Thảo luận:Hợp đồng bảo hiểm

BÌNH LUẬN VỀ SỰ KHÓ HIỂU CỦA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM sửa

Lý giải sự khó hiểu sửa

Trên phương diện lý luận sửa

° Hệ quả của các tính chất riêng có của hợp đồng bảo hiểm

- Thứ nhất, xuất phát từ tính may rủi (aléatoire/ aleatory) của hợp đồng bảo hiểm. Việc giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm gắn liền với những rủi ro tức những biến cố không chắc chắn. Chính vì vậy mà nhà bảo hiểm khi chấp bút hợp đồng phải đưa ra nhiều tình huống giả định (nếu thế này thì.., nếu thế kia thì…, ngoại trừ…. v..v…). Điều này làm cho câu văn sử dụng để diễn đạt luôn phức tạp, hơn nữa, nhà bảo hiểm miêu tả các trường hợp giả định ở mức độ khái quát cao làm người đọc phải cố gắng hình dung ra các trường hợp đó. Tất nhiên, vì trình độ rất khác nhau và lĩnh vực hoạt động rất khác nhau nên không phải ai nếu không nói là ít người có thể có trình độ, hiểu biết chuyên môn đầy đủ để hiểu tường tận một cách thống nhất với nhà bảo hiểm. Sự khó hiểu của hợp đồng bảo hiểm, vì vậy, e rằng khó tránh khỏi;

- Thứ hai, xuất phát từ tính gia nhập của hợp đồng bảo hiểm, biểu hiện ở chỗ hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng theo mẫu, mở sẵn và do nhà bảo hiểm soạn thảo (và được Bộ tài chính chấp nhận) chứ không phải hình thành từ việc đàm phán trực tiếp của hai bên như các hợp đồng mua bán khác. Điều này đòi hỏi người mua bảo hiểm phải đọc thật kỹ để thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trước khi ký kết và trong khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Nhưng, ngay cả khi đọc kỹ, nếu không có sự giúp đỡ, tư vấn của người hoạt động chuyên ngành, chưa chắc người mua bảo hiểm có thể hiểu đúng và thống nhất với người chấp bút các điều khoản.

° Xuất phát từ các tính chất riêng có của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ: bảo hiểm nhân thọ là có tính “đa mục đích” (bảo vệ, tiết kiệm và đầu tư), dài hạn và có mối quan hệ phức tạp bên người mua bảo hiểm (người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng,…), vì thế, hệ thống sản phẩm nhân thọ rất đa dạng về chủng loại: sản phẩm chính (sinh kỳ, tử kỳ, niên kim, trọn đời, hỗn hợp,…), sản phẩm bổ trợ (tai nạn, bệnh, từ bỏ thu phí..) và phức tạp (sản phẩm kết hợp, sản phẩm có khả năng chuyển đổi, liên kết nhân mạng,…). Điều này dẫn đến có sự mâu thuẫn giữa tính phức tạp, chuyên biệt của sản phẩm bảo hiểm với mức độ hiểu biết về bảo hiểm chưa cao của đại đa số khách hàng.

Trên phương diện thực tiễn sửa

- Một là, ngành bảo hiểm là một ngành du nhập vào nước ta và cũng chỉ mới trong thời gian đầu. Hầu hết các hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt, là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đều dựa theo mẫu của nước ngoài nên khi chuyển đổi ngôn ngữ, một số từ ngữ còn rất mới mẻ và khó hiểu chưa được bổ sung vào từ điển tiếng Việt phổ thông (trong khi đó vẫn chưa có từ điển thuật ngữ chuyên ngành bảo hiểm nhân thọ đầy đủ).

- Hai là, thị trường bảo hiểm nhân thọ nước ta chỉ thực sự phát triển trong những năm gần đây. Nhận thức của người dân về bảo hiểm còn nhiều hạn chế mà việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo hiểm cho người dân một cách rộng rãi hình như chưa được quan tâm đúng mức. Một khi chưa biết nhiều về bảo hiểm và pháp luật bảo hiểm thì khi tiếp cận với hợp đồng bảo hiểm nói chung, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói riêng gặp khó khăn, khó hiểu là điều dễ hiểu.

- Ba là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn về hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói riêng hiện nay chưa đủ và bất cập. Chính vì thế, thật khó khăn cho việc tiếp cận tìm hiểu ngay cả đối với những người hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm chứ đừng nói đến từng người dân bình thường.

Làm thế nào để sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tiếp cận cho người dân dễ hơn? sửa

Như vậy, tính khó hiểu, khó tiếp cận của hợp đồng bảo hiểm là do những tính chất vốn có của nó (tính may rủi, tính gia nhập,…) và do những nguyên nhân thực tế khách quan. Rõ ràng rằng nếu chỉ một mình nhà bảo hiểm không thể làm cho HĐBH dễ hiểu hơn.

Để sản phẩm bảo hiểm dễ hiểu hơn, tiếp cận dân chúng dễ dàng hơn, một số giải pháp có thể đặt ra như sau:

Về phía Nhà nước và Hiệp hội nghề nghiệp bảo hiểm:

- Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động bảo hiểm nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng.

- Việc thông tin và giáo dục về bảo hiểm cũng như pháp luật bảo hiểm cần được tăng cường và phổ biến rộng rãi (các phương tiện thông tin đại chúng, biên sọan và xuất bản các ấn phẩm có liên quan, biên sọan từ điển bảo hiểm...).

- Tạo điều kiện khuyến khích mạng lưới trung gian bảo hiểm phát triển dưới hình thức môi giới bảo hiểm, đại lý độc lập để giúp người dân tiếp cận bảo hiểm một các dễ dàng và bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm.

Về phía các nhà bảo hiểm:

- Tăng cường đào tạo chuyên môn cho các cán bộ - nhân viên;

Việc chấp bút hợp đồng bảo hiểm phải cố gắng làm sao cho phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ của nước ta, đơn giản đến mức có thể có nhưng không ảnh hưởng đến những nội dung quan trọng của hợp đồng bảo hiểm.

- Tăng cường hệ thống đại lý bảo hiểm về trình độ lẫn đạo đức nghề nghiệp để phục vụ tốt và tận tâm cho khách hàng bảo hiểm.

Về phía người mua bảo hiểm:

Chủ động tiếp cận và tự nâng cao trình độ về mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Phải thấy được rằng hợp đồng bảo hiểm khó hiểu bởi vì tính chất vốn có của nó, muốn hiểu được thì bản thân phải tự hoàn thiện, khắc phục điểm yếu của mình trong mối quan hệ với nhà bảo hiểm trên hợp đồng bảo hiểm. Đành rằng, khi thị trường bảo hiểm phát triển, mối quan hệ giữa người mua bảo hiểm và nhà bảo hiểm là qua trung gian (môi giới, đại lý), nhưng kiến thức cơ bản về bảo hiểm và pháp luật bảo hiểm sẽ giúp người mua tự bảo vệ quyền lợi của mình tốt nhất và với chi phí thấp nhất ª


Tác giả, Nguồn sửa

Nguyễn Tiến Hùng - Tạp Chí Phát Triển Kinh Tế - Đại Học Kinh Tế TP.HCM

http://203.162.144.36/tcptkt/ptkt2006/thang07-06/nguyentienhunghtm.htm

BÌNH LUẬN VỀ VẤN ĐỀ GIẢI THÍCH HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM sửa

