Thảo luận:Trần Quốc Hương

Bình luận mới nhất: 17 năm trước bởi Lưu Ly trong đề tài Bí thư Trung ương
Dự án Nhân vật Việt Nam
Trang này được thực hiện với sự phối hợp của các thành viên thuộc dự án Nhân vật Việt Nam, một dự án hợp tác giữa các thành viên nhằm nâng cao chất lượng các bài viết về Nhân vật Việt Nam. Nếu bạn muốn tham gia, xin hãy đến thăm trang của dự án! Bạn cũng có thể ghé qua trang thảo luận để trao đổi hoặc đề xuất ý kiến.
?Bài viết chưa được đánh giá chất lượng.
?Bài viết chưa được xếp độ quan trọng.

Bí thư Trung ương sửa

Trần Quốc Hương nguyên Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam? Thông tin này đúng không?Lưu Ly 03:50, ngày 19 tháng 4 năm 2007 (UTC)Trả lời

Mời xem [1], [2],[3]...Lê Thy 08:56, ngày 19 tháng 4 năm 2007 (UTC)Trả lời

Ồh. Ông thuộc Ban Bí thư. Khi dùng "nguyên bí thư" tôi lại nhầm với Tổng Bí thư. Lưu Ly 15:00, ngày 19 tháng 4 năm 2007 (UTC)Trả lời

Tư liệu tham khảo sửa

Bài sau đây không để nguyên trong bài chính được, vì rõ ràng là vi phạm bản quyền. Tôi cắt ra đây để làm tư liệu, ai quan tâm có thể dựa vào để viết bổ sung cho bài chính. Avia (thảo luận) 09:18, ngày 19 tháng 4 năm 2007 (UTC)Trả lời

Mười Hương - Một huyền thoại của Tình báo Việt Nam :

Trong suốt một thời gian dài trước và sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ vai trò thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh. Cũng chính ông là một trong những người có công lớn lo việc tổ chức buổi ra mắt quốc dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tại Quảng trường Ba Đình trong ngày 2-9-1945 lịch sử. Năm 1954, khi đất nước bị chia cắt hai miền, ông được Bác Hồ và Trung ương biệt phái vào Nam hoạt động bí mật. Ông đã trực tiếp gây dựng và chỉ đạo một số mạng lưới ngầm vận hành hết sức hiệu quả, khai thác được những thông tin hết sức chiến lược quí giá của Mỹ-nguỵ, phục vụ đắc lực cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tên tuổi con người anh hùng ấy gắn với những chiến dịch tình báo nổi tiếng như Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thuý, Phạm Xuân Ẩn… Ông là huyền thoại tình báo Mười Hương.

