Tái Viên

thân vương nhà Thanh
(Đổi hướng từ Tải Viên)

Tái Viên (tiếng Mãn: ᡯᠠᡳ
ᠶᡡᠸᠠᠨ
, Möllendorff: Dzai Yūwan, Abkai: Zai Yvwan, chữ Hán: 載垣, 16 tháng 10 năm 18168 tháng 11 năm 1861) là một hoàng thân của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc, người thừa kế 1 trong 12 tước vị Thiết mạo tử vương, đồng thời là 1 trong 8 vị Cố mệnh Bát đại thần của Hàm Phong Đế. Ông rất được Đạo Quang Đế tin tưởng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình.

Tái Viên
載垣
Thân vương nhà Thanh
Hòa Thạc Di Thân vương
Tại vị1825 - 1861
Tiền nhiệmTái Phường
Kế nhiệmTái Đôn
Thông tin chung
Sinh(1816-10-16)16 tháng 10, 1816
Mất8 tháng 11, 1861(1861-11-08) (45 tuổi)
Phối ngẫuxem văn bản
Hậu duệxem văn bản
Tên đầy đủ
Ái Tân Giác La · Tái Viên
(愛新覺囉·載垣)
Hoàng tộcÁi Tân Giác La
Thân phụDi Khác Thân vương
Dịch Huân
Thân mẫuThứ thiếp Lý thị

Cuộc đời sửa

Tái Viên sinh vào giờ Mão, ngày 6 tháng 8 (âm lịch), năm Gia Khánh thứ 21 (1816), trong gia tộc Ái Tân Giác La. Ông là con trai thứ hai của Di Khác Thân vương Dịch Huân,[1][note 1] mẹ ông là Thứ thiếp Lý thị (李氏).

Thời Đạo Quang sửa

Năm Đạo Quang thứ 5 (1825), anh trai của ông là Tái Phường (載坊) qua đời khi chỉ mới 4 tuổi, ông được thế tập tước vị Di Thân vương (怡親王) đời thứ 6,[2] lúc này ông chưa tròn 10 tuổi. Tháng 3 năm thứ 13 (1833), Đạo Quang Đế lệnh cho Di Thân vương Tái Viên đến miếu Quan Công và Thuận Thừa Quận vương Xuân Sơn đến miếu Thành Hoàng để tạ lễ mưu thuận gió hòa. Lúc này Tái Viên chỉ hơn 16 tuổi.[3]

Tháng 3 năm thứ 17 (1837), ông trở thành Tổng tộc trưởng của Chính Lam kỳ.[note 2] Tháng 4 năm sau (1838) thì quản lý sự vụ Tương Lam kỳ Giác La học (觉罗学). Đến tiết thu phân, Đạo Quang Đế lại lệnh cho Tái Viên đi tế lễ.[4] Tháng 1 năm thứ 20 (1840), vì Đô thống Mãn Châu Chính Bạch kỳDịch Kỷ phạm tội bị cách chức, Miên Du được điều vào thay thế, và vị trí Đô thống Mông Cổ Tương Lam kỳ vốn của Miên Du do Tái Viên đảm nhiệm.[5] Ngày tế Tiên nông vào tháng 3 năm đó cũng do Tái Viên chủ trì lễ tế.[6] Ngày 1 tháng 4, lễ truy thụy cho Hiếu Toàn Thành Hoàng hậu được tiến hành, Duệ Thân vương Nhân Thọ là Chính sứ, Di Thân vương Tái Viên được chọn làm Phó sứ.[7][8] Sang năm sau, ông được phép hành tẩu tại Ngự tiền,[9] trở thành Tương Hoàng kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần, được ban thưởng Tam nhãn Hoa linh,[note 3] và quản lý sự vụ Loan Hưng vệ (銮兴卫).

Năm thứ 22 (1842), tháng 1, ông chính thức được phong làm Ngự tiền Đại thần (御前大臣), đến tháng 5 thì được phong Duyệt binh Đại thần (阅兵大臣). Tháng 9, phong làm Đô thống Hán quân Chính Lam kỳ. Đến tháng 2 năm thứ 25 (1845), ông được điều làm Đô thống Mãn Châu Tương Hồng kỳ. Năm sau thì trở thành Chính Hoàng kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần. Năm thứ 30 (1850), ông thay quyền Tông nhân phủ Hữu Tông chính (右宗正), quản lý sự vụ Hổ Thương doanh (虎枪营) của Viên Minh Viên Bát kỳ.

