Tiết Bảo Thoa
Tiết Bảo Thoa giản thể: 薛宝钗; phồn thể: 薛寶釵; bính âm: Xuē Bǎo Chāi, có nghĩa là cây trâm quý, là một trong ba nhân vật chính trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Hồng Lâu Mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần, một trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách. Bảo Thoa là mẫu đơn trong các loài hoa, đứng đầu trong hoa thơm cỏ lạ. Bảo Thoa thể thái phong mãn, phẩm cách đoan trang, tài đức kiêm bị, tính cách đại độ, được xem là viên ngọc minh châu của nhà họ Tiết - một trong tứ đại gia tộc ở đất Kim Lăng với tài phú kinh người. Tuy bề ngoài tính cách băng thanh ngọc khiết, cao sang, quý phái, lạnh lùng, băng giá, nhưng có lúc nhiệt tâm cao hứng, Bảo Thoa sắc sảo, thông thái, lãng mạn, tình cảm đã làm bài Vịnh cua để mỉa mai bọn tham quan ô lại. Trên người đeo một chiếc khóa vàng có khắc tám chữ bất ly bất khí, phương linh vĩnh kế (không xa lìa, không rời bỏ, tuổi thơm được lâu bền mãi), hợp với tám chữ khắc trên viên ngọc của Giả Bảo Ngọc mạc thất mạc vong, tiên thọ hằng xương (đừng đánh mất, đừng bỏ quên, tuổi tiên được khoẻ mạnh mãi) thành một câu đối, vì vậy mà có thuyết kim ngọc lương duyên. Tiết phu nhân từ sớm đã tiết lộ: “Con có khóa vàng này vừa xứng với người có ngọc“. Nhà sư chốc đầu cho Bảo Thoa chiếc khóa chính là Diễu Diễu chân nhân, người hóa phép cho hòn đá hóa thành hòn ngọc. Từ chi tiết trên có thể kết luận Bảo Ngọc – Bảo Thoa chỉ là hai con tốt trong trò chơi nhân duyên mà thôi.
Tiết Bảo Thoa 薛寶釵 | |
---|---|
![]() | |
Thông tin | |
Gia đình | (bố - không rõ tên) (đã chết) Tiết phu nhân (mẹ) Tiết Bàn (anh ruột) |
Họ hàng | Giả Bảo Ngọc (em họ)(chồng) Lâm Đại Ngọc (em họ) Sử Tương Vân (em họ) |
Trong Hải đường thi xã, biệt hiệu của Tiết Bảo Thoa là Hành Vu quân, đại biểu hoa là hoa mẫu đơn rực rỡ, đài các, phúc hậu, đầy đặn. Chi Nghiễn Trai trùng bình Thạch Đầu Ký không bình gì về tình của Bảo Thoa, có người bình nhân vật này hai chữ lãnh tình 冷情 hoặc vô tình 无情.
Ý nghĩa tên gọiSửa đổi
Bảo Thoa là người phụ nữ cao quý, có dáng dấp của bậc mẫu nghi. Tên nàng - Bảo Thoa - là chiếc thoa đài các, tựa hồ rắn chắc, bền vững hơn hẳn thứ đá kẻ lông mày phù du của Đại Ngọc. Chất liệu của chiếc thoa cài tóc vốn phản ánh tầng lớp của người đàn bà trong xã hội: phụ nữ nghèo thì dùng thoa gỗ, thoa cành cây. Phụ nữ giàu có như Bảo Thoa thì cài thoa loan phượng bằng ngọc vàng quý giá. Thoa còn là vật dụng dùng để tạo kiểu tóc bằng cách uốn, kẹp, giữ. Nếu mái tóc mây để xõa biểu trưng cho sự phóng túng, tự nhiên, thì chiếc thoa chính là vật kìm hãm bản năng đó. Bảo Thoa cũng luôn giữ cốt cách đoan trang, tề chỉnh, là người tuân thủ chặt chẽ các quy ước của xã hội truyền thống.
Chữ "thoa" còn xuất hiện trong chương 62 dưới hai câu thơ khác nhau.
Bảo Ngọc nói:
- Chị ấy đố chữ "bảo" tất nhiên ở dưới chữ "bảo" phải là chữ "ngọc". Tôi đoán chữ "thoa", vì thơ cũ có câu: "Thoa ngọc gõ xong tàn đuốc lạnh", đoán như thế chẳng đúng à?
Hương Lăng nói:
- Ngày trước tôi đọc thơ ngũ ngôn của Sầm Gia Châu có một câu: "Nơi này nhiều bảo ngọc". Thế mà cô quên à? Sau đọc thơ thất ngôn tuyệt cú của Lý Nghĩa Sơn lại có một câu: "Thoa báu ngày nào không bám bụi?"
Hình ảnh "tàn đuốc lạnh" và "thoa bám bụi" đã báo trước số phận cô độc, hẩm hiu về sau của Bảo Thoa.
Ngoại hìnhSửa đổi
Khi Bảo Thoa lần đầu xuất hiện, phục trang nàng nhã nhặn nhưng vẫn điểm chút ánh kim:
"Bảo Thoa đương ngồi trên giường thêu kim tuyến, đầu vén, tóc đen nhánh, mặc áo bông màu gụ, cái khoác vai màu tím nhạt viền kim ngân tuyến, quần lụa bông lót màu vàng. Tất cả đồ mặc đều đã rung rúc, giở cũ giở mới, nhìn không có vẻ xa hoa mà lại thêm nhũn nhặn, môi không tô mà đỏ, mày không kẻ vẫn xanh, mặt như mâm bạc, mắt sáng long lanh. Điềm đạm ít lời, có người cho là giả dại; tùy thời đối xử, tự mình chỉ biết phận mình."
Bảo Thoa cực kỳ xinh đẹp có phần còn hơn cả Lâm Đại Ngọc, và người Bảo Thoa còn tỏa ra hương thơm rất vương vấn, "mặt tròn mâm bạc", cơ thể phốp pháp giống như Dương Quý phi, mang vẻ đẹp vượng phu ích tử, như mọi người đã từng trầm trồ: "Phi cô ấy ra, còn ai xứng đáng làm hoa mẫu đơn nữa".
Trong Hồng Lâu Mộng có ba khoảnh khắc Bảo Ngọc bị quyến rũ bởi nhan sắc Bảo Thoa, và chúng đều có liên quan đến màu trắng.
Ở chương 28:
Nhưng vì Bảo Thoa da thịt nõn nà, mập mạp, tháo mãi không được. Bảo Ngọc đứng bên cạnh thấy bắp thịt trắng muốt, đâm ra thèm muốn, nghĩ thầm: "Nếu cái bắp tay này mà ở vào người cô Lâm, may ra có lúc được mó một cái; nhưng lại ở vào tay cô Bảo thì ta thực là kém phúc". Chợt nghĩ đến chuyện vàng và ngọc, Bảo Ngọc ngắm nghía đến dáng điệu Bảo Thoa, thấy da mặt nõn nà, khóe mắt long lanh, không đánh sáp mà làn môi vẫn đỏ, không kẻ mày mà nét ngài vẫn xanh, so với Đại Ngọc lại có vẻ phong lưu thùy mị riêng, Bảo Ngọc bất giác đứng ngẩn người ra.
Ở chương 97:
Bảo Ngọc trừng mắt nhìn, thấy giống như Bảo Thoa, trong bụng không tin, một tay cầm đèn, một tay dụi mắt, trông kỹ lần nữa, thì chẳng phải Bảo Thoa là gì! Thấy cô ta ăn mặc lộng lẫy, thân thể đẫy đà, mái tóc rủ nghiêng, mặt mày e lệ. Rõ ràng:
Vẻ thanh nhã bông sen sương rủ,
Dáng yêu kiều hoa hạnh khói lồng.
(Trong nguyên tác là "hà phấn lộ thùy", có nghĩa "sen hồng đẫm sương rủ xuống."
Ở chương 110:
Bảo Ngọc nhìn thấy cô ta, cũng khôn xiết đau lòng, nhưng tới khuyên thì không tiện, thấy cô ta án mặc đồ trắng, son phấn không xoa, mà so với lúc chưa đi lấy chồng còn đẹp hơn nhiều. Ngoảnh lại, thấy bọn Bảo Cầm cũng đều ăn mặc đồ trắng mà phong vận tuyệt vời. Riêng nhìn đến Bảo Thoa thì thấy chị ta mặc toàn đồ tang, cái dáng điệu phong nhã so với khi ăn mặc hoa hòe lại càng khác hẳn. Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Người xưa nói: muôn hồng ngàn tía rút cục phải nhường hoa mai làm đầu. Xem ra thì chẳng những hoa mai nở sớm, mà bốn chữ "Sạch, trắng, trong, thơm" thật không có gì bì kịp."
Nơi ởSửa đổi
Trong Đại Quan Viên, Tiết Bảo Thoa ở tại Hành Vu uyển thoáng đãng. Đỗ nhược và hành vu đều là tên của một loại cỏ thơm, khiến người ta nhớ đến Sở từ Ly Tao của Khuất Nguyên:
Giả Chính nói:
– Tòa nhà này ở đây chẳng có nghĩa lý gì!
Rồi bước vào cửa. Chợt thấy mặt trước có một quả núi đá lấp lánh cao ngất trời, xung quanh bao bọc bằng các thứ đá đủ các màu, che kín hẳn những nhà cửa bên trong. Ở đây, không có một gốc cây, toàn những cỏ lạ hoặc leo lên núi, hoặc bò ra đất hoặc từ trên núi rủ xuống, hoặc luồn qua khe đá chui ra; lại có những dây từ mái nhà bò xuống, leo quanh cột chằng chịt cả bờ hè, như vải xanh phất phơ, như sợi vàng uốn khúc, quả đỏ hoa vàng, hương thơm ngào ngạt, không một thứ hoa nào có thể bì được.
Khi mới nhìn thấy nơi ở tương lai của Bảo Thoa, ấn tượng đầu tiên của Giả Chính là nhạt nhẽo, đáng chán, "chẳng có ý nghĩa gì". Thế nhưng khi bước chân vô, ông lại thấy một quả núi đá cao ngất che lấp những nhà cửa, thực vật đẹp đẽ bên trong. Càng vào sâu, Giả Chính và mọi người càng khám phá thêm nhiều điều kỳ thú, đặc biệt là một loài hoa có mùi hương quyến rũ "không hoa nào có thể bì được". Không những loài hoa này làm ta liên tưởng đến mùi thơm đặc biệt của Bảo Thoa khiến Bảo Ngọc ngây ngất ở hồi 8, nó còn là ẩn dụ về vẻ đẹp giấu kín của nàng. Để cảm nhận nét duyên ngầm của Bảo Thoa, phải vượt qua được thành lũy bên ngoài, bởi nàng không phô bày, diêm dúa. Thế nhưng một khi đã tiếp cận được phần cốt lõi, tính túy ấy, ta mới nhận ra Bảo Thoa mới chính là "chúa hoa", đứng đầu phái nữ. Không phải ngẫu nhiên mà Bảo Thoa lại ứng với mẫu đơn, thứ hoa được mệnh danh là 花王 – hoa vương.
Chí hướngSửa đổi
Bảo Thoa tuổi tác trẻ trung nhưng lại vô cùng chững chạc, nàng hội tụ luân lý khuê các của một thiên kim tiểu thư cũng như cái đức công dung ngôn hạnh của người phụ nữ.
Nàng am hiểu hội họa, tinh thông điển tích, giỏi việc nữ công, biết văn thơ, nhìn rõ mọi việc nhưng lại rất bình tĩnh, học rộng biết nhiều nhưng luôn tỏ ra khiêm tốn, hiểu rõ nhân tình thế thái, trước sau xem việc giúp chồng dạy con, làm tốt bổn phận của người phụ nữ là điều quan trọng nhất. Bảo Thoa thông minh điềm tĩnh, là mẫu người phụ nữ Á Đông lý tưởng của Nho gia.
"Gió tốt nhờ mượn sức, đưa ta lên trời xanh", bài thơ trong "Liễu Nhứ Từ" đã cho thấy chí hướng của Bảo Thoa, đó là tu thân tề gia, đạt được công danh thành tựu. Dựa vào tư chất và thực lực của mình, Bảo Thoa vừa có tài năng quán xuyến gia đình, lại có cái đức dung hòa các mối quan hệ, đặc biệt là xử lý các mối quan hệ một cách điêu luyện. Tiến thì là hoàng hậu bậc mẫu nghi thiên hạ, quốc mẫu, thục phi, quý phu nhân; lùi thì là mẹ tốt vợ hiền dâu thảo trong gia đình.
Tiết Bảo Thoa lần đầu xuất hiện được mô tả là con gái nhà danh gia vọng tộc đang chờ dịp tuyển vào cung (hồi 4), nhưng sau lệnh này bãi bỏ, nên Bảo Thoa an phận thủ thường làm một tiểu thư chốn khuê phòng chờ ngày xuất giá. Nếu Tiết Bảo Thoa vào cung, con tạo xoay vần, biết đâu cô cũng sẽ trở thành một Nguyên Phi, “tuổi hai mươi đã trải đời”, lập lòe ngọn lửa rực rỡ nhưng không biết tắt lúc nào của một đóa “hoa lựu cửa cung soi” - như phán từ trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách về Giả Nguyên Xuân (hồi 5). Nhưng mối duyên vàng ngọc lại gắn cô với Giả Bảo Ngọc, và mạch truyện theo 40 hồi sau do Cao Ngạc viết, thì cuối cùng cuộc đời của Tiết Bảo Thoa đã được nhìn thấy trước qua nhân vật Lý Hoàn, băng thanh ngọc khiết, thủ tiết thờ chồng, sống một cuộc đời man mác thầm lặng như cội mai già, với niềm vui và hy vọng đặt vào đứa con trai duy nhất.
Nàng là một người vô cùng xinh đẹp, cốt cách oánh nhuận, phong thái thanh nhã. Nàng hứng thú với con đường làm quan trị nước, khuyến khích Bảo Ngọc đi gặp các quan viên thảo luận về con đường làm quan trị nước nhưng bị Bảo Ngọc ngầm trách là “lời nói hỗn trướng”. Bảo Thoa tuân thủ nghiêm ngặt phụ đức phong kiến, hơn nữa cách đối nhân xử thế rất tốt, có thể thu phục nhân tâm, được trên dưới Giả phủ tán dương.
Bảo Thoa theo cái nhìn của nhiều nhà phân tích Hồng lâu mộng thì là một cô gái thực dụng và ham muốn danh vọng. Điều này có một phần chủ quan vì gia đình Bảo Thoa là 1 trong 4 họ lớn trong vùng cô sống, tài sản lên tới hàng trăm vạn lạng bạc và nhiều đất đai. Bảo Thoa cũng thông minh, tư chất hơn người nhưng cô cho rằng chuyện văn thơ là dành cho đàn ông, còn phận nữ nhi là ở sau quán xuyến những chuyện khác. Tất cả đều nhìn nhận Bảo Thoa là mẫu phụ nữ điển hình của thời phong kiến: Nhu mì, nhẹ nhàng, hiểu đạo làm vợ. Lý do cho việc Bảo Thoa kì vọng nhiều về người đàn ông của mình như vậy cũng khá tương đồng với Đại Ngọc.
Cô có một người anh phá gia chi tử, tính tình thô bạo, gian dâm với cả gái lẫn trai và sẵn sàng đánh chết người chỉ vì cãi nhau trong quán rượu. Anh Bảo Thoa đại diện cho một nhóm người giàu có nhưng vô học và chỉ biết ăn chơi phá phách bằng tài sản của gia đình. Và Bảo Ngọc phần nào cũng có vài điểm giống với anh trai Bảo Thoa. Vì thế việc Bảo Thoa mong muốn Bảo Ngọc công thành danh toại không chỉ tốt cho mình mà cả chính Bảo Ngọc.
Đối xử với mọi ngườiSửa đổi
Từ đầu đến cuối, Bảo Thoa thờ mẹ kính anh, đối xử ôn hòa nhũn nhặn với mọi người xung quanh, bao dung độ lượng với kẻ dưới, nhún nhường với người ngang hàng, lễ phép với người trên.
Tuy còn ít tuổi, nàng vẫn là người chỉn chu cẩn thận, không vì mình là một vị thiên kim tiểu thư lá ngọc cành vàng mà đỏng đảnh, hoặc vụng về, hoặc e lệ. Nàng cũng tuyệt nhiên chẳng phải kẻ vụng về, không chỉ biết viết chữ làm thơ, nàng còn thêu thùa may vá rất khéo. Có thể có người sẽ cười khẩy, rằng việc thêu thùa may vá có là gì. Nhưng nếu là độc giả trung thành của Hồng Lâu Mộng, nếu đã từng yêu thích Hồng Lâu Mộng chắc phải nhớ đoạn Tình Văn nửa đêm vá áo cho Giả Bảo Ngọc. Trong đoạn đó, khi Tình Văn nói: "Chỗ thủng này chỉ cần dùng chỉ lông công, mạng lại là được" thì Tập Nhân đã trả lời: "Ở đây, trừ cô ra, có ai biết dùng kim chỉ đâu". Tập Nhân, chỉ là một a hoàn hạng khá mà còn như vậy, thế mà đây một vị tiểu thư ngàn vàng lại vẫn có thể thêu thùa may vá, thật đáng khâm phục thay.
Ở Tiết Bảo Thoa toát ra vẻ điềm tĩnh, bên cạnh nàng, người ta có thể an tâm mà giao phó tất thảy. Trong số các chị em ở phủ Giả, có ai biết suy tính và lo nghĩ cho người khác một cách chỉn chu cẩn thận như nàng không. Khi Tương Vân tính mở hội Vịnh Cúc, nàng không ngần ngại mà vạch rõ: "Cô có tiêu hết cả số tiền để dành của mình cũng chẳng đủ". Rồi nàng gợi ý cho Tương Vân là dùng cua của cửa hiệu nhà nàng, vừa tiện lợi lại lạ miệng. Cái tinh tế của Bảo Thoa ở đây là đưa ra một phương án tương đối cho Tương Vân, đủ để nàng không xấu hổ và cũng đủ để nàng chấp nhận. Nàng không đưa tiền giúp Tương Vân, dù nàng có thừa tiền, điều đó chứng tỏ nàng thật tâm lo lắng và suy nghĩ cho Tương Vân, giúp không phải chỉ để giúp mà còn muốn người ta có thể sử dụng được một cách tốt nhất. Ngay việc đưa yến sào sang cho Lâm Đại Ngọc cũng vậy, hết sức tế nhị và bao hàm trong đó cả một tấm lòng quan thiết. Nên một người cực kỳ tinh tế và dễ tự ái như Lâm Đại Ngọc mới chịu nhận, và hoàn toàn vui lòng nhận, không có chút tự ái. Một người biết lo lắng và quan tâm đến người khác trong từng chi tiết nhỏ nhặt như vậy lại có thể là một người xấu ư.