Đến với cách mạng

Trần Ngọc Ban (tên thật của nhà tình báo Mười Hương) sinh ra trong một gia đình có thế lực ở Phủ Lý, tỉnh Nam Định. Tiếng là tư sản, tuy nhiên cha ông, nhà thầu khoán Trần Ngọc Tân lại mang nhiều nét chất phác, cần kiệm của người nông dân Bắc Bộ. Cậu bé Trần Đức Ban được cha cho đi học chữ nho từ khi còn nhỏ. Thầy dạy của Ban chính là đồng chí Nguyễn Đức Quí, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam (sau trở thành Thứ trưởng Bộ Văn hoá). Chính ông đã giác ngộ Trần Ngọc Ban và đưa cậu đến với Cách mạng. Với cậu, Chủ nghĩa xã hội là một cái gì đó thật tuyệt vời, lung linh huyền ảo. Mới 14, 15 tuổi, Ban đã tích cực tham gia phong trào Thanh niên dân chủ. Học hết lớp nhất tại Trường tiểu học Phủ Lý, Trần Ngọc Ban chuyển lên Hà Nội nhập học ở trường dòng phố Nhà Chung. Thời gian này ông đổi tên là Hương (sau này khi vào Nam công tác, ông mới được gọi là Mười Hương), nhiệt tình tham gia phong trào Hướng đạo và Hội truyền bá quốc ngữ. Học được hơn hai năm, đến năm 1941 thì Mười Hương bị bắt về tội treo cờ Cộng sản và rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ Hồng quân Liên Xô. Cũng bị bắt trong vụ đó còn có các ông Nguyễn Thọ Trân (chú của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười) và Lê Toàn Thư (khi đó là thư ký của đồng chí Trường Chinh). Mười Hương bị tống giam vào Hoả Lò hơn một năm, sau đó bị đem ra xét xử tại toà án binh của Pháp. Do chưa đến tuổi thành niên, mặt khác, anh trai ông là một nhà thầu khoán có quan hệ rộng đã bỏ tiền lo lót cho em. Mười Hương được thả tự do, nhưng Essyeu, một thủ hạ thân tín của Chánh mật thám Bắc Kỳ Lanecque đã ngay lập tức phủ đầu người anh trai ông: “Chúng tôi buộc phải thả thằng bé nhưng ông phải có trách nhiệm quản lý. Đừng thấy nó nhỏ tuổi mà coi thường, Cộng sản đã ăn vào máu của nó rồi”. Mười Hương được phóng thích có mang theo một lá thư của chi bộ trong tù giới thiệu anh với Ban thường vụ Trung ương (T.Ư). Vừa ra khỏi Hoả Lò vài hôm, đầu vẫn còn bị cạo trọc, anh đã tìm về quê ông Nguyễn Thọ Trân để chuyển bức thư nói trên, tuy nhiên, không thấy hồi âm gì. Sau khi ra tù được một tháng, Mười Hương đột ngột bỏ nhà ra đi. Mật thám xộc đến hỏi thì gia đình nói không biết đi đâu. Mười Hương lên Hà Nội, tìm gặp bạn bè cũ trong phong trào Hướng đạo và Hội truyền bá quốc ngữ, cố gắng bắt liên lạc với tổ chức. Ông may mắn gặp Vũ Quí và được đưa đi gặp ông Miện (tức đồng chí Lê Quang Đạo). Mười Hương được sắp xếp cho đi học một lớp chính sách mới tại bắc Bắc Ninh, sau đó ông được cử về công tác tại Ban cán sự Phúc Yên. Ở trên đó một thời gian thì đồng chí Trường Chinh rút Mười Hương về ATK (một vùng giáp ranh). Bối cảnh thế giới lúc đó hết sức phức tạp, phát xít Đức đã nuốt chửng hàng loạt nước châu Âu và đang dồn sức tấn công Liên Xô. Nước Pháp sụp đổ và chia rẽ, De Gaulle phải lưu vong sang nước Anh lập Chính phủ kháng chiến. Mười Hương được đồng chí Trường Chinh đặc trách giao cho việc giao thiệp với những người Pháp thuộc phái De Gaulle ở Đông Dương nhằm tranh thủ cảm tình của họ đối với phong trào dân tộc thuộc địa. Trong đội ngũ lính lê dương của Pháp có một chi bộ Cộng sản của những người thuộc đảng Xã hội do một người Đức tên là Frey làm đại diện. Mười Hương đã tiếp cận được với Frey và khai thác được khá nhiều tin tức hữu ích. Sau trận Xtalingrat, quân đội phát xít Đức bị đánh tan tác, Hồng quân Liên Xô bắt đầu chuyển sang phản công đè bẹp quân Đức trên khắp các mặt trận, Frey đề nghị cho gặp cấp trên của Mười Hương để trao đổi tình hình. Anh về báo cáo, xin ý kiến đồng chí Trường Chinh. Sau khi nhận định tình hình, cân nhắc kỹ và lường trước mọi khả năng có thể xảy ra, đồng chí Trường Chinh nhận lời và giao cho Mười Hương bố trí cuộc gặp. Mười Hương suy đi tính lại hết sức thận trọng, cuối cùng quyết định chọn khu làng mộ họ Phạm ở làng Vẽ thuộc ngoại thành Hà Nội làm địa điểm hẹn gặp. Nơi này khá kín đáo, vắng vẻ mà cũng dễ rút khi có động. Đúng hẹn, Frey từ chỗ đóng quân trên Việt Trì về Hà Nội. Anh ra trút bỏ bộ đồ nhà binh, ăn mặc như một viên cai lục lộ để khỏi gây nghi ngờ, rồi thong thả đạp xe theo Mười Hương đến khu mộ nằm chơ vơ giữa đồng. Đồng chí Trường Chinh đóng giả làm một người dân trong làng ngồi nghỉ chân đã chờ sẵn tại đó. Frey và đồng chí Trường Chinh nói chuyện với nhau rất lâu. Cuộc gặp đầu tiên đã diễn ra trót lọt.


