Thảo luận:Đền Choọng

Bình luận mới nhất: 10 tháng trước bởi Hoang Thien 1504 trong đề tài Đền Chọong

Đền Chọong sửa

Đền Chọong là một ngôi đền thiêng tọa lạc trên ngon núi Pu Đên, thuộc xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.


Tên gọi và lịch sử:


Ngay dưới chân núi Pu Đên linh thiêng ở xã Châu Lý, huyện Qùy hợp, tỉnh Nghệ An có một bản người Thái thanh bình như bao bản làng yên bình trên đất nước Việt Nam ta - Đó là Mường Chọong. Trong bản làng yên bình đó có một ngôi đền rất linh thiêng, đó là Đền Choọng. Sở dĩ đền được gọi là Đền Chọong bởi ngôi đền này tọa lạc ngay trên đỉnh núi Pu Đên, thuộc Mường Chọong ngày xưa. Ngôi đền gắn liền với câu chuyện Nang Phốm Hóm (Nàng Tóc Thơm) ở Mường Chọong và từ câu chuyện ấy người ta đã đặt tên đền là đền Chọong. Đền Chọong tọa lạc trên đỉnh núi Pu Đên, thuộc xã Châu Lý huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An. Đền thờ Nang Phốm Hóm, người con gái công dung ngôn hạnh, là biểu tượng kết tinh từ tình đoàn kết anh em hai dân tộc Thái và Kinh. Người có công tích góp lương thảo cho nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược và là biểu tượng kết tinh từ tình đoàn kết 2 dân tộc anh em Thái và Kinh.


Cách Hà Nội khoảng 345km theo Quốc Lộ 1A và quốc lộ 48D và quốc lộ 48C chúng ta sẽ đến được với đền Chọong. Trải bao đời nay, người dân Mường Choọng vẫn lưu truyền câu chuyện kể về Nang Phốm Hóm - Nàng Tóc Thơm, người có công lớn giúp nghĩa quân chống giặc. Cùng ghép nối những dấu ấn lịch sử còn lưu lại và câu chuyện kể về Nang Phốm Hóm, sẽ góp phần làm sáng tỏ lịch sử Đền Choọng - một ngôi đền thiêng tọa lạc trên đỉnh núi Pu Đên - trung tâm của Mường Chọong.  Người con gái ấy, Nang Phốm Hóm - Nàng Tóc Thơm. Như hội tụ khí thiêng đất trời, ngay từ lúc sinh ra Nàng đã có được nét thông minh, lanh lợi khác người, đặc biệt là mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương thơm rất đực trưng của hoa rừng. Nàng đi tới đâu là mang theo may mắn và niềm vui tới đó. Không quản ngại vất vả. Nàng đã đến từng nhà hướng dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải phục vụ nghĩa quân kháng chiến trường kỳ.


Truyền thuyết về Nang Phốm Hóm:


Dấu ấn khó quên nhất chính là câu chuyện tình yêu mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đó là câu chuyện tình giữa Nàng Tóc Thơm và Chàng Rồng Mường Chọong. Một câu chuyện vừa mang yếu tố thần thánh hóa, lại vừa gắn liền với lịch sử dân tộc:  

“Ngày xưa, ở bản Chọong, có một người con gái vô cùng xinh đẹp, rất chăm chỉ và đặc biệt là có một mái tóc dài và thơm. Cô gái ấy tên là Nang Phốm Hóm (Nàng Tóc Thơm). Nàng đã huy động người dân trong vùng, quyên góp, cung cấp lương thảo cho nghĩa quân Lam Sơn, làm hậu phương cho cuộc khởi nghĩa. Trong làng ngoài bản ai ai cũng biết đến Nàng, đặc biệt là các chàng chai trong bản thì rất thích nàng, ngầy ngày thường xuyên ới lui chuyện trò. Là một người con gái Thái, đều đặn một tuần vài ba lần nàng lại ra gội đầu ở một phiến đá bên dòng suối Nậm Chọong. Với tiếng hát ngọt ngào êm dịu, với vẻ đẹp mà ít ai sánh được cùng với đó là sự công dung ngôn hạnh của một người con gái, Nàng đã bị một con rồng xứ Mường Chọong đem lòng yêu thích. Và vì muốn lấy nàng làm vợ, con rồng ấy đã biến thành một chàng trai vô cùng khôi ngô tuấn tú và đặc biệt là có rất nhiều tài năng, điển hình là nhảy sạp rất giỏi, ngày ngày đều đặn đến bản chơi. Với sự đẹp trai tài giỏi của mình, chàng luôn được mọi người yêu mến. Nhưng vì là rồng nên chàng có một bộ răng đỏ chói và có răng nanh.


