Nghĩa trang quốc gia Arlington

Nghĩa trang quốc gia Arlington (tiếng Anh: Arlington National Cemetery) là một nghĩa trang quốc gia nằm tại quận Arlington, Virginia, Hoa Kỳ. Được thành lập trên phần đất điền trang cũ của tướng Robert Edward Lee, nghĩa trang quốc gia Arlington có diện tích 2,53 km² và là nơi an táng của hơn 290.000 người, trong đó phần lớn là các binh lính, sĩ quan hoặc cựu chiến binh của quân đội Hoa Kỳ.

Arlington National Cemetery
(Nghĩa trang quốc gia Arlington)
Thông tin
Thành lập1864
Địa điểm
Quốc gia Hoa Kỳ
Tọa độ38°52′45″B 77°04′08″T / 38,879074°B 77,069006°T / 38.879074; -77.069006
Chủ sở hữuBộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ
Diện tích3 km²
Số lượng mộ290.000
Websitearlingtoncemetery.org

Vị trí sửa

Nghĩa trang quốc gia Arlington nằm dọc theo bờ sông Potomac đoạn chảy qua thủ đô Washington, D.C.. Ngay bên cạnh nghĩa trang là Lầu Năm Góc, trụ sở của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Bến tàu điện ngầm phục vụ cho nghĩa trang là bến Arlington Cemetery thuộc hệ thống Washington Metro.

Lịch sử sửa

Kể từ giai đoạn cuối của Nội chiến Hoa Kỳ, các nghĩa trang quân sự cũ thuộc khu vực Washington, D.C. đã không còn đáp ứng được số lượng thương vong quá lớn của các binh lính Mỹ, vì vậy tướng Montgomery C. Meigs vào năm 1864 đã đề nghị sử dụng 0,81 km² điền trang của gia đình tướng Robert E. Lee, lãnh đạo phe Liên minh miền Nam, để xây dựng một nghĩa trang quân sự mới. Do Lee từng tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point Hoa Kỳ và là sĩ quan của Lục quân Hoa Kỳ rồi sau đó lại quay sang làm chỉ huy cao cấp cho quân đội Liên minh miền Nam[1] nên phần lớn các sĩ quan của quân đội chính phủ (Liên bang miền Bắc) coi ông là một kẻ phản bội và vì vậy chính phủ Hoa Kỳ muốn biến điền trang của Lee thành nơi chôn cất các binh sĩ Liên bang miền Bắc đã tử trận[2]. Cho đến cuối chiến tranh (tháng 4 năm 1865), đã có khoảng 16.000 ngôi mộ được đưa vào khu vực này. Sau chiến tranh, George Washington, Custis Lee, con trai và là người thừa kế của Robert E. Lee, đã kiện chính phủ Hoa Kỳ vì quyết định sung công này, kết quả là Quốc hội Hoa Kỳ đã phải trả cho Custis Lee 150.000 USD để giành quyền sung công mảnh đất.

Tiêu chuẩn chôn cất sửa

Có hai tiêu chuẩn riêng cho việc chôn cất và đặt bình tro tại nghĩa trang[3] trong đó tiêu chuẩn cho việc chôn cất tại Arlington ngặt nghèo hơn nhiều so với các nghĩa trang quốc gia khác của Mỹ[4].

Tổ chức sửa

Mộ chiến sĩ vô danh sửa

 
Mộ chiến sĩ vô danh

Mộ chiến sĩ vô danh (Tomb of the Unknowns) tại nghĩa trang Arlington được xây dựng trên ngọn đồi nhìn thẳng ra thủ đô Washington, D.C. Mộ được làm từ đá cẩm thạch Yule lấy ở Colorado gồm 7 phần với tổng khối lượng 72 tấn và tiêu tốn 48.000 USD. Công trình được khánh thành ngày 9 tháng 4 năm 1932. Những người được chôn cất tại đây là:

Mộ chiến sĩ vô danh được canh gác thường trực bởi các binh lính thuộc Lục quân Hoa Kỳ.

Khu tưởng niệm Arlington sửa

 
Bên ngoài Rạp tưởng niệm Arlington
 
Đài tưởng niệm chiến tranh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ

Khu tưởng niệm Arlington (Arlington Memorial Amphitheater) là nơi tổ chức các lễ tang cấp liên bang (state funeral), kỉ niệm ngày Memorial Day (thứ Hai cuối cùng của tháng Năm hàng năm) và Veterans Day (11 tháng 11 hàng năm). Khu tưởng niệm có dạng một rạp hát ngoài trời xây dựng từ đá hoa cương Imperial Danby ở Vermont. Quốc hội Hoa Kỳ thông qua bản thiết kế công trình ngày 4 tháng 3 năm 1913 và công trình được tổng thống Woodrow Wilson khởi công ngày 15 tháng 10 năm 1915[5].

Sau khi hoàn thành năm 1921, khán phòng của khu tưởng niệm có thể chứa tới 1.500 người với một bục diễn văn ở trung tâm có khắc khẩu hiệu của Hợp chúng quốc: E Pluribus Unum (Từ nhiều thành một).

Các công trình khác sửa

Các công trình đáng chú ý khác tại nghĩa trang có thể kể tới Đài tưởng niệm chiến tranh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (USMC War Memorial) hay mộ của tổng thống John F. Kennedy. Tổng thống Kennedy được chôn cất tại Arlington ngày 14 tháng 3 năm 1967, vợ ông và hai con cũng được chôn cất tại ngôi mộ này, nằm ngay gần đó là mộ của nghị sĩ Robert F. Kennedy, em trai tổng thống.

Trong nghĩa trang còn một số đài tưởng niệm khác dành cho các nô lệ được giải phóng sau Nội chiến, cho 266 binh sĩ thiệt mạng trong vụ đắm tàu USS Maine, cho phi hành đoàn của tàu con thoi Challenger (bị nổ ngày 28 tháng 1 năm 1986), cho kiến trúc sư Pierre-Charles L'Enfant (người quy hoạch thủ đô Washington D. C.).

Trung bình một năm có khoảng 5.400 người được chôn cất tại Arlington[6]. Tổng cộng đã có khoảng hơn 290.000 người được chôn cất tại nghĩa trang, đứng thứ hai trong số các nghĩa trang quốc gia của Hoa Kỳ (sau nghĩa trang quốc gia Calverton). Nơi đặt tro của Arlington hiện có 4 khu (gồm 5.000 hộc đặt tro mỗi khu) và sẽ được mở rộng lên 9 khu (với tổng số 50.000 hộc đặt tro, tương đương 100.000 hộp tro).

Những người nổi tiếng được chôn cất sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ Warner, Ezra, Generals in Gray, Baton Rouge, 1959, p. 181
  2. ^ The Civil War: An Illustrated History, Geoffrey Ward, with Ken and Rick Burns. 1990. ISBN 06-7974-2778.
  3. ^ “32 C.F.R. 553”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2008.
  4. ^ “Eligibility for Interment (Ground Burial)”. A Guide to Burial at Arlington National Cemetery. Arlington National Cemetery. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2007.
  5. ^ “Thông tin trên trang chính thức của nghĩa trang”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2008.
  6. ^ “Thông tin trên trang chính thức của nghĩa trang”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2008.

Liên kết ngoài sửa