Siêu thị
Các ví dụ và quan điểm trong bài viết này có thể không thể hiện tầm nhìn toàn cầu về chủ đề này. |
Siêu thị là cửa hàng tự phục vụ, cung cấp nhiều loại thực phẩm, đồ uống và sản phẩm gia dụng, được sắp xếp tổ chức thành các khu. Loại cửa hàng này lớn hơn và có nhiều lựa chọn hơn so với cửa hàng tạp hóa trước đó, nhưng nhỏ hơn và hạn chế về chủng loại hàng hóa hơn so với đại siêu thị hoặc cửa hàng Big-box. Tuy nhiên, trong cách sử dụng tại Hoa Kỳ thì "cửa hàng tạp hóa" cũng đồng nghĩa với siêu thị,[1] và không được dùng để chỉ các loại cửa hàng khác bán đồ tạp hóa.[2][1]

Siêu thị thường có các khu vực dành cho thịt tươi, các mặt hàng sản xuất, sữa, đặc sản tươi, đồ nướng, v.v. Không gian kệ cũng được sắp xếp dành cho hàng hóa đóng hộp và đóng gói cũng như các mặt hàng phi thực phẩm khác nhau như các sản phẩm đồ dùng nhà bếp, chất tẩy rửa gia dụng, dược phẩm và đồ dùng cho thú cưng. Một số siêu thị cũng bán các sản phẩm gia dụng khác được tiêu thụ thường xuyên, chẳng hạn như rượu (nếu được phép), thuốc và quần áo, và một số siêu thị bán nhiều loại sản phẩm phi thực phẩm hơn: đĩa DVD, thiết bị thể thao, board game, sách và các mặt hàng theo mùa (ví dụ: đồ Giáng sinh vào tháng 12, hoặc đồ trang trí Tết Nguyên Đán vào đầu năm).
Một siêu thị đầy đủ dịch vụ lớn hơn, kết hợp với cửa hàng bách hóa đôi khi được gọi là đại siêu thị. Các dịch vụ khác có thể bao gồm dịch vụ của ngân hàng, quán cà phê, trung tâm chăm sóc trẻ em/nhà trẻ, bảo hiểm (và các dịch vụ tài chính khác), dịch vụ điện thoại di động, xử lý ảnh, cho thuê băng video, hiệu thuốc và cả trạm xăng. Nếu quán ăn trong siêu thị đủ lớn, cơ sở có thể được gọi là "nhà hàng tạp hóa", sự kết hợp giữa "cửa hàng tạp hóa" và "nhà hàng".[3][4]
Siêu thị truyền thống chiếm diện tích sàn lớn, thường là chỉ co một tầng và nằm gần khu dân cư để thuận tiện cho người tiêu dùng. Sự hấp dẫn cơ bản là sự sẵn có của nhiều lựa chọn hàng hóa chung một nơi duy nhất, với giá tương đối thấp. Các lợi thế khác bao gồm dễ dàng đậu xe và sự tiện lợi của giờ mua sắm kéo dài đến tối. Các siêu thị thường phân bổ ngân sách lớn cho quảng cáo, điển hình là thông qua báo chí. Họ cũng trưng bày các sản phẩm trong cửa hàng một cách công phu.
Các siêu thị thường là chuỗi cửa hàng, tăng cơ hội cho hiệu quả kinh tế theo quy mô. Các siêu thị thường cung cấp các sản phẩm với giá tương đối thấp bằng cách sử dụng sức mua của họ để mua hàng hóa từ các nhà sản xuất với giá thấp hơn so với các cửa hàng nhỏ hơn có thể. Họ cũng giảm thiểu chi phí tài chính bằng cách thanh toán tiền hàng ít nhất 30 ngày sau khi nhận hàng và một số trích xuất các điều khoản tín dụng từ 90 ngày trở lên từ các nhà cung cấp. Một số sản phẩm (thường là thực phẩm thiết yếu như bánh mì, sữa và đường) đôi khi được bán dưới dạng lỗ dẫn đầu để thu hút người mua sắm đến cửa hàng của họ. Các siêu thị bù đắp cho biên lợi nhuận thấp của họ bằng khối lượng bán hàng cao và các mặt hàng có lợi nhuận cao hơn được mua bởi những người mua sắm bị thu hút. Tự phục vụ với xe đẩy hàng (xe đẩy) hoặc giỏ giúp giảm chi phí lao động và nhiều chuỗi siêu thị đang cố gắng giảm hơn nữa bằng cách chuyển sang thanh toán tự động.



