Phù Dung Đạo Khải (zh. 芙 蓉 道 楷 fúróng dàokăi, ja. fuyo dōkai; 1043-1118), còn gọi là Đạo Giai, là Thiền Sư Trung Quốc đời Tống, Tổ thứ 8 của Tông Tào Động, pháp tử của Thiền Sư Đầu Tử Nghĩa Thanh. Dưới sự hoằng hóa của Sư, Tông Tào Động dần dần phát triển và lan rộng ảnh hưởng ra nhiều nơi.[1] Đệ tử đắc pháp của Sư rất nhiều, trong đó có Thiền Sư Đan Hà Tử Thuần, Lộc Môn Tự Giác và Khô Mộc Pháp Thành.

Thiền sư
phù dung đạo khải
芙 蓉 道 楷
Tên khai sinhhọ Thôi
Hoạt động tôn giáo
Tôn giáoPhật giáo
Tông pháiThiền tông
Lưu pháiTào Động tông
Sư phụĐầu Tử Nghĩa Thanh
Đệ tửĐan Hà Tử Thuần
Lộc Môn Tự Giác
Khô Mộc Pháp Thành
Thông tin cá nhân
Sinh
Thế danhhọ Thôi
Ngày sinh1043
Nơi sinhNghi Thủy, Nghi Châu (nay là huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông)
Mất1118
Giới tínhnam
Nghề nghiệptì-kheo
Quốc tịchĐại Tống
 Cổng thông tin Phật giáo

Cơ duyên và hành trạng sửa

họ Thôi, quê ở Nghi Thủy, Nghi Châu (nay là huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông). Ban đầu Sư học Nho giáo. Sau đó lại đi học huyền thuật của Đạo Giáo như thuật nhịn ăn. Sau biết là tà đạo, Sư liền bỏ mà học Phật rồi xuất gia ở chùa Thuật Đài tại kinh đô.[2]

Sau, Sư đến tham học nơi Thiền Sư Đầu Tử Nghĩa Thanh. Một hôm, Sư hỏi: "Lời dạy của Phật Tổ giống như việc ăn uống thường ngày trong nhà, ngoài việc này ra còn có điều gì khác chăng?" Hoà thượng Đầu Tử hỏi: "Ông cho rằng trong thiên hạ này sắc lệnh của thiên tử còn giả được vua Nghiêu, Thuấn, , Thang chăng?" Sư định trả lời liền bị Đầu Tử quất phất trần vào miệng và bảo: "Ông mà khởi ý, ta sẽ cho ba mươi gậy nữa đấy!" Ngay đó, Sư bỗng nhiên đại ngộ, lễ bái rồi ra đi. Hoà thượng Đầu Tử nói vọng theo: "Quay lại đây Xà- lê!" Sư đi thẳng một mạch, chẳng thèm đoái hoài. Hoà thượng Đầu Tử lại hỏi: "Ông không còn nghi ngờ chứ?" Sư bịt tai và tiếp tục đi.[3]

Sau khi đắc pháp, Sư từ giã thầy đến cư trú ở Thiều Sơn, hằng ngày thường sống với cọp beo. Đến năm thứ năm niên hiệu Nguyên Phong (1082), Sư trở về Nghi Châu và bắt đầu truyền bá đạo pháp tại núi Tiên Động. Kế đến, Sư trụ ở núi Đại Dương. Nhờ đó, Tông Tào Động được thịnh hành miền Tây Bắc, Trung Quốc.[4]

Niên hiệu Sùng Ninh năm thứ hai (1103), Sư trụ trì tại Sùng Ninh Bảo Thọ Thiền Viện (zh. 保壽禪院) ở núi Đại Hồng (zh. 大洪山).[4]

Năm sau, vua ra chiếu mời Sư trụ trì tại Thiền viện Thập Phương Tịnh Nhân ở Đông Kinh. Đến niên hiệu Đại Quan năm đầu (1107), vua lại sai Trung sứ đến áp đặt Sư trụ trì ở Thiên Ninh tự, không được phép từ chối. Năm sau, vua hai lần ban tặng tử y và danh hiệu Định Chiếu Thiền Sư cho Sư nhưng Sư đều từ chối không nhận. Vì thế, mùa đông trong năm, Sư bị vua đày đến Chuy Châu, tỉnh Sơn Đông. Tại đây, Sư vẫn an nhiên sống không chút lay động.[2][4]