Xét trên phương diện lý thuyết, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên, qua đó thể hiện sự thống nhất ý chí (còn gọi là sự “ưng thuận”) của các bên với các mong muốn và chủ đích đạt được những hệ quả pháp lý nhất định là việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ ràng buộc các bên trong quan hệ hợp đồng. Với vai trò là luật do các bên trong quan hệ hợp đồng tạo ra, về mặt lý luận, các điều khoản quy định trong hợp đồng cần phải đảm bảo các tiêu chí: đầy đủ, rõ ràng, thống nhất, đơn nghĩa, dễ hiểu trong đó tiêu chí “rõ ràng” là quan trọng nhất. Tuy nhiên, không ít hợp đồng tồn tại trên thực tế không phải lúc nào cũng đảm bảo được các tiêu chí nói trên dẫn đến việc các bên không có cách hiểu thống nhất về nội dung hợp đồng và vấn đề giải thích hợp đồng để giải quyết tranh chấp được đặt ra. Mục đích của việc giải thích hợp đồng là nhằm làm rõ nghĩa và phạm vi của hợp đồng hay một điều khoản cụ thể của hợp đồng. Trong phạm vi bài viết này muốn đề cập và trao đổi với quý độc giả về vấn đề “giải thích hợp đồng bảo hiểm”.

Hợp đồng bảo hiểm nói chung và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói riêng được điều chỉnh bởi Luật kinh doanh bảo hiểm là một loại hợp đồng gia nhập (còn gọi là hợp đồng theo mẫu). Đặc điểm này được thể hiện ở chỗ doanh nghiệp bảo hiểm là bên đưa ra các điều khoản mẫu (do Bộ Tài chính ban hành hoặc phê duyệt) để khách hàng xem xét trả lời chấp nhận trong một khoảng thời gian hợp lý; nếu khách hàng đồng ý tham gia bảo hiểm đồng nghĩa với việc chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo điều khoản mẫu mà doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa ra. Do đó, về nguyên tắc người mua bảo hiểm không được đàm phán, thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung điều khoản của hợp đồng bảo hiểm.

Xuất phát từ sự “yếu thế” nói trên của người mua bảo hiểm, tính phức tạp và khó hiểu của các điều khoản bảo hiểm đặc biệt là điều khoản bảo hiểm nhân thọ, và để tránh việc các doanh nghiệp bảo hiểm tìm cách “chèn ép” khách hàng, dồn họ vào tình thế khó lựa chọn cũng như hạn chế vi phạm nguyên tắc “tự do khế ước” trong giao dịch, các nhà làm luật đã đưa ra quy định về nghĩa vụ giải thích hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua bảo hiểm như sau:

- Thứ nhất, “khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, nghĩa vụ giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm...” (khoản 1, Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm).

- Thứ hai, “trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm” (Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm)".

Như vậy, theo các quy định trên thì nghĩa vụ giải thích hợp đồng bảo hiểm trước hết thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm (thực hiện trực tiếp hoặc thông qua đại lý) và việc giải thích này phải theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm nếu điều khoản không rõ ràng. Khi có tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng liên quan đến những quy định của điều khoản hợp đồng, toà án có nghĩa vụ làm sáng tỏ ý nghĩa và nội dung của hợp đồng bảo hiểm đó và thường sẽ ưu tiên giải thích theo hướng có lợi hơn cho người mua bảo hiểm và/hoặc người được hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Về vấn đề này, khoản 2 Điều 406 Bộ luật dân sự năm 1995 và khoản 2 Điều 407 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng quy định “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”. Đây là quy định hợp lý bởi lẽ doanh nghiệp bảo hiểm là bên soạn thảo hợp đồng, do đó về nguyên tắc họ có quyền đồng thời có nghĩa vụ diễn đạt các điều khoản của hợp đồng một cách rõ ràng, mạch lạc còn người tham gia bảo hiểm hay người được hưởng quyền lợi bảo hiểm là bên phải chấp nhận hoặc bác bỏ toàn bộ các điều khoản đó (không tham gia bảo hiểm) mà không được “mặc cả” bất cứ điều gì.

