Thành viên:Alphama/Lời nguyền Wikipedia

Bài này cho phép mọi thành viên chỉnh sửa và đóng góp nếu muốn. Lưu ý bài viết có tính tiêu cực, hãy nhớ Wikipedia luôn luôn có những điều tốt đẹp song hành.

Khuyến cáo cho người đọc bài viết này: nếu bạn đọc không kỹ hoặc chưa hiểu được rõ tinh thần của bài viết. Chỉ cần đọc dòng màu vàng duy nhất và cái hình 2 em bé là được. Nội dung khuyến cáo này là do có quá nhiều bạn đọc đã hiểu sai hoặc chú ý các phần khác quá mức mà quên mất cái trọng điểm nhất mà bài viết mang lại. Một cuốn sách không nên nhìn bìa, đọc vài trang đầu mà vội vàng đưa ra quan điểm đánh giá.

Vui lòng không áp dụng thiên kiến xác nhận trong khi đọc bài viết. Nếu bạn áp dụng, nội dung bài viết có thể sẽ khiến bạn tẩu hỏa nhập ma mà khó có thể cứu chữa.

Nếu bạn cảm thấy bản thân nằm ở đâu đó ở trong bài viết và cho rằng bài viết ám chỉ đến mình, hãy xem chú thích số 1.

Phù thủy của Endor do Nikolai Ge thực hiện, miêu tả Vua Sauul chạm trán với hồn ma của Samuel (1857)

Ở Wikipedia có một lời nguyền cực kỳ đáng sợ, nếu bạn nào đang gặp phải một trong các vấn đề giống dưới đây thì nên tạm nghỉ Wikipedia một thời gian và cân bằng cuộc sống.[1] Nội dung bài này chỉ mang tính tham khảo, ở không gian cá nhân và có liên quan đến Wikipedia ở việc nghiên cứu tính cách thành viên.

Lời nguyền Wikipedia

Tôi gọi những điều sau là LỜI NGUYỀN WIKIPEDIA:

Cau có, khó chịu với sửa đổi chưa đúng của người khác

Nếu tham gia Wikipedia đủ lâu thì bạn đã hiểu nhiều quy định ở Wikipedia, khi đó bạn đã bắt đầu thích Wikipedia và muốn đóng góp nhiều hơn. Tuy nhiên, đôi khi bạn thấy thành viên mới đóng góp chưa đúng, lúc đầu bạn có xu hướng chỉ bảo nhẹ nhàng nhưng do quá nhiều thành viên làm sai như vậy, bạn bắt đầu rơi vào trạng thái bực tức, khó chịu với những thành viên mới đến sau. Bạn luôn nghĩ theo kiểu bọn này "@#@$@$@$" thế nhỉ và đến lúc bạn cắn người mới đến không hay? Bạn phải chấp nhận rằng thế giới chúng ta vốn không hoàn hảo, do đó Wikipedia cũng vậy. Nếu bạn theo chủ nghĩa cầu toàn tuyệt đối, Wikipedia không phải là nơi dành cho bạn.

Nhấn F5 (refresh) hoặc nút tự động theo dõi để theo dõi liên tục trang Thay đổi gần đây

Rất nhiều thành viên ở Wikipedia nghiện trang này, nghiện tới mức chỉ muốn nhìn chăm chú nó như đang xem tivi vậy. Bạn luôn đi ám ảnh phải theo dõi rối, theo dõi ai đó, theo dõi những gì mới nhất, lót dép, hóng chuyện nếu có để thỏa mãn thú vui bản thân mà ít khi đóng góp bài hay làm điều đó hữu ích hơn. Đây là 1 dạng ám ảnh, ai là bác sĩ tâm lý xin nêu chuẩn tên bệnh. Lâu dần não trạng của các bạn thay đổi, bạn cảm thấy chán nản, lạc lõng nếu không có gì mới, không có gì thay đổi, không có gì hay ở Wikipedia.

Không bao giờ hoặc cực kỳ ít giao tiếp, phớt lờ, chủ nghĩa đếch quan tâm

 
Lửng mật, một Chí Phèo đích thực của thế giới động vật, thể hiện sự đếch quan tâm.