Thời Hàm Phong sửa

Tháng 3 năm Hàm Phong nguyên niên (1851), ông được phong Thập ngũ thiện xạ Đại thần (十五善射大臣). Đến tháng 10 thì chịu trách nhiệm quản lý sự vụ Hổ Thương doanh. Tháng 6 năm 1853, ông được giao cho quản lý Tân cựu Doanh phòng (新旧营房) của Tương Hồng kỳ. Đến tháng 9 năm 1854, ông nhậm chức Tổng am đạt (总谙达). Năm 1855, ông bắt đầu quản lý sự vụ Võ bị viện (武备院) từ tháng 3 và nhậm chức Tông lệnh Tông nhân phủ từ tháng 7. Tháng 10 năm sau, ông được điều làm Ngọc điệp quán Tổng tài (玉牒馆总裁), chiệu trách nhiệm biên soạn tông phổ của nhà Ái Tân Giác La. Trong năm 1858, ông lần lượt thay quyền Đô thống Hán quân Tương Bạch kỳ vào tháng 3, quản lý sự vụ Thiện Phác doanh (善扑营) từ tháng 4, được phong làm Chính giám sát của Sùng Văn môn kiêm thay quyền Đô thống Hán quân Chính Hồng kỳ vào tháng 8 và được cho phép ngồi kiệu hai người khiên trong Tử Cấm Thành từ tháng 11.

Tháng 2 năm thứ 9 (1859), ông thay quyền quản lý sự vụ Ngự Thương doanh (御枪营). Tháng 5 cùng năm thì thay quyền Đô thống Mãn Châu Tương Bạch kỳ. Một năm sau, ông đảm nhiệm vị trí Khâm sai Đại thần,[10] cùng Binh bộ Thượng thư Mục Ấm đến Tống Châu để thay thế Đại học sĩ Quế Lương, nghị hòa với Anh và Pháp.[8] Cuộc đàm phán bất chợt bị phá vỡ, Tái Viên ra lệnh giam cầm và tra khảo bọn Ba Hạ Lễ (巴夏禮) tổng cộng 39 người, khiến 21 người chết. Liên quân Anh - Pháp áp sát Bắc Kinh, Tái Viên hộ tống Hàm Phong chạy đến Nhiệt Hà.

Năm thứ 11 (1861), Hàm Phong Đế qua đời trong Tị Thử Sơn Trang ở hành cung Nhiệt Hà. Trước khi mất, Hoàng đế di mệnh chỉ điểm 3 vị Ngự tiền đại thần (gồm Tái Viên, Đoan HoaTúc Thuận) cùng 5 vị Quân cơ đại thần có quyền nhiếp chính, đồng thời còn kèm chỉ dụ: 辅弼皇太子载淳为帝,总摄朝政。; "Giúp đỡ Hoàng thái tử Tái Thuần kế vị Hoàng đế, tổng nhiếp triều chính". Cả tám người khi ấy được gọi là 赞襄政务王、大臣; "Tán tương chính vụ Vương, đại thần", cũng gọi Cố mệnh Bát đại thần.[11] Tháng 9, Từ An Thái hậu, Từ Hi Thái hậu và Cung Thân vương Dịch Hân đã phát động một cuộc chính biến, sử gọi Chính biến Tân Dậu. Tái Viên bị bắt tại Bắc Kinh. Ngày 6 tháng 10 (âm lịch), Tái Viên bị ban cho lụa trắng, treo cổ tự vẫn. Tước vị do tộc đệ Tái Đôn – con trai của Dịch Cách (奕格) thừa kế.

Gia quyến sửa

  • Đích Phúc tấn: Na Lạp thị (納喇氏), con gái của Diêm vận sứ Duyên Phong (延丰).
  • Trắc Phúc tấn: Phương Giai thị (方佳氏), con gái của Hộ quân Phương Bích (方璧).
  • Con trai
  1. Phổ Bân (溥斌, 1844 – ?), mẹ là Đích Phúc tấn Na Lạp thị. Năm 1853 được thưởng mang Hoa linh (花翎).
  2. Phổ Đức (溥德, 1852 - 1856), mẹ là Trắc Phúc tấn Phương Giai thị. Chết yểu.
  • Con gái
  1. Trưởng nữ (1838 – ?), được phong Quận chúa, mẹ là Đích Phúc tấn Na Lạp thị. Năm 1852, tháng 11, tuyển Vương Bá Ngạn Nột Mô Hỗ của Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị làm Ngạch phò. Cùng tháng xuất giá.
  2. Nhị nữ (1839 - 1840), mẹ là Đích Phúc tấn Na Lạp thị. Chết yểu.
  3. Tam nữ (1843 – ?), mẹ là Đích Phúc tấn Na Lạp thị. Năm Đồng Trị thứ 2 (1862), hạ giá Trát Tát Khắc Thân vương Đạt Nhĩ Mã (达尔玛) thuộc Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị của Tái Âm Nặc Nhan bộ Trung tả mạt kỳ, hậu duệ của Siêu Dũng Thân vương Sách Lăng.
  4. Thứ nữ (1851 – ?), mẹ là Trắc Phúc tấn Phương Giai thị. Năm 1867 hạ giá Nhất đẳng Tháp Bố Nang Hi Lăng A (熙凌阿) thuộc Ô Lương Hải thị của Khách Lạc Thấm bộ.
  5. Ngũ nữ (1853 - 1855), mẹ là Trắc Phúc tấn Phương Giai thị. Chết yểu.
  6. Lục nữ (1854 – ?), mẹ là Trắc Phúc tấn Phương Gia thị. Năm 1873 hạ giá Nặc Lạp Tang Vượng Bố (诺拉桑旺布) của Ô Lương Hải thị.

Chú thích sửa

  1. ^ Nguyên văn:《愛新覺羅宗譜》2冊甲二第879 頁記載:奕勳次子-載垣 生有二子 嘉慶廿一年(1816)丙子八月廿六日卯時生,庶母李氏豐盛額之女,道光五年二月襲和碩怡親王,十七年三月授正藍旗總族長,十八年閏四月管理鑲藍旗覺羅學事務,廿年正月授鑲藍旗蒙古都統,廿一年三月在御前行走賞給三眼花翎,九月在御前大臣上學習行走,是月管理鑾興衛事務,十一月授鑲黃旗領侍衛內大臣,廿二年正月授御前大臣,五月授閱兵大臣,九月調補正藍旗漢軍都統,廿五年二月調補鑲紅旗滿洲都統,廿六年閏五月調補正黃旗領侍衛內大臣,廿八年十一月奉旨管理 太廟祫祭並近支婚嫁等事,三十年二月署宗人府右宗正,七月管理圓明園八旗虎槍營事務,咸豐元年三月授十五善射大臣,十月管理虎槍營事務,三年六月管理鑲紅旗新舊營房,九月管理上虞備用處事務,四年九月授總諳達,五年三月管理武備院事務,七月授宗人府宗令,六年十月充 玉牒館總裁,八年三月署理鑲白旗漢軍都統,四月署理善撲營事務,八月授崇文門正監督署理正紅旗漢軍都統,十一月賞紫禁城內乘坐二人椅轎,九年二月署理御槍營事務,五月署理鑲白旗滿洲都統,十年正月賞杏黃色端罩並賞穿貂褂,咸豐十一年(1861)九月因獲罪革爵賜自盡,嫡福晉納喇氏鹽運使延豐之女,側福晉方佳氏護軍方璧之女。
  2. ^ Những năm Ung Chính, kỳ tịch của Tông thất (Cận chi) được chia theo "Tả dực" (gồm Tương Hoàng, Chính Bạch, Tương Bạch, Chính Lam) cùng "Hữu dực". Mỗi "dực" sẽ được chia làm 20 "Tộc" (như Tả dực có Tương Hoàng 1 tộc, Chính Bạch 3 tộc, Tương Bạch 3 tộc, Chính Lam 13 tộc). Vậy tổng cộng là 40 tộc với 40 Tộc trưởng. Đến những năm Càn Long, tất cả 40 tộc này được xếp vào "Viễn chi", thiết lập 16 "Tổng tộc trưởng". Mỗi Tổng tộc trưởng đều do đích thân Hoàng Đế bổ nhiệm, có thể không thuộc kỳ mình quản lý.
  3. ^ Hoa linh là lông khổng tước được gắn trên mũ của quan viên và tông thất, trên đó sẽ có các "nhãn" hình tròn, chia làm Đơn nhãn, Song nhãn và Tam nhãn.

Tham khảo sửa

Tài liệu sửa

  • Ngọc điệp. “Ái Tân Giác La Tông phổ”.
  • Mã Văn Đại (1998). Ái Tân Giác La Tông phổ. Nhà xuất bản Học Uyển. ISBN 9787507713428.
  • Triệu Nhĩ Tốn (1998). Thanh sử cảo. Trung Hoa thư cục. ISBN 9787101007503.
  • Triệu Nhĩ Tốn (1928). “Thanh sử cảo”.
  • Phòng hồ sơ Minh - Thanh. “Nội các đại khố đương án”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 9 năm 2020.
  • Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1985). Thanh thực lục. Trung Hoa thư cục. ISBN 9787101056266.
  • Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1856). Văn Khánh; Hoa Sa Nạp (biên tập). Tuyên Tông Thành Hoàng đế Thực lục. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2020.
  • Lưu Tiểu Manh (2006). 正说清朝十二王 [Nói về 12 Vương nhà Thanh]. Chính thuyết lịch đại quân thần. Trung Hoa thư cục. ISBN 9787101050790.