Mộc qua Kavkaz

loài thực vật
(Đổi hướng từ Quince)

Mộc qua Kavkaz (danh pháp hai phần: Cydonia oblonga) là loài duy nhất của chi Cydonia và là bản địa của khu vực ôn đới ấm tây nam châu Á trong khu vực Kavkaz. Nó là cây thân gỗ nhỏ với lá sớm rụng, cao 5–8 m và tán lá rộng 4–6 m, có họ hàng gần với táo tây, và tương tự như chúng là có quả dạng quả táo, màu vàng kim tươi khi chín, dài 7–12 cm và rộng 6–9 cm.

Mộc qua Kavkaz
Hoa của mộc qua Kavkaz (Cydonia oblonga)
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
Bộ (ordo)Rosales
Họ (familia)Rosaceae
Phân họ (subfamilia)Maloideae
Tông (tribus)Maleae
Chi (genus)Cydonia
Mill., 1768
Loài (species)C. oblonga
Danh pháp hai phần
Cydonia oblonga
Mill., 1768
Danh pháp đồng nghĩa
  • Cydonia vulgaris

Quả chưa chín màu xanh lục, với các lông tơ màu xám trắng dày dặc bị xóa sạch phần lớn trước khi quả chín vào cuối mùa thu, khi quả chuyển màu thành màu vàng với cùi thịt cứng với hương thơm. Các lá đơn mọc so le, dài 6–11 cm, mép lá nguyên và có phủ dày các lông tơ mịn màu trắng. Hoa nở vào mùa xuân, sau khi ra lá, màu trắng hay hồng, đường kính 5 cm, với 5 cánh hoa.

Mộc qua Kavkaz bị ấu trùng của một số loài cánh vẩy (Lepidoptera) phá hoại, như Euproctis chrysorrhoea, Bucculatrix bechsteinella, Bucculatrix pomifoliella, Coleophora cerasivorella, Coleophora malivorella, Chloroclystis rectangulataOperophtera brumata.

Bốn loài mộc qua khác trước đây được đặt trong chi Cydonia hiện nay đã được chuyển sang các chi tách biệt. Chúng là mộc qua Trung Quốc (Pseudocydonia sinensis), loài bản địa Trung Quốc, và ba loài mộc qua hoa của miền đông châu Á trong chi Chaenomeles. Một loại cây khác không có quan hệ họ hàng là bầu nâu (tên khoa học: Aegle marmelos thuộc họ Rutaceae), đôi khi cũng được gọi là "Bengal quince" trong tiếng Anh (dịch thô là mộc qua Bengal).

Tiếng Việt còn gọi cây này là mộc đào hay tra.[1]

Nguồn gốc

sửa

Quả của nó đã từng được người Akkad biết tới và họ gọi nó là supurgillu [2]; trong tiếng Ả Rập سفرجل safarjal = "mộc qua". Tên gọi ngày nay trong tiếng Anh (quince) có nguồn gốc từ thế kỷ 14 như là dạng số nhiều của quoyn, thông qua tiếng Pháp cổ cooin, từ tiếng La tinh cotoneum malum / cydonium malum, với nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp kydonion malon nghĩa là "táo Kydonia". Mộc qua Kavkaz là cây bản địa ở Iran, Gruzia, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, Macedonia, Hy Lạp, Bulgaria, nhưng người Hy Lạp đã ghép từ các giống tốt có trong khu vực Kydonia cổ đại, hiện nay là Chania, một hải cảng ở Crete, do đó mà có tên khoa học của chi này (Cydonia). Tên gọi trong tiếng Lydia cho quả mộc qua là kodu.

Việc gieo trồng mộc qua có thể đã diễn ra trước việc gieo trồng táo tây, và nhiều nguồn tham chiếu dịch nó thành "táo", như về loại quả trong Bài ca của Solomon, có thể là để chỉ quả mộc qua. Đối với người Hy Lạp cổ đại thì mộc qua là tặng vật có tính chất lễ nghi tại các đám cưới, do người ta cho rằng nó đã đến nơi đây từ Levant cùng nữ thần Aphrodite và là loại quả hiến tế cho vị thần này. Plutarch có viết rằng cô dâu Hy Lạp phải ăn quả mộc qua để tạo mùi thơm cho nụ hôn của mình trước khi vào phòng cô dâu chú rể, "nhằm đảm bảo cho lời chào hỏi đầu tiên không trở thành khó chịu hay không thú vị" (Roman Questions 3.65). Nó cũng là loại quả mà Paris tặng Aphrodite. Nó cũng là quả "táo" vàng mà nữ thần Atalanta đã dừng lại để nhặt trong cuộc chạy đua của mình. Người La Mã cũng sử dụng mộc qua; sách dạy nấu ăn La Mã của Apicius đưa ra các công thức chế biến món mộc qua hầm với mật ong, và thậm chí là kết hợp chúng với tỏi tây. Pliny Già đề cập tới một kiểu quả khác, mộc qua Milvio, có thể ăn sống. Columella đề cập tới ba, một trong số đó, "táo vàng" có thể là loại quả cực lạc trong vườn Hesperides, đã là nguồn gốc cho tên gọi trong tiếng Italia của cà chuapomodoro. Loại quả đáng chú ý này cũng có thể ăn sống hay ăn chín. Chúng là các nguồn giàu vitamin C.

Gieo trồng và sử dụng

sửa
 
Lá và quả mộc qua đang chín.

Mộc qua là cây chịu lạnh và cần có một khoảng thời gian có nhiệt độ dưới 7 °C để ra hoa. Loài cây này có thể tự thụ phấn nhưng việc thụ phấn chéo có thể đem lại lợi ích. Quả có thể để lại trên cây cho đến khi chín và mềm quả nhưng cần thu hái trước khi bị sương giá.

Phần lớn các loại quả mộc qua đều quá cứng, se vè chua để có thể ăn sống, trừ khi để chín quá (được làm mềm bởi sương giá và sau đó hơi phân hủy). Chúng được dùng làm mứt, thạch hoa quảpudding mộc qua, hay có thể lột vỏ, sau đó nướng, quay hay hầm. Cùi thịt quả có màu đỏ sau khi được chế biến trong một khoảng thời gian dài. Mùi thơm rất mạnh của nó làm cho người ta chỉ cần thêm một lượng nhỏ mộc qua vào bánh táo nướng và mứt để làm tăng hương vị. Bổ sung các lát mộc qua vào nước xốt táo sẽ làm tăng mùi vị của nước xốt này với mùi vị bền hơn của mộc qua. Từ "marmalade" (mứt cam) trong tiếng Anh, nguyên thủy có nghĩa là mứt mộc qua, có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha để chỉ loại quả này là marmelo.[3][4] Quả mộc qua cũng có thể dùng sản xuất rượu vang.

 
Quả mộc qua

Tại châu Âu, mộc qua nói chung được trồng tại các khu vực miền trung và miền nam, những nơi có mùa hè đủ nóng để quả chín kỹ. Chúng không được trồng với số lượng lớn; thông thường chỉ 1-2 cây trong vườn cây ăn quả hỗn hợp với táo tây và các cây ăn quả khác. Mộc qua cũng được đưa vào Tân thế giới, nhưng đã trở nên hiếm hơn tại Bắc Mỹ do chúng dễ bị bệnh tàn rụi cháy do vi khuẩn Erwinia amylovora gây ra. Mộc qua vẫn còn được trồng nhiều tại Argentina, ChileUruguay. Gần như toàn bộ mộc qua trên thị trường Bắc Mỹ đến từ Argentina. Loại mộc qua trồng tại Trung Đông không cần phải chế biến và có thể ăn ở dạng quả tươi.

Nước quả mộc qua từ việc trồng trọt thuần túy hữu cơ cũng có sẵn tại Đức (tại đó người ta gọi mộc qua là "quitte") và hương vị dễ chịu của nó hòa trộn tốt với các loại nước quả khác. Tại khu vực Balkan và một số nơi khác rượu brandy mộc qua cũng được sản xuất.

Tại Malta, mứt làm từ mộc qua (gamm ta' l-isfargel). Theo truyền thống tại khu vực này thì một thìa trà mứt mộc qua hòa tan trong một cốc nước sôi giúp giảm các khó chịu đường ruột. Tại Liban, mộc qua được gọi là sfarjel và cũng được dùng làm mứt. Tại Syria, mộc qua được nấu trong bột lựu nhão (dibs rouman) với phần thịt ống chân và kibbeh (món thịt nướng trong ẩm thực Trung Đông, bao gồm burghul và thịt băm) và được gọi là kibbeh safarjalieh. Tại Iran, mộc qua được gọi là beh (ﺑﻪ) và được dùng ở dạng quả tươi hay hầm và làm mứt, còn hạt được dùng làm thuốc chữa viêm phổi và một số bệnh phổi khác. Tại một số nơi ở Afghanistan, hạt mộc qua được thu thập đem luộc và sau đó ăn để chống viêm phổi.

Tại Tây Ban Nha, Argentina, ChileUruguay người ta gọi mộc qua là membrillo, được nấu thành bột nhão màu hung đỏ gọi là dulce de membrillo. Nó được ăn với bánh sandwich cùng phó mát, theo truyền thống là phó mát Manchego. Mộc qua luộc cũng phổ biến trong các món tráng miệng như murta con membrillo bao gồm ổi Chile (Ugni molinae) với mộc qua.

Mộc qua cũng được dùng làm gốc ghép để ghép cây, do nó có tính chất làm giảm sự tăng trưởng sinh dưỡng ở các loài (Pyrus spp.), hoặc buộc chúng phải sinh ra nhiều cành sinh quả và sớm ra hoa, thay vì chỉ ra lá, cũng như thúc quả nhanh chín.

Chú thích

sửa
  1. ^ [1]
  2. ^ “www.premiumwanadoo.com”. Bản gốc lưu trữ 27 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2008.
  3. ^ Wilson C. Anne. The Book of Marmalade: Its Antecedents, Its History and Its Role in the World Today (Together with a Collection of Recipes for Marmalades and Marmalade Cookery), Nhà in Đại học Pennsylvania, Philadelphia. Phiên bản sửa đổi năm 1999. ISBN 0-8122-1727-6
  4. ^ "Marmalade" trong Online Etymology Dictionary, © 2001 Douglas Harper apud Dictionary.com

Tham khảo

sửa