Lịch sử sửa

Trên thế giới sửa

Nho là một trong những thực vật có nguồn gốc sớm nhất trên Trái Đất.[1] Về mặt phân loại học, tất cả những loài nho đều thuộc họ Vitaceae, bao gồm xấp xỉ một ngàn loài khác nhau, nhóm lại thành 17 chi. Trong họ này, chỉ mỗi chi Vitis mới có ý nghĩa quan trọng về mặt nông nghiệp. Có tất thảy ~60 loài có khả năng lai tạo thuộc chi này, phần lớn chỉ sinh sống tại Bắc Bán cầu (~30 ở châu Mỹ và 30 ở châu Á). Trong số đó, Vitis vinifera L. là loài duy nhất được ứng dụng làm nguyên liệu rộng rãi cho nền công nghiệp sản xuất rượu vang. Đây cũng là loài duy nhất thuộc chi Vitis có gốc gác bản địa ở lục địa Á-Âu, và có lẽ đã xuất hiện sớm nhất khoảng 65 triệu năm về trước. Hai dạng dưới loài vẫn cùng tồn tại đến ngày nay ở Á-Âu và Bắc Phi là: dạng trồng trọt V. vinifera subsp. vinifera (hay sativa) và dạng hoang dại V. vinifera subsp. silvestris (hay sylvestris), đôi khi được xem là hai phân loài riêng biệt; nhưng cũng có ý kiến cho rằng sự phân biệt này là không hợp lý, bởi những sai khác về mặt giải phẫu của hai dạng có lẽ đến từ tiến trình thuần hóa của loài người hơn là hệ quả do bị cách ly địa lý. Hiện tại có đến hàng nghìn giống nho V. vinifera (khoảng 10.000[2]), được phân loại theo mục đích sản xuất sản phẩm, gồm: giống nho ăn tươi, giống nho rượu và giống nho để sấy khô. Ngược lại, dạng hoang dại (tức nho dại) lại hiếm gặp,[2] và người ta cho rằng chúng là tổ tiên của những giống nho ngày nay.[3]

 
Họa tiết thể hiện hoạt động thu hoạch nho trên bình gốm Etrusca từ thế kỷ 6 TCN.

Theo những bằng chứng khảo cổ học và sử liệu, cây nho đã được thuần hóa đầu tiên ở vùng Cận Đông (tây nam châu Á) vào khoảng 6000–8000 năm trước từ tổ tiên V. vinifera subsp. sylvestris hoang dại,[2] mặc dù cây nho dại có thể đã hiện diện tại nhiều nơi ở châu Âu vào thời đại Đồ đá mới trước đó.[3] Từ Cận Đông, nghề trồng và thuần hóa nho lan rộng sang những địa bàn lân cận, như Ai Cập và Hạ Lưỡng Hà (khoảng 5500–5000 BP[a]); và mở rộng ra khắp các vùng ven Địa Trung Hải, trên lãnh thổ của những nền văn minh lớn lúc bấy giờ (Assyria, Phoenicia, Hy Lạp, La Mã, Etrusca, Carthaginia).[3][4] Cây nho được mang đến Trung Quốc vào cuối thế kỷ 2 TCN theo ghi chép của Sử ký Tư Mã Thiên,[2] và Nhật Bản (3200 BP).[3] Dưới ảnh hưởng của Đế quốc La Mã, nghề trồng nho phát triển phổ biến trên toàn châu Âu,[4] lan đến cả những nơi xa xôi phía bắc nước Đức.[3] Vào thời kỳ Trung Đại và Cận Đại, qua sự kiện Tòa Thánh kế tục Đế quốc La Mã với những cuộc Thập tự chinh và truyền giáo, sự bành trướng của Hồi giáo ở Bắc Phi, Tây Ban Nha và Trung Đông, cũng như những biến chuyển xã hội theo phong trào Phục Hưng, cây nho tiếp tục được truyền đến nhiều nơi hơn, như Bắc Âu, châu Mỹ, Nam Phi, Úc và New Zealand.[3]

Cuối thế kỷ 19, những tác nhân gây bệnh cho nho từ châu Mỹ đã đặt chân đến châu Âu (nấm mốc sương, rệp hại rễ nho) sau hàng nghìn năm liên tục mở rộng diện tích trồng nho. Chúng phá hoại mùa màng và thu hẹp diện tích canh tác, làm suy giảm tính đa dạng của nho V. vinifera. Nhưng nền nông nghiệp trồng nho châu Âu đã thoát khỏi mối nguy đó nhờ đưa vào trồng một số loài Vitis bản địa châu Mỹ, không phải V. vinifera, để làm gốc ghép với những giống địa phương, cũng như lai xa tạo giống giữa hai loài khác biệt nhằm tăng khả năng kháng cự bệnh hại. Trong 50 năm qua, tập đoàn giống nho trồng trọt tiếp tục suy giảm về mặt đa dạng, nguyên nhân lần này đến từ quá trình toàn cầu hóa của thị trường vang thế giới, nổi lên những giống nho thích nghi toàn cầu và khiến cho các giống địa phương dần biến mất.[3] Đến hiện tại, cây nho đã được trồng trên cả 5 châu lục, tại những vùng có điều kiện khí hậu thích hợp, trải dài từ miền ôn đới đến nhiệt đới và bán nhiệt đới.[1] Các chuyên gia Philippines năm 1975 đã viết: "Nghề trồng nho không còn là một độc quyền của các nước ôn đới nữa".[5]