Lịch sửSửa đổi
Trong những ngày đầu bán lẻ, nhìn chung, một trợ lý sẽ lấy sản phẩm từ các kệ phía sau quầy của người bán trong khi khách hàng đợi trước quầy, chỉ ra những mặt hàng họ muốn. Hầu hết các loại thực phẩm và hàng hóa không được đóng gói riêng lẻ theo kích cỡ của người tiêu dùng, vì vậy một trợ lý đã đo và gói số lượng chính xác mà người tiêu dùng yêu cầu. Điều này mang đến cơ hội giao tiếp xã hội: nhiều người coi phong cách mua sắm này là "một dịp xã hội" và thường "tạm dừng để trò chuyện với nhân viên hoặc khách hàng khác".[5] Những thực hành này về bản chất là chậm và có cường độ lao động cao và do đó cũng khá tốn kém. Số lượng khách hàng có thể phục vụ cùng một lúc bị giới hạn bởi số lượng nhân viên làm việc trong cửa hàng. Mua sắm hàng tạp hóa cũng thường liên quan đến các chuyến đi đến nhiều cửa hàng chuyên biệt, chẳng hạn như cửa hàng rau quả, thịt, tiệm bánh, cá và đồ khô, ngoài một cửa hàng tổng hợp. Sữa và các mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn được người bán sữa đem đi giao.
Khái niệmSửa đổi
"Siêu thị" là từ được dịch ra từ các thuật ngữ nước ngoài - "supermarket" (tiếng Anh) trong đó "super" nghĩa là "siêu" và "market" là "chợ". Khi về đến Việt Nam, để phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt, từ "siêu thị" đã được hình thành ("thị" trong tiếng Hán Việt có nghĩa là "chợ").
Theo Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại của Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương Việt Nam) ban hành ngày 24 tháng 9 năm 2004[6]:
- Siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại; kinh doanh tồng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hoá phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thoả mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng.
Trên thế giới hiện có một số khái niệm về siêu thị như sau[7]:
Theo Philips Kotler, siêu thị là "cửa hàng tự phục vụ tương đối lớn có mức chi phí thấp, tỷ suất lợi nhuận không cao và khối lượng hàng hóa bán ra lớn, đảm bảo thỏa mãn đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm, bột giặt, các chất tẩy rửa và những mặt hàng chăm sóc nhà cửa"
Theo nhà kinh tế Marc Benoun của Pháp, siêu thị là "cửa hàng bán lẻ theo phương thức tự phục vụ có diện tích từ 400m² đến 2500m² chủ yếu bán hàng thực phẩm"
Theo Từ điển kinh tế thị trường từ A đến Z:
- "Siêu thị là cửa hàng tự phục vụ bày bán nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống, dụng cụ gia đình và các loại vật dụng cần thiết khác"
Siêu thị truyền thống thường được xây dựng trên diện tích lớn, gần khu dân cư để tiện lợi cho khách hàng và đảm bảo doanh thu.
Phân biệt siêu thị với chợ và trung tâm thương mạiSửa đổi
Quy mô của siêu thị thì lớn hơn các cửa hàng tạp phẩm (hoặc chợ) và tương đối nhỏ hơn các trung tâm thương mại.
Theo Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại, Trung tâm thương mại có quy mô lớn hơn, không chỉ bao gồm các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ mà còn bao gồm cả hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê…được bố trí tập trung, liên hoàn.
Các loại hình siêu thịSửa đổi
Hàng hóa ở đây rất đa dạng và được chọn lọc kĩ hơn so với trong chợ hay cửa hàng tạp phẩm. Loại hình này gọi chung là siêu thị truyền thống vì ngày nay, từ "siêu thị" còn được chỉ những nơi chỉ chuyên kinh doanh một mặt hàng, một chủng loại hàng nào đó mà thôi. Ví dụ: siêu thị máy tính, siêu thị điện thoại di động, siêu thị trái cây, siêu thị điện máy, siêu thị kính thuốc... thậm chí còn có siêu thị việc làm nữa. (những cách gọi này hay được dùng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.)
Đặc trưng của siêu thịSửa đổi
Theo Viện nghiên cứu Thương mại Việt Nam, siêu thị có các đặc trưng sau[7]:
- Đóng vai trò cửa hàng bán lẻ: Siêu thị thực hiện chức năng bán lẻ - bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng chứ không phải để bán lại. Đây là một kênh phân phối ở mức phát triển cao, được quy hoạch và tổ chức kinh doanh dưới hình thức những cửa hàng quy mô, có trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại, văn minh, do thương nhân đầu tư và quản lý, được Nhà nước cấp phép hoạt động.
- Áp dụng phương thức tự phục vụ (self-service hay libre - service): Đây là phương thức bán hàng do siêu thị sáng tạo ra, được ứng dụng trong nhiều loại cửa hàng bán lẻ khác và là phương thức kinh doanh chủ yếu của xã hội văn minh... giữa phương thức tự chọn và tự phục vụ có sự phân biệt:
- Tự chọn: khách hàng sau khi chọn mua được hàng hoá sẽ đến chỗ người bán để trả tiền hàng, tuy nhiên trong quá trình mua vẫn có sự giúp đỡ, hướng dẫn của người bán.
- Tự phục vụ: khách hàng xem xét và chọn mua hàng, bỏ vào giỏ hoặc xe đẩy đem đi và thanh toán tại quầy tính tiền đặt gần lối ra vào. Người bán vắng bóng trong quá trình mua hàng.
- Phương thức thanh toán thuận tiện: Hàng hóa gắn mã vạch, mã số được đem ra quầy tính tiền ở cửa ra vào, dùng máy quét để đọc giá, tính tiền bằng máy và tự động in hóa đơn. Đây chính là tính chất ưu việt của siêu thị, đem lại sự thỏa mãn cho người mua sắm... Đặc điểm này được đánh giá là cuộc đại "cách mạng" trong lĩnh vực thương mại bán lẻ.
- Sáng tạo nghệ thuật trưng bày hàng hoá: qua nghiên cứu cách thức vận động của người mua hàng khi vào cửa hàng, người điều hành siêu thị có cách bố trí hàng hóa thích hợp trong từng gian hàng nhằm tối đa hoá hiệu quả của không gian bán hàng. Do người bán không có mặt tại các quầy hàng nên hàng hóa phải có khả năng "tự quảng cáo", lôi cuốn người mua. Siêu thị làm được điều này thông qua các nguyên tắc sắp xếp, trưng bày hàng hóa nhiều khi được nâng lên thành những thủ thuật. Chẳng hạn, hàng có tỷ suất lợi nhuận cao được ưu tiên xếp ở những vị trí dễ thấy nhất, được trưng bày với diện tích lớn; những hàng hóa có liên quan đến nhau được xếp gần nhau; hàng khuyến mại phải thu hút khách hàng bằng những kiểu trưng bày đập vào mắt; hàng có trọng lượng lớn phải xếp ở bên dưới để khách hàng dễ lấy; bày hàng với số lượng lớn để tạo cho khách hàng cảm giác là hàng hoá đó được bán rất chạy...
- Hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng thường ngày như: thực phẩm, quần áo, bột giặt, hàng gia dụng, điện tử... với chủng loại rất phong phú, đa dạng. Siêu thị thuộc hệ thống các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, khác với các cửa hàng chuyên doanh chỉ chuyên sâu vào một hoặc một số mặt hàng nhất định. Theo quan niệm của nhiều nước, siêu thị phải là nơi mà người mua có thể tìm thấy mọi thứ họ cần và với một mức giá "ngày nào cũng thấp" (everyday-low-price). Chủng loại hàng hóa của siêu thị có thể lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn loại hàng. Thông thường, một siêu thị có thể đáp ứng được 70-80% nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng về ăn uống, trang phục, mỹ phẩm, đồ làm bếp, chất tẩy rửa, vệ sinh...
Trong các đặc trưng trên, phương thức bán hàng tự phục vụ và nghệ thuật trưng bày hàng hoá của siêu thị đã mở ra kỷ nguyên thương mại bán lẻ văn minh hiện đại.
