Tháp Mắm là tên gọi quần thể và phong cách kiến trúc Chăm ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành Đồ Bàn không xa lắm. Tháp tiêu biểu cho phong cách Bình Định nhưng do những giá trị đặc biệt, tháp đại diện cho một phong cách Tháp Mắm, có niên đại khoảng thế kỷ XII, cùng niên đại với Nhạn Tháptháp Cánh Tiên. Trong nghệ thuật Chăm, phong cách Tháp Mắm nổi bật không kém hai phong cách Đồng Dươngphong cách Trà Kiệu[1].

Tháp Mắm
Phù điêu thần sáng tạo Bharma, phát hiện tại tháp Mẫm
Thông tin tháp
Tên khácTháp Mẫm
Phong cáchCổ
Xây dựngthế kỷ 12
Địa chỉxã Nhơn Thành, huyện An Nhơn
Vị tríBình Định Việt Nam
Tọa độ13°54′53″B 109°03′18″Đ / 13,9146°B 109,055°Đ / 13.9146; 109.0550
Tình trạngphế tích
 Cổng thông tin Chăm Pa
Phù điêu thủy quái Makara, phát hiện tại tháp Mắm
Phù điêu chim thần Garuda, phát hiện tại tháp Mắm

Tên gọi của tháp

sửa

Trước đây có một số người gọi tên tháp là Tháp Mẫm. Tuy nhiên, thực tế tên tháp phải là Tháp Mắm mới đúng. Tháp được nhà khảo cổ học người Pháp J. Y. Claeys, thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ gọi theo tên ông Nguyễn Mắm chủ nhân của khu đất mà nhà khảo cổ khai quật. Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh trong cuốn Văn hóa cổ Chămpa[2], trong năm 1987 khi ông điền dã khu vực này có gặp cụ Nguyễn Mắm lúc đó vẫn còn sống ở tuổi 77 và xác thực tên gọi của tháp.

Đặc điểm

sửa

Khu vực Tháp Mắm được học giả người Pháp là J. Y. Claeys phát hiện năm 1934. Lúc bấy giờ tháp đã đổ, chỉ còn phế tích[3] nhưng các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc với các đề tài môn thần và thú vật huyền thoại. Đáng chú ý trong đó là các hình nữ thần đầu người mình chim (kinnara), thần điểu (garuda), thủy quái (makara),linh thú kết hợp đầu voi mình sư tử (Gajasimha).[4]

Điêu khắc tượng là rất dày đặc, nặng nề, nhiều chi tiết, được chạm trổ rất chi li. Tượng động vật có nét chung là có xu hướng huyền thoại, hoang đường hóa, phóng đại hơn là hiện thực, trở thành các trang trí kiến trúc rất đẹp. Các tượng chim thần garuda trang trí góc tháp với hai tay đưa cao cho thấy ảnh hưởng của nghệ thuật Angkor[1].

Theo các nhà khoa học, phong cách Bayon của kiến trúc và mỹ thuật Angkor nói chung có ảnh hưởng nhiều đến phong cách Tháp Mắm, tạo nên dáng dấp tháp như một đền thờ Khơme.[1]

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b c Lâm Ấp, Champa và di sản - phần 2
  2. ^ Ngô Văn Doanh, Văn hoá cổ Chămpa, Nhà Xuất bản Văn hoá Dân tộc, 2002.
  3. ^ Guillon, Emmanuel. Hindu-Buddhist Art of Vietnam. Trumbull, CT: Weatherhill, Inc., 1997. Trang 56-58.
  4. ^ Tháp Mắm Lưu trữ 2022-12-10 tại Wayback Machine trên Từ điển bách khoa Việt Nam