Quốc phòng

trang định hướng Wikimedia

Quốc phòng là hoạt động tổ chức và thực hiện các biện pháp phòng vệ của một quốc gia, nhằm bảo vệ, ngăn chặn mọi nguy cơ xâm lược từ bên ngoài vào. Cơ quan tối cao của nhà nước chuyên đặc trách các vấn đề quốc phòng là Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là chức vụ nắm giữ vai trò cao nhất.

Một số quốc gia do các nguyên nhân lịch sử mà khả năng quốc phòng bị giới hạn và bị ràng buộc với một quốc gia khác, như trường hợp Nhật Bản từ sau Thế chiến II. Năm 2010, Nhật nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng, đánh dấu khả năng và tính tự chủ quốc phòng được tăng cường.[1]

Địa chính trị là một yếu tố quan trọng hình thành và định hướng cho quốc phòng của nhiều quốc gia trong lịch sử.

Tầm quan trọng sửa

Quốc phòng là hoạt động đảm bảo an toàn và tồn vong của một quốc gia dân tộc. Quốc phòng được phản ánh như hoạt động chính đáng và hợp pháp của một quốc gia. Thông thường luật pháp quốc tế không công nhận tấn công trước biện minh phòng vệ, nhưng dễ dàng được đồng thuận khi một quốc gia bị tấn công từ bên ngoài, họ được quyền tự vệ chính đáng, bao gồm một cuộc phản công trả đũa. Năm 1979, Việt Nam đã thực hiện phản công trong chiến tranh Tây Nam, đánh bại hoàn toàn Khmer Đỏ.

Liên Hợp Quốc công nhận quyền tự vệ, Chương VII, Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định như sau:[2]

Điều 51: Không có điều nào trong Hiến chương hiện hành làm giảm quyền sở hữu tập thể hoặc tự vệ cá nhân nếu một cuộc tấn công vũ trang xảy ra chống lại một thành viên của Liên hợp quốc, cho đến khi Hội đồng Bảo an thực hiện các biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Các biện pháp của các thành viên trong việc thực hiện quyền tự vệ này sẽ được báo cáo ngay cho Hội đồng Bảo an và không ảnh hưởng đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng Bảo an theo Điều lệ hiện hành bất cứ lúc nào cần thiết để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.

Một số quốc gia có quy mô diện tích và dân số nhỏ, thường có những thỏa thuận ủy thác quốc phòng cho một nước khác có sức mạnh quân sự, bao gồm láng giềng. Hoặc, họ thường chọn chính sách trung lập.

Nền tảng quốc phòng sửa

Điều kiện tự nhiên sửa

  • Cảnh quan tự nhiên

Mỗi quốc gia do có điều kiện tự nhiên khác nhau sẽ có những biện pháp quốc phòng phù hợp. Các điều kiện sẵn có của tự nhiên được khai thác để tạo hiệu quả và lợi thế trong hoạt động phòng vệ. Mỗi điều kiện tự nhiên với cảnh quan đặc biệt của nó: rừng rậm, núi đá, sông nước, sa mạc, vùng băng tuyết, đồng cỏ,...sẽ dẫn đến quốc gia thuộc phạm vi địa lý có các đới tự nhiên như thế có biện pháp quốc phòng phù hợp. Một đạo quân sẽ rất dễ bị đánh bại nếu chiến đấu trong một môi trường xa lạ.

Một ví dụ điển hình, quân đội của một quốc gia nhiều sa mạc sẽ rất giỏi chiến đấu trong điều kiện sa mạc. Họ sử dụng kỵ binh lạc đà, xe cộ và các đơn vị bộ binh chuyên chiến đấu trên sa mạc, có khả năng định hướng tốt trên sa mạc, tìm kiếm nguồn nước, khả năng chịu nhiệt và ngụy trang dưới các lớp cát. Nếu đưa đạo quân đó đến vùng cực (như các nước Bắc Âu) họ sẽ không thể chiến đấu. Trước hết là việc sử dụng các trang phục giữ ấm, phương tiện di chuyển trên tuyết như xe trượt tuyết nhẹ, các xe chiến đấu mang bánh xe chuyên dụng có khả năng chạy trên băng, họ phải đối mặt với đối thủ quen với điều kiện khí hậu lạnh lẽo, khả năng ngụy trang trong băng tuyết và khả năng quan sát, chiến đấu trong mùa đông khắc nghiệt tốt hơn.

Các yếu tố tự nhiên sẽ dẫn đến tổ chức và huấn luyện các đơn vị quân đội chuyên nghiệp ở môi trường địa phương, họ được huấn luyện và tiếp thu các phương án tác chiến, chiến thuật quân sự phù hợp. Việc bố trí và che giấu các cơ sở quân sự, đặt các vị trí hỏa lực ẩn náu cũng là một lợi thế.

Như thế, cảnh quan tự nhiên ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến việc hình thành các lực lượng vũ trang địa phương với đặc điểm chiến đấu và sự độc đáo chiến thuật trong môi trường riêng biệt.

  • Vị trí, tiếp giáp và khoảng cách

Nước Anh và Nhật Bản, cũng như nhiều quốc đảo khác, nhờ vào vị trí là một hòn đảo đã tránh được rất nhiều cuộc xâm lược và kế hoạch xâm lược từ các nước trong lục địa, và an toàn qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Nước Mỹ nhờ vào sự tách biệt của hai đại dương lớn là Thái Bình DươngĐại Tây Dương, đã tránh được sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh thế giới, từ sau 1945, chính sách an ninh của Mỹ nhấn mạnh việc củng cố hải quân trên đại dương và vành đai căn cứ quân sự ở hai bờ đối diện.

  • Kích thước lãnh thổ

Một quốc gia có phạm vi không gian rộng lớn, như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Brasil, Úc,...họ có thể lùi sâu vào bên trong lãnh thổ và thực thi phòng thủ chiều sâu, điều này giúp kéo dãn đội hình quân đối phương theo một tuyến dài, làm giảm mật độ tập trung quân số đối phương. Đối với các quốc gia có diện tích nhỏ thì hoạt động phòng thủ sẽ không cho phép họ có nhiều chọn lựa, họ không thể di dời linh hoạt mà chỉ có thể chiến đấu đến chết.

Năng lực kinh tế sửa

Năng lực quốc phòng của một quốc gia phải đặt trên nền tảng của một nền kinh tế mạnh mẽ. Tiềm lực kinh tế có ảnh hưởng một cách trực tiếp đến sức mạnh quân sự.[3] Khả năng kinh tế lớn mới là cơ sở cán đán cho chi tiêu quốc phòng, nguồn chi tiêu lớn từ ngân sách dồi dào cho phép tăng cường khả năng trang trải và đầu tư các lực lượng quân sự.

Vấn đề này phản ánh trong thực tế chiến tranh, chính khả năng vật chất quyết định thắng thua giữa các cường quốc châu Âu qua hai cuộc Thế chiến. Ngay trong Thế chiến I, chính sức ép về khả năng vật chất, nguồn lực cung ứng cho chiến tranh cạn kiệt đã góp phần trực tiếp vào sự đầu hàng của Đế quốc Đức. Vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam, hai miền lãnh thổ Việt Nam bị tàn phá, ngay cả miền Bắc cũng phải hứng chịu các đợt không kích quy mô lớn của Mỹ, cả hai miền không đủ tiềm lực vật chất chiến tranh, thực tế là nguồn lực được cung cấp từ bên ngoài, Hoa Kỳ viện trợ cho Nam Việt Nam, Khối xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Bắc Việt Nam, bao gồm cả hàng hóa dân sự.

Chính vì tầm quan trọng của khả năng kinh tế mà qua nhiều cuộc chiến tranh, hậu phương luôn là mục tiêu tấn công quan trọng của các bên, có thể dẫn đến sự thay đổi đáng kể tình trạng chiến tranh, thậm chí thúc đẩy đến kết cục có lợi cho bên tấn công hậu phương của đối thủ. Trong Thế chiến II, các khu công nghiệp ở miền Trung nước Anh trở thành mục tiêu oanh tạc của Không quân Đức. Đồng thời, là hoạt động phong tỏa trên đại dương của lực lượng tàu ngầm Đức. Thông qua các hoạt động này, Đức Quốc Xã mưu toan phá hoại cơ sở kinh tế từ đó làm tê liệt khả năng quân sự của Anh.

Sức mạnh quân sự sửa

Khả năng quốc phòng của một quốc gia được phản ánh trực tiếp bởi sức mạnh của quân đội. Vì quân đội là tâm điểm của quốc phòng, là lực lượng chiến đấu để phòng vệ quốc gia. Quân đội không được chú trọng xây dựng, củng cố thì khả năng quốc phòng sẽ yếu kém, dẫn đến nguy cơ thất bại nếu bị tấn công. Vì vậy, năng lực quân sự phải không ngừng được củng cố.

Không chỉ các điều kiện tự nhiên và các vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến khả năng quốc phòng, mà còn ảnh hưởng bởi các vấn đề xã hội. Một quốc gia có mặt bằng dân số đông đảo, trong đó số người đến độ tuổi quân sự hàng năm cao sẽ cung ứng trực tiếp cho nguồn nhân lực của quân đội. Quân số luôn là một đại lượng quan trọng của sức mạnh quân sự. Quân đội đông đảo được chú trọng chất lượng sẽ tăng cường khả năng chiến đấu, thông qua huấn luyện, đào tạo binh lính, đơn vị sẽ nâng cao năng lực tác chiến từng người lính và từng đơn vị.