Tình hình thực tế tại Việt NamSửa đổi
Do đặc trưng lịch sử phát triển kinh tế, siêu thị tại Việt Nam ra đời khá muộn. Quá trình hình thành và phát triển của siêu thị Việt Nam qua các thời kỳ:
- Thời kỳ trước 1975: Ngày 16.10.1967, Siêu thị đầu tiên ở Việt Nam khai trương tại Sài Gòn (Siêu thị Nguyễn Du).[8]
- Thời kỳ 1993 - 1994: Siêu thị bắt đầu mở lại tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thời kỳ 1995 - 1997: Mở rộng ra các thành phố lớn trên cả nước: Trong thời kỳ này bắt đầu có sự xuất hiện của các siêu thị ở Hà Nội vào đầu năm 1995.
- Từ năm 1998 đến nay: Cạnh tranh, đào thải và chuyên nghiệp hơn: Do sự xuất hiện ồ ạt, kinh doanh không bài bản, thiếu kiến thức thương nghiệp và phải cạnh tranh với các hình thức bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, hàng rong và cạnh tranh lẫn nhau nên rất nhiều siêu thị đó đã vỡ nợ, phá sản, làm ăn thua lỗ và có nguy cơ phá sản. Những siêu thị còn tồn tại và phát triển là nhờ những nhà quản lý tỉnh táo hơn, có hướng phát triển phù hợp.
- Tính đến hết năm 2010, cả nước Việt Nam có 571 siêu thị, trong đó 111 siêu thị hạng nhất, 149 siêu thị hạng hai và 311 siêu thị hạng ba. Các siêu thị tập trung tại các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (142 siêu thị), Hà Nội (74), Đà Nẵng (23), Nghệ An (22).[9]
Tiêu chuẩn Siêu thị Việt NamSửa đổi
Tại Việt Nam, các siêu thị phải ghi bằng tiếng Việt là SIÊU THỊ trước tên thương mại hoặc tên riêng do thương nhân tự đặt và trước các từ địa chỉ danh hay tính chất của Siêu thị. Nếu ghi thêm bằng tiếng nước ngoài, kích cỡ chữ phải nhỏ hơn kích cỡ tên tiếng Việt và phải đặt dưới hoặc sau tiếng Việt.
Theo quy định của Bộ Công Thương Việt Nam, siêu thị được phân làm 3 hạng[6]:
Siêu thị hạng ISửa đổi
Ngoài các tiêu chuẩn về kiến trúc hiện đại, kho hàng, kỹ thuật bảo quản, khu vệ sinh, khu giải trí, các siêu thị kinh doanh tổng hợp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản sau:
- Có diện tích kinh doanh từ 5.000m² trở lên;
- Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên;
Đối với siêu thị chuyên doanh, tiêu chuẩn cơ bản là:
- Diện tích từ 1.000m² trở lên;
- Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 2.000 tên hàng trở lên
Siêu thị hạng IISửa đổi
Siêu thị kinh doanh tổng hợp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản sau:
- Có diện tích kinh doanh từ 2.000m² trở lên;
- Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 10.000 tên hàng trở lên;
Đối với siêu thị chuyên doanh, tiêu chuẩn cơ bản là:
- Diện tích từ 500m² trở lên;
- Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 1.000 tên hàng trở lên
Siêu thị hạng IIISửa đổi
Siêu thị kinh doanh tổng hợp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản sau:
- Có diện tích kinh doanh từ 500m² trở lên;
- Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 4.000 tên hàng trở lên;
Đối với siêu thị chuyên doanh, tiêu chuẩn cơ bản là:
- Diện tích từ 250m² trở lên (như siêu thị tổng hợp);
- Có Danh mục hàng hoá kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên
Chỉ tríchSửa đổi
- Quy mô siêu thị lớn, trong khi thường cải thiện chi phí và hiệu quả cho khách hàng, có thể gây áp lực kinh tế đáng kể lên các nhà cung cấp và chủ cửa hàng nhỏ hơn.[10][11][12][13][14]
- Các siêu thị thường tạo ra chất thải thực phẩm đáng kể, mặc dù các công nghệ hiện đại như biomethanation đơn vị có thể xử lý chất thải thành một nguồn năng lượng kinh tế.[15][16][17] Ngoài ra, việc theo dõi mua hàng có thể hữu ích khi các siêu thị sau đó có thể định lượng hàng hóa dự trữ (hàng hóa dễ hỏng) tốt hơn, giảm tình trạng hư hỏng thực phẩm.