Tại Việt Nam và tỉnh Ninh Thuận sửa

Khác với những cây ăn quả khác của Việt Nam, nho là cây trồng được du nhập từ nhiều nước trên thế giới[6] vào những năm đầu thế kỷ 20,[7][8] không phải là cây bản địa. Vậy nên, nghề trồng nho Việt Nam có tuổi đời khá trẻ so với thế giới, khi cây nho đã liên tục phổ biến và mở rộng diện tích canh tác qua hàng nghìn năm.[9] Theo Vũ Công Hậu (2001), người Hà Nội đã trồng nho từ rất lâu, tạo thành những giàn cây che bóng mát và làm cảnh, loại nho này có phẩm chất kém, trái nhỏ, chùm bé, vị chua.[5][9] Chỉ ở miền Nam mới có nho sản xuất thương mại, dù chất lượng chưa phải là lý trưởng; trong đó nho được trồng nhiều nhất tại vùng Ninh Thuận, bởi đây là nơi có những điều kiện thuận lợi nhất Việt Nam cho cây nho.[10]

Theo nhiều tài liệu, cây nho được du nhập vào tỉnh Ninh Thuận từ những năm 60–70 thế kỷ 20,[6][9][11][12][13] được trồng thử nghiệm tại Trung tâm Khảo cứu Nông nghiệp Ninh Thuận (trước 1975, nay là Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn).[1] Năm 1971, Trung tâm đã nhập hơn 70 giống nho nhiệt đới lẫn ôn đới xuất xứ từ Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ.[1][11] Giống nho đầu tiên được trồng là giống nho đỏ ăn tươi Red Cardinal (hay Cardinal), đến hiện tại vẫn là giống chủ lực của tỉnh.[6] Năm 1972–74, Thái Lan từng cử chuyên viên sang giúp Việt Nam trồng nho.[14] Sau năm 1975, do chưa có định hướng phát triển nên vườn tập đoàn giống nho Nha Hố bị phá bỏ, chuyển giao cho các đơn vị khác quản lý.[11][15]

 
Vườn nho đỏ Red Cardinal tại Phan Rang, Ninh Thuận.

Cuối thập niên 70 thế kỷ 20, nghề trồng nho bắt đầu phổ biến ra ngoài dân, hoạt động sản xuất nho thương phẩm đã có những bước tiến đầu tiên ở phía bắc tỉnh Thuận Hải (gồm tỉnh Ninh Thuận và huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ngày nay).[9] Đến những năm 1980, nho Ninh Thuận mới thực sự chiếm ưu thế, đủ cung ứng cho thị trường toàn quốc.[7] Vào giữa thập niên này, sau quá trình đào thải do cạnh tranh chủng loại và yêu cầu thị trường, vườn tập đoàn giống nho của Trung tâm Nghiên cứu Cây bông Nha Hố và vườn sản xuất phổ biến ngoài dân chỉ còn trồng 4 giống: Cardinal, Ribier, Alden và Muscat blanc.[9][16] Bên cạnh đó, nghề trồng nho non trẻ cũng phát triển tự phát theo nhu cầu thị trường, diện tích canh tác và sản lượng liên tục tăng qua các năm; nhưng kỹ thuật hầu như chỉ đúc kết từ kinh nghiệm, thiếu sót công tác nghiên cứu khoa học, khiến hiệu quả kinh tế thu được từ cây nho chưa tương xứng với thế mạnh vốn có của nó.[11]