Bảo Thoa không những ý thức được giá trị của mình, nàng còn tự hào một cách kín đáo về điều đó. Khí chất của nàng được biểu lộ rõ qua bài thơ vịnh hoa hải đường trắng với những câu như "Cửa khép vì hoa khép suốt ngày", "Phấn son rửa sạch thềm thu nọ", "Lạt thếch hoa càng thêm được vẻ". "Băng tuyết vời về bực móc đây". Tinh thần băng thanh ngọc khiết mà không cao ngạo này là lý do bài thơ của Bảo Thoa được xếp trên tác phẩm ủy mị, sầu bi của Đại Ngọc một bậc, khiến nàng trở thành quán quân đầu tiên của Hải đường Thi xã. Có thể nói tuy người đọc và Tào Tuyết Cần đều có lòng thương yêu, thiên vị Đại Ngọc, nhưng chính Bảo Thoa mới là nhân vật toàn mỹ, cao quý nhất trong thập nhị thoa. Người không có tình cảm mà lại có thể viết ra được những vần thơ tình tứ phong lưu đến nhường ấy ư. Khi Bảo Ngọc bảo nàng giống Dương Quý phi, nàng cũng biết nổi giận đó chứ. Nàng đã đỏ mặt lên rồi nói " tiếc là tôi không có người anh em nào đáng làm An Lộc Sơn". Không có tình cảm mà nàng lại có thể quan tâm và lo lắng cho Tương Vân đến thế ư. Nàng cũng thương Lâm Đại Ngọc, chỉ là, trong một chừng mực nào đó, nàng cũng không thể làm được gì cả. Và đối với những việc không thể làm được, nàng chỉ đành đè nén con tim, đè nén tinh cảm của mình, tự ép mình vào khuôn khổ, vì nàng sống không chỉ cho mình mà con cho biết bao nhiêu người khác.
Bảo Thoa ôn nhu đôn hậu, an phận thiết thực, bình thản lý trí. Ở nơi phú quý mà không xa hoa, trang phục giản dị lại trang nhã hài hòa, thật đúng là: "Càng nhạt mới thấy hoa càng đẹp, vô tình cũng đủ động lòng người".
Về mục đích đọc sách, Bảo Thoa khuyên bảo tha thiết: "Bậc nam nhi đọc sách hiểu rõ lý lẽ, giúp nước giúp dân, thế mới tốt… Còn như chị và tôi, chỉ nên kim chỉ dệt may mới đúng, lại biết được vài chữ. Đã biết chữ, thì chọn mấy kinh thư chính thống xem là được rồi, sợ nhất là xem mấy cuốn sách tạp nham, làm đổi thay tính tình, thì hết phương cứu chữa".
Nếu như Đại Ngọc thường Thần du Thiên ngoại, thì Bảo Thoa lại để tâm trên mặt đất, dù học rộng tài cao, thông minh tuyệt đỉnh thế nào đi nữa cũng phải làm trọn bổn phận của phụ nữ truyền thống, giữ gìn vẻ đẹp cổ điển của tính tình.
Bảo Thoa thông minh tinh ý, cư xử thấu lý đạt tình. Tâm tư nàng cẩn mật, xét thời đoán thế, rất minh bạch thế nào là thích hợp, khi vừa vặn thì biết điểm dừng, lại hiểu được cần phải hành sự thuận thời thuận thế ra sao.
Bảo Thoa xem xét lời nói, quan sát nét mặt, đoán được tâm lý và nỗi khó xử của người khác. Thuận theo sở thích của người mà trao tặng cái người ta đang cần, chia sẻ mối lo nỗi buồn. Nàng giỏi lý giải tâm ý người khác lại quan tâm chu đáo, nên bất kể là Giả mẫu, Vương phu nhân, các chị em, hay những kẻ thấp kém, thậm chí ngay đến cả dì Triệu luôn làm mọi người ghét cũng phải khen ngợi nàng. Tính thích ứng, tính chừng mực thích đáng viên dung của Bảo Thoa đã hài hòa các mối quan hệ trong các mâu thuẫn phức tạp, rất thỏa đáng mà lại hợp lý hợp tình.
Hiểu rõ thế sự đều cần học hỏi, trong vườn Đại Quan có chuyện gì có thể giấu được con mắt của chị Bảo đây? Tuy việc không liên quan đến mình, hễ hỏi đến chỉ lắc đầu, nhưng trong lòng sáng như gương vậy, thật là thâm thúy. Bảo Thoa giỏi thu mình giấu tài, giả ngốc giả vụng, không lộ tài năng, tránh gây đố kỵ, giấu kín thực lực, chờ khi hợp thời thì sử dụng.
Khi chị Phượng lâm bệnh, Bảo Thoa với thân phận người thân thích đã phụ giúp Lý Hoàn và Thám Xuân lo liệu việc nhà. Bảo Thoa chỉ mới lộ chút tài năng đã cho thấy nàng là tay cứng trong việc quản lý gia đình, tài sản, xem xét hết đại thể, chăm nom hết các phương diện, trên dưới ai ai cũng cảm nhận được.
"Thoa ư liêm nội đãi thời phi" (Trâm ở trong hộp chờ thời bay). Bảo Thoa giỏi đọc hiểu lòng người, chỉ riêng với chuyện một mình khuyên bảo Bảo Ngọc không được, có lẽ nàng nghĩ, hôn nhân cần phải dành nhiều thời gian đầu tư lo liệu, nên hãy cứ từ từ.
Tại hồi 45 Hồng Lâu Mộng, Đại Ngọc than rằng:
"Chị ngày thường đối với mọi người rất tốt, nhưng tôi là người đa nghi, cứ cho chị là ác ngầm. Từ hôm nọ, chị bảo tôi không nên xem sách nhảm, giờ lại khuyên tôi câu này, tôi rất là cảm động. Trước đây tôi nhầm, nhầm mãi đến bây giờ."
Từ lời khuyên Đại Ngọc không nên xem sách nhảm như Tây sương ký, đến việc cho Đại Ngọc yến sào, đến việc giúp Sử Tương Vân mọi việc và giúp đỡ Hình Tụ Yên ở hồi 57, chứng tỏ Bảo Thoa là người tốt.
Điều Bảo Thoa khiến người khác chê là, sự việc đình Trích Thúy dùng kế "Kim thiền thoát xác" khiến nha hoàn nghi là Đại Ngọc nghe trộm chuyện riêng, sau chuyện Kim Xuyến nhảy xuống giếng tự tử, Bảo Thoa đi an ủi Vương phu nhân, ngôn hành của nàng đã để lộ ra nhược điểm Bảo Thoa quá ư cầu toàn, không đủ chính trực, lại có phần lãnh đạm. Người ta thường nói con người vốn chẳng có ai hoàn thiện, bản tính con người ta nguyên vốn phức tạp, làm sao tránh khỏi tì vết?
Nếu xét từ đầu đến cuối, có lẽ Bảo Thoa đáng thương hơn là đáng giận. Nàng sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, lẽ ra nàng đã được tuyển vào cung, rồi cuộc sống trở nên an nhàn không phải lo lắng về bất kỳ điều gì. Nàng vốn là nữ nhi, mà nữ nhi là ngoại tộc mà. Nhưng trong khi đó, anh nàng lại gây ra biết bao nhiêu là chuyện, để nàng, một người con gái yếu ớt phải lo lắng và sầu não, một mặt chăm sóc mẹ, một mặt phải sống chung với người chị dâu đành hanh, khó chịu, mặt khác lại phải lo lắng cho anh. Khi lấy chồng, nàng vừa mang tiếng là người giật chồng của người khác, lại phải sống trong sự lạnh nhạt của chồng. Từ đầu đến cuối, nàng cư xử ôn hòa nhã nhặn, sống chừng mực tu thân dưỡng tính, nhưng nàng được cái gì. Chị dâu thì cạnh khóe, anh thì tỉnh rượu hứa hẹn, say rượu hoặc ngông cuồng lên thì coi trời bằng vung. Lấy chồng cũng không được đàng hoàng, ngay con hầu cũng bị đánh tráo, coi như là cưới mình nhưng thực ra chỉ là đội lốt Lâm Đại Ngọc. Ngay đứa con, cũng chỉ là nhờ chồng xấu hổ mà có. Lâm Đại Ngọc chỉ biết thương hoa, không biết quan tâm đến những người xung quanh, nhưng ít ra nàng còn có một Giả Bảo Ngọc tri âm tri kỷ. Tiết Bảo Thoa thì thương yêu săn sóc cho khắp mọi người, nhưng rốt cuộc, người hiểu nàng, tri âm tri kỷ thực sự của nàng làm gì có ai. Ngay đến Tào Tuyết Cần cũng không cho là nàng đáng thương, khi soạn 12 bài trong Kim Lăng thập nhị thoa cũng không để tên nàng, trong sổ bạc mệnh của Tào Tuyết Cần không có tên nàng. Chẳng lẽ chăn đơn gối lạnh bên cạnh người chồng hờ hững, mang tiếng cướp chồng của người khác dù thực ra cũng chỉ là nạn nhân của các bậc tiền bối, hưởng một đêm xuân ngắn ngủi với chồng chỉ vì chồng xấu hổ khi bị bắt gặp quan tâm đến người hầu (sự lo lắng quan tâm của Bảo Ngọc đến nàng còn kém hơn một tỳ nữ) rồi nuôi con một mình trong khi chồng bỏ đi tu, đó không phải là bạc mệnh ư. Tiết Bảo Thoa bị bỏ rơi ngay từ người cha đẻ của mình, người đã nhào nặn ra nàng, cho nàng đầy đủ vóc dáng và tài năng, nhưng lại cướp đi của nàng quyền được yêu thương, quyền được làm người bạc mệnh.
Kim ngọc lương duyênSửa đổi
Nói Bảo Ngọc – Bảo Thoa là con tốt tình ái không phải để ám chỉ những mưu kế của Vương Hy Phượng, Giả mẫu, bởi lẽ những người đàn bà tưởng chừng ghê gớm ấy chẳng qua cũng con rối của thời thế, không hơn. Bàn tay của số phận mạnh hơn mưu kế của con người, đủ khiến cho "những con tốt của nhân duyên" tự mua dây buộc mình mà không biết. Xin hãy dành thời gian đọc hai hồi thứ 29 và 35.
Hồi 29: Bảo Ngọc và Đại Ngọc giận dỗi nhau vì chuyện duyên "vàng ngọc". Đại Ngọc nóng lên cầm kéo cắt vụn cái dây đeo ngọc nàng làm cho Bảo Ngọc.
Đại Ngọc nghe nói, không nghĩ gì đến mình đương ốm, chạy ngay lại cướp lấy cái dây, tiện tay cầm kéo cắt nát ra. Tập Nhân và Tử Quyên muốn giật lại, nhưng đã đứt làm mấy đoạn rồi.
Đại Ngọc khóc:
– Ta thực uổng công, anh ấy không cần đâu, đã có người khác đeo cho cái dây đẹp hơn kia.
Tập Nhân vội cầm lấy viên ngọc nói:
– Làm gì như thế? Đây cũng là lỗi tự tôi hay bép xép.
Bảo Ngọc bảo Đại Ngọc:
– Cô cứ việc cắt đi, tôi không đeo ngọc cũng chẳng sao.
Viên ngọc là bản mệnh của Bảo Ngọc, sợi dây Đại Ngọc làm là mối tình vấn vít buộc lấy cậu ta. Câu nói tưởng như trẻ con của Bảo Ngọc có hàm ý sâu xa: nếu mối dây liên kết của hai người bị hủy hoại thì Bảo Ngọc cũng không cần gì đến tấm thân mình nữa.
Tua nhanh đến hồi thứ 35 – "Ngọc Xuyến được nếm canh lá sen, Oanh Nhi khéo tết dây hoa mai":
Bảo Thoa vừa hỏi vừa nhìn vào tay Oanh Nhi, thấy Oanh Nhi mới tết được một nửa cái dây, Bảo Thoa cười nói:
– Tết cái này để làm trò gì? Hãy tết cái dây đeo viên ngọc đã
Câu nói ấy làm Bảo Ngọc nhớ ra, vỗ tay cười nói:
– Chị Bảo nói phải đấy, tôi quên đi mất. Nhưng tết màu gì cho đẹp được?
Bảo Thoa nói:
– Các màu thường nhất định không thể dùng được. Màu đỏ lại lẫn màu. Màu vàng thì không nổi, màu đen thì tối quá. Cứ ý tôi, nên lấy chỉ kim tuyến xe lẫn với chỉ đen bóng, sợi nọ xe lẫn sợi kia, tết như thế mới đẹp.
Bảo Ngọc nghe nói mừng lắm, gọi dồn Tập Nhân mang ngay chỉ kim tuyến ra.
Ở hồi này, Bảo Thoa đề nghị dùng sợi kim tuyến để tết dây đeo ngọc cho Bảo Ngọc, tưởng vô tình nhưng hỡi ôi lại chính là sợi dây tơ hồng! Dây kim tuyến chính là dây vàng – nàng đã dùng sợi vàng bản mệnh của mình để trói lấy viên ngọc, cũng từ đó gắn số phận hai người làm một. Kết cục câu chuyện đã diễn ra đúng như vậy: Đại Ngọc chết, sợi dây giữa nàng và người yêu đứt đoạn. Bảo Thoa trói buộc được Bảo Ngọc nhưng bản thân cậu ta lại không cần gì đến bản thân nữa, dứt áo ra đi. Ở hồi sau, khi Bảo Thoa cắm cúi tết sợi dây vàng cho chồng tương lai, nàng liền nghe thấy Bảo Ngọc nói mê:
Bảo Thoa ở trong nhà mới tết được vài ba cái hoa, thấy Bảo Ngọc nằm mê thét lên: "Lời nói hòa thượng và đạo sĩ tin thế nào được? Cái gì là nhân duyên vàng ngọc! Tôi chỉ biết duyên cây và đá thôi!