Tuy nhiên, Luật kinh doanh bảo hiểm chỉ dừng lại ở quy định nguyên tắc giải thích hợp đồng bảo hiểm mà không nói đến cách thức giải thích hợp đồng này như thế nào. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra, việc giải thích hợp đồng bảo hiểm phải căn cứ vào các quy định khác của pháp luật nếu có, bởi về nguyên tắc áp dụng luật, việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm trước hết sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật kinh doanh bảo hiểm. Nếu Luật kinh doanh bảo hiểm không quy định hoặc dẫn chiếu đến việc áp dụng luật khác (Bộ luật dân sự và các quy định quy định khác của pháp luật có liên quan) thì luật khác sẽ được áp dụng (Điều 12 khoản 4 Luật kinh doanh bảo hiểm). Trong trường hợp này, Điều 408 Bộ luật dân sự năm 1995 có quy định cách thức giải thích hợp đồng như sau:

1. Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó.

2. Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghiã nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên.

3. Khi hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng.

4. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

5. Khi hợp đồng thiếu một số điều khoản không thuộc nội dung chủ yếu, thì có thể bổ sung theo tập quán đối với đối với loại hợp đồng đó tại địa điểm giao kết hợp đồng.

6. Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng”.

Điều 409 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng kế thừa các quy định về cách thức giải thích hợp đồng tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6 Điều 408 nói trên. Tuy nhiên, Điều 409 Bộ luật dân sự năm 2005 đã sửa từ “...thiếu một số điều khoản không thuộc nội dung chủ yếu...” của khoản 5 Điều 408 thành “...thiếu một số điều khoản...” và có bổ sung mới hai cách thức giải quyết sau:

7. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn ngữ từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được sử dụng để giải thích hợp đồng.

8. Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế”.

Rõ ràng từ những quy định nói trên, thì việc giải thích hợp đồng bảo hiểm theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm khi có điều khoản không rõ ràng phải được đặt trong mối quan hệ với các cách thức giải thích đã được đề cập tại Bộ luật dân sự hiện hành chứ không được áp dụng một cách tuỳ tiện, duy ý chí.

Giải thích hợp đồng không phải là vấn đề mới đối với các nước trên thế giới bởi từ trước công nguyên, những luật gia thuộc thế hệ đầu tiên của La Mã đã đặt nền móng cho hoạt động này. Tuy nhiên, không phải luật pháp nước nào cũng quy định giống nhau về cách thức giải thích hợp đồng. Theo Bộ luật dân sự Pháp, khi giải thích hợp đồng trong trường hợp các điều khoản của hợp đồng có điểm không rõ ràng thì phải xem xét ý định đích thực của các bên ký kết (Điều 1156). Nếu một điều khoản hợp đồng có thể được giải thích theo hai cách khác nhau, thì phải chọn cách giải thích nào làm cho điều khoản đó có hiệu lực và loại trừ cách giải thích làm cho điều khoản vô hiệu (Điều 1157). Trường hợp một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo hai nghĩa khác nhau, thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với nội dung cơ bản của hợp đồng (Điều 1158). Giải thích hợp đồng dựa vào tập quán, thông lệ (Điều 1159 và 1160). Giải thích nội dung các điều khoản cụ thể phải dựa vào nội dung của hợp đồng nói chung, bởi vì nội dung từng điều khoản cụ thể của hợp đồng không thể mâu thuẫn nhau (Điều 1161) và trong trường hợp có nghi ngờ về nội dung của một điều khoản hợp đồng, thì phải giải thích hợp đồng điều khoản đó theo hướng có lợi cho người có nghĩa vụ (Điều 1162).

Theo Công ước Viên năm 1980, “tuyên bố và cách xử sự khác của một bên được giải thích theo đúng ý định của họ nếu bên kia biết hoặc không thể biết ý định ấy. Nếu không đạt được mục đích đó, thì tuyên bố và cách xử sự khác của một bên được giải thích theo nghĩa mà một người có lý trí, nếu người đó được đặt vào vị trí của phía bên kia trong những hoàn cảch tương tự cũng sẽ hiểu như thế. Và khi xác định ý muốn của một bên hoặc theo cách hiểu không thường của một người có lý trí, cần phải tính đến mọi tình tiết liên quan, kể cả các cuộc đàm phán, mọi thực tế mà các bên đã có trong mối quan hệ tương hỗ của họ, các tập quán và hành vi sau đó của các bên” (Điều 8).

Tại Việt Nam, xung quanh vấn đề giải thích hợp đồng bảo hiểm, có rất nhiều quan điểm khác nhau trong đó có không ít những quan điểm xuất phát từ việc không hiểu hoặc cố tình không hiểu cách thức giải thích hợp đồng nên đưa ra nhận định chủ quan của mình, xúi giục những người mua bảo hiểm chưa am hiểu về lĩnh vực pháp luật, khởi kiện doanh nghiệp bảo hiểm gây mất ổn định xã hội, bản thân người mua bảo hiểm cũng mất nhiều thời gian, tiền bạc theo đuổi vụ kiện do bị thua kiện. Chúng tôi xin nêu một vụ kiện sau làm ví dụ điển hình:

Ông Nguyễn Văn T. và Bà Ngô Thị K. tham gia Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ thời hạn 05 năm cho chính mình với số tiền bảo hiểm (STBH) ghi tại Phụ lục 1- Mục III của Hợp đồng Bảo hiểm như sau:

+ STBH của Hợp đồng chính (Bảo hiểm và tiết kiệm): 20.000.000 đồng

+ STBH của Điều khoản riêng I(Bảo hiểm thương tật toàn bộ vĩnh viễn do tai nạn): 20.000.000 đồng

+ STBH của Điều khoản riêng II (Bảo hiểm chi phí phẫu thuật): 20.000.000 đồng


Đến ngày đáo hạn Hợp đồng bảo hiểm nói trên, Công ty bảo hiểm nhân thọ PT đã thanh toán cho Ông T. và Bà K. với STBH của Hợp đồng chính cho mỗi người là 20.000.000 đồng cộng với lãi chia thêm.

Được sự tư vấn của Văn phòng Luật sư HV, ông T. và bà K. đã làm đơn yêu cầu Bảo Việt Nhân thọ PT thanh toán thêm STBH của các điều khoản riêng I, II với lý do viện dẫn là tại Điều 2 điểm 2.1 điều khoản Hợp đồng chính có ghi: “Đến ngày đáo hạn hợp đồng bảo hiểm, Công ty sẽ thanh toán cho người được bảo hiểm toàn bộ số tiền bảo hiểm đã cam kết tại Phụ lục 1- Mục III của Hợp đồng Bảo hiểm”.

Thực tế, đề nghị của bà K. với sự viện dẫn như trên là không có cơ sở pháp lý do đã hiểu điều khoản này một cách quá cứng nhắc, máy móc theo hướng “chẻ chữ” mà không căn cứ vào các cách thức giải thích hợp đồng đã được quy định tại Điều 408 Bộ luật dân sự năm 1995 (do tại thời điểm giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm của bà K. và ông T., Bộ luật dân sự 2005 chưa ra đời nên Bảo Việt lấy Bộ luật dân sự 1995 để giải thích). Lý do như sau:

Thứ nhất, bản chất của hợp đồng chính và điều khoản riêng I, II mà ông T. và bà K. đã tham gia là hoàn toàn khác nhau. Hợp đồng chính là loại sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp vừa tiết kiệm vừa bảo hiểm (nghĩa là trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng nếu người được bảo hiểm (NĐBH) gặp rủi ro thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc bị tử vong thì Công ty bảo hiểm sẽ trả STBH và nếu khi hợp đồng đáo hạn mà NĐBH còn sống thì sẽ được nhận STBH). Còn điều khoản riêng I (Bảo hiểm thương tật toàn bộ vĩnh viễn do tai nạn) và riêng II (Bảo hiểm chi phí phẫu thuật) đơn thuần là sản phẩm bảo hiểm rủi ro (nghĩa là chỉ có rủi ro quy định trong các điều khoản riêng này xảy ra đối với NĐBH thì Công ty bảo hiểm mới trả tiền bảo hiểm theo các điều khoản riêng này). Điều này được giải thích rõ ngay tại Điều 2 điều khoản riêng I, II “Số tiền bảo hiểm theo điều khoản này được hiểu là giới hạn trách nhiệm tối đa của Công ty bảo hiểm đối với hậu quả của từng rủi ro được bảo hiểm xảy ra đối với Người được bảo hiểm”. Đây cũng là lý do tại sao số phí bảo hiểm của hợp đồng chính lại gấp rất nhiều lần số phí bảo hiểm của điều khoản riêng trong khi có cùng STBH.