Do bạn đóng góp ở Wikipedia cho nên việc phải giao tiếp với thành viên khác là điều dễ hiểu. Bạn có thể không thích giao tiếp để tập trung hơn vào nội dung mình đóng cho tốt hơn và cũng tránh mất thời giao tiếp. Tuy nhiên, có những típ thành viên chả bao giờ giao tiếp mặc dù họ có những chỉnh sửa chưa đúng, sai quy cách văn phong Wikipedia hay chỉ đơn giản là hỏi thăm xã giao nhau. Không giao tiếp cũng thường đi kèm với việc hay bực bội khi bị ai đó chê bai, hay ghét ai đó nhắn tin cho mình, tham gia sửa đổi bài mình đang viết. Típ này cũng có thể cực kỳ ghét những người nói nhiều và bám dai như đỉa đói.

Nói quá nhiều, nói quá thừa, nói bất kể mọi chỗ

Ngược lại với thành viên ít giao tiếp, những típ thành viên này cực kỳ nói nhiều và mỗi bình luận thường rất dài. Họ có sở thích phải nói cho đến khi người đối thoại không trả lời nữa để thỏa mãn cái tôi, họ đúng, người khác sai hay chỉ thích chứng minh quan điểm. Thể hiện khi đã nói thì không có ai nói lại. Những thành viên ít khi là người dừng trước trong các tranh cãi, đối với họ nói càng dài càng màu mè hoa lá cành mới là điều tốt. Theo họ, những người ít nói hoặc nói ít là những người khô khan, kém cỏi, thụ động và họ thường rất hay chỉ trích những người này.

Nhạy cảm quá mức

Những người thuộc típ này cũng mệt mỏi không kém. Chỉ cần lời nói, câu nói hơi tý xúc phạm hay bị nhắc nhở là họ hay bắt bẻ hay suy nghĩ, giữ trong lòng, để bụng lâu hàng thiên niên kỷ. Họ hiếm khi quên chuyện ai từng nói xấu mình, nhớ kỹ từng chi tiết nhỏ không thể nhỏ hơn. --

Chủ nghĩa cực đoan

Thể loại này rơi vào các thành viên bị cấm khá nhiều. Họ là những người có tư tưởng cực đoan, yêu và ghét một cái gì đó ở mức độ cực đoan. Họ sẵn sàng bỏ thời gian công sức toàn bộ "tuổi thanh xuân" và cả "cuộc đời" để chứng minh cái mình ghét/yêu là đúng/sai. Hễ thấy ai chống mình là theo tới cùng.

Chứng bắt bẻ câu chữ

Vì Wikipedia là dự án đóng góp nội dung, cho nên chúng ta giao tiếp với nhau thông qua nội dung viết (đánh máy) ra là chủ yếu. Do đó, sự khác biệt về văn phong và cách dùng từ là không thể tránh khỏi. Thay vì đọc nội dung với mục đích hiểu ý của nhau, nhiều thành viên hay có xu hướng "soi chữ, soi câu, soi từ, soi dấu câu,..." để bắt bẻ. Điều đó khiến cuộc thảo luận trở nên căng thẳng không cần thiết, hoặc là bị ngắt quãng, khiến các bên tham gia không thoải mái, cuộc thảo luận có thể không đạt được đồng thuận hoặc là đồng thuận ở dạng miễn cưỡng.

Chứng tự kỷ

Nhiều người mắc bệnh này ở người lớn mà không hay, chứng tự kỷ này đôi khi là sự kết hợp của các điều trên và các nguyên nhân khác gây nên. Việc xác định chứng tự kỷ cũng không hề dễ dàng, đôi khi chỉ có thể kiểm nghiệm khi bệnh đã phát sinh nặng. Các bạn có thể xem thêm ở Các dấu hiệu bệnh tự kỷ ở người lớn.

Tranh cãi để bảo vệ quan điểm quá quyết liệt

Một số thành viên đôi khi tỏ ra quá quyết liệt khi tranh luận một chủ đề nào đó. Tuy nhiên, Wikipedia là cộng đồng đa dạng nên sự khác biệt là điều tất yếu. Khi có tranh cãi, hãy bình tĩnh nêu các luận điểm của mình, nếu đối phương không nghe theo quan điểm của bạn. Hãy bình tĩnh lần 2, lần 3,... lần n để nêu quan điểm của mình với sự giãn cách thời gian hợp lý. Wikipedia không phải cuộc chơi dễ dàng của những người nóng tính và không am hiểu gì về nghệ thuật tranh cãi.

