Tạt lon hay chọi lon,[1] lia lon,[2] ném lon,[3] ném ống bơ[4] là tên gọi của một trò chơi dân gian ở Việt Nam. Đây là một trò chơi phổ biến với trẻ em vùng nông thôn, với phương tiện chính là một chiếc lon đã qua sử dụng.

Trẻ em chơi tạt lon tại sân nhà

Mô tả sửa

Để bắt đầu trò chơi, cần chuẩn bị một chiếc lon từ hộp sữa đã qua sử dụng, lon nước ngọt hoặc lon bia. Sau đó vẽ một vòng tròn[4] hoặc ô hình vuông[5] trên mặt đất rồi đặt chiếc lon vào trong đó. Cạnh nơi đặt lon kẻ một vạch ngang làm ranh giới và cách ranh giới vài mét, kẻ tiếp một vạch mốc để người chơi đứng sau vạch mốc đó dùng dép ném ngã chiếc lon.[4]

Trước khi chơi, các thành viên tham gia chọn ra một người làm nhiệm vụ giữ lon. Có thể thực hiện bằng cách tất cả người chơi đứng ở vạch ranh giới và ném dép về phía vạch mốc, dép của ai gần vạch mốc hoặc nằm trên vạch mốc thì được ném trước, còn dép của người nào xa vạch nhất thì phải đứng trông lon.[4] Một cách khác là chơi oẳn tù tì, người nào thua phải đứng trông lon cho những người chơi khác ném.[6][7]

Bắt đầu trò chơi, tất cả những người tham gia đứng dưới vạch mốc và lần lượt ném dép sao cho chiếc lon văng ra khỏi ô để lon càng xa càng tốt, khiến người trông lon mất thời gian nhặt chiếc lon về đặt ở vị trí cũ. Trong thời gian đó, các thành viên đã ném dép phải nhặt lại chiếc dép của mình quay về vạch mốc, sao cho không bị người trông lon bắt được. Ai bị bắt khi đang cầm dép mà chưa về được vạch thì phải ra trông lon.[4][5]

Ảnh hưởng sửa

Tạt lon là một trong những trò chơi phổ biến và gắn liền với tuổi thơ của trẻ em vùng nông thôn Việt Nam.[1][7][8] Đây cũng là phương tiện xả stress của nhiều phụ nữ miền Tây sau một ngày vất vả mưu sinh.[9] Trò chơi cũng xuất hiện trong một số chương trình truyền hình.[10][11]

Năm lớp 6, giáo sư Ngô Bảo Châu từng bị bắt làm kiểm điểm vì chơi tạt lon trong giờ học.[12]

Chú thích sửa

  1. ^ a b Hoàng Lê (4 tháng 5 năm 2015). “Ký ức trò chơi dân gian của tuổi thơ quê”. Báo Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  2. ^ Thiên Anh (19 tháng 4 năm 2018). “Những trò chơi thời hoàng kim của thế hệ 8X, 9X”. Báo An Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  3. ^ Huy Hoàng (20 tháng 5 năm 2022). “Nhiều hoạt động Hè thú vị dành cho trẻ em khu Nam TP.HCM”. VOV Giao Thông. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  4. ^ a b c d e Ngọc Linh (4 tháng 3 năm 2011). “Ném ống bơ”. Báo Nam Định. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  5. ^ a b Cúc Tần (17 tháng 12 năm 2017). “Trò chơi tạt lon một thời để nhớ”. Báo Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  6. ^ Đinh Mai (20 tháng 4 năm 2018). “Những trò chơi dân gian "cả một trời thương nhớ" của 8x, 9x đời đầu”. Thiếu niên Tiền phong & Nhi đồng. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  7. ^ a b Hoàng Thu Trang (7 tháng 11 năm 2018). “Lạc về miền ký ức tuổi thơ tôi”. Lao động Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  8. ^ “5 trò chơi "bất tử" trong ký ức tuổi thơ người Việt Nam”. Báo Dân Việt. 11 tháng 5 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  9. ^ Huy Phong (24 tháng 9 năm 2017). “Thú chơi tạt lon xả stress của nhóm phụ nữ miền Tây”. Ngôi sao. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  10. ^ Phi Long (27 tháng 6 năm 2022). “Hùng Thuận giúp bà con Long An trong Cùng nhau hái lộc”. Báo điện tử Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  11. ^ Tuệ Nhi (1 tháng 2 năm 2020). “NSND Hồng Vân, Thoại Miêu toát mồ hôi hột chơi tạt lon, rượt bắt”. Tuổi Trẻ Cười. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.
  12. ^ Nhà báo Dương Xuân Nam (11 tháng 2 năm 2016). “GS Ngô Bảo Châu và chuyện một gia đình "danh gia vọng tộc". Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2022.