Chiếc Y

Giới thiệu sửa

Chiếc Y Cà sa của người xuất gia đệ tử Phật là một hình tượng cao đẹp, thoát tục. Nó không chỉ đơn thuần là một chiếc Y che thân, mà là một biểu tượng thanh cao giải thoát của Phật giáo. Do vậy, Y Cà sa cũng được gọi là ‘áo giải thoát’ hay ‘phước điền y’.

Cà sa - tiếng Phạn là kasaya, Hán dịch kasaya là đạm - màu nhạt, hay còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn. Chữ kasaya không có ý nghĩa là y áo, y phục mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại, nên chiếc áo cà sa của người xuất gia đệ tử Phật mang biểu tượng cho sự giản dị và thô sơ.

Nguồn gốc sửa

Theo Luật Tạng, Tăng đoàn của Phật lúc ban đầu ăn mặc không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Theo Luật Tạng Đại Phẩm tập 2, “Vào lúc bấy giờ, các vị Tỷ kheo nhóm Lục sư mặc các y cà sa màu ngà voi chưa được cắt. Dân chúng phàn nàn, phê phán chê bai rằng: ‘Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy’. Các vị đã trình sự việc lên Đức Thế Tôn, ngài dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, không nên mặc các y chưa cắt; vị nào mặc thì phạm tội dukkata.”[1]

Đúng vào thời điểm ấy, Phật và người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà đang du hành đến Dakkhināgira thuyết giảng. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy những thửa ruộng lúa ở Magadha được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những đường biên ngắn, được kết nối bằng những mảnh vuông ở chỗ giao nhau, chia cắt bởi những con đê tăm tắp, liền bảo A-nan-đà cứ theo mẫu ấy mà may áo cho Tăng đoàn. “Này Ānanda, ngươi có khả năng tạo nên các y có kiểu mẫu như thế cho các vị Tỷ kheo không? Bạch Thế Tôn con có khả năng.”[2] Sau đó, Tôn giả A nanda đã tạo nên các mẫu y theo như lời dạy của đức Phật cho chư vị Tỷ kheo, và đã được đức Phật khen ngợi là người sáng trí, có đại trí tuệ, vì đã hiểu một cách đầy đủ những điều đã được đức Phật nói một cách vắn tắt.  “A Nan Đa là người khéo léo, ngay cả trong lĩnh vực khâu vá! Một Sa môn đủ đức hạnh là người biết tự khâu vá mảnh y của mình, không để chỉ viềng bung ra, và không bao giờ bị chỉ trích là phí phạm vật dâng cúng của các hàng thiện nam tín nữ”[3] Sở dĩ Đức Phật dạy Tôn giả A Nan lấy hình mẫu những thửa ruộng làm điều tướng của Y là vi: “Quá khứ Chư Phật đều lấy hình thức thửa ruộng làm điều tướng của Y, từ đây về sau cũng phải y như vậy lấy hình thức này làm điều tướng của Ca Sa…”.

Phân loại Y sửa

Y cà sa được may theo hình chữ nhật, chia ra làm ba loại là tiểu, trung, đại. Tiểu y gọi là y An-đà-hội (Antaravasaka) là y mặc bên trong. Y An-đà-hội chỉ có 5 mảnh nên còn gọi là y ngũ điều, cả tấm y gồm mười miếng, cứ 1 miếng dài, 1 miếng ngắn ráp lại vào nhau theo chiều dọc gọi là một điều. Luật Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu gọi đây Ngũ y (pháp y 5 điều). Khi vị ấy đắp y này thì đọc câu kệ: “Lành thay áo giải thoát, áo ruộng phước tối thượng, nay tôi kính tiếp nhận, đời đời không rời bỏ.” Trung y gọi là y Uất-đa-la-tăng (Utarasangha) là y mặc ở trên y An-đà-hội. Y này gồm 7 mảnh nên còn gọi là y thất điều, cả tấm y gồm 21 miếng, cứ 2 miếng dài thì 1 miếng ngắn ráp lại thành một điều. “Lành thay áo giải thoát, áo ruộng phước tối thượng, nay tôi kính tiếp nhận, đời đời thường khoác mặc.” Đại y gọi là y Tăng-già-lê (Sangati) là y đắp ngoài của chư tăng. Y này gồm 9 mảnh nên còn gọi là y cửu điều. Cả tấm y gồm 27 miếng, mỗi hàng hai miếng dài một miếng ngắn ráp lại gọi là một điều. Luật tạng cũng quy định, tùy theo cấp bậc và đạo hạnh mà chiếc y Tăng-già-lê có thể có từ 9 đến 25 điều. Những vị càng đạo cao đức trọng càng có tấm y Tăng-già-lê nhiều điều. Khi đắp y này thì niệm: “Lành thay áo giải thoát, áo ruộng phước tối thượng, phụng hành lịnh Như lai, hóa độ cho tất cả.”[4]

Cũng theo hệ thống Phật Giáo Bắc truyền, thì Y Ca Sa có 3 bậc: Thượng, Trung và Hạ, chia thành chín phẩm:

- Bậc Hạ: từ y 9 điều đến 13 điều. Ba y này mỗi điều có 2 khoản dài, 1 khoản ngắn.

- Bậc Trung: có y 15 điều đến 19 điều. Ba y này mỗi điều có 3 khoản dài, 1 khoản ngắn

- Bậc Thượng: từ 21 điều đến 25 điều.

Ba y này, mỗi điều có 4 khoản dài, 1 khoản ngắn. Dài nhiều ngắn ít, ý nói thêm Thánh bớt phàm. Y 25 điều tức là Y Bá nạp, vì trong 4 khoản dài, 1 khoản ngắn, tính ra có trên 100 miếng vải nhỏ nối ráp lại, nên cũng gọi Pháp y nầy là y Bá nạp cũng được.[5]

Màu sắc sửa

Màu sắc của chiếc y cà sa không nhuộm hẳn bằng một màu nào cả, tránh không dùng năm màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng và đen, vì vậy, chiếc y cà sa được pha trộn nhiều màu để tạo ra một màu sắc thật giản dị, đúng theo ý nghĩa nguyên thủy của chữ kāsāya trong tiếng Phạn. Áo gồm nhiều mảnh, có thể mỗi mảnh một màu, vì đó là những mảnh vải nhặt được và khâu nối với nhau. Ngày nay tùy theo truyền thống của từng pháp phái, địa phương, phong tục, khí hậu… mà chiếc áo cà-sa cũng phần nào có sự cải biến, từ cách may cho đền màu sắc. Ở Ấn Độ và các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy nhuộm y nâu, nâu đỏ; ở Việt Nam, Trung Quốc y cà sa nhuộm các màu vàng; ở Hàn Quốc y cà sa nhuộm màu lam; ở Nhật Bản y cà sa nhuộm màu đen hay nâu đen (màu trà); ở Tây Tạng, y cà sa nhuộm màu nâu đỏ… Nói chung có ba màu chính gọi là như pháp cà sa sắc tam chủng (ba màu sắc của áo cà sa theo phép quy định) gồm màu gần như đen (màu thâm, màu bùn đất), màu gần như xanh (màu rỉ đồng) và màu gần như đỏ (màu hoa quả).

Áo Ca Sa còn gọi là Y hay là Giải thoát phục, trong Thích Thị Yếu Lãm ghi rằng: “Áo Cà Sa do nơi màu sắc mà được gọi tên như vậy, tiếng Phạm gọi đủ là Ca-La-Sa-Duệ. Xứ này gọi là không chánh sắc”. Trong Tứ Phần Luật dạy: “Tất cả các màu thuộc chánh sắc đều không được dùng làm màu của áo Ca Sa, màu của áo Ca Sa dược dùng là màu hoại sắc…”. Trong Nghiệp Sớ ghi: “Màu của Ca Sa được định vào thời Lương Võ Đế, dùng màu đỏ thêm vào mực đen cho ngã sắc thành nâu, đây là màu hoại sắc của Đạo phục Tăng Ni.”.

Tên gọi sửa

Chiếc y cà sa là biểu tượng cho đạo Phật, cho sự mầu nhiệm của Phật pháp, chính vì vậy, cũng được gắn cho rất nhiều tên gọi cũng như các công dụng khác nhau, mặc dù ban đầu, chiếc y cà sa chỉ được dùng để che thân, làm chăn đắp hay dùng để ngồi. Theo sách Phật chế Tỳ Kheo Lục Vật Đồ thì y cà sa có 12 tên gọi là: 1.Cà sa; 2.Đạo phục (áo của người tu hành theo đạo Phật); 3. Thế phục (áo của người xa rời thế tục); 4. Pháp y (áo theo đúng pháp quy định); 5. Ly trần phục (áo của người thoát tục); 6.Tiêu sầu phục (áo có khả năng tiễu trừ phiền não); 7. Liên hoa phục (áo như hoa sen không nhiễm bùn); 8. Gián sắc phục (áo không dùng năm màu chính để nhuộm); 9. Từ bi phục (áo của người thực hành đức từ bi); 10. Điền tướng y (áo theo hình thửa ruộng); 11. Ngọa cụ (dụng cụ để ngồi); 12. Phu cụ (dụng cụ dùng để đắp).

