Sông Vân (tên cổ sông Vân Sàng) là một con sông nối sông Vạc với sông Đáy, chảy xuyên qua trung tâm thành phố Ninh Bình và cùng với núi Thúy là biểu tượng văn hóa du lịch của thành phố Ninh Bình.

Sông Vân đoạn bên chợ Rồng Ninh Bình

Dòng chảy

sửa

Sông Vân nằm bên 2 quốc lộ chính ở thành phố Ninh Bình, đó là Quốc lộ 1 nối từ thành phố Tam Điệp tới cầu Lim và quốc lộ 10 nối từ cầu Lim tới chợ Rồng, đều là những tuyến đường và những công trình gắn với lịch sử hình thành thành phố này. Thực chất sông Vân các sông nhánh của sông Vạc tại cầu Yên với sông Đáy tại ngã ba chân núi Non Nước. Đoạn mang tên sông Vân có chiều dài trên 7 km, chỗ rộng nhất tới 300 m. Từ sông Vân có thể kết nối thông thủy với các sông khác là sông Sào Khê, sông Chanh, sông Hệ - sông Ngô Đồng.

Sông Vân và công viên cây xanh hai bên bờ đồng thời là ranh giới tự nhiên giữa các phường Nam Thành, Vân Giang với phường Thanh Bình của thành phố Ninh Bình. Có 6 cầu bắc qua sông này gồm: cầu Vòm, cầu Vũng Trắm, cầu Lim, cầu Trà Là, cầu Vân Giang và cầu Âu Vân.

Ở cửa sông Vân, nơi nối với sông Đáy đã được xây dựng công trình âu thủy lợi để phục vụ nông nghiệp nên dòng chảy của sông đã được điều tiết.

Dòng sông lịch sử

sửa

Sông Vân là một dòng sông có giá trị lịch sử, nơi gắn với các chiến công của Việt Nam trong kháng chiến chống quân nhà Tống dưới thời vua Lê Đại Hành.[1] Tương truyền, khi Lê Hoàn đánh thắng giặc Tống trở về Hoa Lư, Dương Vân Nga đã kê giường bên bờ sông đón và giao hoan với nhà vua, lập tức có gió thổi mây ngũ sắc thành tán bay đến trên trời soi xuống dòng sông, che trở hai người. Từ đó mà sông có tên là Vân Sàng (giường mây).[2] Ngày nay ở hạ lưu, hai bên bờ sông là hai con đường mang tên Lê Đại HànhDương Vân Nga, gần đó có đền Đồng Bến là nơi ghi dấu những truyền thuyết về thiên tình sử này.[3]

Thời Đinh Lê Lý Trần ở vị trí bến sông Vân là Phúc Thành Hải Cảng, tại đây Vua Lê Đại Hành trực tiếp thống lãnh thủy quân, xuất binh tiến thẳng ra Bạch Đằng giang nghênh địch, làm lên chiến thắng lẫy lừng.[4]

Sông Vân chảy qua nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử như núi Non Nước, chợ Rồng Ninh Bình, đền Trương Hán Siêu, công viên sông Vân, nhà văn hóa thành phố. Người ta thường nghĩ tới hình ảnh "núi Thuý, sông Vân" khi nhắc tới thành phố Ninh Bình vì đây là biểu tượng văn hóa của thành phố này.

Hình ảnh

sửa

Tham khảo

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Xem cuốn "Cố đô Hoa Lư" của Nguyễn Văn Trò Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc Hà Nội - 1998 trang 136 có bài "Sự tích sông Vân", có giải thích câu chuyện Lê Đại Hành và Dương Vân Nga hò hẹn bên bờ sông này khi đánh thắng giặc trở về. Thần tích đền Đồng Bến giải tích rõ sự tích này
  2. ^ Ninh Bình - Vùng đất nhiều kỳ tích và huyền thoại
  3. ^ “Dương Vân Nga - hoàng hậu hai vua”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2011.
  4. ^ Di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Bến