Chính vì lẽ đó mà Nàng Tóc Thơm cũng như những người dân trong vùng không bao giờ thấy chàng cười hay nói hoặc mỗi lần mời ở lại ăn cơm thì đều bị từ chối. Cứ như thế, người dân bắt đầu có sự nghi ngờ và sự nghi ngờ ấy càng ngày càng tăng lên, và để kiểm chứng xem chàng trai này có phải là rồng hay không, dân bản đã lừa cho chàng Ci Chỉ (Ăn cay) một món ăn xưa của người Thái, lúc đầu chàng còn từ chối nhưng vì bất khả kháng nên đành phải ăn. Và không ngoài dự đoán, ngay lập tức hai hàm răng của chàng đã lộ ra đỏ chói, và người dân cũng biết được chàng là rồng nên đã đánh đuổi.


Qua một thời gian dần quên lãng, như mọi khi nàng vẫn lại ra suối gội đầu. Vì không cam tâm mất đi người con gái mình yêu, nhân một hôm nàng ra suối tắm gội, khi nàng để chiếc lược xuống phiến đá (hiện nay phiến đá ấy vẫn còn). Chàng đã làm nước dâng lên cho chiếc lược trôi đi, thấy lược bị trôi nàng đã cúi xuống nhặt và bị cuốn đi.  Khi nghe tin, người dân trong vùng cùng một số binh lính trong nghĩa quân đã cùng nhau đi tìm và thấy một hang độn rất lớn và đã cho rằng đó là hang của con rồng ấy. Họ cùng nhau đào ngày đào đêm, cho cả những chú voi uống rượu( chạng ba) để quấy nước, náo loạn rủ con rồng ấy ra nhưng không thấy hồi âm gì, chỉ thấy một búi tóc tỏa ra mùi thơm giống với hương thơm trên tóc của nàng nên người dân đã đưa về và vì nhớ đến công ơn của nàng thì dân bản và nghĩa quân đã lập đền thờ phụng. Đất đá người ta đào lên ngày xưa ấy, chính là ngọn núi Pu Đên ngày nay, nơi mà đền tọa lạc”.


Đền Chọong:


Từ cây cầu đá bắc qua dòng Nậm Chọong, ta sẽ vào đến Nghi môn. Nghi môn kết cấu gồm hai trụ biểu được làm bằng đá hoa cương nguyên khối, bốn mặt tạc long, li, quy, phụng rất công phu và tinh xảo. Ở mặt trước của trụ biểu có khắc đôi câu đối:

“Chính khí cao tiêu kim cổ địa

Thanh danh hà hạn Bắc Nam thiên”

Dịch nghĩa là: “Chính khí nêu cao trên đất xưa nay

Tiếng tăm vang lừng khắp trời Nam Bắc”.  

Bên cạnh hai trụ biểu là tượng hai con voi bằng đá granit nguyên khối. Voi được tạc trong thế quỳ chầu vào giữa. Qua Nghi môn là đến Miếu Sơn thần. Miếu ở bên phải đường lên đền chính. Miếu Sơn thần được làm bằng đá hoa cương nguyên khối. Miếu chồng diêm hai tầng tám mái, trên đỉnh miếu hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao hoa văn uốn lượn, phía trước và hai bên thành miếu chạm khắc hoa văn rồng phượng, cỏ cây, hoa lá cầu kỳ. Trước Miếu Sơn thần bài trí một lư hương đá để du khách thập phương dâng lễ trình trước khi vào đền chính. Phía bên phải của đền là nơi mọi người sẽ rửa tay trước khi vào cúng bái, bên trái là nơi chưng bày các tảng đá kê chân cột ngôi đền ngày xưa. Phía trước ngôi đền là hồ nước hình bán nguyệt cùng hàng cay liễu khá đẹp mắt.


Ngôi đền cổ thì vẫn đang còn lưu giữ được 14 tảng đá kê chân cột. Căn cứ vào 14 tảng đá kê cột cũng như qua lời kể của các cụ già làng trước đấy mà họ từng được chứng kiến. Ngôi đền này là ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa giữa Kinh và Thái, trong đó ảnh hưởng cụ thể là kiến trúc thời Nguyễn. Được xây dựng bao gồm  ba gian hai hồi và bốn vì. Cùng với mái lợp ngói âm dương, trên thì có trang trí các hoa văn họa tiết là hình rồng, trên các bờ nóc đều đắp các hình tượng hoa văn khá tao nhã. Ngôi đền chính được bày trí 3 cung, cung giữa thờ Nang Phốm Hóm, tạc theo hình mẫu người phụ nữ dân tộc Thái trong trang phục của người Thái Mường Chọong xưa. Cung bên trái bày trí thờ Pa Thai - Mẹ của Nang Phốm Hóm và cung bên phải thờ bố của nàng.