Thứ hai, giới hạn trách nhiệm của Công ty bảo hiểm nhân thọ PT đối với người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm đã được phân định rõ ràng, tách biệt tại phần quyền lợi bảo hiểm của điều khoản hợp đồng chính và điều khoản riêng I, II. Theo đó, Công ty bảo hiểm thanh toán STBH cho NĐBH khi hợp đồng đáo hạn chỉ được đề cập tại Điều 2 của điều khoản hợp đồng chính còn tại điều khoản riêng I, Công ty bảo hiểm chỉ trả STBH khi “NĐBH bị thương tật bộ phận vĩnh viễn do tai nạn” (phần III) và điều khoản riêng II khi “NĐBH bị phẫu thuật do bệnh tật hoặc tai nạn”(Điều 5 phần II). Nếu không bị rủi ro, tai nạn trong thời gian hợp đồng bảo hiểm thì khi đáo hạn, NĐBH không được nhận số tiền theo điều khoản riêng này.

Thứ ba, việc ký kết Hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ giữa Công ty bảo hiểm PT và ông T., bà K. trước tiên được dựa trên cơ sở là Giấy yêu cầu bảo hiểm mà Ông, Bà đã tự kê khai. Ngay tại phần đầu của Giấy yêu cầu bảo hiểm này đã ghi: “Sau khi tìm hiểu Điều khoản, Biểu phí do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số …, tôi đồng ý tham gia bảo hiểm …và làm Giấy yêu cầu bảo hiểm này kê khai đầy đủ, trung thực các chi tiết sau đây”. Đồng thời tại Điểm 2 Phần II (Điều kiện bảo hiểm) của Giấy yêu cầu bảo hiểm Ông, Bà cũng ghi rõ: STBH của hợp đồng chính, STBH của điều khoản riêng I, STBH của điều khoản riêng II. Như vậy, ngay từ khi thể hiện nguyện vọng tham gia bảo hiểm, các điều kiện bảo hiểm đã được Ông, Bà phân định rõ ràng, các điều khoản của Hợp đồng chính và các điều khoản riêng I, II cũng đã được giải thích chi tiết và cụ thể.

Với những lý do trên, mặc dù Điều 2 điểm 2.1 của bản điều khoản Hợp đồng chính có ghi: “Đến ngày đáo hạn hợp đồng bảo hiểm, Công ty sẽ thanh toán cho người được bảo hiểm toàn bộ số tiền bảo hiểm đã cam kết tại Phụ lục 1- Mục III của Hợp đồng Bảo hiểm” nhưng vì quy định này chỉ nằm trong điều khoản hợp đồng chính (chứ không nằm trong điều khoản riêng I, II) nên “toàn bộ số tiền bảo hiểm” mà ông T. và bà K. viện dẫn phải được hiểu là toàn bộ và chỉ số tiền của hợp đồng chính (20.000.000 đồng) chứ không thể bao gồm cả STBH của các điều khoản riêng và cũng không thể coi điều khoản này là “không rõ ràng”. Việc giải thích hợp đồng nói chung và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói riêng không chỉ đơn thuần căn cứ vào câu chữ trong điều khoản, theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm mà phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với ý chí đích thực của các bên khi giao kết hợp đồng, tính chất, toàn bộ nội dung của hợp đồng, và trong mối liên hệ với các điều khoản khác.

Phí Thị Quỳnh Nga- Bảo Việt Nhân thọ

Nguồn: http://www.baoviet.com.vn/newsdetail.asp?websiteId=1&newsId=495&catId=33&lang=VN

Quay lại trang “Hợp đồng bảo hiểm”.