Frey về thông báo lại kết quả cuộc gặp giữa anh ta và đại diện Việt Minh với nhóm những người Xã hội Pháp, trong đó có Caput, Chánh thanh tra học chính Bắc Kỳ, vốn là Bí thư đảng Xã hội Pháp tại Đông Dương. Nhóm này lại cử Frey xin được cho vài đại diện của nhóm gặp đồng chí Trường Chinh để bàn về việc tiến tới thành lập mặt trận chung chống phát xít. Phải chăng mật thám Pháp đã đánh hơi thấy nên giở trò và đây là một cái bẫy? Sau khi hội ý với Ban thường vụ T.Ư, đồng chí Trường Chinh cho rằng sớm hay muộn bọn Nhật sẽ hất Pháp để độc chiếm Đông Dương, những người Pháp ở thuộc địa đang rất bối rối, hoang mang nên sẽ không dám làm căng như trước và có lẽ họ thành thực muốn hợp tác với ta. Tuy cuộc gặp này có phần mạo hiểm nhưng nếu không đi sẽ bỏ lỡ một cơ hội tốt, nên đồng chí đã nhận lời và giao cho Mười Hương lập kế hoạch chuẩn bị. Mười Hương nói: “Xin anh cứ tin tưởng ở tôi. Để giữ bí mật, việc này chỉ nên anh và tôi biết thôi. Tôi sẽ sắp đặt chu đáo rồi báo lại ngày giờ cụ thể”. Thoạt đầu, phía Pháp đề nghị địa điểm gặp tại Bệnh viện Lanessan rồi ở phòng thí nghiệm của Trường Y nhưng Mười Hương thấy thế quá nguy hiểm. Với một số người đông như vậy mà kéo nhau ra ngoại thành hoặc đi thuyền dọc sông Hồng sẽ khó tránh khỏi bị nghi ngờ. Bàn qua tính lại, rốt cuộc nhóm người Pháp đề nghị chọn một nhà thổ nằm trên phố De Lorme (nay là đường Trần Bình Trọng) làm điểm hẹn. Mười Hương thấy phương án này có thể chấp nhận được. Chốn ăn chơi nọ sát nách Sở Mật thám, lại gần trại lính Nhật, tưởng như phiêu lưu nhưng lại rất bất ngờ và an toàn. Anh bèn báo cáo đồng chí Trường Chinh và được bật đèn xanh. Mười Hương chủ động sắp đặt mọi việc, cho mấy em thiếu nhi giả chăn trâu trên đê Yên Phụ, ngã ba Nhật Tảo nhằm quan sát, nắm kỹ tình hình, nghe ngóng mọi động tĩnh. Mặt khác, ông liên hệ với Phan Hiền, hồi đó đang là sinh viên Trường Luật, nhà ở Hàng Ngang, tạo điều kiện giúp đỡ. Buổi chiều ngày hẹn, Mười Hương đạp xe lên Phú Xá đón đồng chí Trường Chinh, người thủ vai một lái bè từ Việt Trì về. Mười Hương đưa đồng chí Trường Chinh về nhà cô em gái lấy chồng ở Bến Nứa, đợi trời tối, cả hai mới tới nhà Phan Hiền. Sau khi quan sát kỹ không thấy cái đuôi nào bám theo, họ đến phố De Lorme, đi thẳng lên gác. Tại đây, năm người Pháp gồm Frey, Borchers, Seyberlych, Caput và Thiếu tá Mordant, chỉ huy quân đọi Pháp ở Bắc Kỳ đã chực sẵn. Vừa nhìn thấy đồng chí Trường Chinh, Caput thốt lên: “Té ra Việt Minh cũng là toa à?”. Trường Chinh đáp: “Đúng bởi vì Cộng sản cũng là một thành phần trong mặt trận Việt Minh. Tôi được cử làm đại diện cho mặt trận, ông Phan Hiền đây đại diện cho trí thức, ông Hương đại diện thanh niên”. Đồng chí Trường Chinh đi thẳng vào vấn đề, ông nêu nguyện vọng lớn nhất và bức xúc nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam trong lúc này là giành được độc lập. Ông nhận định sự thất bại không thể tránh khỏi của phát xít Đức và khả năng Nhật sẽ ra tay gạt Pháp, thâu tóm Đông Dương. Nếu muốn bảo vệ những quyền lợi của mình, người Pháp không còn cách nào khác tốt hơn là hợp tác với Việt Minh cùng chống Nhật. Sự hợp tác này phải được thể hiện qua 3 việc cụ thể: sử dụng bộ máy chính quyền tại địa phương vẫn còn nằm trong tay Pháp nhằm hạn chế việc thu thóc của Nhật; thả chính trị phạm đang bị Pháp giam gĩư; Việt Minh đã phát động phong trào du kích kháng Nhật, phải chỉ thị cho các lực lượng Pháp cộng tác với họ, trang bị vũ khí cho họ. Caput thay mặt nhóm những người thuộc phái De Gaulle ở Đông Dương hoan nghênh mặt trận Việt Minh đã đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Nhưng ông ta khuyên các nhà lãnh đạo Việt Minh nên suy xét kỹ tuyên bố Brazaville của De Gaulle hứa Pháp sẽ trao quyền tự trị rộng rãi cho những nước thuộc địa, sau một thời gian sẽ tiến tới độc lập hoàn toàn. Theo Caput thì Việt Nam nên đi theo con đường này và tốt nhất là tìm một nước mạnh đỡ đầu. Tuy nhiên, đồng chí Trường Chinh không tán đồng phương án nêu trên và yêu cầu: “Các ông phải thừa nhận ngay nền độc lập của chúng tôi”. Cuộc gặp kéo dài suốt đêm hôm ấy và cả ngày hôm sau, những người tham dự chỉ ăn bánh mì và hoa quả mang theo, không ai được phép rời khỏi nơi họp. Đến cuối buổi chiều ngày hôm sau, thời gian đã hết mà hai bên vẫn không thống nhất được quan điểm song đã hiểu nhau hơn. Mười Hương chở đồng chí Trường Chinh ra hồ Halais, tới đây ông lên một chiếc xích lô rẽ sang phố khác và hẹn gặp lại Mười Hương tại ATK. Tuy cuộc gặp không đem lại kết quả cụ thể nào nhưng qua đây có thể nhận định rõ hơn bối cảnh ở Đông Dương và tâm trạng của những kẻ chiếm đóng từ đó có thể góp phần điều chỉnh những bước đi của cách mạng cho phù hợp. Rõ ràng những ý kiến sắc sảo của đồng chí Trường Chinh đã tác động mạnh đến tâm tư của những người Pháp tham dự cuộc gặp. Sau này Frey và Borchers đã rời bỏ hàng ngũ, đi theo những người Việt Nam kháng chiến chống Pháp, Borchers lấy tên Việt là Chiến Sĩ, còn Frey trở thành đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Dân. Sau khi Hà Nội vừa giành chính quyền thành công, đồng chí Nguyễn Lương Bằng giao cho ông việc tổ chức ra báo Cờ giải phóng của Đảng. Lúc bấy giờ chính quyền vừa về tay nhân dân, ngân khố Nhà nước thực thu hầu như trống rỗng nên không có kinh phí để in báo. Mười Hương chạy ngược chay xuôi lo tìm người đưa vào Ban biên tập, mua giấy, thuê nhà in… tất thảy đều phải dựa vào quần chúng, rốt cuộc Cờ giải phóng cũng ra đời phục vụ kịp thời mục đích chính trị của Cách mạng trong thời điểm ấy. Mười Hương là một trong những người đóng góp tích cực trong thành công của buổi lễ Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông nhớ lại: “Ông Trường Chinh cho gọi tôi lên, bảo: ”Cần phải tổ chức một cuộc mittinh lớn để Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào. Chú có cáng đáng được không?”. Có bao giờ ông ấy giao nhiệm vụ mà tôi từ chối đâu. Tôi biết ông Nguyễn Hữu Đang là người rất có khả năng lo việc này nên tôi giới thiệu ông ấy với hai ông Xuân Thuỷ và Trần Huy Liệu. Sau khi mọi việc đã chuẩn bị tươm tất, tôi phụ trách vấn đề an ninh bảo vệ buổi lễ hôm ấy mới cho xe đến Bắc Bộ Phủ đón Bác Hồ. Chính vì việc ấy mà tôi được Bác dạy cho một bài học nhớ đời. Cũng chỉ do mình đã có kinh nghiệm đưa đón nguyên thủ bao giờ đâu, xem phim ảnh thất nước ngoài làm thế nào thì bắt chước thôi. Vừa thấy trên xe có mấy anh mặc binh phục, bồng súng trông rất oách, Bác quay sang hỏi tôi: “Chú làm gì thế? Đi ra bảo các chú ấy xuống hết đi. Để xe tôi đi một mình là được rồi”. Tôi ra bảo họ xuống nhưng bụng vẫn lo ngay ngáy, nhỡ xảy ra chuyện gì với Bác thì ai chịu trách nhiệm đây. Hồi đó tôi kiêm cả chức Chủ tịch Hội Công nhân cứu quốc và phải dựa vào lực lượng này để làm công tác bảo vệ. Tôi vội bảo mấy anh đứng gần đó lấy xe đạp đạp theo đề phòng bất trắc, cũng may là không có sự cố nào. Xong việc, tôi hỏi Bác đánh giá thế nào về buổi lễ. Bác trả lời: “Tôi không ngờ lại đông đến như vậy. Sở dĩ thành công là do khí thế của quần chúng, chứ không phải vì mấy khẩu súng của chú đâu, diễu võ giương oai chỉ làm cho người ta sợ và ghét mình thôi”.


Nhà tình báo và những chiến công

Kháng chiến bùng nổ, T.Ư lập G.L.A (Giao thông-Liên lạc-An toàn khu), đảm trách khâu báo chí, duy trì thông tin liên lạc từ T.Ư đi các chiến khu. Mười Hương về công tác tại bộ phận này từ năm 1946 đến 1948. Năm 1949, cuộc đời ông rẽ sang một bước ngoặt mới, một sự thay đổi như người ta thường nói là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Trên thực tế, một số nhiệm vụ Mười Hương làm trước đó đã ít nhiều mang màu sắc tình báo nhưng ông không hề ý thức được khả năng thiên phú của mình trong lĩnh vực này và cũng chưa khi nào nghĩ rằng mình lại trở thành một nhân vật nhân viên tình báo. Mười Hương không ngờ rằng phần lớn cuộc đời ông lại gắn bó với trận tuyến thầm lặng đầy gian khổ, nguy hiểm mà những vinh nhục của những nhân vật liên quan người đời may mắn biết tới chỉ là một phần rất nhỏ của những gì đã thực sự diễn ra. Tình cờ một lần ông Trần Hiệu, Phó tổng giám đốc Nha Công an phụ trách tình báo gặp Mười Hương và lập tức nhận ra đây chính là người mà ông cần. Trần Hiệu bèn xin Mười Hương về với mình và được đồng chí Trường Chinh chấp thuận.

Sau một thời gian dài đi biệt phái, lăn lộn dưới các địa phương, Mười Hương nhận được một bức điện của T.Ư với nội dung: “Về ngay Văn phòng T.Ư”. Khi đó quân đội viễn chinh Pháp đã bị đánh quị tại trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève mang lại hoà bình cho Đông Dương sắp được ký kết. Ông vội vã thu xếp công việc, lên đường trở về chiến khu Việt Bắc. Về tới Phủ Lý thì ông gặp người bạn vong niên hết sức thân thiết là ông Bùi Lâm. Hai người tay bắt mặt mừng, Bùi Lâm cho ông biết ý định của cấp trên cử ông vào Nam. Đây là nhiệm vụ nặng nề, phải am hiểu Sài Gòn và miền Nam cũng như con người trong đó mới mong trụ lại được trong tình hình Mỹ đã rắp tâm nhảy vào cuộc. Mười Hương nghe lời khuyên của Bùi Lâm, tức tốc qua nhà một đêm. Từ khi trưởng thành, ông đi cứ biền biệt, ít được ở bên mẹ. Thấy con trở về, bà mừng mừng tủi tủi, lặng lẽ đi nấu cơm cho ông ăn. Đêm ấy, Mười Hương ngủ được một giấc tỉnh dậy thấy đã khuya lắm nhưng vẫn thấy mẹ ngồi bên giường dùng những ngón tay già nua vuốt ve sờ nắn khuôn mặt ông. Mười Hương khẽ nói: “Sao mẹ không ngủ đi. Mẹ có gì dặn con không?”. Bà thủ thỉ: “Bé thì con mẹ con cha, lớn thì con vua con chúa. Mẹ không giữ chân con đâu, mẹ chỉ xin con để lại thằng Quang Trung ở nhà cho mẹ nuôi thôi”. Rõ ràng bằng trực giác của người mẹ, bà cảm thấy con trai sắp phải xa nhà rất lâu, chưa biết lành dữ thế nào, tuy nhiên bà không nói ra. Mười Hương thấy cay cay sống mũi, Quang Trung là đứa con trai đầu lòng của ông, việc này ông cũng không thể tự quyết định được mà phải bàn với vợ. Sáng hôm sau, Mười Hương đành dứt áo ra đi. Người cha đưa tiễn và lẳng lặng giúi cho ông một tờ giấy bạc con công lại 5 đồng. Sau này, Mười Hương vô cùng biết ơn Bùi Lâm vì đó là lần cuối cùng ông được gặp mẹ. Lên tới Văn phòng T.Ư ở Đại Từ, Thái Nguyên, Mười Hương vỡ lẽ rằng Bùi Lâm nói đúng. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của phong trào cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ xin T.Ư biệt phái cho một cán bộ công tác địch hậu và người này phải có khả năng tranh thủ được giới trí thức tầng lớp trên. Xét thấy chỉ có Mười Hương phù hợp với nhiệm vụ này, đồng chí Trường Chinh xin ý kiến của Bộ Chính trị, Hồ Chủ tịch và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Hai đồng chí Trường Chinh và Phạm Văn Đồng gặp, trao nhiệm vụ cụ thể cho Mười Hương. Đích thân Bác Hồ cũng dự cuộc họp quan trọng này. Đồng chí Trường Chinh nói: “Anh cứ suy nghĩ kỹ đi rồi hãy nhận lời”. Nhưng Mười Hương quả quyết trả lời ngay: “Tôi sẽ vào Nam. Xin Bác và các anh cứ yên tâm là tôi sẽ không phụ sự tin cậy của T.Ư đâu”. Mười Hương gấp rút về sửa soạn chờ ngày lên đường. Ông ở nhà mấy hôm với vợ cùng cô con gái út và không khỏi suy nghĩ nhiều về trách nhiệm người chồng, người cha. Ông không thể tiết lộ công việc của mình dù ngay cả với những người thân yêu nhất. Ông chỉ nói với người vợ rất đỗi yêu quí rằng mình sắp đi công tác xa một thời gian. Khi phổ biến nhiệm vụ, đồng chí Phạm Văn Đồng nói: “Anh chỉ đi 6 tháng thôi”. Nhưng Mười Hương không ngờ phải mất cả chục năm trời ông mới có điều kiện trở ra miền Bắc.