Ví dụ sự giãn cách giữa các lần tranh cãi. Trong thời gian đợi thì phớt lờ tranh cãi bằng cách "Cách thoát khỏi lời nguyền" ở dưới:

  • Tranh cãi lần 1: nếu không đạt được đồng thuận thì đợi ~24h
  • Tranh cãi lần 2: nếu không đạt được đồng thuận thì đợi ~24h
  • Tranh cãi lần 3: nếu không đạt được đồng thuận thì đợi ~2 ngày
  • Tranh cãi lần 4: nếu không đạt được đồng thuận thì đợi ~2 ngày
  • Tranh cãi lần 5: nếu không đạt được đồng thuận thì đợi ~3 ngày, tăng dần thời gian nhưng lưu ý không nên để quá lâu hơn 5 ngày.
  • ...
  • Nhiều quản trị viên (ở viwiki và nhiều dự án khác) đều áp dụng một nguyên tắc tương tự theo ví dụ này.[2]

Tiếp theo sử dụng 1 số phương pháp:

  • Thuyết phục người khác bằng cách đưa ra bức tranh toàn cảnh. Phương pháp này của Blaise Pascal, triết gia người Pháp.
  • Hãy gợi ý thay vì ra lệnh. Hãy gợi ý đối phương thực hiện điều gì đó, điều này làm cho đối phương không cảm thấy áp lực khi tham gia tranh cãi.
  • Hạ mình để giảm căng thẳng. Hạ mình không phải có ý là "bạn thua" mà chỉ có ý bạn vì Wikipedia để nhanh chóng tìm đồng thuận và giảm mức độ cuộc tranh cãi căng thẳng. Xem thêm: Wikipedia:Làm sao để thua

Khi đối phương đã dần hiểu quan điểm của bạn, cũng như bạn đã dần hiểu quan điểm của đối phương và theo thời gian mức độ căng thẳng giảm xuống thì nhảy vào chốt và tìm đồng thuận.

Nếu bạn tranh cãi liên tục mà không có thời gian chờ (nghỉ) giữa các lần tranh cãi thì bạn mau chóng sẽ bị "quá tải" dẫn đến những hành động nóng tính nhất thời như văng tục, đòi nghỉ Wikipedia, và phạm sai lầm không đáng có và rất nhiều thành viên đều bị sa vào con đường này. Trong các vụ kiện tụng luật pháp dân sự, hình sự và tầm quốc gia, quốc tế cũng có nhiều trường hợp tương tự.

Soi sửa đổi của người khác quá mức

Wikipedia là một bách khoa toàn thư mở vì vậy việc kiểm soát chéo sửa đổi nội dung của các thành viên là chuyện rất bình thường trong công tác chống phá hoại, tuần tra nội dung. Tuy nhiên, nếu soi mói quá mức sửa đổi của 1 vài thành viên trong thời gian dài thì có thể xem bạn bị lời nguyền Wikipedia. Bạn ám ảnh phải theo dõi bất cứ sửa đổi của một thành viên nào đó, bất kể chủ đề người đó tham gia có chán đến đâu. Nếu người này không online thì bạn luôn "bồn chồn" và refresh theo dõi khi nào người đó online. Một số thành viên có xu hướng bắt lỗi người khác dù nó rất nhỏ nhặt. Lưu ý cần phân biệt việc bắt lỗi với việc nhắc nhở các thành viên không tuân thủ các quy định của Wikipedia. Đây có thể là dạng của RỐI LOẠN NHÂN CÁCH ÁM ẢNH NGHI THỨC (OCPD, xem thêm DSM-5), bệnh nhân phải có một hình thái dai dẳng bận tâm về trật tự, chủ nghĩa hoàn hảo, và kiểm soát bản thân, những người khác và những tình huống.

Có ý định trả thù

Lưu ý: theo dõi con rối/theo dõi các sửa đổi phá hoại hay những việc tương tự thì không tính là dính phải lời nguyền này. Lời nguyền này và "Soi sửa đổi của người khác quá mức" có tính bổ trợ cho nhau.

