Ngô Hán Đồng

Sĩ quan Pháo binh cao cấp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Ngô Hán Đồng (1930 - 1972) nguyên là một sĩ quan Pháo binh cao cấp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên ở trường Sĩ quan Trừ bị do Chính phủ Quốc mở ra ở Nam phần với mục đích đào tạo sĩ quan người Việt phục vụ trong Quân đội Liên hiệp Pháp. Ra trường ông được chọn về đơn vị Pháo binh. Hầu hết thời gian tại ngũ, ông đã phục vụ trong Binh chủng này. Có một thời gian, ông được chuyển nhiệm vụ sang lĩnh vực Hành chính quân sự. Năm 1972, khi đang là Đại tá Chỉ huy trưởng Pháo binh cấp Quân đoàn, ông bị tử nạn trong khi đang thi hành nhiệm vụ, được truy thăng cấp bậc Chuẩn tướng.

Ngô Hán Đồng
Chức vụ

Chỉ huy trưởng Pháo binh Quân đoàn I
Nhiệm kỳ1/1972 – 2/1972
Cấp bậc-Đại tá
-Chuẩn tướng
(truy thăng 2/1972)
Tư lệnh Quân đoàn-Trung tướng Hoàng Xuân Lãm
Kế nhiệm-Đại tá Phạm Kim Chung
Vị tríQuân khu I

Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng
Tiêu khu Ninh Thuận
Nhiệm kỳ6/1968 – 7/1971
Cấp bậc-Trung tá
-Đại tá (6/1971)
Tiền nhiệm-Trung tá Kha Vãng Huy
Kế nhiệm-Trung tá Trần Văn Tự
Vị tríVùng 2 chiến thuật

Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng
Tiểu khu Phú Bổn
Nhiệm kỳ2/1964 – 6/1968
Cấp bậc-Trung tá (2/1964)
Kế nhiệm-Trung tá Nguyễn Văn Nghiêm
Vị tríVùng 2 chiến thuật

Chỉ huy Tiểu đoàn 37 Pháo binh
Nhiệm kỳ11/1959 – 7/1962
Cấp bậc-Đại úy (11/1959)
-Thiếu tá (7/1962)
Tiền nhiệmĐầu tiên
Kế nhiệm-Đại úy Thân Trọng Thắng
Vị tríQuân khu Thủ đô
Thông tin cá nhân
Quốc tịch Việt Nam Cộng hòa
Sinh28 tháng 12 năm 1930
Hà Nội, Liên bang Đông Dương
Mất25 tháng 2 năm 1972
(42 tuổi)
Đà Nẵng, Việt Nam Cộng hòa
Nguyên nhân mấtTử nạn
Nghề nghiệpQuân nhân
Dân tộcKinh
VợTrần Thị Anh Chính
ChaNgô Hán Trọng
MẹNguyễn Thị Nhân
Họ hàngCác em:
Ngô Thị Minh Phượng
Ngô Duy Lâm
Ngô Thị Thúy Loan
Ngô Xuân Sơn
Ngô Thị Bạch Yến
Con cái8 người con (5 trai 3 gái):
Ngô Thị Anh Thủy
Ngô Anh Tuấn
Ngô Anh Tú
Ngô Thị Anh Thư
Ngô Anh Tài
Ngô Thị Anh Trang
Ngô Anh Thơ
Ngô Anh Thuận
Học vấn-Tú tài toàn phần
-Cử nhân Luật
Alma mater-Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức
-Đại học Luật khoa Sài Gòn
-Học viện Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ
Binh nghiệp
Thuộc Quân lực VNCH
Phục vụ Việt Nam Cộng hòa
Năm tại ngũ1952 - 1972
Cấp bậc Chuẩn tướng
Đơn vị Binh chủng Pháo binh
Quân đoàn I & QK 1
Chỉ huy Quân đội Quốc gia
Quân lực VNCH
Tham chiếnChiến tranh Việt Nam
Tặng thưởng Bảo quốc Huân chương đệ Tam đẳng (truy tặng)

Tiểu sử & Binh nghiệp

sửa

Ông sinh ngày 28 tháng 12 năm 1930 trong một gia đình Nho học tại Hà Nội, Việt Nam. Năm 1951 ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II). Sau này, khi đang phục vụ trong Quân đội, ông ghi danh vào Đại học Luật khoa và tốt nghiệp Cử nhân Luật vào năm 1962.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

sửa

Hạ tuần tháng 9 năm 1952, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 50/300.531, theo học khóa 2 Phụng sự[1] tại trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1952. Ngày 1 tháng 4 năm 1953 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường, được chọn về đơn vị Pháo binh, đồn trú tại Hải Phòng.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

sửa

Tháng 11 năm 1955, sau khi Chính thể Đệ nhất Cộng hòa ra đời và Quân đội Quốc gia được đổi tên thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Trung úy và được cử làm Pháo đội trưởng.