Đến đầu thập niên 1990, trong số 4 giống nho kể trên, chỉ còn mỗi Cardinal là được trồng phổ biến mang tính thương mại toàn tỉnh, gần như là duy nhất;[9][11][16] các giống còn lại đều bị thu hẹp diện tích canh tác đáng kể, trong đó Muscat blanc hầu như không còn trồng nữa, dù thơm ngon nhưng lại có nhược điểm cố hữu là vỏ mỏng, khiến trái dễ vỡ và không chịu vận chuyển.[17] Hiện tượng giống Cardinal chiếm đến 99% diện tích trồng nho toàn vùng Ninh Thuận là không bình thường, nguyên nhân có thể đến từ ưu điểm năng suất cao, mã đẹp, dễ vận chuyển, phẩm chất khá và điều quan trọng là thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với những giống đã nhập vào Việt Nam, một năm có thể thu đến 3 vụ, là tiêu chuẩn kinh tế quan trọng của người trồng nho. Ngoài ra, cũng có thể do Việt Nam đã không nhập bất kì giống nho mới nào trong gần 30 năm kể từ lúc trồng thử nghiệm tại Nha Hố, khiến người sản xuất và người tiêu dùng không thể tự do lựa chọn giống và đành phải chấp nhận Cardinal để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng địa phương.[9][17] Dù vậy, giống Cardinal lại có nhược điểm là mẫn cảm với nhiều loại nấm bệnh,[18] nguy hại nhất là mốc sương và phấn trắng; khiến hộ trồng nho phải phun thuốc nhiều lần, đặc biệt là vào vụ mưa, gây tốn kém, ô nhiễm môi trường và hủy hoại sức khỏe. Vì vậy, việc nhập thêm những giống nho mới để thay đổi cơ cấu giống cho phù hợp hơn, tránh thoái hóa là nhiệm vụ khách quan và cấp bách.[19]

Từ năm 1994, công tác quản lý giống nho bắt đầu được quan tâm, mục tiêu là tìm ra giống mới thích hợp để thay thế một phần giống Cardinal và làm đa dạng hơn cơ cấu giống nho Ninh Thuận.[11] Qua đó, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã thu thập, nhập nội và đánh giá tập đoàn giống nho.[20] Đến năm 1997, giống nho NH01-48 (White Malaga) được nhập nội từ Thái Lan[21] và trồng thử nghiệm tại Ninh Thuận,[7] sau đó được Viện công nhận là giống nho tiến bộ kỹ thuật năm 2002,[11][12] là giống nho ăn tươi triển vọng nhất vùng Ninh Thuận.[21] Bên cạnh đó, trong thời kỳ này, một số tỉnh phía Bắc như Hà Tây, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc đã bắt đầu trồng thử nghiệm nho với diện tích nhỏ, nhưng sau vài năm thì chặt bỏ do không phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng.[9]

Đến nay, thông qua nhiều nguồn và chương trình,[11] cây nho đã du nhập vào Việt Nam với số lượng giống tương đối lớn,[16] trong đó nổi bật là các giống nho ăn tươi NH01-48 (White Malaga), NH01-93 (Black Queen), NH01-152 (Mariaue finger); giống nho rượu NH02-90 (Syrah); giống nho làm gốc ghép Couderc 1613, Ramsey, v.v.[6][20] Những giống này hiện tập trung chủ yếu trong vườn tập đoàn của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Ninh Thuận) và Trung tâm Khuyến khích Phát triển Kinh tế Xã hội Duyên hải miền Trung (Bình Thuận), gồm cả giống nho ăn tươi, giống nho rượu và giống nho làm nho khô.[16] Các công tác duy trì, đánh giá và chọn tạo liên tục được thực hiện,[11] làm phong phú hơn cơ cấu giống nho toàn vùng, tránh rủi ro cho người trồng nho và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.[20]

Ngày 7/2/2012, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chính thức cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho Ninh Thuận theo Quyết định số 194/QĐ-SHTT đối với 2 giống nho Red Cardinal và NH01-48.[13][22][23] Hiện nay, Chỉ dẫn địa lý Nho Ninh Thuận đã nằm trong danh sách 39 chỉ dẫn địa lý được xem xét bảo hộ EU.[7] Ngày 2/11/2016, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng hồ sơ tham gia chương trình và được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận thương hiệu "Nho Ninh Thuận" đạt "Thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam".[7][24]

Diện tích, sản lượng và năng suất sửa

Diện tích sửa

Sản lượng và năng suất sửa

Tham khảo sửa

Ghi chú sửa

  1. ^ BP là viết tắt của từ Before Present, nghĩa đen là "trước hiện tại", "hiện tại" trong trường hợp này được hiểu là ngày 1/1/1950. Tức nếu ghi "5000 BP" thì sẽ hiểu là "5000 năm trước kể từ mốc 1/1/1950".