Xem thêmSửa đổi
Tham khảoSửa đổi
- ^ a b “Grocery”. Oxford Learner's Dictionary. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2020.
- ^ “Grocery store”. Merriam-Webster Dictionary. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2020.
- ^ Meyer, Zlati (5 tháng 4 năm 2017). “Why 'Grocerants' are the new trend, taking bite out of restaurants”. USA Today. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2017.
Hiện tượng này đang phát triển đủ nhanh cả về mức độ phổ biến và mức độ phức tạp đến mức ngành công nghiệp thực phẩm đã đặt ra một cái tên cho các cửa hàng tạp hóa và quán ăn kết hợp này – 'nhà hàng tạp hóa'.
- ^ “Khi tiệm tạp hóa và nhà hàng là một - Sài Gòn Tiếp Thị”. - Sài Gòn Tiếp Thị. 29 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2022.
- ^ Vadini, Ettore (28 tháng 2 năm 2018). Public Space and an Interdisciplinary Approach to Design. ISBN 9788868129958.
- ^ a b QUYẾT ĐỊNH của Bộ trưởng Bộ Thương mại số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24-9-2004 về việc ban hành Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại
- ^ a b Nguyễn Thị Nhiễu, Những giải pháp phát triển mạng lưới siêu thị ở Việt Nam thời gian tới năm 2010
- ^ Sài Gòn chuyện đời của phố: Siêu thị đầu tiên ở VN, Phạm Công Luận, báo Thanh Niên, 27/02/2015
- ^ “Báo cáo Số lượng: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đơn vị có giao dịch thương mại điện tử năm 2010 của Bộ Công Thương, tháng 6/2011”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2011.
- ^ Bucklin, Louis P. (tháng 11 năm 1967). “Competitive Impact of a New Supermarket”. Journal of Marketing Research. 4 (4): 356–361. doi:10.2307/3149873. JSTOR 3149873.
- ^ “Senate takes look at slotting fees”. Associated Press. 15 tháng 9 năm 1999.
- ^ “Unfair trading practices / supply chain”. European Economic and Social Committee. 11 tháng 7 năm 2013.
- ^ “Ten Reasons Supermarket Mergers Are Bad for Consumers” (Thông cáo báo chí). Friends of the Earth. 13 tháng 1 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2004.Quản lý CS1: URL hỏng (liên kết)
- ^ “Growers demand inquiry, ombudsman sought”. TVNZ. 5 tháng 7 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2010.Quản lý CS1: URL hỏng (liên kết)
- ^ Mukherjee SN, Kumar S (tháng 12 năm 2007). “Leachate from market refuse and biomethanation study”. Environmental Monitoring and Assessment. 135 (1): 49–53. doi:10.1007/s10661-007-9703-5. PMID 17505906. S2CID 11008308.
- ^ “Methanisatie – 2009, het jaar van de biomethanisering?”. energymag.be. 15 tháng 9 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2014.
- ^ “Biomethanation”. Asia Biomass Handbook. Japan Institute of Energy. 2008. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2017.
Liên kết ngoàiSửa đổi
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Siêu thị. |
- Siêu thị tại Từ điển bách khoa Việt Nam
- Supermarket tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
- Nhập nhằng thứ hạng, thả nổi quản lý ! Nguyễn Tú, báo Tiền Phong 07:23 ngày 05 tháng 9 năm 2006
- Câu chuyện ẩm thực – Khám phá một thế kỷ thay đổi mang tính cách mạng trong văn hóa ẩm thực Vương quốc Anh trên trang web Câu chuyện ẩm thực của Thư viện Anh
- groceteria.com – lịch sử siêu thị và kiến trúc từ thập niên 1920 đến thập niên 1970
- Tranh giành khách hàng, ngày 4 tháng 8 năm 2005, San Francisco Chronicle
- Sự phát triển của hệ thống siêu thị Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tại zbook.vn