Tháng 9-1954, Hiệp định Genève vừa được ký kết thì cũng là lúc Mười Hương lên đường. Một chiếc máy bay quân sự của Pháp cất cánh từ sân bay Gia lâm đưa đồng chí Lê Đức Thọ vào Nam, trong số những cán bộ đi cùng đoàn có Mười Hương… Vừa chân ướt chân ráo vào đến nơi, đang lo lạ nước lạ cái, Mười Hương gặp ngay ông Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh Quân khu 9, từng là bạn tù với nhau trước kia. Ngoài ra, Xứ uỷ Nam Kỳ, ông Lê Toàn Thư cũng tỏ ra tâm đầu ý hợp với Mười Hương khiến ông vững dạ. Ông bắt đầu vào việc ngay với hai ông Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm. Công việc đầu tiên là mở lớp huấn luyện tình báo, học viên chủ yếu tuyển lựa trong lực lượng Công an. Thấm thoắt 6 tháng đã trôi qua, khoá huấn luyện đã kết thúc và cũng đến lúc Mười Hương phải quay ra Bắc. Nhưng đồng chí Lê Đức Thọ nói: “Xứ uỷ xin anh ở lại, anh tính sao?”. Mười Hương trả lời: “Nếu T.W đồng ý thì tôi sẽ ở lại”. Vấn đề được trên chấp thuận, Mười Hương được phân công vào Ban Địch tình Xứ uỷ, tiếp tục mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo góp phần phục vụ cho yêu cầu của phong trào cách mạng. Sau khi đã ổn định chỗ đứng trong vai một giáo viên dạy tư tại Sài Gòn, Mười Hương tìm cách bắt liên lạc với Vũ Ngọc Nhạ, người mà ông đã gây dựng từ trước khi vào Nam. Sau khi ký kết Hiệp định Genève, làn sóng giáo dân di cư vào Nam bắt đầu, những đơn vị quân đội Pháp cũng lần lượt rút đi. Đây thực sự là cơ hội tốt để có thể cài người của ta vào bên kia giới tuyến. Vũ Ngọc Nhạ hồi đó đang là lính génie (công binh) trong quân đội Pháp, đồng thời cũng có chân trong Thị uỷ thị xã Thái Bình. Mười Hương đã qua ông Nghĩa, Bí thư tỉnh Thái Bình để gây dựng Vũ Ngọc Nhạ, ém mình chờ thời chuẩn bị cho những kế hoạch lâu dài. Mười Hương suy xét kỹ tình hình và thấy rằng, mặc dù Mỹ đổ tiền của vào dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng không phải đã nắm được tất cả, đặc biệt là các phe phái tôn giáo. Pháp mặc dù đã thất thế, bên ngoài thì làm ra vẻ tuân thủ Hiệp định nhưng bên trong vẫn ngầm giúp đỡ các thế lực chống Diệm, chờ cơ hội thuận lợi hòng quay lại Đông Dương. Thiên Chúa giáo ở miền Nam bị chia rẽ sâu sắc, giám mục Lê Hữu Từ ở giáo xứ Phát Diệm là người của Pháp nhưng Phạm Ngọc Chi, giáo xứ Bùi Chu lại thân Mỹ. Anh em Ngô Đình Diệm muốn kéo Lê Hữu Từ về với mình nhưng ông ta không chịu nên xứ đạo Bình An bị Diệm-Nhu o ép cực khổ đủ bề. Nhớ lại những cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng ông từng kinh qua, nhà tình báo Mười Hương trầm ngâm: “Lênin từng nói rằng, mâu thuẫn trong nội bộ địch chính là đồng minh của ta. Sự lợi hại của nghề tình báo chính là ở chỗ phát hiện và lợi dụng được những mâu thuẫn ấy. Mà chính quyền Diệm lại đầy mâu thuẫn. Chính vì thế mà tôi quyết định chuyển hướng hoạt động của Vũ Ngọc Nhạ sang lĩnh vực công giáo”. Theo gợi ý của ông, Vũ Ngọc Nhạ vốn là giáo dân đã khôn khéo chiếm được thiện cảm của Lê Hữu Từ và trở thành người đại diện của vị giám mục này trong việc giao thiệp với chính quyền Ngô Đình Diệm. Với vị thế sẵn có, Vũ Ngọc Nhạ dần dần gây được ảnh hưởng đối với anh em Diệm-Nhu, để rồi trở thành “Ông cố vấn” thân cận của chế độ gia đình trị của anh em nhà Ngô Đình Diệm. Ông đã triệt để khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Diệm, cũng như những mâu thuẫn giữa chính quyền với các phe phái khác, lập những chiến công xuất sắc mà chúng ta đã biết qua tác phẩm Ông cố vấn của nhà văn Hữu Mai. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Mười Hương còn có một chiến sĩ điệp báo xuất sắc khác là Lê Hữu Thuý (tức Lê Nguyên Vũ), hoạt động trong lưới tình báo H10-A22. Lê Hữu Thuý là một minh chứng hùng hồn cho quan điểm về lợi dụng, khai thác mâu thuẫn trong lòng kẻ địch của nhà tình báo Mười Hương. Cũng là một trí thức gốc Bắc di cư vào, Lê Hữu Thuý có một số bạn bè hiện đã nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền Ngô Đình Diệm. Qua Huỳnh Văn Trọng, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ Chính phủ Ngô Đình Diệm, với vốn trí thức quảng bác và năng lực bẩm sinh của một chiến sĩ tình báo, Lê Hữu Thuý đã giành được thiện cảm của Tổng trưởng Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm. Nhiệm tin cậy, cử Lê Hữu Thuý làm “công cán uỷ viên” của Bộ Nội vụ liên lạc với các phe Bình Xuyên, Cao Đài, Hoà Hảo theo “chức phận” của mình, Lê Hữu Thuý đã chiếm được lòng tin tuyệt đối của thủ lĩnh Bình Xuyên Bảy Viễn và tướng Hoà Hoả Năm Lửa. Vớ được một người thao lược, sâu sắc như Lê Hữu Thuý, Năm Lửa mừng rơn như chết đuối vớ được cọc. Y tin và nể phục tài năng của Lê Hữu Thuý đến mức phong ông làm cố vấn đặc biệt cho mình. Lê Hữu Thuý đã “chọc” đúng yếu huyệt của Bảy Viễn, Năm Lửa, việc hợp tác với chính quyền Diệm chẳng qua chỉ là giải pháp tình thế nhằm vớt vát lấy chút uy thế chính trị, điều cốt yếu là bảo toàn được quyền lợi cá nhân. Những kẻ này không dại gì đương đầu với Diệm tức là đương đầu với Mỹ. Nhưng một khi những quyền lợi bị đe dọa, bị dồn vào chân tường, họ sẽ liều chết chống lại Diệm. Lê Hữu Thuý đã “khích” cho các tổ chức Cao Đài, Bình Xuyên, Hoà Hảo, bất hoà với Diệm. Năm Lửa, Bảy Viễn đồng loạt rút khỏi chính phủ, thành lập “Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia” chống Diệm. Anh em nhà họ Ngô đã phải mất hai năm trời, hao tổn rất nhiều tiền của và binh lực mới tạm dẹp yên được những viên tướng nổi loạn. Ý đồ chiến lược của T.Ư đã thành công, trong khi Diệm lo bình định các phe phái cát cứ, Cách mạng miền Nam đã có đủ thời gian, điều kiện xây dựng và củng cố lực lượng, đưa phong trào đấu tranh lên một tầm cao mới. Tìm hiểu kỹ con người Ngô Đình Diệm, Mười Hương đã khuyên Phạm Ngọc Thảo nên lợi dụng chiêu bài “tinh thần yêu nước và chính nghĩa quốc gia” của Ngô Đình Diệm để tiếp cận Ngô Đình Diệm. Quả nhiên bằng cách này, Phạm Ngọc Thảo đã chiếm được thiện cảm đặc biệt của Diệm. Diệm hết sức trọng dụng, cử Phạm Ngọc Thảo làm tỉnh trưởng Bến Tre với những đặc quyền trước nay chưa từng dành cho ai. Diệm tín nhiệm gửi ông ra nước ngoài học tập. Phạm Ngọc Thảo đã chui sâu, leo cao trong chính quyền nguỵ Sài Gòn. Ông đã tiến hành cuộc đảo chính tháng 2-1965 nhằm lật đổ Nguyễn Khánh nhưng bất thành, ông bị bắt và bị địch sát hại. Một thành công nữa của nhà tình báo Mười Hương là đã gây dựng được một điệp viên vô cùng lợi hại ngay trong Văn phòng đại diện của tuần báo Time tại Sài Gòn. Mười Hương nhớ rằng, năm 1946, Bác Hồ có nói với đồng chí Trường Chinh rằng, nhà báo là người rất có thế lực. Nhà báo có thể tiếp xúc với bất kỳ hạng người nào trong xã hội, kể cả gặp tổng thống cũng không phải việc khó khăn và nhờ đặc thù nghề nghiệp có thể nắm được rất nhiều thông tin. Hồi đó, Hai Trung (tên thật là Phạm Xuân Ẩn) đang làm thư ký trong một công sở. Ông rất thông minh, giỏi tiếng Anh và thường đi làm phiên dịch cho người Mỹ, rất được miền Nam quí mến, tin dùng. Ký ức về câu chuyện của Hồ Chủ tịch năm nào đã gợi cho Mười Hương một ý tưởng táo bạo. Ông đề nghị Hai Trung đi Mỹ học nghề báo để phục vụ yêu cầu của cách mạng. Trước khi Hai Trung lên đường sang Mỹ du học, Mười Hương dặn dò: “Cậu sang bên đó phải gắng tìm hiểu, nghiên cứu văn hoá Mỹ. Phải làm thế nào suy nghĩ cũng như một người Mỹ thì mới hiểu được họ”. Hai Trung đã ghi tâm khắc cốy nhiệm vụ người chỉ huy giao phó và ông thực hiện hoàn hảo kế hoạch mà Mười Hương đã vạch ra. Từ Mỹ trở về, Hai Trung vào làm việc cho Văn phòng đại diện của tuần báo Time ở Sài Gòn. Với vị thế hết sức thuận lợi, Hai Trung có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhân vật thuộc giới chóp bu của cả Mỹ và nguỵ quyền. Chính ông là người nắm được và thông báo kịp thời cho T.Ư những chuyển hướng chiến lược quan tọng của Mỹ-nguỵ như chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh, để trên kịp thời điều chỉnh, giáng những đòn chí mạng, bẻ gãy mưu đồ thâm hiểm của chính quyền nguỵ và quan thầy Mỹ. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm kết thúc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, trong số báo đặc biệt ra ngày 1-5-2000 The fall of Saigon (Sài Gòn sụp đổ), nhìn lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh đã trở thành cơn ác mộng đối với nước Mỹ, Tuần báo Newsweek đã dành gần một trang viết về điệp viên vô cùng lợi hại Phạm Xuân Ẩn, bên cạnh những nhân chứng của lịch sử như Tổng thống Mỹ Gerald Ford hay trùm CIA tại Việt Nam Frank Snepp.

Quay lại trang “Trần Quốc Hương”.