Thành viên:Lính thủy đánh bạc/Nháp của tau 3

Nhà Minh, quốc hiệu chính thức là Đại Minh, được kiến lập bởi thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Chu Nguyên Chương, tức Hồng Vũ đế, là một hoàng triều trong lịch sử Trung Quốc. Nó kế tục nhà Nguyên và là tiền thân của nhà Đại Thuận – chỉ tồn tại một thời gian ngắn trước khi bị nhà Thanh thay thế. Ở những năm tháng cực thịnh, nhà Minh có dân số rơi vào khoảng 160 triệu người. Thậm chí, một số nguồn còn khẳng định rằng dân số của đế quốc này phải chạm mốc 200 triệu người.

Nhà Minh thành lập lực lượng hải quân quy mô lớn, sở hữu quân đội thường trực có quân số lên đến 1 triệu người. Dù cho thương mại hàng hải tư nhân và các sứ mệnh triều cống chính thức đã xuất hiện ở Trung Quốc từ các triều đại trước, nhưng quy mô của những hạm đội triều cống dưới quyền hoạn quan người Hồi giáo Trịnh Hòa vào thế kỷ 15 là vượt trội hơn cả. Đã có nhiều dự án xây dựng tầm vóc được triển khai, chẳng hạn như khôi phục Đại Vận Hà, trùng tu Vạn lý Trường thành như hình hài của nó ngày nay, và xây dựng Tử Cấm thành ở Bắc Kinh trong hai mươi lăm năm đầu thế kỷ 15. Với một vài lý do, Trung Quốc thời nhà Minh được xem là kỷ nguyên của một chính quyền hiệu quả. Đó là giai đoạn mà Trung Quốc có một gia tộc cai trị vững chắc, ít bị thách thức nhất. Các đường nét thể chế chính trị của nhà Minh thường được nhà Thanh tiếp tục duy trì. Hệ thống công vụ thống trị bộ máy chính quyền nhà Minh ở một mức độ chưa từng có tiền lệ. Lãnh thổ Trung Quốc có sự mở rộng hoặc thu hẹp đáng kể. Miền bắc Việt Nam từng là một phần lãnh thổ nhà Minh trong một khoảng thời gian rất ngắn. Trung Quốc thời nhà Minh còn có một số điểm đổi mới đáng chú ý khác như việc chuyển dời kinh đô từ Nam Kinh tới Bắc Kinh.

Ngoài các khu vực đô thị, đế quốc được chia làm mười ba tỉnh thành phục vụ mục đích hành chính. Các tỉnh thành này chia theo ranh giới truyền thống và ở một mức độ nào đó còn là theo rào cản tự nhiên. Chúng bao gồm Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Quảng, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Sơn Đông, Hà Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam và Quý Châu – đều rất rộng lớn, ít nhất cũng có diện tích ngang bằng nước Anh. Trong các hoàng đế nhà Minh, Vạn Lịch đế là người tại vị lâu nhất với 48 năm. Con trai ông, Thái Xương đế, là hoàng đế có thời gian cai trị ngắn ngủi nhất – chỉ trong đúng một tháng của năm 1620.

Kiến lập triều đại

sửa

Khởi nghĩa và cạnh tranh với các tập đoàn phiến quân

sửa

Nhà Nguyên do người Mông Cổ lãnh đạo cai trị Trung Quốc trước khi nhà Minh thành lập. Bên cạnh thể chế kỳ thị sắc tộc Hán – thứ thổi bùng lòng căm phẫn và mầm mống nổi loạn trong dân chúng, những nguyên nhân khác khi bàn về sự sụp đổ của nhà Nguyên có thể kể đến chế độ thuế khóa nặng nề ở những khu vực bị ảnh hưởng trầm trọng bởi mất mùa, tình trạng lạm phát và các trận lũ lụt lớn ven sông Hoàng Hà do công tác trị thủy bị bỏ ngõ. Cuối thời nhà Nguyên, nông nghiệp và kinh tế Trung Quốc lâm vào tình trạng hỗn loạn, phong trào khởi nghĩa bùng phát giữa hàng trăm nghìn nông dân được kêu gọi tu sửa các tuyến đê dọc sông Hoàng Hà.

Năm 1351, một số nhóm người Hán bắt đầu tổ chức khởi nghĩa, trong đó có Hồng Cân quân. Hồng Cân quân liên kết với hội kín Phật giáo Bạch Liên giáo – một tổ chức truyền bá tín ngưỡng Minh giáo trong một phong trào đấu tranh hướng thiện, chống lại quỷ dữ và thờ phụng Phật Di Lặc. Chu Nguyên Chương, một nông dân bần cùng kiêm nhà sư Phật giáo, gia nhập Hồng Cân quân vào năm 1352, sớm nổi danh sau khi kết hôn với con gái nuôi của một vị chỉ huy phiến quân. Năm 1356, Chu Nguyên Chương cùng lực lượng của mình giành được thành Nam Kinh – nơi sau này được ông chọn làm kinh đô của nhà Minh. Chu Nguyên Chương tranh thủ được sự trợ giúp của nhiều cố vấn có năng lực, chẳng hạn như hai chuyên gia pháo binh Tiêu Ngọc và Lưu Bá Ôn.

Năm 1363, Chu Nguyên Chương củng cố quyền lực ở phía nam khi đánh bại kẻ thù truyền kiếp, thủ lĩnh phiến quân Trần Hữu Lượng, trong Trận hồ Bà Dương. Trận chiến này – xét trên phương diện nhân lực – là một trong những trận thủy chiến lớn nhất lịch sử thế giới. Chu Nguyên Chương hiện thực hóa tham vọng đế vương bằng cách điều một cánh quân tới kinh đô nhà Nguyên vào năm 1368 –  chỉ một năm sau khi thủ lĩnh Hồng Cân quân chết một cách đáng ngờ trong lúc đang làm khách của họ Chu. Hoàng đế nhà Nguyên cuối cùng tháo chạy tới bình nguyên Mông Cổ ở phía bắc còn Chu Nguyên Chương thì san bằng hết cung điện ở Đại Đô (Bắc Kinh ngày nay) rồi tuyên bố khai sinh nhà Minh.

Thay vì dựa theo tên thời cổ của quê hương nhà sáng lập như tiền lệ, Chu Nguyên Chương đặt tên triều đại là “Minh” (ánh sáng) mang ý nghĩa khích lệ tinh thần. Sau khi lên ngôi, Chu Nguyên Chương lấy niên hiệu là “Hồng Vũ“, chối bỏ việc mình từng là thành viên của Bạch Liên giáo – dù hội kín này từng hỗ trợ ông, và đàn áp phong trào tôn giáo của họ.

Chu Nguyên Chương, hoàng đế khai quốc nhà Minh, đã dựa trên cả thể chế quá khứ lẫn cách tiếp cận mới để tạo nên ‘giáo hóa’ như một quy trình quản lý có tổ chức. Điều này bao gồm việc xây dựng trường học ở mọi cấp bậc cũng như tăng cường nghiên cứu các tác phẩm kinh điển và sách đạo đức, phân phối tài liệu hướng dẫn lễ nghi Tân Nho giáo, cung cấp một hệ thống khoa cử mới phục vụ công tác tuyển dụng nhân sự cho bộ máy quan liêu.  

Thời Hồng Vũ đế

sửa

Hồng Vũ đế ngay lập tức bắt tay vào việc tái thiết cơ sở hạ tầng nhà nước. Ông cho xây dựng một bức tường thành dài 48 km bao quanh Nam Kinh cùng với các cung điện và hội trường chính phủ mới.