Từ Thụ Tranh

Là quân phiệt Trung Hoa thời Trung Hoa Dân Quốc. Là thuộc hạ thân tín của Đoàn Kỳ Thụy, ông là một thành viên quan trọng trong Hoãn hệ

Từ Thụ Tranh[1] (phồn thể: 徐樹錚; giản thể: 徐树铮; bính âm: Xú Shùzhēng; Wade–Giles: Hsü Shu-Cheng) (11 tháng 11 năm 1880 – 29 tháng 12 năm 1925), là quân phiệt Trung Hoa thời Trung Hoa Dân Quốc. Là thuộc hạ thân tín của Đoàn Kỳ Thụy[2], ông là một thành viên quan trọng trong Hoãn hệ.[3].

Từ Thụ Tranh (徐樹錚)
Từ Thụ Tranh
Tiểu sử
Sinh11/11/1880
Giang Tô, Đế quốc Thanh
Mất29/12/1925
Thượng Hải, Trung Hoa Dân Quốc
Binh nghiệp
Phục vụQuốc kỳ Trung Hoa Dân Quốc Trung Hoa Dân Quốc
Năm tại ngũ1911-1925
Chỉ huyBộ Tư lệnh Quân đoàn 1, Tư lệnh lục quân, quân Bắc Dương.
Tham chiếnChiến tranh Trực–Hoãn
Quân phục mà Từ Thụ Tranh mặc khi chiếm đóng Mông Cổ

Từ sinh ra tại Giang Tô trong một gia đình trí thức. Ông là một trong những người trẻ nhất từng thi đậu các kỳ thi của triều đình nhà Thanh.

Năm 1905, ông vào học tại trường sĩ quan lục quân Nhật Bản, và trở về Trung Hoa năm 1910.

Từ năm 1911 - 1917, ông giữ nhiều chức vụ trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, như Cục trưởng Cục Quân nhu, Phó tư lệnh Lục quân, Tư lệnh Lục quân,… Năm 1914, ông thành lập trường trung học Thành Đại, tiền thân của trường phổ thông chuyên thuộc Đại học Sư phạm Thủ đô tại Bắc Kinh.

Năm 1918, Từ lập ra An Phúc hội, đảng chính trị của Hoãn hệ, giành được 3/4 số ghế trong Quốc hội. Sau đó cùng năm, Từ xử tử Lục Kiến Chương sau khi phát hiện ra Lục cố gắng thuyết phục Phùng Ngọc Tường, cháu trai Lục, chống lại Hoãn hệ. Vì việc này mà Từ bị ám sát năm 1925.

Năm 1919, Từ nắm quyền chỉ huy quân đội phòng thủ biên giới Tây Bắc, và vào tháng 10 xâm lược Ngoại Mông vừa giành được độc lập. Ngày 17 tháng 11, ông buộc Ngoại Mông hủy bỏ tuyên bố độc lập, tạm thời đặt Mông Cổ trở lại dưới quyền kiểm soát của Trung Hoa.[4]

Năm 1920, sau khi Đoàn mất chức, Từ cũng bị cách chức, và phải đưa quân về chống cự với những kẻ thù khác. Người thay thế ông tại Mông Cổ là Trần Nghi, và Mông Cổ lại tuyên bố độc lập năm 1921.[5]

Lực lượng của Từ bị đánh bại trong Chiến tranh Trực–Hoãn sau đó, và ông phải trốn vào Đại sứ quán Nhật.

Đầu những năm 1920, Từ được cử sang Ý cho một nhiệm vụ ngoại giao; mục đích thứ hai là đẩy ông ra khỏi đất nước.

Năm 1924, ông trở về Trung Hoa sau khi Đoàn quay lại làm Thủ tướng.

Tháng 12 năm 1925, trên chuyến tàu từ Bắc Kinh về Thượng Hải, Từ bị Trương Chi Giang, một thành viên phe Phùng Ngọc Tường, tập kích. Ông bị ám sát rạng sáng hôm sau để trả thù vụ giết hại Lục Kiến Chương, cũng để chặt bỏ cánh tay phải đắc lực của Đoàn, đối thủ của Phùng. Khi đó Từ 45 tuổi.

Từ có một vợ chính và 4 người thiếp.

Vợ của Từ, Hạ Hồng Quân (夏紅筠, cũng có tên Hạ Huyên (夏萱)), mất tại Từ Châu, Giang Tô năm 1955. Họ có bốn con trai và hai con gái. Con trai cả, Từ Thẩm Giao (徐審交, Xu Shenjiao), và con trai thư ba, Từ Đạo Lân (徐道鄰, Xu Daolin), đều hoạt động tích cực trong nền chính trị Trung Hoa Dân Quốc. Từ Đạo Lân viết một quyển hồi ký, xuất bản bằng tiếng Hoa năm 1962, nhan đề Cuộc đời Tướng Từ Thụ Tranh.[6] Con gái lớn, Từ Anh Lệ (徐櫻, Xu Ying, cũng tên Từ Anh Hoàn (徐櫻環)), viết một quyển hồi ký về mẹ của bà và kết hôn với nhà ngôn ngữ học Lý Phương Quế. Ba người con còn lại mất sớm.

Bốn người thiếp của ông là Thẩm Định Lan (沈定蘭),Thẩm Thục Bội (沈淑佩, em gái Thẩm Định Lan),Vương Huệ Trình (王慧珵), và Bình Phương Xuân (平芳春). Từ có hai con gái (Từ Bội (徐佩) và Từ Lan (徐蘭)) với Thẩm Thục Bội, và hai con gái (Từ Mỹ (徐美) và Từ Huệ (徐慧)) với Vương Huệ Trình.

Chú thíchSửa đổi

  1. ^ “檔案:徐樹錚.jpg”. Truy cập 15 tháng 3 năm 2015.
  2. ^ “Xu Shuzheng and the Meeting of Military Governors at Tienjin” (PDF) (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2010.[liên kết hỏng]
  3. ^ “The Event of Qinhuangdao and the Entrance of the Fengtian Clique into Shanhaiguan in 1918— The Cooperation between the Anhui Clique and the Fengtian Clique” (PDF) (bằng tiếng Trung và Anh). Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2010.[liên kết hỏng]
  4. ^ “Exploring Chinese History:: Politics:: International Relations...” (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2010.
  5. ^ “Mongolian Independence Day” (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2010.
  6. ^ Hsu Dau-lin. 1962. The Life of General Hsu Shu-tseng.[In Chinese] Taipei: Commercial Press. 331 pp.

Tham khảoSửa đổi

Xem thêmSửa đổi