Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đươngViệt Nam là cơ quan xét xử cấp thấp nhất trong hệ thống tòa án nhân dân và là tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án dân sự và các yêu cầu về dân sự khác. Cấp trên trực tiếp là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nhiệm vụ và quyền hạn sửa

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương gồm có[1]:

1. Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.

2. Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức sửa

Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương gồm có[2]:

1. Các tòa chuyên trách gồm Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Căn cứ quy định tại khoản này và yêu cầu, thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức Tòa chuyên trách.

2. Bộ máy giúp việc: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.[3]:

3. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên về thi hành án, công chức khác và người lao động.

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện trong tố tụng dân sự sửa

Đối với các tranh chấp dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm những tranh chấp sau:[4]

Thứ nhất, tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, ví dụ như: tranh chấp về hợp đồng dân sự, tranh chấp về thừa kế tài sản, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn...

Thứ hai, tranh chấp về kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

Thứ ba, tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như: Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp.

Đối với các yêu cầu dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau:

Thứ nhất, yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như: Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.

Thứ hai, yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án như: Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn...

Thứ ba, yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án như: Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông...

Thứ tư, yêu cầu về lao động quy định thuộc thẩm quyền của Tòa án như: Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu....

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện trong tố tụng hình sự sửa

Trong tố tụng hình sự, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án trong 03 nhóm tội sau đây:[5]

- Thứ nhất, tội phạm ít nghiêm trọng,

- Thứ hai, tội phạm nghiêm trọng

- Thứ ba, tội phạm rất nghiêm trọng,

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ không có thẩm quyền xét xử đối với các tội phạm sau đây:

- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

- Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

- Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân cấp huyện cũng không có thẩm quyền xét xử đối với một số tội nhất định, như một số tội liên quan đến tính mạng con người, ...

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện trong tố tụng hành chính sửa

Theo quy định hiện nay, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết những khiếu kiện hành chính sau đây:[6]

Thứ nhất, những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước ở cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó

Thứ hai, những khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của họ.

Thứ ba, khiếu kiện những vấn đề liên quan đến bầu cử như: Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án thực hiện xét xử.

Tham khảo sửa

  1. ^ Điều 44, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014
  2. ^ Điều 45, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014
  3. ^ Điều 46, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014
  4. ^ LuatVietnam. “Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đang áp dụng 2024”. LuatVietnam (bằng tiếng vietnamese). Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  5. ^ “Về thẩm quyền xét xử của Tòa án theo quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự”. tapchitoaan.vn. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  6. ^ “Thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành | Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam”. lsvn.vn. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.