán cây cổ thụ.

Tự nhiên, Đại Ca Diếp thấy có một sức hút kỳ lạ, ông vội quỳ xuống xin bái Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni làm thầy. Phật Thích Ca lúc này mới nói: "Như Lai nghe nói về ông đã lâu. Như Lai biết rằng, rồi đây thế nào ông cũng đến đây xin theo Như Lai tu học, và hôm nay chính là ngày ông được mãn nguyện. Sự lưu truyền Phật pháp trong tương lai sẽ cần tới ông rất nhiều".

Chứng quả vị A la hán

sửa

Sau 7 ngày đến ngày thứ 8 từ khi gia nhập đạo Phật, Ma ha ca diếp đắc quả A la hán, một phẩm Thánh cao nhất, đã giải thoát ông khỏi mọi phiền não thô thiển lẫn vi tế.

Rồi một thời gian khá lâu sau nầy, nhân trong một cuộc nói chuyện với A Nan Đà, Ma ha ca diếp đã thuật lại giai đoạn "vỡ lòng" tu Phật của ông như sau:

"Bảy ngày đầu, bần đạo thọ dụng sự cúng dường của chư tín thí mà thân tâm chưa được giải thoát. Nhưng qua ngày thứ tám, Thánh quả A la hán đã hiện hữu trong tâm!"

Nhập định

sửa

Mới ngày nào mà Đức Phật nhập diệt đã trên hai mươi năm. Càng nghĩ, Đại Ca Diếp càng nhớ lại ân sâu như trời biển của Đức Thế Tôn đã vì đời sau mà lưu truyền đại pháp. Lúc bấy giờ Đại Ca Diếp đã ngoài trăm tuổi, tuy trí tuệ sáng suốt nhưng sắc thân tứ đại thì mỏi mòn theo năm tháng. Ngài biết không còn bao lâu nữa thì sẽ nhập diệt nên cố gắng củng cố tăng đoàn và giao phó cho người thừa kế để khỏi phụ lòng của Đức Phật. Ngài liền đến nơi A Nan đang hoằng pháp, phó chúc pháp tạng và yêu cầu A Nan tiếp nối sứ mạng lãnh đạo tăng đoàn. Đây là một trách nhiệm rất quan trọng cho sự hưng thịnh của Phật giáo ngày sau nên ngoài A Nan ra không ai có thể đảm đương nổi. Lúc đó ông đã rất già (có lẽ khoảng 90 - 100 tuổi).

Ông nhập định năm 496 TCN, tại núi Kê Túc sơn chờ ngày đức Di Lặc hạ sanh, để có thể truyền lại tấm áo cà sa vàng của đức Phật Thích Ca cho đức Phật Di Lặc.

Chú thích

sửa