Tào Tiết (Hán Hiến Đế)

Hoàng hậu nhà Hán
(Đổi hướng từ Tào Tiết (hoàng hậu))

Hiến Mục Tào hoàng hậu (chữ Hán: 獻穆曹皇后; ? - 2 tháng 7, 260), là Hoàng hậu thứ hai của Hán Hiến Đế - vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Hiến Mục Tào Hoàng hậu
獻穆曹皇后
Hán Hiến Đế hoàng hậu
Hoàng hậu nhà Hán
Tại vị215220
Tiền nhiệmPhế hậu Phục thị
Kế nhiệmHoàng hậu cuối cùng
Thông tin chung
Mất2 tháng 7, 260 (62–63 tuổi)
nước Sơn Dương, Đại Ngụy
An tángThiền lăng (禅陵)
Phối ngẫuHán Hiến Đế
Lưu Hiệp
Tên đầy đủ
Tào Tiết (曹節)
Thụy hiệu
Hiến Mục hoàng hậu
(獻穆皇后)
Thân phụTào Tháo

Tuy là con gái của Tào Tháo, em gái Tào Phi, nhưng Tào Tiết nổi tiếng bởi sự trung thành với Hán Hiến Đế cũng như là với nhà Hán, khi liên tiếp phản đối cha và anh âm mưu soán Hán lập tự. Hành động "Ném tỷ trách huynh" của bà đi vào lịch sử.

Thân thế sửa

Hiến Mục Tào hoàng hậu, húy Tiết (節), người quận Tiêu, nước Bái, tổ phụ là Thái úy Tào Tung nhà Hán, thân phụ là Tào Tháo, khi ấy đang là người có thế lực nhất thiên hạ, khống chế Hán Hiến Đế, được phong Ngụy công (魏公)[1]. Không rõ mẹ bà là ai, thông thường đều xem mẹ bà là Biện phu nhân, trắc thất và là người phụ nữ được Tào Tháo xem trọng nhất.

Truyền thuyết kể rằng, vào giữa năm 196, khi Tào Tháo đón Hán Hiến Đế về Hứa Xương, Tào Tiết được Biện phu nhân sinh ra. Khi vừa lọt lòng thì bà không khóc, chỉ rơi lệ, Đinh phu nhân chính thất Tào Tháo cho là sẽ không may mắn, đem vứt ở vùng ngoại ô. Tào Tháo sau khi trở về, nghiêm khắc răn dạy Đinh phu nhân, sai người đi tìm con gái nhỏ, hơn một tháng lúc sau thì có một lão bạch y nhân đem đến cửa phủ họ Tào. Biện phu nhân thấy đứa bé có hai viên nốt chu sa, liền xác nhận là chính mình sở sinh. Hán Hiến Đế nghe câu chuyện, đích thân xem thực hư, thấy trước sân viện có cây tre, bèn nổi hứng ban tên là Tào Tiết (chữ Tiết 節 nghĩa là đốt tre).

Nhập cung Hán sửa

Phong Phi lập Hậu sửa

Năm Kiến An thứ 18 (213), Tào Tháo đưa Tào Tiết cùng chị là Tào Hiến (曹憲) và em là Tào Hoa (曹華) mang hiến vào hậu cung cho Hán Hiến Đế. Ban đầu, cả ba được phong chức Phu nhân. Năm thứ 19 (214), ba chị em được phong làm Quý nhân. Cùng năm đó Hoàng hậu Phục Thọ bị Tào Tháo giết hại. Năm sau (215), chính nguyệt, Quý nhân Tào Tiết được phong làm Hoàng hậu[2].

Năm Kiến An thứ 25 (220), Ngụy vương Tào Tháo mất, anh bà là Tào Phi lên nối ngôi Ngụy vương. Tháng 10 năm đó, Tào Phi ép Hán Hiến Đế thiện nhượng, kết thúc triều đại nhà Hán hơn 400 năm, lập ra triều Tào Ngụy. Tào Phi sai người tới hỏi em gái để lấy ngọc tỷ truyền quốc, Tào hoàng hậu oán thán mắng, nhất định không chịu đưa. Sau vì bị ép quá, Tào hoàng hậu ném ngọc tỷ từ trên lầu xuống, khóc mắng Tào Phi:"Trời không phù hộ cho nhà ngươi đâu!". Bà tại vị Hoàng hậu được 7 năm[3].