Trong quá trình tham gia Wikipedia, bạn buộc phải va chạm với các thành viên khác và đôi khi thật khó chịu khi ai đó sửa đổi không theo ý mình, liên tục nhắc nhở cách thức mình tham gia Wikipedia dựa trên các quy định/đồng thuận của Wikipedia, trêu chọc sửa đổi của mình chỉ vì khác quan điểm đóng góp, cố tình gây rối bạn vì lý do nào đó. Một con người nói chung đều có cái tôi rất lớn, việc bị chỉ ra điểm sai của bản thân thì sẽ rất ít khi chịu nhìn nhận lỗi sai, thay vào đó sẽ vin vào các lý do chủ quan lẫn khách quan để bao biện cái sai của mình. Do đó, bạn sẽ có xu hướng phải trả thù bằng được những cá nhân, nhóm người đã "chơi" bạn cho dù mục đích của những người này là thiện chí đi chăng nữa.

Những dấu hiệu sau cho thấy bạn đang dính lời nguyền này:

  • Điều đầu tiên khi bạn vào Wikipedia để bắt đầu chỉnh sửa là nghĩ tới tên người bạn muốn trả thù. Mỗi khi nhớ đến Wikipedia là bạn nhớ tên người này hay cực đoan hơn nữa là phần đời còn lại của bạn chỉ nghĩ đến tên người này. :(
  • Cố tình gây khó dễ cho đối phương mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi không gian trong Wikipedia. Bạn hay lờn vờn và lòng vòng ở các không gian mà đối phương đóng góp để gây khó dễ hay đơn giản chỉ là sự quấy rối.
  • Liên tục theo dõi kỹ lưỡng và chi tiết từng sửa đổi, hành động của đối phương và đối chiếu cẩn thận với từng quy định của Wikipedia để xem người này có vi phạm quy định Wikipedia không. Nếu người này vi phạm, bạn âm thầm ghi chép để tạo danh sách chồng chất hoặc ngay lập tức báo cáo với các quản trị viên để trả thù cho bằng được.
  • Bạn liên tục tìm kiếm thông tin cá nhân, đời tư của thành viên bên ngoài và coi đó là một sự sung sướng, vui mừng tột độ hay một sự thích thú và coi đó dạng như một sự kiện con người lần đầu tiên đặt chân xuống Mặt Trăng. Trái lại, những người không dính lời nguyền này không có hứng thú việc này hoặc thậm chí bạn có tự tiết lộ thông tin của mình thì người ta cũng không thèm quan tâm.
  • Bạn chăm chú theo dõi thói quen, hành vi của thành viên ở Wikipedia quá mức. Bạn bị ám ảnh cực độ về cái tên của thành viên bằng cách suy nghĩ ra những cái tên từ cái tên đó, bắt chước phong cách hành vi/lời nói/chữ ký của thành viên để nhại lại với hàm ý trả thù. Bạn liên tục nói những cụm từ bóng gió, châm chọc đối phương ở nhiều không gian và không nhằm mục đích phát triển Wikipedia.
  • Bạn liên tục tạo ra những tài khoản, nhóm mạng xã hội với hàm ý chửi rủa đối phương mặc dù Wikipedia chỉ là một dự án tự nguyện.
  • Bạn ít quan tâm sự phát triển của Wikipedia hay xem nhẹ sự vi phạm Wikipedia đến từ các cá nhân khác, thay vào đó bạn có thể làm mọi cách chỉ để trả thù và coi sự vi phạm quy định của đối phương là rất nghiêm trọng.
  • Vì trả thù, bạn có cảm giác bị đối phương trói chặt chân ở Wikipedia mà không thể dứt ra khỏi dự án. :( Cũng là cách cực đoan nhưng hiệu quả nhất để giữ chặt nhân sự chủ chốt giúp Wikipedia duy trì và phát triển. Mở rộng ra thì ý này có liên quan đến Tả Luân Nhãn.
  • Bạn dành phần lớn toàn bộ thời gian của mình để làm những việc trên.

Sự trống rỗng & tuyệt vọng trong bạn

Khi đã mắc phải những điều trên, vào Wikipedia không còn là niềm vui với bạn nữa: trong đầu bạn chỉ có mệt mỏi, căm thù, gây rối, phá hoại, hoặc gì đó nhỏ lẻ tinh vi (và có thể là vớ vẩn) hơn. Bạn cố sống cố chết làm bằng được cái gì đó, thất bại, làm tiếp, lại thất bại, làm việc khác, rồi tiếp tục thất bại. Nếu không tự tìm được đường thoát, rất có thể bạn sẽ kẹt trong một cái hang dài, rẽ nhánh như rễ cây, nhưng mỗi đầu, sau khi phân nhỏ, lại nối vào chính nó, không hề có lối ra. Cách giải quyết đôi khi rất đơn giản, nhưng điều đầu tiên cần làm là tự biết bỏ qua chấp niệm và thôi bảo thủ.

Có thể bạn cảm thấy căm ghét ai đó vì họ làm điều gì "không đúng" với bạn, ám ảnh một người vì người đó làm bạn khó chịu đến cực cùng, dù nguồn gốc của cảm xúc bạn cũng không tìm được đến ngọn ngành. Những gì bạn làm, những gì bạn nói, liệu có ý nghĩa gì không? Đừng vội nói có, và cũng đừng có cố bắt bẻ chính mình hay nội dung trang này: dĩ nhiên, nội dung trang tồn tại tức là có người viết, nhưng tự phản bác trong đầu hay tìm đến tác giả để chất vấn không phải là cách, bởi "chúng tôi" không thích (và không phải người sống để mà) cãi nhau đâu; cứ đọc đi đã.

Ai cũng tự thấy mình đúng cả thôi, bởi nếu không thì tâm lý bạn sẽ tự mâu thuẫn, rồi dần dần dẫn đến việc không thể tự tin làm bất kỳ điều gì, nghĩa đen đấy, tức là ngồi co ro một chỗ đến khi chết, vì không dám ăn, cũng không dám uống – nhưng đến chuyện này cũng không thể xảy ra. Thiên kiến tự đề cao có hàng vạn năm tiến hoá, cùng với bộ não, từ khi tổ tiên bạn dùng răng xé thịt sống cho đến ngày bạn cầm smartphone hay ôm máy tính đọc bài này, giúp từng thế hệ vượt qua cảnh đóng băng và bị thú săn mồi xé xác để trở thành người, thực người. Hiển nhiên, nó mạnh gấp hàng ngàn lần bạn tưởng, và không bao giờ bạn đủ khiêm tốn để áp chế nó hoàn toàn (nếu được thì sẽ chết như trên); tự cho rằng mình không tự cao không có nghĩa bạn không có thiên kiến này đâu, vẫn có đấy. Có tỏ ra lạnh lùng, soái ca, cô đơn, lãnh hàn, thông minh, trác việt, tuyệt đỉnh IQ đến mấy thì bạn vẫn là con người thôi, bạn ạ, và vì thế, đừng. Bên ngoài lạnh lùng, bên trong cuồng nhiệt? Ngoại diện hàn băng, nội tâm viêm hoả? Không, không có đâu. Người ta chẳng mấy khi để ý đến bạn, cũng như bạn chẳng mấy khi thực sự để ý đến họ. Vấn đề của bạn là: bạn cần bớt tự tin tưởng vào chính mình, vừa đủ để không quá tự ti, và vừa đủ để không bị lạm dụng chính niềm tin đó mà trở nên bảo thủ. Quay lại câu cuối đoạn trên: mấy dòng này nghe có vẻ như được trích ra từ cuốn self-help dở hơi nào đó, nhưng không đâu, hoặc ít nhất thì người viết cũng không mấy khi đọc loại sách đó để mà biết các tác giả thực thụ nói gì rồi chép lại vào.

Bạn cũng không thể cắt bỏ cảm xúc: cảm xúc là một phần của con người, và khi bạn mất nó rồi, thì bạn sẽ thành Elliot, hay nói cách khác là không thể lựa chọn vì không còn liên kết cảm xúc với bất kỳ thứ gì. Cảm xúc của bạn vẫn là của bạn, bất kể bạn có đổ lỗi cho cả ngàn tác nhân đi nữa. Có thể là chúng đã tác động mạnh lên tâm lý bạn, nhưng không, không hẳn. Tuỳ vào trường hợp, bạn vẫn có thể tự đứng dậy (tưởng tượng cảnh mình đang đứng đi), miễn là đủ ý chí. Thù ghét và căm hờn sẽ đẩy bạn vào một con đường vừa hẹp, vừa dài, vừa tối như ngõ ở phố cổ Hà Nội, nên bạn cần phải tự nhận thức được khi nào mình đi vào quá sâu, hoặc tốt hơn là khi mới chạm mũi giày. Cũng phải nói thêm rằng, cuối con đường đó thường là lối rẽ vòng lại về chính nó, chứ không phải mấy căn nhà xập xệ, âm u, kín cửa sổ, thấp nền, đầy chuột gián và không quá 4 mét vuông, nếu bạn hiểu nghĩa của câu này. Thôi khỏi, ý nghĩa là đây: bạn không bị vướng vào cái xó đấy, mà vẫn có thể đi ngược trở ra mỗi lần chuẩn bị đi vào lại vòng lặp. Hãy một lần thử áp dụng thuyết đếch quan tâm. Nếu bạn đếch quan tâm đến thời gian đã đổ vào (con đường hẹp) thế giới quan ẩm thấp (mấy căn hộ cũ) của bạn, thì nó sẽ tự nhiên sáng ra. Đừng cố bám chặt lấy cảm xúc đó, dù thả ra có vẻ khó khăn.

Cái tôi to như dải Ngân Hà

Học Văn giỏi chưa chắc viết Wikipedia giỏi

Đơn giản vì cách viết văn và cách viết trung lập của Wikipedia là khác nhau.

Hội chứng sùng bái thành viên nổi bật

Lấy cảm hứng từ "hội chứng sùng bái người nổi tiếng", có liên quan đến hiệu ứng hào quang.

Cách thoát khỏi lời nguyền

Những lời nguyền trên đều có thể ứng với bất kỳ ai một cách đáng sợ. Các phương pháp tránh lời nguyền xếp theo thứ tự ưu tiên:

  1. Đi làm việc để kiếm tiền (cách thiết thực nhất)
  2. Tập trung học tập để có tương lai tốt đẹp hơn (cách đầu tư hiệu quả nhất, đặc biệt là với các bạn trẻ)
  3. Dọn dẹp nhà cửa, đi chơi, nấu nướng, dành nhiều thời gian hơn với thành viên trong gia đình hoặc là người yêu (gia đình là tất cả)
  4. Đọc một cuốn sách cho tâm hồn thư thái (tinh thần là quan trọng nhất)
  5. Chơi thể thao (sức khỏe là quan trọng nhất)
  6. Ngủ một giấc (lấy lại sức khỏe cho bản thân)
  7. Thỉnh cầu Bảo quản viên cấm vô hạn (thường sẽ bị từ chối do sai nguyên tắc, có thể spam quảng cáo, hoặc spam tóm lược sửa đổi để bị cấm, hết hạn quay lại spam tiếp, sau vài lần như vậy sẽ được mức vô hạn như ý muốn. Nhớ khai hết tài khoản phụ để cấm luôn 1 lần, đỡ lưu luyến.)
  8. Gỡ địa chỉ email khỏi tài khoản, sau đó đổi mật khẩu thật phức tạp và đăng xuất ngay để không thể phục hồi mật khẩu.
  9. Trà đá, cà phê vỉa hè và tám chuyện với bạn bè (cách tiêu hao thời gian lãng phí nhất)
  10. Đi mua sắm (cách tiêu nhiều tiền nhất)
  11. Đi nhậu, tham gia tiệc tùng (cách ăn chơi nhất)
  12. Lướt Tik tok (cách này có thể mất tương đối thời gian và vô bổ)
  13. Luyện phim bộ nhiều tập (có thể ảnh hưởng sức khỏe nếu bạn coi phim quá độ)
  14. Thực hiện các hoạt động online khác như xem phim, chơi game,... thay vì vào Wikipedia (cách tránh vào Wikipedia tệ nhất vì kiểu gì bạn cũng mò vào lại mà)
  15. Đập nát máy tính (cách khá cực đoan vì bạn có thể phải mua lại máy tính)

Tinh thần của bài viết

Chỉ có cách cân bằng cuộc sống, tự làm bản thân lạc quan và vui vẻ thì bạn mới có thể tham gia Wikipedia lâu dài mà không dính các lời nguyền trên.

