Cuộc Đua sửa

Hẳn chúng ta ai cũng biết câu chuyện ngụ ngôn về rùa và thỏ. Một ngày kia, cả hai con vật thách nhau chạy thi. Vì quá tự tin vào sức mình nên thỏ đã nhởn nhơ dạo chơi trên đường đua. Trong khi đó, rùa đã không bỏ phí giây phút nào, cắm cúi chạy và giành chiến thắng trong cuộc đua không cân sức. Câu chuyện rùa và thỏ là một ví dụ sống động về cuộc đua của con người với thời gian. Thời gian là rùa và con người chính là thỏ. Thời gian của đời người là hữu hạn trong khi chúng ta lại sử dụng nó một cách lãng phí. Chỉ một số ít người hành động được như chú rùa trong suốt cuộc đời mình. Còn phần lớn chúng ta lại hành động như chú thỏ ngay từ lúc khởi hành cuộc đua. Và hẳn bạn biết ai là người chiến thắng và ai là kẻ thất bại rồi phải không? Vậy bạn có định học tập chú rùa ngay từ hôm nay không?

Cách Để Biết Sự Thật sửa

Một anh học trò nọ nhặt được một viên đá lấp lánh nằm trên đường đi. Anh bèn mang viên đá quý này đến gặp thầy để hỏi về giá trị của nó.

- Thưa thầy, viên đá này có phải là kim cương không ạ?

Dù là một chuyên gia về đá quý nhưng người thầy đã không trả lời câu hỏi của người học trò mà chỉ yêu cầu anh ta:

- Con hãy tự tìm hiểu kiến thức về kim cương đi.

Theo lời thầy, người học trò vào thư viện tìm đọc tất cả các cuốn sách viết về kim cương. Khi quay về, anh chàng đã có một vốn kiến thức kha khá về loại đá quý này. Nhưng đến lúc đó, người thầy bảo:

- Bây giờ ta có thể nói cho con biết rằng viên đá con nhặt được chính là kim cương đấy.

Anh học trò ngạc nhiên hỏi:

- Ồ, sao thầy không cho con biết ngay từ đầu? Chắc thầy có ẩn ý gì phải không ạ?

- Đúng vậy. - Ông thầy trả lời “Ta muốn con học cách kiểm nghiệm mọi thứ rồi hãy tin người. Giờ đây, con đã hiểu rõ về kim cương và con có thể kiểm tra những điều ta vừa nói. Chỉ khi làm được như vậy con mới trở thành người thầy của chính mình.”. Không ai biết rõ sự thật hơn là chính bản thân bạn

Biết Chấp Nhận Thảng Trầm Của Cuộc Sống sửa

Một vị vua nọ cho gọi người thợ kim hoàn của hoàng cung đến và ra lệnh cho anh ta:

- Hãy làm cho ta một chiếc nhẫn và khắc lên đó một câu nói có thể khiến ta biết kiềm chế niềm vui khi hạnh phúc và phấn chấn khi buồn bã.

Người thợ kim hoàn chẳng gặp khó khăn gì trong việc tạo ra một chiếc nhẫn theo yêu cầu của nhà vua. Thế nhưng, việc tìm ra câu nói như gợi ý của nhà vua quả là việc nằm ngoài khả năng của anh.

Cuối cùng, người thợ kim hoàn quyết định tìm đến một nhà thông thái và hỏi xin ý kiến của ông.

- Con nên khắc câu gì lên chiếc nhẫn này để có thể kìm hãm niềm vui của nhà vua khi ngài phấn khích và vực dậy tinh thần khi ngài rầu rĩ ?

Nhà thông thái lấy ra một mảnh giấy và viết lên đó dòng chữ. “Việc này rồi cũng sẽ qua.” Khi nhà vua nhìn thấy câu này, ông sẽ biết cách làm chủ cảm xúc của bản thân, cả khi chiến thắng lẫn khi thất bại. Hãy thử tung một đồng xu lên một trăm lần; bạn hẳn sẽ thấy rằng cơ hội đồng tiền sấp và ngửa gần như bằng nhau. Cuộc sống của chúng ta cũng tương tự như vậy. Thăng trầm là điều hiển nhiên và điều tốt nhất bạn có thể làm là hãy chấp nhận chúng.

Bước Đầu Tiên Để Được Khai Sáng sửa

Một nhà thông thái bảo với học trò mình rằng ông có thể vén bức màn u mê trong tâm thức của bất kỳ người nào. Người học trò của ông rất thích thú với điều này và đề nghị được thử. Nhà thông thái gật đầu bảo:

- Vậy thì người hãy đợi lúc trời mưa, ngẩng mặt và đưa hai tay lên trời. Đây là bước đầu tiên giúp người vén bức màn đó.

Vài hôm sau, người học trò tìm đến nhà thông thái, than rằng:

- Con đã làm đúng như lời khuyên của thầy và nước chảy lên đầu lên cổ của con. Con thấy mình như một kẻ ngu ngốc chính hiệu!

- Đúng rồi! - Nhà thông thái nói “Ngay khi hiểu được điều này, ngươi đã được khai sáng rồi đó.” . Cảm thấy mình ngu dốt là bước đầu tiên để được khai sáng. Sự khai sáng đến từ việc nhận ra mình không thể hiểu những điều huyền bí của vũ trụ cũng như sự phức tạp của nó.

Vui mừng trong hoạn nạn sửa