Đến năm 1111, vua tỉnh ngộ lỗi lầm trước bèn thả Sư ra. Sau khi được thả, Sư ngao du đến các nơi như Thiên Thai, Nhạn Đãng rồi về thăm lại quê xưa. Thấy cha đã già yếu, Sư bèn ở gần để tiện đường thăm non. Có vị quan tên Xu Mật Lưu Công dựng am ở cạnh hồ Phù Dung cho Sư ở. Sư xây cất chổ này thành một tùng lâm lớn và chuyên tâm hoằng dương Thiền pháp.[4]

Năm thứ tám niên hiệu Chính Hòa (1118) ngày 14 tháng 5, Sư cầm bút viết bài kệ:

Hán văn

吾年七十六

世緣今已足

生不愛天堂

死不怕地獄

撒手橫身三界外

騰騰任運何拘束

Phiên âm

Ngô niên thất thập lục

Thế duyên kim dĩ túc

Sinh bất ái thiên đường

Tử bất phạ địa ngục

Tán thủ hoành thân tam giới ngoại

Đằng đằng nhậm vận hà câu thúc.

Dịch nghĩa

Ta tuổi bảy mươi sáu

Duyên đời nay đã đủ

Sinh chẳng thích thiên đường

Chết chẳng sợ địa ngục

Buông tay đi ngang ngoài tam giới

Mặc tình vươn bảng nào buộc ràng.

Viết kệ xong, Sư thị tịch, thọ 76 tuổi, hạ lạp 42 năm. Pháp ngữ của Sư được lưu lại trong bộ Phù Dung Giai Thiền Sư Ngữ Yếu (zh. 芙蓉楷禪師語要, 2 quyển).[2][4]

Pháp ngữ sửa

Sư thượng đường nói: "Phàm người xuất gia vì chán trần lao cầu thoát sinh tử, thôi tâm dứt niệm cắt vin theo, gặp thanh gặp sắc như hoa trồng trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rớt trong mắt. Vì từ vô thủy đến giờ, những cái ấy đâu chẳng từng trải qua, cần gì lại nhọc nhằn tham luyến? Hiện nay chẳng dứt còn đợi chừng nào? Thời nay dứt sạch lại còn việc gì? Nếu được trong tâm vô sự thì Phật Tổ vẫn là oan gia, tất cả thế sự tự nhiên lạnh nhạt, mới là phù hợp bên này... Các ngươi đâu chẳng thấy, Ẩn Sơn đến chết chẳng chịu tiếp người. Triệu Châu đến chết chẳng biên thơ cho đàn việt, thà lượm trái giẻ trái lật mà ăn. Đại Mai lấy lá sen làm áo. Chỉ Y Đạo Giả mặc y phục bằng giấy. Thượng tọa Huyền Thái chỉ mặc bằng bố. Thạch Sương nơi nhà Cây khô (chúng tọa thiền yên lặng như cây khô) cùng người ngồi nằm, chỉ cần chết hẳn tâm của các ngươi. Đầu Tử sai người nấu cơm lẫn khoai rồi đồng ăn, cốt được tỉnh việc của các ngươi. Các bậc thánh từ trước có những gương cao đẹp như thế, nếu không có chỗ đặc biệt làm sao chịu nổi. Chư nhân giả! Nếu hay nơi đây thể cứu thì chẳng thiếu thốn điều gì, bằng chẳng chịu thừa đương về sau e phải phí nhiều khí lực".[3]

Nguồn tham khảo sửa

  1. ^ Nguyễn Nam Trân biên dịch (2009). Lịch Sử Thiền Tông Trung Quốc.
  2. ^ a b c “Phù Dung Đạo Khải”. Hoa Linh Thoại. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2023.
  3. ^ a b “Thiền sư Đạo Giai”. Thiền viện Thường Chiếu. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2023.
  4. ^ a b c d e “Phù Dung Đạo Khải”. Phật Giáo. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán