Thảo luận:Tây Hán diễn nghĩa

Bình luận mới nhất: 17 năm trước bởi Casablanca1911 trong đề tài Hình

Về tác phẩm văn học Hán Sở tranh hùng

sửa

Hán Sở tranh hùng trong văn học vốn có tên là Tây Hán chí.

Tới nay tôi đã tiếp xúc với 3 bản tiếng Việt cuốn Tây Hán chí. Một bản rất phổ biến do Hồng Kông xuất bản, Mộng Bình Sơn dịch có 48 hồi, XNB Trẻ TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 1989, từ đó tới nay tái bản nhiều lần và một bản khác ít người biết tới, có tên là "Tây Hớn" do Thanh Phong dịch, có 100 hồi do NXB Đồng Tháp ấn hành năm 1993. Nhưng tuyệt nhiên cả hai bản này đều không ghi tác giả nguyên tác chữ Hán là ai.

Mãi tới gần đây, mới có một bản Hán Sở tranh hùng khác do TP Hồ Chí Minh xuất bản mới khi rõ ở phía trên cùng của bìa tác phẩm này là "Khuyết danh", tức là không rõ tên tác giả.

Giữa hai bản 48 hồi của dịch giả Mộng Bình Sơn và 100 hồi của dịch giả Thanh Phong có sự khác biệt khá nhiều. Bản 48 hồi chỉ kể từ khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi đến khi Lưu Bang chết. Bản 100 hồi kể từ cuối thời Chiến Quốc, từ khi Thủy Hoàng ra đời đến khi Lưu Bang chết. Đọc kỹ hai bản, tôi cho rằng bản "Tây Hớn" của Thanh Phong trung thành với nguyên tác hơn, ít cắt gọt lịch sử hơn và ít tình huống vô lý hơn.

Bản của Mộng Bình Sơn chứa đựng nhiều sai sót và không rõ đó là sai sót của phía xuất bản nguyên tác hay của dịch giả. Các ví dụ điển hình là:

1. Khi Hạng Lương bị Chương Hàm giết, lẽ ra khi đó quân Sở tan nát, phải về tụ tập lấy lại tinh thần rồi Sở Hoài vương mới ra lệnh đánh Tần kèm theo lời ước: "Ai vào Quan Trung trước được làm vua". Sử cũ kể như vậy. Nhưng ở đây, truyện lại kể: nghe tin chú bị giết, Hạng Vũ mang quân báo thù luôn, đánh thắng Chương Hàm 9 lần, sau đó lại mang quân về hội với Sở Hoài vương và nhận giao ước. Sau khi nhận giao ước, truyện lại chỉ kể quá trình Lưu Bang đánh Tần vào Hàm Dương, còn không rõ Hạng Vũ làm gì (vì đoạn đánh Chương Hàm ở trên đã kể mất rồi).

2. Hạng Vũ đánh Tần đi đường phía bắc, Lưu Bang đánh Tần đi đường chính Tây. Truyện kể rằng Hoài vương giao ước, cho Lưu Bang đi phía tây còn Hạng Vũ đi theo đường phía đông (!). Đi phía đông để đánh nước nào?

3. Đoạn Kỷ Tín chết thay cho Lưu Bang, truyện muốn mượn tích trong Đông Chu liệt quốc, nhưng lại nhầm lẫn nhiều nhân vật. Truyện để cho Trương Lương treo tranh vua Tề Cảnh Công thời Xuân Thu nhờ người hầu thế mạng cho quân Tấn bắt để trốn thoát và sau trở thành bá chủ chư hầu. Ý tiểu thuyết muốn để Trương Lương kích động tinh thần hy sinh vì chủ của tướng sĩ và Kỷ Tín đã tình nguyện đứng ra. Câu chuyện này hoàn toàn sai, cho thấy sự lầm lẫn của tác giả hoặc dịch giả. Trong bản Tây Hớn, bản dịch của Thanh Phong không có đoạn này. Đời Xuân Thu, vị vua Tề thua trận, bị quân Tấn truy đuổi và phải nhờ người hầu thế mạng là Tề Khoảnh công (Khương Vỗ Giã) chứ không phải Tề Cảnh Công (Khương Chử Cữu). Bản thân vua này sau khi trốn thoát cũng không lập công tích gì nữa và không bao giờ làm bá chủ chư hầu. Chỉ có vua Tề Cảnh công (với tướng quốc Án Anh thấp lùn nổi tiếng) mới là vua nổi tiếng của nước Tề (sau Tề Hoàn công) mà thôi. Có lẽ tác giả đã lẫn chữ Cảnh và chữ Khoảnh và lầm lẫn cả hành trạng của hai vị vua này.

Ngoài ra, bản 48 hồi còn có nhiều đoạn để cho nhân vật dùng những cụm từ quá hiện đại, không hợp với văn phong, lời nói của người cổ xưa, như khi Hạng Vũ sắp tự vẫn ở Ô Giang, có thủ hạ cũ đã sang hàng Hán gặp là Lã Mã Thông. Thông bảo Hạng Vũ: "Tôi tuy theo bước đường lý tưởng nhưng vẫn ngưỡng mộ đại vương"...

Tiểu thuyết có quyền hư cấu nhưng tôi cho rằng nên làm như bản 100 hồi, không nên làm như bản 48 hồi. Hơn nữa, trong bản 100 hồi, lời nói đầu còn đề cập tới tác phẩm "Đông Hán" (kể về sự nghiệp phục hưng nhà Hán của Lưu Tú đầu thế kỷ 1 SCN), cho thấy gốc của nó vốn là truyện Tây Hán. Hán Sở tranh hùng chỉ là tên do dịch giả hoặc nhà xuất bản đặt cho tác phẩm, hoặc đã bị phía NXB bên Hồng Kông "chế biến". Do tác phẩm Khuyết Danh nên chúng ta không thể khẳng định nguồn gốc đích xác của nó ra sao như với các tác phẩm kinh điển "Tam Quốc Diễn Nghĩa", "Thủy Hử"... Tôi tin rằng bản Tây Hớn của Thanh Phong dịch, vốn ít được biết tới hơn, mới gần nguyên tác.--Trungda 02:17, ngày 27 tháng 12 năm 2006 (UTC)Trả lời

Hình

sửa

Bài này đã được Trungda bổ sung đầy đủ rồi, giá mà có thêm được hình ảnh (hình vẽ) minh họa thì tốt. Casablanca1911 07:04, ngày 31 tháng 1 năm 2007 (UTC)Trả lời

Quay lại trang “Tây Hán diễn nghĩa”.