Chi Sầu riêng

quả cây sầu riêng
(Đổi hướng từ Sầu riêng)

Chi Sầu riêng (danh pháp khoa học: Durio) (tiếng Anh: durian) là một chi thực vật thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae),[3][4] (mặc dù một số nhà phân loại học đặt Durio vào một họ riêng biệt, Durionaceae[3]), được biết đến rộng rãi tại Đông Nam Á.

Sầu riêng
Quả của loài Durio kutejensis
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Malvales
Họ (familia)Malvaceae
Phân họ (subfamilia)Helicteroideae
Tông (tribus)Durioneae
Chi (genus)Durio
L.
     Phân bố bản địa của sầu riêng[1]     Phân bố ngoại nhập của sầu riêng[2]
     Phân bố bản địa của sầu riêng[1]     Phân bố ngoại nhập của sầu riêng[2]
Loài
Hiện có 30 loài được nhận diện
Danh pháp đồng nghĩa
Lahia Hassk.[3]

Quả sầu riêng được nhiều người ở Đông Nam Á xem như là "vua của các loại trái cây". Nó có đặc điểm là kích thước lớn, mùi mạnh, và nhiều gai nhọn bao quanh vỏ. Quả có thể đạt 30 xentimét (12 in) chiều dài và 15 xentimét (6 in) đường kính, thường nặng một đến ba kilogram (2 đến 7 lb). Tùy thuộc vào từng loài mà quả có hình dáng từ thuôn đến tròn, màu vỏ từ xanh lục đến nâu, màu thịt quả từ vàng nhạt đến đỏ.

Thịt quả có thể ăn được, và tỏa ra một mùi đặc trưng, nặng và nồng, ngay cả khi vỏ quả còn nguyên. Một số người thấy sầu riêng có một mùi thơm ngọt ngào dễ chịu, nhưng một số khác lại không chịu nổi và khó chịu với cái mùi này. Mùi hương của sầu riêng tạo nên những phản ứng từ mê mẫn cho đến kinh tởm mãnh liệt, và được mô tả như mùi hành tây thối, nhựa thông hoặc nước cống. Do mùi của sầu riêng ám rất lâu cho nên nó bị cấm mang vào một số khách sạn và phương tiện giao thông công cộng ở Đông Nam Á.

Sầu riêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được thế giới phương Tây biết đến khoảng 600 năm. Vào thế kỷ XIX, nhà tự nhiên học người Anh Alfred Russel Wallace đã mô tả thịt của nó như là"một món trứng sữa nồng hương vị hảo hạng hạnh nhân". Có thể ăn thịt quả ở các độ chín khác nhau, và được sử dụng để tạo hương vị cho nhiều loại món ngọt và món mặn trong ẩm thực Đông Nam Á. Hạt của sầu riêng cũng có thể ăn được sau khi nấu chín. Và có thể gây đầy hơi.

Có 30 loài Durio được xác định, ít nhất 9 loài trong số đó có quả ăn được. Durio zibethinus là loài duy nhất có mặt trên thị trường quốc tế: các loài khác được bán tại các khu vực địa phương của chúng. Có hàng trăm giống sầu riêng; nhiều khách hàng chỉ thích những giống nhất định được bán giá cao trên thị trường.

Sử dụng sửa

Theo nghiên cứu của Đại học Tsukuba, khi ăn sầu riêng không nên uống rượu do tỷ lệ cao của lưu huỳnh trong sầu riêng làm hạn chế hoạt động của aldehyde dehydrogenase, làm khả năng lọc chất độc từ rượu của cơ thể giảm 70%.[5], sau khi ăn sầu riêng không nên uống cà phê và sữa. Khi sầu riêng kết hợp với cafein có trong các loại thức uống này, sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, hơi thở nặng mùi. Trong sầu riêng chứa nhiều calo, khi kết hợp cùng với sữa cũng giàu dinh dưỡng có thể gây khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, khiến hoạt động của gan và dạ dày bị trở ngại, trường hợp tệ hơn có thể dẫn đến tăng huyết áp và đau tim.[6]

Tên gọi sửa

Tên chi Durio (chi sầu riêng) có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á: người Việt gọi là sầu riêng, người Khmer gọi là turen và người Mã Lai - Nam Dương gọi là Djoerian (về sau viết là Doerian). Ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới gọi loài cây/trái này là Durian hoặc có ký ngữ khác nhưng phát âm tương tự như chữ Durian.

Tuy nhiên, trong chi Durio chỉ có một loài là Durio zibethinus là phổ biến nhất. Trong thế kỷ XX ở Việt Nam được biết tới 2 giống"sầu riêng mỡ"có lớp cơm màu trắng xám như mỡ và"sầu riêng đường"có lớp cơm màu vàng như đường mía. Theo thời gian, hoặc nhờ khám phá, hoặc nhờ gây giống, hiện nay sầu riêng (Durio zibethinus) có độ 70 giống (cultivar), trong đó giống"sầu riêng đường không hạt "có triển vọng và được giới tiêu thụ ưa chuộng hơn hết, phân loài này được gây giống đặc biệt ở Thái Lan và Việt Nam: múi ngọt, không có hạt hoặc hạt bị tiêu giảm.

Nhận dạng sửa

Cây sầu riêng có thể cao tới 40 mét. Lá luôn xanh, đối xứng hình êlip đến hình thuôn dài từ 10–18 cm. Hoa nở từng chùm từ 3-30 trên cành lớn và thân, mỗi hoa có đài hoa và 5 (ít khi 4 hay 6) cánh hoa.

Sầu riêng có thân cây lớn, quả có mùi độc đáo và vỏ có nhiều gai. Quả có dạng hình bầu dục đến tròn, với chiều dài 30 xentimét (12 in) và đường kính 15 xentimét (6 in), và trọng lượng từ 1 đến 4kg. Cơm của quả thường có màu vàng nhạt.

Trái sầu riêng chín sau 3 tháng sau khi thụ phấn. Trái có thể dài tới 40 cm và đường kính 30 cm, nặng từ 1 đến 7 kg. Trái có thể mọc trên thân cây cành. Sầu riêng có thể có trái sau khi trồng 4 tới 5 năm. Màu của trái có thể từ xanh sang nâu, hình dạng thuôn đến tròn. Bên ngoài có lớp vỏ cứng bao với gai nhọn, và mùi nồng đặc trưng tỏa từ thịt bên trong. Nhiều người xem đó là thơm, nhưng có người cho đó là thối. Cả hai kết quả phẩm bình, tuy mâu thuẫn nhưng đều có lý. Trong trái sầu riêng chín, theo các chuyên gia hóa học, có hơn 100 chất, trong đó có một số thuộc ête (ether) thơm, và một số ête thối, có thành phần lưu huỳnh. Thơm hay thối là kết quả của khứu giác cá nhân: tiếp nhận ête thơm trước tiên, hay tiếp nhận ête thối trước tiên mà thôi.

Một đặc điểm nữa của trái sầu riêng là trái chín chỉ rơi (rụng) vào một thời điểm nhất định trong ngày: trái rơi (rụng) nhiều nhất vào lúc giữa đêm (từ 0 tới 1 giờ) và một số ít vào giữa trưa (12 tới 13 giờ), những giờ khác không có trái rơi (rụng). Nhờ đó con người tránh được tai nạn.

Trái sầu riêng có nhiều "múi", mỗi múi có 1 đến 3 hạt. Phần ăn được là phần thịt (cơm) bao quanh hạt cứng. Hạt có kích cỡ như hạt mít, có thể ăn được nếu được nướng, chiên hay luộc.

Phân loại sửa

Sầu riêng (Durio zibethinus)
Giá trị dinh dưỡng cho mỗi 100 g (3,5 oz)
Năng lượng615 kJ (147 kcal)
27.09 g
Chất xơ3.8 g
5.33 g
1.47 g
Vitamin
Vitamin A44 IU
Thiamine (B1)
(33%)
0.374 mg
Riboflavin (B2)
(17%)
0.2 mg
Niacin (B3)
(7%)
1.074 mg
Pantothenic acid (B5)
(5%)
0.23 mg
Vitamin B6
(24%)
0.316 mg
Folate (B9)
(9%)
36 μg
Vitamin C
(24%)
19.7 mg
Chất khoáng
Canxi
(1%)
6 mg
Sắt
(3%)
0.43 mg
Magiê
(8%)
30 mg
Mangan
(15%)
0.325 mg
Phốt pho
(6%)
39 mg
Kali
(9%)
436 mg
Natri
(0%)
2 mg
Kẽm
(3%)
0.28 mg
Thành phần khác
Nước65g
Cholesterol0mg

Chỉ tính phần cơm.
Phần không ăn được: 68% (vỏ và hạt)
Nguồn: Cơ sở dữ liệu Dinh dưỡng USDA[7]
Tỷ lệ phần trăm xấp xỉ gần đúng sử dụng lượng hấp thụ thực phẩm tham chiếu (Khuyến cáo của Hoa Kỳ) cho người trưởng thành.
Nguồn: CSDL Dinh dưỡng của USDA

Hiện có khoảng 32 loài sầu riêng khác nhau được ghi nhận theo The Plant List[8].

Phân bố sửa

Sầu riêng phân bố chủ yếu ở Indonesia (Nam Dương), Malaysia (Mã Lai) và Brunei, tuy nhiên có thể mọc ở mọi nơi có điều kiện khí hậu tương tự. Các vùng khác mà sầu riêng có thể mọc là Thái Lan, Mindanao (Philippines), QueenslandÚc, Campuchia, Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Sri Lanka và một phần của Hawaii.

Thái Lan là nước xuất khẩu chủ yếu sầu riêng.

Tại Việt Nam sửa

Sầu riêng được trồng ở Việt Nam có diện tích khoảng 30000 ha (năm 2018) tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang, Đắk Lắk với hai giống sầu riêng chính được trồng nhiều đó là sầu riêng Ri 6sầu riêng Monthong Thái Lan. Vì lý do cây sầu riêng là một cây ăn quả nhiệt đới nên cây sầu riêng không thể chịu đựng được cái lạnh của mùa đông nên cây sầu riêng chỉ trồng được ở các tỉnh thành phía nam của Việt Nam, cây sầu riêng được trồng ở giới hạn cuối cùng là ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.

Hình ảnh cây và các bộ phận cây sầu riêng sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Durio zibethinus at worldagroforestry.org
  2. ^ A traveler´s guide to Durian Season at yearofthedurian.com
  3. ^ a b c Durio L.”. Germplasm Resources Information Network. United States Department of Agriculture. ngày 12 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2010.
  4. ^ “Angiosperm Phylogeny Website — Malvales”. Missouri Botanical Garden.
  5. ^ “Durians and booze: worse than a stinking hangover”. New Scientist. ngày 16 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2009.
  6. ^ “Sầu Riêng Gia Lai”. Oanh Hùng. ngày 10 tháng 1 năm 2019.
  7. ^ “USDA National Nutrient Database”. U.S. Department of Agriculture. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2013.
  8. ^ Các loài Durio trên The Plant List. Tra cứu ngày 14 tháng 1 năm 2014

Liên kết ngoài sửa