Nguyễn Thị Sen (hoàng hậu)

Nguyễn Thị Sen (? - ?) là tứ phi Hoàng hậu nhà Đinh, vợ của vua Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử Việt Nam, Bà được hậu thế tôn vinh là bà tổ nghề may. Bà quê quán ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Đinh Tiên Hoàng (924 -979) lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, theo đó tứ phi Hoàng hậu Cồ Quốc chính là Thánh tổ nghề may Nguyễn Thị Sen.[1]

Nguyễn Thị Sen
阮氏森
Đinh Tiên Hoàng Hoàng hậu
Hoàng hậu Đại Cồ Việt
Thông tin chung
Phối ngẫuĐinh Tiên Hoàng
Hậu duệLiên Hoa Công chúa
Tên húy
Nguyễn Thị Sen (阮氏森)
Tước hiệuCồ Quốc Hoàng hậu (可可王后)
Triều đạiNhà Đinh

Sự nghiệp sửa

Theo thần tích đền thờ tổ nghề ở Trạch Xá, Bà tổ của nghề may là Nguyễn Thị Sen, một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá. Tục truyền rằng, Nguyễn Thị Sen được phong là tứ phi Hoàng hậu của Vua Đinh Tiên Hoàng, kết duyên cùng đức Vua khi ông về đây chiêu mộ hào kiệt. Vị quân vương giữa rừng hoang gặp cô thôn nữ nhan sắc tuyệt trần đã mời nàng về chốn Hoàng cung và truyền khắp nhân gian dâng vải lụa đến cho nàng.[2] Tại Kinh đô Hoa Lư, Nguyễn Thị Sen được phong là Hoàng hậu. Với sự khéo léo và sáng tạo, bà đã giúp các cung nữ phát triển, sáng tạo được nghề may trong cung vua.[3]

Sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng mất, quyền lực hậu cung chuyển giao về với Dương Vân NgaLê Hoàn, Bà Tứ phi Hoàng hậu đã cùng Công chúa Liên Hoa từ giã hoàng cung Hoa Lư, trở về quê hương truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng.[4] Khi mất bà được lập đền thờ và tôn làm bà tổ nghề may áo dài truyền thống.

Lễ hội giỗ tổ Thợ may ngày nay được tổ chức khá lớn vào ngày 12 tháng chạp Âm Lịch hàng năm tại Trạch Xá (Hà Nội) và Hội An (Quảng Nam). Cũng trong ngày, nhiều tiệm may ở Việt Nam tiến hành lễ giỗ tổ thể hiện tấm lòng tri ân của hậu thế. Lễ vật dâng tổ nghề thường là một cành hoa, con gà, đĩa trầu cau, ly rượu và chén nước.[5]

Lễ hội giỗ Tổ thợ may ở làng Trạch Xá hằng năm đón tiếp rất nhiều các Tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành may mặc trên mọi miền Tổ quốc về dự lễ để tưởng nhớ tri ân Tổ nghề, cầu mong cho sự phát triển ngành nghề may... ngày càng thình vượng.

Trong thơ ca sửa

Trong bản "Thần tích Đức Thánh Tổ diễn thơ" của Cao Hữu Nghị có đoạn viết:

"Anh hùng Vạn Thắng sơn hà
Nước Đại Cồ Việt, hiệu là triều Đinh
Cầu hiền tài, giúp triều đình
Vua đi các ngả tuyển binh tướng tài
Tình cờ về đất Hà Tây
Gặp người con gái nơi đây tuyệt vời
Thật là sắc nước hương trời
Tuổi xuân phơi phới vui tươi dịu hiền
Có đôi má núm đồng tiền
Mắt đen lay láy, tóc huyền thướt tha
Hàm răng trong ngọc trắng ngà
Nụ cười như những đóa hoa xuân hồng
Giỏi cầy cuốc, giỏi cấy trồng
Vui say lao động trên đồng quê hương
Dãi dầu một nắng hai sương
Bông hoa đồng nội, thơm hương mặt trời
Vua Đinh thấy mặt thấy người
Lòng yêu mến, vội đón mời về cung
Nữ nhi sánh với anh hùng
Gái quê đồng nội – ung dung ngai vàng
Là Tứ phi – Đinh Tiên Hoàng
Sống trong cung điện, giàu sang lụa là
Lần lần tháng lại ngày qua
Học thêu thùa giỏi – cùng là cắt may
Càng ngày càng khéo đôi tay
May xiêm, may áo và may hoàng bào
Quan văn, quan võ kiểu nào
Hoàng thân, quốc thích biết bao áo quần
Bà cùng các nữ cung nhân
Cắt may khâu vá chuyên cần sớm trưa
Trên thì vừa ý nhà vua
Trăm quan ai mặc cũng vừa cũng khen
Tứ phi vua – Nguyễn Thị Sen
Có bàn tay thợ diệu hiền tài hoa
Cai quản cung nữ hoàng gia
Văn hóa may mặc – Quốc gia Cung đình".