 
Giá trị đích thực của hạnh phúc đôi khi là điều rất bình thường.

Những thành viên không bao giờ có thể thoát khỏi lời nguyền

Lời nguyền này sẽ ám vĩnh viễn những thành viên có biểu hiện như sau:

  1. Liên tục quay trở lại Wikipedia mặc dù bị cấm (nhiều lần) trong nhiều năm.
  2. Liên tục treo biển nghỉ Wikipedia hoặc tuyên bố nghỉ nhiều lần nhưng rốt cuộc vẫn quay đầu trở lại Wikipedia hoặc vẫn âm thầm theo dõi Wikipedia.
  3. Liên tục đòi về hưu hoặc nghỉ hưu.
  4. Liên tục quay trở lại Wikipedia mặc dù bỏ Wikipedia nhiều lần (ngắt quãng thời gian) trong nhiều năm.
  5. Liên tục quay trở lại Wikipedia với nhiều nick khác nhau (cho dù không bị cấm hay vi phạm quy định), mỗi lần là nick mới. Thậm chí có trường hợp số lượng sửa đổi ở nick mới không kém gì nick cũ.
  6. Khả năng cao sẽ khó có thể nghỉ Wikipedia khi liên tục tuyên bố rộng rãi sẽ nghỉ Wikipedia hoặc liên tục giận dỗi đòi nghỉ Wikipedia.

Khi nào thành viên "quy tiên" thì lời nguyền này sẽ chấm dứt, việc này thì tùy theo vận mệnh của mỗi người. Theo cách lý giải của tâm lý học, đây cũng là dạng cực đoan, tức là "nghiện" Wikipedia không thể nào bỏ được. Trong nhà Phật, đây gọi là "tham", cái gọi ứng với ở đây là "tham Wikipedia". Theo cách lý giải khác, đây là "duyên" không thể dứt được.

Những thành viên có thể thoát khỏi lời nguyền

Một số thành viên có thể thoát khỏi lời nguyền bằng một trong các cách:

  • Ngừng đóng góp đột ngột không để lại bất cứ tin nhắn, lời tạm biệt hay câu nói nào. Xin ngả mũ trước Lê Thy, một người anh vì có những đóng góp và định hướng đúng đắn cho dự án. Câu nói của anh [1] sau 8 năm vẫn như cũ.
  • Wikipedia là dòng chảy thế hệ và ngày càng được trẻ hóa. Khoảng cách thế hệ xảy ra khi một thành viên nhận ra rằng mình và thế hệ nối tiếp dần có khoảng cách và khó có thể có tiếng nói chung trong việc phát triển dự án. Những thành viên cùng thế hệ đã giảm dần hoặc đã nghỉ là động lực khiến thành viên rời bỏ Wikipedia. Bạn không thể nào bảo 1 thiếu niên 15t phải cư xử điềm đạm như 1 ông lão 60 và ngược lại, không thể nào bảo ông lão lại có sự sáng tạo và nhanh nhậy như thiếu niên kia.
  • Ngược dòng với đám đông: Khi suy nghĩ của bạn trái ngược với phần lớn thành viên Wikipedia hoặc luôn "bị một nhóm lợi ích vây và đánh phá liên tục" vì lý do nào đó thì bạn có xu hướng cảm thấy cô độc, không có tiếng nói. Kèm theo việc bỏ mặc không được bảo vệ từ cộng đồng và các quản trị viên, việc bạn rời bỏ Wikipedia chỉ là sớm hay muộn. Nghe đồn Mekong Bluesman, một thành viên nổi tiếng bị 1 đám trí thức trẻ, có trình độ vây khiến người này rời bỏ Wikipedia?
  • Đến với Wikipedia chỉ vì lợi ích cá nhân: Nếu đến Wikipedia chỉ để quảng cáo bản thân, viết bài về công ty của mình,... hay tham dự 1 cuộc thi kiếm tiền thì khi xong việc, bạn sẽ nhanh chóng rời Wikipedia.
  • Thất cử ở các biểu quyết của bản thân để đề bạt vị trí quản trị viên hoặc bị cộng đồng bất tín nhiệm vị trí quản trị viên: Khi bạn thất cử hoặc bị bất nhiệm, bạn có thể sẽ cảm thấy không còn gì để lưu luyến ở đây vì cộng đồng đã không ủng hộ mình và có thể sẽ rời Wikipedia.

Lý do của 1 BQV khi thoát khỏi lời nguyền

Thật khó lòng nói lời chia tay với cộng đồng mà tôi đã coi bản thân mình là một phần trong đó suốt 7 năm qua. Suốt khoảng thời gian đóng góp cho Wikipedia, tôi đã phát triển vượt bậc trong vai trò biên tập viên, đã thêm thắt nhiều nội dung lớn nhỏ bằng nhiều hình thức khác nhau vào vô số bài viết, đã tham gia vào không biết bao nhiêu cuộc thảo luận. Tuy nhiên, trong năm qua tôi đã nghiệm ra rằng tôi đã đạt đến giới hạn khả năng mà tôi có thể làm trọn ở cộng đồng Wikipedia, và sự kiên nhẫn của tôi trong việc giao tiếp với những thành viên khác ở cộng đồng này cũng đến giới hạn. Do đó, tôi cảm thấy rằng đã đến lúc mình phải rời đi.

Dù tôi vẫn tin rằng nhiệm vụ của Wikipedia là tích luỹ tri thức nhân loại. Tôi e sợ rằng dự án này có thể thất bại bởi vì cộng đồng sẽ, theo thời gian, tự huỷ hoại chính nó dựa theo những điều mà tôi nhận thấy là đấu đá nội bộ không ngừng nghỉ, sự thù hận dai dẳng mà nhiều thành viên vẫn nung nấu, sự thô lỗ, khiếm nhã có tác động xua đuổi người khác, bao gồm cả người mới và thành viên dày dạn. Trong vai trò là một bảo quản viên, tôi đã tiếp nhận về những sự quấy rối và xúc phạm nhiều hơn mức mà tôi có thể tưởng tượng nó sẽ xảy ra với bất kỳ người nào đang làm công tác tình nguyện, và điều này thường vượt ra ngoài phạm vi Wikipedia đến website, Facebook, Twitter, email cá nhân của tôi, bất chấp việc tôi đã nỗ lực hướng mọi thứ về lại Wikipedia. Chính vì điều này, tôi chưa bao giờ có thể thực sự thoát khỏi Wikipedia, thậm chí cả khi sử dụng nó để nghiên cứu, và nó gây tổn hại cho tôi, biến thứ lẽ ra là một hoạt động thích thú thành một thứ như việc nhà, khiến tôi sợ hãi khi nhìn thấy thông báo màu cam "Bạn có tin nhắn mới" xuất hiện, bởi vì điều đó có nghĩa là phải nghe thêm nhiều lời than vãn nữa.

Tôi sớm nhận ra mình ngày càng khó để tự bào chữa cho bản thân vì sao tôi vẫn tiếp tục làm công việc tình nguyện cho một dự án mà từ lâu tôi đã không còn cảm thấy thích thú nữa. Khi tôi đăng xuất khỏi Wikipedia và giữ nguyên trạng thái đó cho tài khoản của mình, tôi sớm phát hiện rằng nếu không tham gia vào Wikipedia nữa, mức độ căng thẳng của tôi giảm xuống, và tôi nhận thấy rằng mình hạnh phúc hơn nhiều.

Tôi tin rằng những ngày tháng tốt đẹp nhất vẫn đang chờ ở phía trước, nhưng giờ đã đến lúc tôi tiến tới trên con đường của mình, nỗ lực thử sức những công việc mới và những dự án mới tách biệt khỏi công tác ở cộng đồng Wikipedia. Tôi cầu chúc cho mọi nỗ lực tương lai của các bạn sẽ đạt được những điều tốt đẹp nhất, và biết đâu đường đời của chúng ta sẽ lại chạm nhau đâu đó sau này.

— SchuminWeb 06:49, 20 December 2012 (UTC)


Tham khảo

  1. ^ Chính tôi cũng từng bị cho nên tôi tạm chia sẻ một số kinh nghiệm để các thành viên khác để tránh và cũng giúp chính tôi xem xét lại những lời nguyền này nếu mắc phải
  2. ^ Thông thường rất ít người chỉ rõ ra vì các quản trị viên kỳ cựu muốn tìm người có thể tự học kỹ năng này