Thành viên:Tokeisan/nơi thử nghiệm của Tokeisan

Lịch sử Âm lịch Việt Nam

1. Thời Bắc thuộc: Lịch Trung Hoa được sử dụng tại Việt Nam.

2.Từ nhà Ngô đến đầu nhà Lý (khoảng 939-1078): Có lẽ các vương triều đầu tiên của nước Việt Nam độc lập vẫn dùng lịch Tàu.

3. Nhà Lý, nhà Trần (1080-1300): Việt Nam tự tính lịch riêng (theo một phép tính lịch thời nhà Tống của Trung Hoa). Có nhiều điểm khác biệt giữa lịch Việt và lịch Tàu trong giai đoạn này. Đáng tiếc là không có đủ tài liệu lịch sử để tìm hiểu và phục hồi lịch này.

4. Nhà Trần, Hồ, Lê (1306-1644): Thời kỳ này Việt Nam sử dụng lịch giống như lịch nhà Nguyên và nhà Minh dùng tại Trung Hoa (có thể người Việt đã học được phép tính lịch Thụ Thời khi đi sứ nhà Nguyên, khoảng năm 1300, và sau đó tự tính được lịch). Ngay cả trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627 trở đi), các chúa Nguyễn ở miền Nam vẫn dùng lịch giống nhà Lê-Trịnh. Năm 1384 nhà Minh ở Trung Hoa đổi tên lịch Thụ Thời thành Đại Thống nhưng vẫn giữ nguyên cách tính. Cho đến hết đời Minh (1644) lịch ta và lịch Tàu không khác nhau.

5. Từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh đến đầu nhà Nguyễn (1645-1812): Việt Nam dùng lịch riêng, tính theo phép lịch Đại Thống. Tại Trung Hoa, năm 1644 khi nhà Thanh lên ngôi đã dùng phép tính lịch mới (lịch Thời Hiến). Lịch ta và lịch Tàu khác nhau nhiều.

6. Thời Tây Sơn (1789-1801): Không rõ nhà Tây Sơn dùng lịch gì vì các văn kiện thời Tây Sơn về sau đã bị tiêu hủy hết. Có lẽ Tây Sơn đã chuyển sang dùng lịch giống lịch nhà Thanh của Trung Hoa. Tại vùng chúa Nguyễn kiểm soát trong giai đoạn này vẫn sử dụng lịch của nhà Lê (tính theo phép lịch Đại Thống). Sau khi Gia Long lên ngôi vẫn duy trì lịch cũ (tên là lịch Vạn Toàn) đến 1812.

7. Thời nhà Nguyễn và thuộc Pháp (1813-1945): Dùng lịch Hiệp Kỷ (tính theo phép lịch Thời Hiến của nhà Thanh). Không có sự khác biệt giữa lịch Việt Nam và lịch Trung Hoa.

8. Thời kỳ kháng Pháp (1946-1954): Việt Nam không còn cơ quan tính lịch riêng nên làm lịch theo sách Vạn Niên Thư của Trung Hoa. Và như vậy lịch ta và lịch Tàu lại không khác nhau.

9. Thời kỳ nội chiến (1955-1975): Âm lịch tại hai miền Nam-Bắc có chỗ khác nhau (và khác với lịch Trung Hoa) do sử dụng các múi giờ khác nhau cho việc tính toán. Ở miền Bắc dùng múi giờ thứ 8 tới năm 1967 và múi giờ thứ 7 từ 1968 trở đi. Tại miền Nam sử dụng múi giờ thứ 8.

10. Thời kỳ hòa bình (từ 1976 đến nay): Toàn quốc Việt Nam tính âm lịch theo múi giờ thứ 7. Do khác múi giờ với Trung Hoa nên có nhiều điểm lịch ta và lịch Tàu khác nhau.

Ghi chú: Từ 1943 đến 1976, Việt Nam đã nhiều lần thay đổi múi giờ chính thức, tuy nhiên có lẽ việc thay đổi múi giờ chỉ liên quan tới việc tính giờ chứ không ảnh hưởng mấy tới việc tính ngày tháng âm lịch.

Từ 1/1/1943 theo múi giờ thứ 8 (GMT+8). Từ 1/4/1945 theo giờ Nhật Bản dùng múi giờ thứ 9. Từ 1/4/1947 trở lại dùng múi giờ thứ 8. Ở miền Nam, từ 1/7/1955 sử dụng múi giờ thứ 7, sau đó từ 1/1/1960 dùng múi giờ thứ 8. Ở miền Bắc thì từ 8/8/1967 trở đi dùng múi giờ thứ 7 (trước đó theo múi giờ thứ 8). Từ 1968 trở đi tại miền Bắc và từ 1976 trong cả nước mới tính chung một múi giờ (GMT+7) như hiện nay.