Po Phaok The[1] (? - 1835) là lãnh tụ chính thức sau cùng của tiểu quốc Panduranga, tại vị từ 1828 đến 1832.

Po Phaok The
Chánh vương Panduranga
Tuần phủ Thuận Thành
Vua Panduranga
Ủy trị1828 - 1832
Nhiếp chínhPo Dhar Kaok (phó vương)
Tiền nhiệmPo Klan Thu
Kế nhiệmGiải thể
Thông tin chung
Sinh?
Băl Canar, Panduranga
Mất1835
Huế, An Nam
An tángPhan Rí Cửa
Thê thiếp?
Nguyên danh
Không rõ
Niên hiệu
Po Phaok The (1828 - 1832)
Thụy hiệu
Không có
Miếu hiệu
Không có
Tước hiệuThuận Thành trấn Khâm sai Thống binh cai cơ
Diên Ân bá
Chính phủPanduranga
Thân phụPo Saong Nyung Ceng
Thân mẫu?

Tiểu sử

sửa

Chính trường Panduranga dưới triều Minh Mệnh hết sức rối ren. Năm 1822, Po Saong Nyung Ceng (người được đưa lên ngôi vì góp công phò vua Gia Long phục quốc) mất, Lê Văn Duyệt đề nghị cho con trai ông là Cei Phaok The[2] kế nghiệp, nhưng Minh Mệnh muốn lập Bait Lan là một người thân cận với mình hơn. Thừa dịp triều đình Huế bất đồng về việc chọn tân vương Panduranga, Ja Lidong nổi dậy và tôn lập Po Klan Thu. Triều đình Huế phái quân thứ đi đánh dẹp và bắt được Po Klan Thu đem về giam lỏng tại kinh đô, Ja Lidong dựa vào địa hình phức tạp của Thuận Thành trấn để quấy nhiễu quân đồn trú. Bất đắc dĩ, Minh Mệnh phải công nhận Po Klan Thulãnh tụ Panduranga, nhưng yêu cầu ông ta trừng trị phiến quân Ja Lidong. Năm 1828, tin Po Klan Thu mất được loan truyền từ Thuận Thành; trong khi Minh Mệnh chưa kịp quyết thì Lê Văn Duyệt mau chóng đưa Cei Phaok The lên ngôi với vương hiệu Po Phaok The, đồng thời phong phó vương cho Cei Dhar Kaok. Từ đó, Panduranga chỉ phụng cống cho quan tổng trấn Gia Định mà không đoái hoài triều đình Huế. vô hình trung, Panduranga bị kẹp giữa cuộc xung đột Minh Mệnh - Lê Văn Duyệt.

Trong nội bộ chính phủ Panduranga cũng không nhất quán về cách cư xử của Po Phaok The, vì trước sau gì xứ này cũng không đủ sức kháng cự nếu gây mếch lòng hai thế lực đó. Một số quan chức của Po Phaok The ra mặt phản đối kịch liệt và yêu cầu ông đấu dịu với triều đình Huế. Khoảng đầu năm 1832, nhân khi tình hình sức khỏe của Lê Văn Duyệt có biểu hiện suy sụp, Minh Mệnh đế sai người đi bắt Po Phaok The và Po Dhar Kaok về giam cầm tại Huế. Vua ban cho Po Phaok The, tên Tiếng Việt Nguyễn Văn Thừa (阮文承), phong tước Diên Ân bá (延恩伯), lại ban tên Nguyễn Văn Nguyên cho Po Dhar Kaok, đều phải an trí ở kinh đô. Chưa đầy một tháng sau, Lê Văn Duyệt từ trần, không còn mối lo nào nữa, vua hạ lệnh xóa sổ quy chế Thuận Thành trấn, đặt Bình Thuận phủ và cử quan trực tiếp trấn nhậm. Sự kiện này được giới sử học coi là đánh dấu kết lịch sử tự trị của người Panduranga cũng như Champa.

Sau khi Po Phaok The bị bắt giam, một số tu sĩ như Katip SumatJa Thak Wa kêu gọi quần chúng nổi dậy, nhưng đều chóng bị đánh tan. Nhằm tháng 4 năm Ất Mùi (1835), sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa Ja Thak Wa, Minh Mệnh đế hạ lệnh xử giảo Po Phaok The và Po Dhar Kaok. Đồng thời, tức giận vì những cuộc phản kháng của người Chăm, Minh Mệnh cho phép quân đồn trú tàn sát bất cứ palei nào chứa chấp tội đồ hoặc có biểu hiện chống đối, lại bắt người Chăm từ bỏ các tập tục lâu đời để học dần theo văn hóa người Việt, tên họ cũng phải đổi sang tiếng Việt. Theo Đại Nam thực lục, vào tháng 12 năm 1835, vua ban đạo dụ như sau: "Đất man đã lệ thuộc bản đồ của ta từ lâu, dân man cũng là con đỏ của ta, phải nên bảo ban dìu dắt, để ngày một nhiễm theo phong tục của dân ta. Phàm những thứ cần dùng đều phải học tập dân ta, chăm việc làm lụng. Đến như ngôn ngữ thì bảo họ dần dần tập nói tiếng ta. Ăn uống và áo quần cũng dạy cho dần dần theo tục ta. Ngoài ra, hễ có điều gì phải đổi bỏ thói hủ lậu mà làm cho giản tiện dễ dàng thì cũng tùy cơ chỉ bảo. Thông cảm họ dẫu là man mọi, nhưng cũng có lương tri và lương năng. Hun đúc thấm nhuần, dùng Hạ biến di, đấy cũng là một đường lối thay đổi phong tục"[3].

Dấu ấn

sửa

Ariya Po Phaok[4] là một tác phẩm văn vần nằm trong Archives royales du Champa, gồm 202 câu thơ viết bằng Akhar thrah mang ký hiệu CM-29, hiện được lưu trữ tại bảo tàng Société Asiatique de Paris. Ngoài Đại Nam thực lục thì đây là nguồn sử liệu xác đáng về cuộc đời Po Phaok The[5].

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa
  1. ^ “Kỷ niệm 175 năm Po Phaok The, quốc vương cuối cùng của Champa”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2016.
  2. ^ Cei: Trong tiếng Chăm có nghĩa là hoàng tử hoặc vương tử.
  3. ^ Quan niệm Hoa Di Lưu trữ 2016-04-18 tại Wayback Machine - Trần Quang Đức // Tia Sáng, 08.07.2013, 04:32 (GMT+7)
  4. ^ Ariya Po Phaok
  5. ^ Kỷ niệm 181 năm Champa vong quốc