Đóng góp với làng Trạch Xá sửa

Làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, cách nội thành khoảng 45 Km, nhưng vẫn giữ được dáng dấp trù phú, êm đềm của làng quê vùng Bắc Bộ. Làng Trạc Xá có nghề may áo dài từ khi Hoàng Hậu Nguyễn Thị Sen đưa về, cha truyền con nối, thế hệ trước dậy cho thế hệ sau; là làng nghề truyền thống. Làng nghề may Trạch Xá nổi tiếng với nghề may áo dài, áo lễ hội, cung đình. Đây là nơi hội tụ nhiều thợ may tài hoa, đã dùng tình yêu và đôi bàn tay khéo léo làm nên những chiếc áo dài truyền thống đẹp.[6] Điểm đặc biệt nhất của áo dài Trạch Xá là tà và gấu áo phải khâu bằng tay vì chất liệu may áo là vải lụa mỏng, mềm, dễ chảy. Một thợ may với chiếc máy khâu công suất lớn có thể cho ra đời gần chục chiếc áo trong một ngày nhưng riêng với áo dài Trạch Xá, một thợ lành nghề cả ngày khâu cật lực cũng chỉ hoàn thành nhiều nhất 2 chiếc áo.[7] Làng Trạch Xá có khoảng 600 lao động làm nghề thợ may tại các cửa hiệu lớn ở Hà Nội, cùng với đó là hàng ngàn lao động vệ tinh khác ngay tại làng. Những cửa hiệu nổi tiếng như Phúc Trạch, Mỹ Trạch, Mỹ Vinh, Mỹ Hào… mọc lên trên các phố Lương Văn Can, Khâm Thiên, Cầu Gỗ… đều do những ông chủ Trạch Xá lập nên.

Ngày xưa nghề may áo dài làng Trạch Xá chủ yếu là Nam giới vì Phụ nữ phải chăm lo việc gia đình, đồng áng. Nên từ những năm 70 của thế kỷ 20 trở về trước khi đến các hiệu may Áo dài có chữ “Trạch” chỉ thấy các Bác các Anh … Nam giới khâu, máy, đo cắt, hiếm thấy phụ nữ làm việc này.

Ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội nghề may áo dài của làng Trạch Xá cũng được truyền cho mọi thành phần, lứa tuổi những người thợ may của làng Trạch Xá đã đi khắp mọi miền tổ quốc mở các hiệu may áo dài, kiểu cách mẫu mã được thay đổi cho phù hợp với thị hiếu, vùng miền, tuy nhiên những nét khâu tay vẫn được giữ gìn để áo dài Trạch Xá mang bản sắc riêng.

Giải thưởng Nguyễn Thị Sen sửa

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm 2019, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã phát động Giải thưởng Nguyễn Thị Sen dành cho nữ công nhân ngành dệt may. Giải thưởng Nguyễn Thị Sen sẽ được trao tặng hàng năm vào dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, hoặc vào các dịp khác do Thường trực Công đoàn Dệt May Việt Nam quyết định.[8]

"Giải thưởng Nguyễn Thị Sen" là giải thưởng cao quý của Công đoàn Dệt May Việt Nam tặng cho nữ công nhân viên lao động có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhằm khơi dậy, tôn vinh những giá trị truyền thống của các thế hệ phụ nữ Ngành Dệt May, hun đúc tinh thần yêu ngành, yêu nghề, lao động giỏi, lao động sáng tạo của Nữ công nhân trong hệ thống.

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ Bảo tồn văn hóa áo dài Việt thông qua các hoạt động thực tiễn
  2. ^ Lễ giỗ tổ ngành may
  3. ^ Bà tổ của nghề may - Nguyễn Thị Sen
  4. ^ Lễ giỗ tổ ngành may: Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen
  5. ^ “Nguyễn Thị Sen – Bà tổ của nghề may”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2015.
  6. ^ Áo dài Trạch Xá
  7. ^ “Đánh thức tiềm năng du lịch của làng may Trạch Xá”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2018.
  8. ^ Giới thiệu “Giải thưởng Nguyễn Thị Sen” dành cho nữ CNVCLĐ

Liên kết ngoài sửa