Sơn Dương công phu nhân sửa

Sau khi thiện nhượng, Hán Hiến Đế bị phế làm Sơn Dương công, vì thế Tào Tiết trở thành Sơn Dương công phu nhân (山陽公夫人)[4].

Tương truyền, khi Tào Tiết theo Hán Hiến Đế về Sơn Dương quốc, thấy bá tánh trôi giạt khắp nơi, bần bệnh cơ hàn, điền viên hoang vu, Tào Tiết vận động Hán Hiến Đế cởi hết y phục xa hoa, mang Bố y đơn sơ, vận dụng các tinh hoa Y thuật ở trong cung để cứu giúp dân chúng. Truyền thuyết này rất nổi tiếng ở Sơn Dương, cả hai được gọi là Long phụng y gia (龍鳳醫傢), hiện tại ở Bách Gia Nham Cảnh khu (百家岩景区), có bia đá khắc hình vẽ Hán Hiến Đế hành y đồ (汉献帝行医图). Cứ đến mùa khó khăn, vợ chồng Sơn Dương công lại cứu tế bách tính. Mấy năm sau, dân chúng được vợ chồng Sơn Dương công nuôi dưỡng thành đông đúc, vùng Sơn Dương trở nên trù phú, dân chúng hễ đến mùa đều dâng tặng sản vật địa phương cho hai vợ chồng bà.

Năm Cảnh Nguyên nguyên niên (260), tháng 6, ngày Kỷ Mùi (tức ngày 2 tháng 7 dương lịch), Sơn Dương công phu nhân Tào Tiết qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi. Bà được hợp táng với Hán Hiến Đế tại Thiền lăng (禪陵) với thụy hiệuHiến Mục hoàng hậu (獻穆皇后), nghi lễ đều nhất nhất chiếu theo quy tắc an táng của Hoàng hậu nhà Hán[5].

Tam Quốc diễn nghĩa sửa

Tào hậu trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa khá tương đồng với lịch sử. Nguyên lai là Quý nhân của Hán Hiến Đế, sau khi Tào Tháo sai người đánh trượng giết chết Phục hậu, bà được lập làm Hoàng hậu.

Sau, Tào Phi bức bách Hiến Đế thiện nhượng, Hiến Đế đem việc này báo cho Tào hậu biết. Khi ấy, Tào Hồng cùng Tào Hưu mang kiếm xông vào điện mời Hiến Đế ngự ra điện, Tào hậu quát tháo ầm ĩ, nói:"Các ngươi đều là bọn loạn tặc! Cha ta công cái hoàn khu, uy chấn thiên hạ, mà còn không dám soán trộm Thần khí. Nay anh ta Tự vị nhiều lần, còn muốn soán Hán, Hoàng Thiên tất không phù hộ!".

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  1. ^ 《后汉书·卷十下·皇后纪第十下》:獻穆曹皇后諱節,魏公曹操之中女也。
  2. ^ 《后汉书·卷十下·皇后纪第十下》:建安十八年,操进三女宪、节、华为夫人,聘以束帛玄纁五万匹,小者待年于国。十九年,并拜为贵人。及伏皇后被弑,明年,立节为皇后。
  3. ^ 《后汉书·卷十下·皇后纪第十下》:魏受禅,遣使求玺绶,后怒不与。如此数辈,后乃呼使者人,亲数让之,以玺抵轩下,因涕泣横流曰:“天不祚尔!”左右皆莫能仰视。后在位七年。
  4. ^ 《后汉书·卷十下·皇后纪第十下》:魏氏既立,以后为山阳公夫人。自后四十一年,魏景元元年薨,合葬禅陵,车服礼仪皆依汉制。
  5. ^ 《三国志·魏书·三少帝纪》:己未,故汉献帝夫人节薨,帝临于华林园,使使持节追谥夫人为献穆皇后。及葬,车服制度皆如汉氏故事。
  • Hậu Hán thư, quyển 9, 10 hạ.
  • Tư trị thông giám, quyển 67.
  • Lê Đông Phương (2007), Kể chuyện Tam Quốc, Nhà xuất bản Đà Nẵng
  • Cát Kiếm Hùng chủ biên (2006), Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, tập 1, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin