Bản Phe là một bản thuộc xã biên giới thuộc xã Tam Thanh[1], huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Lễ công nhận Làng văn hóa Bản Phe lần đầu tiên năm 1999

Vị trí địa lý sửa

Bản Phe nằm dọc theo suối Pa chảy từ biên giới Việt - Lào, đây là một chi nhánh của sông Lò, suối Pa đổ ra sông Lò tại bản Piềng Pa, xã Tam Thanh. Sông Lò là một nhánh của Sông Mã (một trong những con sông chính của tỉnh Thanh Hóa).

Phía Đông giáp bản Piềng Pa;

Phía Nam giáp bản Bôn;

Phía Tây giáp bản Cha Lung;

Phía Bắc giáp xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Tọa độ địa lý: 20.20221879453136, 104.87114666258616

Lịch sử sửa

Bản Phe là một trong những bản có quá trình hình thành làng bản và truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời nhất của huyện Quan Sơn. Thông qua các sách cổ còn lưu giữ lại qua các thế hệ, người ta đã biết được rằng người Thái đã có mặt và định cư tại Bản Phe từ rất lâu đời, tuy nhiên rất khó để xác định chính xác thời điểm tổ tiên của cộng đồng người Thái đến khai hoang và định cư tại đây. Tuy nhiên, một số bằng chứng lịch sử cho thấy cộng đồng người Thái đã có mặt ở đây trước thế kỷ thứ X. Hiện nay, có 06 dòng họ cùng sinh sống trong bản Phe gồm họ Hà, Phạm, Lò, Lữ, Lương, Lộc. Trong đó họ Hà là họ chiếm đa số trong cộng đồng dân cư bản Phe.

Dân số sửa

 
Chăn thổ cẩm được dệt tay từ những năm 1980 (ảnh chụp năm 2019 tại bản Phe)
 
Trống và cồng chiêng được sử dụng trong các lễ hội truyền thống của người Thái bản Phe

Dân số: 500 người, số hộ: 102 hộ người. Toàn bộ 100 % là đồng bào dân tộc Thái.

Giáo dục sửa

Bản Phe là một bản có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Trước khi huyện Quan Sơn được thành lập theo Nghị định số 72/NÐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ trên cơ sở tách 9 xã gồm Trung Thượng, Trung Hạ, Trung Xuân, Sơn Thủy, Sơn Điện, Sơn Hà, Sơn Lư, Tam Lư, Tam Thanh thuộc huyện Quan Hóa thì các học sinh phải học cấp 3 tại thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa.

Theo số liệu thống kê năm 2020, tỷ lệ trẻ em đến trường 100%. Trường THCS bán trú xã Tam Thanh được đặt tại Bản Phe, đây là trường Trung học cơ sở duy nhất của xã Tam Thanh phục vụ khoảng 400 học sinh.

Tỷ lệ biết chữ của bà con nhân dân bản Phe đạt 100 %, trong đó Tiếng Việt là ngôn ngữ phổ thông. Tuy nhiên, trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày người dân vẫn sử dụng ngôn ngữ truyền thống là tiếng Thái. Mặc dù người Thái có chữ viết riêng, nhưng rất tiếc hiện nay chỉ một số người lớn tuổi trong bản có thể sử dụng thành thạo chữ Thái.

Dòng họ Hà của bản Phe trong nhiều năm liền được vinh danh là dòng họ hiếu học của huyện Quan Sơn. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, hạ tần còn nhiều khó khăn, vất vả tuy nhiên đồng bào Thái bản Phe không ngừng vươn lên và có tinh thần hiếu học. Tính đến tháng 01/2021, bản Phe đã có 02 người tốt nghiệp Thạc sĩ (chiếm tỷ lệ 0,4 % tổng dân số của bản) là ông Hà Văn Nghĩa và ông Hà Văn Ngoạn, trên 100 người tốt nghiệp trình độ Đại học, cao đẳng (chiếm 20 % tổng dân số của bản).

Y tế sửa

100 % người dân trong bản Phe tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Công tác khám chữa bệnh được thực hiện định kỳ dưới sự kiểm tra, giám sát thực hiện của Trạm Y tế xã Tam Thanh (đóng tại Bản Piềng Pa, xã Tam Thanh).

Truyền thống cách mạng sửa

 
Khua lóong, nét đẹp trong truyền thống văn hóa người dân bản Phe

Bà con nhân dân bản Phe giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã có nhiều liệt sĩ anh dũng hi sinh vì tổ quốc. Hiện tại, bản Phe cũng là bản duy nhất của huyện Quan Sơn có tới 02 Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng là bà Lò Thị Bún và Lò Thị Bán. Hiện tại nơi yên nghỉ của hai Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đang được đặt bên bờ suối Úm yên bình. Hàng năm, cứ đến dịp lễ, Tết bà con nhân dân trong huyện sẽ đến dâng hương để tưởng nhớ công ơn của các mẹ và các anh hùng liệt sĩ.

Chi bộ bản Phe được thành lập năm 1932, tính đến nay có trên 30 Đảng viên (chiếm 6% tổng dân số của Bản)

Văn hóa sửa

 
Thiếu nữ Thái bản Phe múa truyền thống tại lễ công nhận Nông thôn mới năm 2019

Đồng bào dân tộc Thái tại bản Phe vẫn lưu giữ truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái. Hàng năm các lễ hội truyền thống như ném còn, nhảy sạp, Khua luống, khặp, sờ phí cháu đin (thờ cúng thổ công thổ địa), khoăn (vía), kin kháu mơ (mừng được mùa lúa mới) vẫn được bà con duy trì và thực hiện.

 
Lễ công bố bản Phe đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019

Các dụng cụ âm nhạc thường sử dụng trong các lễ hội: Khèn Thái, đàn bầu, sáo vầu (pí é), cồng chiêng, lóong (dụng cụ để đập lúa và giã gạo, hình máng).

Ngoài sử dụng loa để thông báo, đồng báo Thái ở bản Phe vẫn duy trì tiếng trống để báo hiệu các hoạt động trong bản.

Trang phục sửa

Phụ nữ dân tộc Thái tại bản Phe vẫn có thói quen mặc váy Thái trong sinh hoạt hằng ngày lẫn các lễ hội. Váy Thái có họa tiết rất đẹp được dệt thổ công bằng đôi bàn tay tài hoa của phụ nữ Thái. Trung bình để dệt được 01 chiếc váy sẽ mất khoảng từ 3-6 tháng tùy thuộc vào độ phức tạp của các hoa văn trên váy.

Đàn ông hiện nay chỉ mặc trang phục truyền thống trong các lễ hội.

Tôn giáo sửa

Toàn bộ người dân trong bản đều thờ cúng tổ tiên chứ không theo tôn giáo cụ thể nào.

Tài nguyên rừng sửa

Bản phe có khoảng 700 ha rừng, trong đó phần lớn diện tích là rừng trồng Luồng, Quế, Cọ, Xoan, Lát. Tỷ lệ che phủ rừng của bản đạt trên 80 %.

Ẩm thực sửa

Người dân bản Phe có rất nhiều món ăn truyền thống đặc sắc mang đậm bản sắc của người Thái như cơm lam, cá nướng, canh uôi, canh môn, nộm hoa chuối, nộm rau sắn. Các món ăn của người Thái bản Phe được đánh giá rất có lợi cho sức khỏe, hầu hết thực phẩm được trồng tại chỗ và có nguồn gốc hữu cơ.

  1. ^ “Thông tin về xã Tam Thanh”. Truy cập 15/5/2021. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp)