Địa lý: Xã Sơn Thành Tây có diện tích 124,41 km² là một nằm ở cực Tây huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Sơn Thành Tây nằm trên vùng đồi núi, địa hình chia thành hai vùng rõ rệt: vùng đất đỏ tương đối bằng phẳng ở phía Bắc, và vùng đồi núi ở phía Nam. Dãy núi Hòn Ngang nằm ở phía Tây tạo thành biên giới tự nhiên giữa Sơn Thành Tây và xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh. Sông Đà Rằng ở phía Bắc tạo thành ranh giới tự nhiên với huyện Sơn Hòa và huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Phía Nam và phía Tây giáp với huyện Sông Hinh.

Sơn Thành Tây
Xã Sơn Thành Tây
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngDuyên hải Nam Trung Bộ
TỉnhPhú Yên
HuyệnTây Hòa
Thành lập2005[1]
Địa lý
Tọa độ: 12°56′58″B 109°3′43″Đ / 12,94944°B 109,06194°Đ / 12.94944; 109.06194
Sơn Thành Tây trên bản đồ Việt Nam
Sơn Thành Tây
Sơn Thành Tây
Vị trí xã Sơn Thành Tây trên bản đồ Việt Nam
Diện tích124,41 km²[2]
Dân số (2022)
Tổng cộng4970 người[2]
Mật độ40 người/km²
Khác
Mã hành chính22249[3]

Cắt ngang qua Sơn Thành Tây theo hướng Đông - Tây là Quốc lộ 29, là trục giao thông quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ Sơn Thành Tây, đi theo QL29 về phía Đông 20 km là thị trấn Phú Thứ, đi 22 km về phía Tây là thị trấn Hai Riêng - huyện Sông Hinh.

Hành chính: xã Sơn Thành Tây tách ra từ xã Sơn Thành năm 2005 trên cơ sở vùng đất trước kia thuộc phạm vi quản lý của Nông trường Sơn Thành và các thôn Tịnh Thọ, Đá Mài, Lạc Đạo. Hiện nay, toàn xã được chia thành 7 thôn:

  • Thôn Sơn Tây - bao gồm toàn bộ khu dân cư và đất sản xuất thuộc Đội 4, khu chợ cũ Nông trường.
  • Thôn Sơn Thọ - bao gồm toàn bộ khu dân cư và đất sản xuất thuộc Đội 1 và khu trường tiểu học STT và trường cấp hai Lê LợI.
  • Thôn Sơn Trường - toàn bộ khu dân cư và đất sản xuất thuộc Đội 3, Đội 5, Đội 9 và Đội 10.
  • Thôn Sơn Nghiệp - toàn bộ khu dân cư và đất sản xuất thuộc Đội 2 và Đội 6
  • Thôn Đá Mài - là thôn mới thành lập khi tách xã, là nơi đặt trụ sở UBND xã Sơn Thành Tây.
  • Thôn Lạc Đạo - thôn nằm phía Tây của xã, là thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và là thôn miền núi đặc biệt khó khăn
  • Thôn Tịnh Thọ - bao khu dân cư Đội 8 và xóm Hưu trước đây và thôn Tịnh Thọ cũ.

Y tế - giáo dục - văn hóa - giao thông: hệ thống điện- đường- trường - trạm tương đối hoàn chỉnh.

Trên địa bàn xã có các trường công lập từ bậc mầm non đến hết trung học cơ sở, có trạm y tế. Con em trong xã theo học cấp trung học phổ thông, có thể đến trường Phạm Văn Đồng hoặc trường cấp II-III Võ Văn Kiệt.

Hai trục giao thông chính là QL29 theo hướng Đông - Tây và đường liên bộ theo hướng Bắc - Nam đều đã được trải nhựa. Các tuyến giao thông nông thôn đã và đang được bê tông hóa theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt tại thôn Sơn Tây, toàn bộ các tuyến đường dân sinh trong thôn đã được bê tông hóa.

Ngành vận tải nội vùng tương đối thuận lợi, có các loại xe vận tải vận chuyển vật tư thiết yếu đến phục vụ sản xuất cho từng lô từng thửa cũng như đến tận nơi để thu mua sản phẩm mà người dân sản xuất được. Vận tải liên vùng chủ yếu được phục vụ bởi các tuyến xe đi ngang qua địa bàn xã, vận chuyển người và hàng hóa tại địa phương đi Nam, ra Bắc, lên Tây Nguyên tương đối thuận tiện.

Kinh tế - xã hội - dân số: dân số năm 2022 là khoảng 5000 người, biến động theo mùa vụ tiêu bởi những người lao động dài hạn từ các địa phương khác lưu trú ít nhất 6 tháng tại địa phương và số lượng người dân địa phương đi làm việc dài hạn tại các địa phương khác.

Có một đặc điểm khiến dân cư trong xã khác biệt với các địa phương khác trong huyện đó là dân nhập cư từ các tỉnh khác đến chiếm đa số trong tổng số dân của xã. Đặc biệt tại các thôn nằm trên địa bàn Nông trường Sơn Thành trước kia, tỷ lệ dân nhập cư chiếm đa số trong cộng đồng dân cư; phần đa số người nhập cư đến từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, sau đó là các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Quảng Trị..v.v. Chính vì vậy, sự pha trộn vùng miền đã tạo nên giọng nói rất đặc biệt cho những người thuộc "thế hệ thứ 2", "thế hệ thứ 3"...con cháu của những người đi khai hoang thành lập nông trường được gọi là " tiếng Nông trường" để phân biệt với "tiếng nẫu" của người Phú Yên chính gốc.

Tình hình trật tự - an ninh tại địa phương tương đối tốt. Gần như các tệ nạn xã hội, gây mất trật tự đều do những người địa phương khác đến gây ra, đặc biệt là nạn trộm cắp tiêu sản phẩm vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn vấn nạn nhức nhối tại địa phương là tình hình uống rượu bia say xỉn, lái xe nguy hiểm và tai nạn giao thông trên địa bàn còn nhiều nhất là trong giới thanh niên.

Kinh tế chủ đạo của vùng là trồng cây công nghiệp các loại và cây nông nghiệp. ngoài ra các loại cây có quy mô diện tích và sản lượng lớn nhất trong địa bàn xã là rừng trồng, cây khoai mì (sắn), mía, lúa. Riêng cây hồ tiêu, đã có vùng quy hoạch riêng do Công ty cổ phần Vinacafe Sơn Thành quản lý với diện tích hiện tại khoảng 500 ha với sản lượng khoảng 1000 tấn hạt khô/năm. Ngoài vùng trồng hồ tiêu là khoảng 2000ha trồng các loại cây ngắn ngày như sắn, mía, lúa, bắp, dưa hấu...v.v.

Ngoài trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm như bò, dê, gà cũng là một ngành đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trong vùng.

Địa danh:

  • Núi Mái Nhà - là ngọn núi lửa đã tắt.
  • Núi Hòn Ngang - là dãy đồi núi thấp chạy dọc phía Tây của xã.
  • Bia chiến tích Đường 5
  • Dốc Đá Mài

Tham khảo sửa

  1. ^ 62/2005/NĐ-CP
  2. ^ a b “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012.
  3. ^ Tổng cục Thống kê