Lời phánSửa đổi
Kim Lăng thập nhị thoa chính sách đề vịnh chi nhất
|
|
|
(Tác giả gộp lời phán về Đại Ngọc và Bảo Thoa vào chung một bài.)
"Đức dừng thoi" ở đây ám chỉ Bảo Thoa, dựa theo điển cố về người vợ nết na của Dương Tử: thấy chồng bỏ học quay về, nàng cắt tấm vải đang dệt để khuyên chồng đừng bỏ lỡ con đường công danh sự nghiệp. Xuyên suốt cả câu chuyện, Bảo Thoa luôn khuyên nhủ Bảo Ngọc học hành đỗ đạt khiến cậu ta chán ngán – biểu hiệu cơ bản về sự cập kênh tâm hồn giữa hai người. Nếu câu thơ ứng với Đại Ngọc là Ngọc đới lâm trung quải – đai ngọc treo giữa rừng, thì Bảo Thoa là Kim trâm tuyết lý mai – trâm vàng vùi trong tuyết. Người đời có thể nhìn thấy Đại Ngọc, khóc cùng nàng, tôn thờ nàng, còn Bảo Thoa thì sao? Nàng là cành thoa quý bằng vàng vô giá, nhưng đã bị lấp đi dưới lớp tuyết lạnh lẽo. Nàng giấu kín cảm xúc, lặng lẽ im lìm. Chỉ người nào biết giá trị của nàng, lại có lòng tìm kiếm, mới có thể chạm đến phần quý báu, sâu sắc nhất của Bảo Thoa. Nói cách khác, Bảo Thoa mong chờ một người tri kỷ. Tiếc thay cho đến cuối Hồng Lâu Mộng, người đó vẫn không xuất hiện, khiến trâm vàng – bản thể thực sự của Bảo Thoa – mãi mãi không được lộ diện...
Khúc caSửa đổi
Chung thân ngộ
|
|
|
Điển tích "án đặt ngang mày" (cử án tề mi) nói về cặp vợ chồng chuẩn mực Mạnh Quang–Lương Hồng kính nhau như khách. Quả thực mối quan hệ vợ chồng của Bảo Ngọc và Bảo Thoa nhìn bên ngoài long lanh nhưng chỉ được cái vỏ, còn bên trong họ vẫn đối đãi với nhau như… khách, không hơn. Vàng kết hợp với ngọc nhìn bên ngoài đẹp nhưng thực ra lại vô cùng lạnh lẽo.
Kết cụcSửa đổi
Khúc ca nơi Thái hư ảo cảnh ám chỉ Bảo Ngọc và Bảo Thoa lấy nhau, nhưng Bảo Ngọc chỉ thương nhớ Đại Ngọc, tuy nhiên Bảo Thoa giống như sơn trung cao sĩ (người cao sĩ trên núi tuyết) đặt án ngang mày, nhưng trong lòng Bảo Ngọc vẫn rất bất bình, không thể nào hoà hợp được với Bảo Thoa, không có cái gọi là tình phu thê theo đúng nghĩa. Tuy nhiên căn cứ vào bài thơ đề ở đầu hồi thứ 8:
- "Vạc cổ pha trà phượng tủy hương,
- Hiếm thay chén ngọc rót quỳnh tương.
- Đừng cho là lượt không phong nhã,
- Hãy ngắm kim nương cạnh ngọc lang."
Ta thấy cảm tình giữa Bảo Ngọc và Bảo Thoa nồng hậu hơn nhiều chứ không lãnh đạm như trong khúc ca ở Thái hư ảo cảnh.
Tại Giả phủ, dưới tay Vương phu nhân lo liệu, Bảo Ngọc bị ép lấy Tiết Bảo Thoa. Vì cả 2 không cùng chung lý tưởng và chí hướng, Bảo Ngọc lại không thể quên tri âm là Lâm Đại Ngọc nên không lâu sau khi kết hôn cậu liền xuất gia làm hòa thượng. Tiết Bảo Thoa đành phải sống cảnh cô quạnh, ôm hận đến cuối đời.
A hoànSửa đổi
- Oanh Nhi, Văn Hạnh, Nhị Quan.
Trên màn ảnhSửa đổi
- Trương Lợi thể hiện vai Tiết Bảo Thoa trong phim Hồng Lâu Mộng 1987, đạo diễn Vương Phù Lâm.
Xem thêmSửa đổi
Tham khảoSửa đổi
- Bản dịch tiếng Việt Hồng lâu mộng. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2007, dịch giả: Vũ Bội Hoàng