Các yếu tố khác là các chương trình giáo dục đào tạo sĩ quan, nguồn nhân lực kỹ thuật cao quân sự được xem là cốt lõi ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh quân sự. Khả năng điều khiển, chỉ đạo từ tầng lớp sĩ quan, tổ chức và chỉ huy đối với các đơn vị nhỏ trên khía cạnh tác chiến đơn vị, đội hình, chiến thuật và lớn hơn là cấp chiến dịch và chiến lược đã quyết định quan trọng thắng lợi trong chiến tranh trong lịch sử. Nguồn nhân lực kỹ thuật cao như các đơn vị quân sự trang bị phương tiện công nghệ cao, hiện đại như tên lửa, radar, không quân, tàu ngầm, mạng,.... ngày càng trở nên là sức mạnh chủ chốt của một quân đội. Không quân đội nào hùng mạnh mà thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Các cường quốc phương Tây như Hoa Kỳ sở hữu công nghệ quân sự cao, phát triển vượt bậc, vì vậy năng lực chiến đấu cao một phần nhờ khả năng công nghệ. Các yếu tố vượt trội từ công nghệ cũng là một lợi thế của khả năng quân sự. Hệ thống vũ khí tinh vi, hiện đại cho phép khả năng hỏa lực mạnh, tầm bắn xa và độ chính xác cao như các loại tên lửa chẳng hạn. Như thế, bên cạnh năng lực kinh tế với vai trò tác động trực tiếp về mặt vật chất, sức mạnh quân sự cũng ảnh hưởng từ trình độ công nghệ.

Chiến lược quốc phòng sửa

Chiến lược quốc phòng là chiến lược phòng thủ quốc gia,[4] khác với chiến lược chiến tranh là các chiến lược liên quan tấn công hay phòng thủ trong tình trạng chiến tranh, chiến lược quốc phòng xoay quanh các biện pháp phòng thủ trong thời bình. Một quốc gia xây dựng chiến lược quốc phòng nhằm củng cố khả năng tự vệ và sẵn sàng chiến đấu khi bị tấn công.

Trụ cột của chiến lược quốc phòng là các lực lượng vũ trang.[4] Việc xây dựng chiến lược này vì vậy chú trọng đến khả năng chiến đấu, sức mạnh quân sự của toàn quân. Theo từng bối cảnh chính trị, bao gồm bối cảnh chính trị quốc tế, cũng như các điều kiện phát triển kinh tế mà một quốc gia sẽ ưu tiên nguồn lực cho một quân chủng: không quân, hải quân, lục quân,...hoặc đầu tư toàn diện nếu khả năng kinh tế cho phép. Đồng thời có chương trình mua sắm vũ khí, chế tạo, đầu tư công nghệ quốc phòng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và điều kiện tự nhiên của quốc gia đó.

Chiến lược quốc phòng dựa trên việc hoạch định chính sách an ninh chung, các biện pháp, các phương hướng hành động cụ thể khi tình huống tấn công giả định có thể xảy ra, chuẩn bị các kịch bản ứng phó, các kịch bản phản công.

Chiến lược quốc phòng hoạch định tập trung vào việc dự trữ nguồn lực chiến lược, phân bố vùng tác chiến, bố trí đơn vị trách nhiệm, diễn tập quân sự, duy trì một chế độ quân dịch có khả năng huy động quân sự nhanh chóng. Một số quốc gia như Hàn Quốc có một chế độ nghĩa vụ quân sự chặt chẽ, yêu cầu mọi thành niên đều phải tham gia quân đội, nhưng một số quốc gia khác hạn chế quân số mặc dù vẫn duy trì hình thức quân sự bán vũ trang.

Chính sách quốc phòng sửa

Việc thực hiện các biện pháp quốc phòng không chỉ dựa trên sức mạnh quân sự mà còn liên quan đến các chính sách:

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ Nhật Bản nâng cấp Cục phòng vệ thành Bộ Quốc phòng, truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2019
  2. ^ EnWiki: Chapter VII of the United Nations Charter
  3. ^ Kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2019
  4. ^ a b Thiếu tướng, TS. ĐẶNG QUANG MINH (30 tháng 11 năm 2019). “Đổi mới tư duy và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, bảo vệ Tổ quốc”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân, web:tapchiqptd.vn. Bản gốc lưu trữ 11 tháng 6 năm 2020. Truy cập 11 tháng 6 năm 2020.

Liên kết ngoài sửa

Xem thêm sửa