Chú thích sửa

  1. ^ a b c d Nhiều tác giả 2004, tr. 7.
  2. ^ a b c d K. Kris Hirst (13 tháng 6 năm 2015). “Vitis vinifera - The Origins of the Domesticated Grape” (bằng tiếng Anh). ThoughtCo. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2017.
  3. ^ a b c d e f g This, Patrice; Lacombe, Thierry; Thomas, Mark R. (2006). “Historical Origins and Genetic Diversity of Wine Grapes” (PDF). Trends in Genetics. 22 (9): 511–519. doi:10.1016/j.tig.2006.07.008. PMID 16872714. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2013. Đã bỏ qua tham số không rõ |deadurl= (gợi ý |url-status=) (trợ giúp)
  4. ^ a b David Trinklein (7 tháng 8 năm 2013). “Grapes: A Brief History” (bằng tiếng Anh). Curators of the University of Missouri. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2017.
  5. ^ a b Vũ Công Hậu 2001, tr. 4.
  6. ^ a b c d “Chương II: Chuỗi giá trị nho Ninh Thuận” (PDF). Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017.
  7. ^ a b c d e Phòng QCC (15 tháng 2 năm 2017). “Nho Ninh Thuận được cấp chứng nhận "Thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam". Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017.
  8. ^ Vũ Công Hậu 2001, tr. 6.
  9. ^ a b c d e f g h Le Quang Quyen, Vu Xuan Long; và đồng nghiệp. “10. GRAPE PRODUCTION IN VIET NAM”. FAO. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017. “Và đồng nghiệp” được ghi trong: |author= (trợ giúp)
  10. ^ Vũ Công Hậu 2001, tr. 4–5.
  11. ^ a b c d e f g h i Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (26 tháng 6 năm 2014). “Duy trì, chọn tạo và khảo nghiệm sản xuất các giống nho tại Ninh Thuận”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017.
  12. ^ a b TS. Lê Trọng Tình và CS – Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (14 tháng 6 năm 2016). “Nghiên cứu và phát triển giống nho ăn tươi NH01-152 tại Ninh Thuận”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017.
  13. ^ a b Phòng QCC (7 tháng 11 năm 2015). “Quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý "Ninh Thuận" cho các sản phẩm nho”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017.
  14. ^ Vũ Công Hậu 2001, tr. 3.
  15. ^ Nhiều tác giả 2004, tr. 7–8.
  16. ^ a b c d Nhiều tác giả 2004, tr. 8.
  17. ^ a b Vũ Công Hậu 2001, tr. 7.
  18. ^ Nhiều tác giả 2004, tr. 43.
  19. ^ Vũ Công Hậu 2001, tr. 8.
  20. ^ a b c TS. Phan Công Kiên (5 tháng 6 năm 2016). “Giống nho mới NH01-152: Cơ hội phát triển”. Báo Ninh Thuận. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017.
  21. ^ a b Nhiều tác giả 2004, tr. 44.
  22. ^ Phòng Chỉ dẫn địa lý. “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ninh Thuận" cho sản phẩm nho”. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017.
  23. ^ Trung tâm Phát triển Tài sản trí tuệ. “Nho Ninh Thuận khẳng định vị thế trên thị trường nhờ hệ thống quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý”. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017.
  24. ^ Hiền Thảo (28 tháng 2 năm 2017). “Nho Ninh Thuận được chứng nhận là "Thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam". Báo Khoa học & Phát triển. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2017.

Thư mục sửa

  • Phạm Hữu Nhượng; Nguyễn Hữu Bình; Lê Xuân Đính; Lê Quang Quyến (2004). Kỹ thuật trồng nho (PDF). Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Nông nghiệp. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2017.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  • Chu Thị Thơm; Phan Thị Lài; Nguyễn Văn Tó (2005). Kỹ thuật trồng nho (PDF). Hà Nội: Nhà xuất bản Lao Động. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2017.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  • Vũ Công Hậu (2001). Cây nho (Vitis vinifera) (HTML). Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Nông nghiệp. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2017.
  • Thái Hà; Đặng Mai (2011). Bạn của nhà nông: Kỹ thuật trồng và chăm sóc nho (PDF). Nhà xuất bản Hồng Đức. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2017.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  • Nguyễn Mạnh Chinh; Nguyễn Đăng Nghĩa (2006). Trồng - chăm sóc & phòng trừ sâu bệnh: Nho - Thanh long (PDF). Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Nông nghiệp. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2017.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  • Ngô Hồng Bình (2006). Kỹ thuật trồng nho: Bảo quản và chế biến (PDF). Hà Nội: Nhà xuất bản Nông nghiệp. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2017.
  • Khang Việt (2016). Bí quyết thành công: Kĩ thuật trồng nho hiệu quả. Nhà xuất bản Đồng Nai. ISBN 8935092539881 Kiểm tra giá trị |isbn=: tiền tố không hợp lệ (trợ giúp). Đã bỏ qua tham số không rõ |ignore-isbn-error= (gợi ý |isbn=) (trợ giúp)Quản lý CS1: ref=harv (liên kết)
  • Thái Hà; Đặng Mai (2016). Bạn của nhà nông: Kỹ thuật trồng nho trên gốc ghép. Hà Nội: Nhà xuất bản Hồng Đức.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)