Thành viên:Lính thủy đánh bạc/Nháp của tau 1

Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất, còn được gọi là Chiến tranh Thuốc phiện hay Chiến tranh Anh-Trung, là một loạt các cuộc giao tranh quân sự giữa nước Anh và nhà Thanh Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc tịch thu kho thuốc phiện tại Quảng Đông để ngăn chặn hoạt động buôn bán thuốc phiện phi pháp, và đe dọa sẽ tử hình những thương gia dám chống đối trong tương lai. Trong khi đó, chính phủ Anh lại kiên định với các nguyên tắc thương mại tự do, công nhận ngoại giao bình đẳng giữa các quốc gia, và ủng hộ yêu cầu từ các thương nhân. Với tàu chiến và vũ khí vượt trội về mặt công nghệ, Hải quân Hoàng gia Anh đã đánh bại quân đội Trung Quốc. Người Anh áp đặt người Trung Quốc phải ký vào một bản hiệp ước bàn giao một phần lãnh thổ đồng thời buộc họ mở cửa giao thương.  

Vào thể kỷ 18, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc xa xỉ (nhất là lụa, đồ sứ và trà) đã gây ra tình trạng mất cân bằng mậu dịch giữa Trung Quốc và Anh. Dòng bạc châu Âu cứ thể chảy vào Trung Quốc thông qua hệ thống Giao thương một chiều, một hệ thống hạn chế hoạt động ngoại thương đến thành phố cảng phía nam Quảng Đông. Để cân bằng lại cán cân thương mại, Công ty Đông Ấn Anh bắt đầu trồng thuốc phiện ở Bengal và cho phép thương nhân tư nhân Anh tuồn thuốc phiện cho những kẻ buôn lậu bản địa buôn bán phi pháp tại Trung Quốc. Dòng chất gây nghiện đảo ngược thặng dư thương mại Trung Quốc, làm kiệt quệ nền kinh tế bạc, gia tăng số lượng người nghiện thuốc phiện trên khắp đế quốc, và khiến các quan chức Trung Quốc vô cùng lo lắng.

Năm 1839, Đạo Quang đế bác bỏ đề xuất hợp pháp hóa và đánh thuế thuốc phiện, chỉ định Tổng đốc Lâm Tắc Từ đến Quảng Đông để chấm dứt hoàn toàn hoạt động buôn bán thuốc phiện. Một bức thư không bao giờ đến tay người nhận đã được Lâm Tắc Từ viết cho Nữ vương Victoria, kêu gọi trách nhiệm đạo đức, qua đó yêu cầu nữ vương ngăn cấm hoạt động buôn bán thuốc phiện. Lâm Tắc Từ thu giữ toàn bộ vật tư và ra lệnh phong tỏa các tàu nước ngoài trên sông Châu Giang. Ông cũng tịch thu và tiêu hủy một lượng đáng kể thuốc phiện châu Âu. Chính phủ Anh đáp trả bằng cách điều động một lực lượng quân đội tới Trung Quốc và trong cuộc xung đột tiếp đó, Hải quân Hoàng gia Anh với sức mạnh hải quân và pháo binh đã khiến nhà Thanh nhận một loạt chiến bại mang tính quyết định, một chiến thuật mà sau này được gọi là ngoại giao pháo hạm. Năm 1842, nhà Thanh buộc phải ký Điều ước Nam Kinh – hiệp ước đầu tiên trong loạt hiệp ước bất bình đẳng theo cách gọi của người Trung Quốc về sau – bồi thường và cung cấp thêm các đặc quyền ngoại giao cho thần dân Anh trên đất Trung Quốc, mở cửa năm cảng hiệp ước cho thương nhân Anh, và nhượng lại đảo Hương Cảng cho Đế quốc Anh. Sự thất bại của Điều ước Nam Kinh trong việc đáp ứng các mục tiêu của người Anh về vấn đề cải thiện quan hệ thương mại và ngoại giao là nguyên nhân của Chiến tranh Nha phiến lần hai (1856 – 60). Giai đoạn bất ổn xã hội nối tiếp Chiến tranh Nha phiến lần hai ở Trung Quốc là bối cảnh của Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc – phong trào khiến nhà Thành thêm suy yếu hơn. Ở Trung Quốc, người ta xem năm 1839 là điểm khởi đầu của lịch sử Trung Quốc hiện đại.

Bối cảnh

sửa

Sự hình thành quan hệ giao thương

sửa

Thương mại hàng hải trực tiếp giữa châu Âu và Trung Quốc bắt đầu vào năm 1557 khi người Bồ Đào Nha thuê một tiền đồn của nhà Minh tại Ma Cao. Thương nhân từ các quốc gia châu Âu khác sớm nối gót người Bồ Đào Nha, tham gia vào mạng lưới thương mại hàng hải châu Á hiện có để cạnh tranh với thương nhân Ả Rập, Ấn Độ và Nhật Bản trong thương mại nội khối. Sau khi người Tây Ban Nha chinh phục Philippines, hoạt động trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu tăng tốc đáng kể. Từ năm 1565, những đoàn tàu buồm ở Manila đã đưa bạc vào mạng lưới thương mại châu Á từ các mỏ bạc Nam Mỹ. Trung Quốc trở thành điểm đến chính của dòng kim loại quý khi mà chính phủ hoàng gia quy định rằng tất cả hàng hóa Trung Quốc chỉ có thể được xuất khẩu để đối lấy bạc thỏi.

Từ năm 1635 trở về sau, các tàu Anh bắt đầu xuất hiện lác đác quanh bờ biển Trung Quốc. Không thiết lập quan hệ chính thức thông qua hệ thống triều cống mà hầu hết các quốc gia châu Á đều có thể đàm phán với Trung Quốc, thương nhân Anh chỉ được phép buôn bán tại ba cảng Chu Sơn, Hạ Môn và Quảng Châu. Thương mại chính ngạch của người Anh được tiến hành thông qua sự bảo trợ của Công ty Đông Ấn Anh – công ty giữ một hiến chương hoàng gia về quyền thương mại khu vực Viễn Đông. Công ty Đông Ấn dần dà thống trị thương mại Trung-Âu từ vị trí của nó ở Ấn Độ và nhờ vào sức mạnh của Hải quân Hoàng gia.

Thương mại được hưởng lợi khi nhà Thanh mới thành lập nới lỏng những hạn chế thương mại vào những năm 1680. Nhà Thanh kiểm soát Đài Loan vào năm 1683 và những luận điệu của người châu Âu về hệ thống triều cống đã bị dập tắt. Quảng Châu trở thành cảng ngoại thương ưu tiên. Các con tàu từng thử cố ghé vào các nhiều cảng khác, nhưng các cảng này không sở hữu lợi thế địa lý như Quảng Châu ở cửa sông Châu Giang, và cũng không có được kinh nghiệm lâu năm trong việc cân bằng yêu cầu từ Bắc Kinh với nhu cầu của thương nhân Trung Quốc và nước ngoài. Từ năm 1700, Quảng Châu bước vào tiến trình trở thành một trung tâm ngoại thương hàng hải của Trung Quốc. Tiến trình thị trường đó được nhà Thanh từng bước xây dựng thành hệ thống “Giao thương một chiều”. Ngay từ khi hệ thống ra đời vào năm 1757, hoạt động buôn bán ở Trung Quốc cực kì sinh lợi đối vởi cả thương gia châu Âu lẫn thương gia Trung Quốc vì các mặt hàng như trà, đồ sứ và lụa được định giá rất cao ở châu Âu để biện minh cho các chuyến hải trình đến châu Á đắt đỏ.