Ý nghĩa, công dụng sửa

Chiếc y cà sa là biểu tượng cho đạo Phật, cho sự mầu nhiệm của Phật pháp, chính vì vậy, cũng được gắn cho rất nhiều tên gọi cũng như các công dụng khác nhau, mặc dù ban đầu, chiếc y cà sa chỉ được dùng để che thân, làm chăn đắp hay dùng để ngồi. Theo sách Phật chế Tỳ Kheo Lục Vật Đồ thì y cà sa có 12 tên gọi là: 1.Cà sa; 2.Đạo phục (áo của người tu hành theo đạo Phật); 3. Thế phục (áo của người xa rời thế tục); 4. Pháp y (áo theo đúng pháp quy định); 5. Ly trần phục (áo của người thoát tục); 6.Tiêu sầu phục (áo có khả năng tiễu trừ phiền não); 7. Liên hoa phục (áo như hoa sen không nhiễm bùn); 8. Gián sắc phục (áo không dùng năm màu chính để nhuộm); 9. Từ bi phục (áo của người thực hành đức từ bi); 10. Điền tướng y (áo theo hình thửa ruộng); 11. Ngọa cụ (dụng cụ để ngồi); 12. Phu cụ (dụng cụ dùng để đắp).

Công dụng của chiếc áo cà-sa thiết thực như thế, nhưng dần dần người ta gán thêm cho nó nhiều đức tính khác nữa. Kinh Bi hoa kể chuyện áo Cà-sa ngũ đức và kể các đức ấy ra như sau: 1. Người thế tục nếu biết kính trọng cà-sa sẽ tiếp nhận được Tam Thừa (tức Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa), 2. Thiên long nhân quỷ nếu biết kính cà-sa cũng đắc Tam thừa, 3. Quỷ thần và chúng sinh chỉ cần bốn tấc vải của chiếc áo cà-sa cũng được no đủ, 4. Chúng sinh hằng tâm niệm về chiếc áo cà-sa sẽ phát sinh được lòng Từ bi, 5. Giữa nơi trận mạc, nếu có được một mảnh nhỏ áo cà-sa và biết cung kính mảnh áo ấy cũng thắng trận.

Trong kinh Tâm Địa Quán thì nêu lên 10 lợi ích của chiếc y cà sa, đó là: Che thân khỏi thẹn ngượng; tránh ruồi muỗi, nóng rét; biểu thị các tướng của sa môn; sinh phúc cõi phạm thiên; nảy sinh bảo tháp tướng diệt mọi tội; màu không rực rỡ không làm nảy sinh lòng ham muốn; vĩnh viễn đoạn trừ phiền não; tiêu trừ tội lỗi, nảy sinh điều thiện; như nơi đất tốt có thể làm nảy sinh lòng bồ đề; như giáp trụ, mũi tên độc phiền não không làm hại được. Hay như trong kinh Bi hoa, nêu lên 5 đức của y cà sa là: Trong tứ chúng, những điều sai trái nặng nề mà biết một lời tâm niệm kính trọng cà sa thì liền được thụ ký tam thừa; thiên long nhân quỷ nếu cung kính cà sa thì cũng được đắc tam thừa; quỷ thần cũng như mọi người nếu có được một phần nhỏ của chiếc cà sa cũng sẽ được ăn uống no đủ; chúng sinh mắc điều sai trái mà tâm niệm cà sa thì cũng sẽ nảy sinh lòng từ bi; giữa nơi chiến trận, có được mảnh nhỏ cà sa, cung kính tôn trọng vật báu đó thì luôn được chiến thắng. Truyện tích Cây Nêu ngày tết cũng nhờ chiếc y cà sa của Phật mà xua đuổi loài quỷ ra biển khơi, dành đất đai lại cho con người sinh sống an ổn.

Chiếc y cà sa, chiếc áo giải thoát đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cao quý được cung kính tôn trọng trong tất cả mọi người con Phật. Vẫn biết rằng ‘chiếc áo không làm nên người tu sĩ, nhưng người tu sĩ không thể không có chiếc áo’. Chiếc áo Cà sa gắn liền với đời sống của người xuất gia, vị hành gia nguyện ra khỏi ngôi nhà thế tục, ngôi nhà phiền não và ngôi nhà ba cõi bằng sự nỗ lực tin tấn cày xới mảnh vườn tâm như ý tưởng phước điền y mà Thế Tôn đã dạy. Mặc khác y còn có nghĩa là ‘áo giải thoát’, nên hành giả tinh tấn tu hành đoạn trừ vô minh, phiền não, nuôi lớn mầm tuệ giác, để chứng đắc thánh quả giải thoát, và để hun đúc chí Bồ đề, thiết lập đại nguyện hoằng pháp lợi sanh.

Chú thích sửa

[1] Tạng Luật Đại Phẩm, tập 2, Buddhist Cultural centre, Nedimala, Dehiwala-Srilanka, 2009, trang. 190.

[2] Ibid, trang. 190.

[3] Theo Mahàvagga 8,12, Đại Phẩm Tạng Luật 8, 12

[4] Xem Sa Di Giới và Sa Di Ni Giới, Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải.

[5] Theo sách Tỳ Ni Hương Nhũ của Kiến Nguyệt Lão Hòa Thượng, Tỳ kheo Thích Thiện Chơn dịch.