Tháng 11 năm 1959, ông được thăng cấp Đại úy tại nhiệm. Sau đó được giao trách nhiệm thành lập và giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 37 Pháo binh. Tháng 7 năm 1962, ông được thăng cấp Thiếu tá nhận lệnh bàn giao Tiểu đoàn 37 Pháo binh lại cho Đại úy Thân Trọng Thắng[2] để chuyển về Trung ương phục vụ trong Bộ chỉ huy Pháo binh. Đầu tháng 2 năm 1964, sau cuộc Chỉnh lý ngày 30 tháng 1 của tướng Nguyễn Khánh, ông được thăng cấp Trung tá biệt phái sang lĩnh vực Hành chính quân sự, chuyển ra Quân khu 2 ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Phú Bổn.

Tháng 6 năm 1968 ông nhận lệnh bàn giao chức vụ Tỉnh trưởng Phú Bổn lại cho Trung tá Nguyễn Văn Nghiêm.[3] Sau đó ông được chuyển nhiệm vụ về giữ chức vụ Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Ninh Thuận (cũng thuộc Quân khu 2) thay thế Trung tá Kha Vãng Huy.[4]

Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1971, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Một tháng sau, ông nhận lệnh bàn giao tỉnh Ninh Thuận lại cho Trung tá Trần Văn Tự[5] để đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, thuộc Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ. Đầu năm 1972 mãn khóa học về nước, ông được điều động trở lại Binh chủng Pháo binh, chuyển ra miền Trung được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Pháo binh Quân đoàn I do Trung tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư lệnh Quân đoàn.

Tử nạn

sửa

Ngày 25 tháng 2 năm 1972, tham gia phái đoàn (do Chuẩn tướng Phan Đình Soạn, Tư lệnh phó Quân đoàn I làm Trưởng đoàn) dùng trực thăng bay từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn I đến thăm tàu Hải quân Hoa Kỳ neo tại vịnh Đà Nẵng. Trên đường bay trở về cùng ngày, vì lý do kỹ thuật phi cơ bị rớt và chìm cách chân núi Hòn Hàn 2 cây số, ông bị tử thương,[6] hưởng dương 42 tuổi.

Vì hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ nên ông được truy thăng cấp bậc Chuẩn tướng và truy tặng Đệ tam đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng bội tinh với nhành Dương liễu.

Tang lễ của ông được tổ chức theo lễ nghi quân cách của một tướng lãnh. An táng tại Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa.

-Ngay sau khi ông bị tử nạn, Đại tá Phạm Kim Chung[7] được cử thay thế vào chức vụ Chỉ huy trưởng Pháo binh Quân đoàn I.

Gia đình

sửa
  • Thân phụ: Cụ Ngô Hán Trọng
  • Thân mẫu: Cụ Nguyễn Thị Nhân
  • Bào đệ: Ngô Duy Lâm[8], Ngô Xuân Sơn.
  • Bào muội: Ngô Minh Phượng, Ngô Thúy Loan, Ngô Bạch Yến.
  • Phu nhân: Bà Trần Thị Anh Chính
Ông bà có tám người con (5 trai, 3 gái):
Ngô Thị Anh Thủy, Ngô Anh Tuấn, Ngô Anh Tú, Ngô Thị Anh Thư, Ngô Anh Tài, Ngô Thị Anh Trang, Ngô Anh Thơ, Ngô Anh Thuận.

Chú thích

sửa
  1. ^ - Xuất thân từ khóa 2 Phụng Sự Sĩ quan Thủ Đức sau này có được 4 vị tướng, nhưng là tướng truy thăng gồm các Đại tá Ngô Hán Đồng, Nguyễn Văn KhươngBùi Quý Cảo. Riêng trường hợp Đại tá Nguyễn Văn Thiện đã được nhận quyết định thăng cấp Chuẩn tướng vào ngày 1/11/1970. Hai ngày sau, khi đang bay bằng phi cơ A.37 từ Đà Nẵng về Sài Gòn để dự lễ gắn cấp bậc cho chính mình, máy bay bị nạn (không được biết nguyên nhân máy bay bị nạn và rơi tại đâu). Ông được ghi nhận là tử nạn mất tích. Tuy rằng ông đã có quyết định lên tướng, nhưng chỉ hai ngày sau đã tử nạn, như vậy cũng gần giống như được truy thăng).
  2. ^ Đại úy Thân Trọng Thắng về sau giải ngũ ở cấp Trung tá.
  3. ^ Trung tá Nguyễn Văn Nghiêm, tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Thủ Đức. Giải ngũ cùng cấp.
  4. ^ Trung tá Kha Vãng Huy sinh năm 1921 tại Sài Gòn, tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Thủ Đức. Sau cùng mang cấp Đại tá.
  5. ^ Trung tá Trần Văn Tự sinh năm 1927 tại Pháp, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá Tỉnh trưởng Bình Thuận.
  6. ^ Cùng tử nạn với cố Chuẩn tướng Ngô Hán Đồng còn có Chuẩn tướng Phan Đình Soạn (truy thăng Thiếu tướng), Thiếu úy Nguyễn Đình Thư (Sinh năm 1945, nguyên là Sĩ quan tùy viên của tướng Phan Đình Soạn. Được truy thăng Trung úy).
  7. ^ Đại tá Phạm Kim Chung sinh năm 1929 tại Kiến An, tốt nghiệp khóa 6 Võ bị Đà Lạt.
  8. ^ Trung tá Ngô Duy Lâm sinh năm 1933 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 5 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức

Tham khảo

sửa
  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.