Trải qua hàng trăm năm, từ thời hậu Lê, đến nay đền gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Chỉ còn lại đó là những tảng đá kê chân cột. Đến năm 2014, Tỉnh ủy Nghệ An cùng với bà con đã cho phục dựng và tôn tạo lại hoàn toàn ngôi đền. Đền Choọng được tôn tạo, phục dựng ngay chính trên nền cũ tại tọa lạc trong khuôn viên núi Pù Đên rộng hơn 9ha gồm các hạng mục chủ yếu là: Thượng điện, hạ điện, tả vu, hữu vu, tam quan, cổng tứ trụ, sân, đường lên hạ điện, thượng điện; Cầu, đường, sân bãi và các công trình phụ trợ khác.


Kể từ khi tôn tạo và phục dựng lại, đền đã 3 lần tổ chức lễ hội vào các năm 2014,2018,2019. Đến nay do phần ảnh hưởng của dịch bệnh nên đền không thể tổ chức lễ hội. Đặc biệt là năm 2019, đền đa đón hàng nghìn người tham dự lễ hội, không chỉ riêng người dân trong tỉnh mà còn cả ngoài tỉnh. Lễ hội năm 2019 được tổ chức ngày 16,17/3 (tức ngày 11,12 tháng 2 âm lịch), UBND huyện Quỳ Hợp đã tổ chức lễ hội Đền Choọng năm 2019. Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức vào dịp này, những năm trước đây lễ hội Đền Choọng diễn ra vào ngày 15 và 16/6 âm lịch.  

Phần lễ gồm có lễ yết cáo, nộp trâu, lễ rước linh giá, lễ đại tế và lễ tạ tại đền chính, ngoài ra còn có thêm nhiều phần hội để người dân được vui chơi, giải trí như giao lưu văn nghệ với những tiết mục hát múa dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc Thái, Thổ và các vùng miền.


Lễ Hội Đền Chọong:


Lễ yết cáo được tổ chức theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc Thái và Kinh. Lễ nhằm xin phép thần linh về việc tổ chức lễ hội. 6 mâm lễ tại 6 ban thờ được chuẩn bị chu đáo, đúng bản sắc dân tộc.  

+ Buổi chiều sẽ diễn ra Lễ rước và nộp trâu. Đây là nghi lễ rước “Linh giá” nhằm gợi lại tích xưa, để khách thập phương về dự lễ hưởng phúc chiêm bái linh giá; gội rửa, tẩy trần để bước vào ngày Lễ trọng. Cùng với đó là cống nộp trâu nhằm dâng linh vật tế thần theo tín ngưỡng, quan niệm truyền thống, với mục đích cầu xin thần linh che chở, phù hộ độ trì cho bách gia, trăm họ. Tương truyền rằng ngày xưa có 1 chiếc vạc rất lớn bằng đồng có thể bỏ được 1 con trâu lớn. Mỗi khi tổ chức lễ hội, dân bản sẽ bỏ nguyên con trâu vào chiếc vạc ấy để dâng lên tế lễ. Nhưng do thời gian dài cùng với bao thăng trầm biến động, nay chiếc vạc ấy đã mất tích và không còn ai biết nó ở đâu.

Ngày tiếp theo sẽ diễn ra Lễ đại tế tại Thượng điện Đền Chọong, cầu mong Quốc thái - dân an, quê hương cường thịnh, cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, cuộc sống an lành, người người khỏe mạnh...  Buổi chiều sẽ là kết thúc các hoạt động lễ hội đã diễn ra. Lễ tạ tại tất cả 6 ban thờ thuộc quần thể di tích Đền Chọng với mục đích báo cáo, tạ ơn thần linh về việc tổ chức Lễ hội thành công tốt đẹp. Cùng ngày hôm đó, song song với phần lẽ thì phần hội cũng diễn ra vô cùng sôi nổi với nhiều hoạt động như: Nhảy sạp, cồng chiêng, văn nghệ, các hoạt động thể thao cùng với đó là các trò chơi dân gian của người Thái



Nhận Định:


Hiện nay đền đang lưu giữ hơn 81 hiện vật, trong đó có 19 cổ vật gắn liền với người con gái huyền thoại và kho tàng văn hóa của người Thái Mường Chọong xưa. Ngoài ra, còn có kiêm, đao, lọng vua ban cùng với đó là các tảng đá kê chân cột. Đền Choọng xưa giờ không còn nữa, nhưng dấu ấn văn hóa tâm linh, dấu ấn một thời kỳ lịch sử thì mãi còn đây, hằn in trong thẳm sâu tâm thức của người dân Mường Choọng và tất cả những ai nặng lòng với nguồn cội xa xưa nơi mảnh đất này.

Có thể nói rằng Đền Choọng mãi là một phần không thể tách rời trong tổng hòa các yếu tố văn hóa - lịch sử, định hình nên nét bản sắc riêng của mảnh đất và con người Mường Choọng. Để thể hiện được đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc và thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc nơi đây.

– Hoang Thien 1504 (thảo luận) 11:04, ngày 6 tháng 6 năm 2023 (UTC)Trả lời

Quay lại trang “Đền Choọng”.