Ngô Thừa Ân

Nhà văn, nhà thơ Trung Quốc thời nhà Minh

Ngô Thừa Ân (tiếng Trung phồn thể: 吳承恩; giản thể: 吴承恩; bính âm: Wú Chéng'ēn) (1500/1506 - 1581), tự Nhữ Trung (汝忠), hiệu Xạ Dương sơn nhân (射陽山人), là một nhà văn, nhà thơ Trung Quốc, sống trong thời nhà Minh.

Ngô Thừa Ân
Sinh1500/1506
Hoài An - Giang Tô
Mất1581
Nghề nghiệpTiểu thuyết gia
Thể loạitiểu thuyết

Tiểu sử sửa

Ông sinh tại huyện Liên Thủy, Hoài An, tỉnh Giang Tô. Gia đình ông làm nghề buôn bán nhỏ, chuyên bán chỉ và đồ thêu, nhưng lại có thú tàng trữ sách. Cả ông nội và cha Ngô Thừa Ân đều xuất thân là quan lại qua đường khoa cử.

Ông học tại Nam Kinh Thái học (Đại học Nam Kinh cổ) trong hơn 10 năm.

Tương truyền từ nhỏ, Ngô Thừa Ân đã say mê những truyện thần tiên yêu quái. Khi bị cha cấm, ông từng trốn cha mang những cuốn sách thể loại đó ra chợ ngồi đọc.

Lớn lên, ông tỏ ra là người có tính tình khẳng khái, những câu nói của ông lúc bấy giờ thể hiện tính cách của ông, "không để người đời thương hại", "trong lòng mài mãi dao trừ tà, muốn dẹp sạch đi, buồn không đủ sức"[1]

Ngô Thừa Ân nổi tiếng văn hay chữ tốt và rất thích hài kịch. Ông từng viết nhiều tạp kĩ, lừng danh một thời[2].

Tuy là người đa tài nhưng Ngô Thừa Ân lại lận đận trên đường thi cử. Ngô Thừa Ân thi nhiều lần, nhưng không đỗ. Mãi tới năm khoảng 43 tuổi, ông mới đỗ tuế cống sinh[3]. Sau đó, ông còn đi thi hai lần nữa nhưng đều hỏng. Năm 51 tuổi, vì cảnh nhà quẫn bách, ông đến Nam Kinh tìm việc nhưng cô thế không có nơi nương tựa nên không toại nguyện.

Sau mãi đến năm 67 tuổi, ông đến Bắc Kinh để được tuyển dụng làm quan, ông nhận một chức quan nhỏ (huyện thừa) tại huyện Trường Hưng (长兴). Chẳng bao lâu sau, vì không chịu được cảnh luồn cúi, ông từ chức ra về.

Ngô Thừa Ân còn được tiến cử vào giữ chức kỉ thiện trong Kinh Vương phủ, chuyên coi việc lễ nhạc và văn thơ, nhưng được 3 năm thì bất đắc chí từ quan về nhà. Lúc đó Ngô Thừa Ân đã 70 tuổi. Từ đây, Ngô Thừa Ân sống bằng nghề viết văn, thơ, được hơn 10 năm thì mất.

Tác phẩm sửa

Sáng tác của ông khá phong phú, nhưng đã bị mất mát gần hết, do chỉ có một con gái và gia cảnh bần hàn, chẳng hạn như các tập tiểu thuyết Vũ Đĩnh chí (cũng là tiểu thuyết thần tiên ma quái), nên hiện chỉ còn lại một số thơ văn được tập hợp lại thành bộ Xạ Dương tiên sinh tồn cảo gồm 4 quyển.

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là Tây du ký viết lúc đã ngoài 70 tuổi. Cuốn tiểu thuyết này được nhiều thế hệ người Trung Quốc yêu thích và là một trong những cuốn tiểu thuyết cổ điển phổ biến nhất ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Nó cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, như bản dịch tiếng Anh của Arthur Waley với tiêu đề Monkey (con khỉ).

Đương thời khi ông còn sống, Tây du ký chưa được người đời biết đến, mãi tới sau khi ông mất nhiều năm, một người cháu ngoại họ Dương mới mang công bố tiểu thuyết này.

Chú thích sửa

  1. ^ Trích trong bài Nhị lang sưu sơn đồ ca của Ngô Thừa Ân.
  2. ^ Theo Thiên khải Hoài An phủ chí
  3. ^ Cử nhân

Tham khảo sửa

  • Từ điển văn học Việt Nam - Nhà xuất bản Văn học, 1984
  • Tây Du ký - Ngô Thừa Ân, bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải và Phương Oanh; Lương Duy Thứ giới thiệu, Nhà xuất bản Văn học, 1988

Xem thêm sửa

  • Tứ đại danh tác của Trung Quốc bao gồm:
  1. Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung
  2. Thủy Hử của Thi Nại Am và La Quán Trung
  3. Tây du ký của Ngô Thừa Ân
  4. Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần