Trà sữa trân châu hay trà sữa Đài Loan (珍珠奶茶; trân châu nãi trà) là thức uống được chế biến từ trà xanh hoặc trà đen được các cửa hàng đồ uống tại Đài Trung, Đài Loan phát triển từ những năm 1980[1]. Đặc điểm của trà sữa trân châu là khi bị lắc, một lớp bọt nước mỏng được tạo thành trên bề mặt. Do đặc điểm này, trà bong bóng được dùng để gọi bất kỳ loại trà nào được lắc trong khi chuẩn bị, ví dụ như các loại trà đường "Bào mạt hồng trà" (泡沫紅茶), "Bào mạt lục trà" (泡沫綠茶).

Trà sữa trân châu
Trà sữa trân châu
Tên khácTrà sữa Đài Loan
BữaĐồ uống
Xuất xứ Đài Loan
Vùng hoặc bangToàn thế giới
Sáng tạo bởiCòn tranh cãi
Thành phần chínhHạt trân châu, sữa/kem, bột trà, nước, đường

Trà sữa trân châu nói chung được chia thành hai loại: trà tạo hương vị từ hoa quả hay trà sữa. Trà sữa có thể sử dụng các loại kem từ sữa hay không từ sữa. Có nguồn gốc từ Đài Loan, trà sữa trân châu đặc biệt phổ biến tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt NamSingapore. Loại đồ uống này cũng phổ biến tại châu Âu, CanadaHoa Kỳ. Trà sữa trân châu cũng có thể để chỉ loại trà sữa nóng kiểu Quảng Đông pha với các hạt bột sắn.

Tổng quát sửa

Tên gọi sửa

Khi trà sữa trân châu (trân châu nãi trà) được giới thiệu vào các nước ngoài châu Á, nó được gọi bằng tên tiếng Anh là "bubble tea". Do khác biệt cơ bản nhất giữa các loại trà bong bóng và các loại trà khác là các hạt bột sắn ở đáy cốc, nên một số người không biết tiếng Anh cho rằng "bubble" trong "bubble tea" là chỉ đến bột sắn. Tuy nhiên, trân châu trong "trà sữa trân châu" nói đến các hạt "trân châu" (bột sắn dây).

Trân châu sửa

Hạt trân châu được làm từ củ sắn. Hạt trân châu hay còn gọi là boba đun sôi khoảng dưới nửa tiếng cho tới khi chín hoàn toàn, nhưng vẫn còn độ dẻo, khi đó hạt nở ra đáng kể, rồi làm lạnh trong khoảng nửa tiếng nữa. Sau khi để ráo nước, hạt trân châu được cho vào nước đường hay mật ong để sẵn dùng vào trà. Sau khi nấu có thể để được 7 giờ. Các hạt trân châu lớn, làm từ bột sắn nằm ở dưới đáy cốc. Các hạt thường lớn hơn 6 mm, màu nâu, mờ mờ không trong suốt và nâu đậm hơn ở giữa hạt. Hạt trân châu được hút bằng ống hút to (thường được cắm sẵn vào li trà), người uống trà vừa uống trà vừa nhai hạt trân châu.

Thay cho hạt bột truyền thống, thạch dừa hoặc thạch konjac còn được dùng để làm trà trân châu. Thạch được cắt thành viên nhỏ, hình lập phương hoặc hình hộp, có độ dẻo và dai. Trà sữa trân châu có thể pha chế thành trà sữa trân châu thập cẩm, khi có cả trân châu và thạch. Có nhiều loại thạch khác như thạch vải, thạch cà phê, thạch cầu vồng[2] và thạch trái cây hỗn hợp.

Hạt trân châu trong trà sữa bày bán nhiều nơi có khả năng được làm từ vỏ lốp xe cũ và đế giày da. Bình thường, nếu dùng bột củ quả để làm trân châu thì những viên trân châu này sẽ dễ dàng được tiêu hóa ngay khi vào thành ruột. Hiện tại, trân châu được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc chỉ có một loại, nhưng thành phần làm ra những hạt trân châu này thì không biết rõ. Chúng có tính kết dính và co giãn rất mạnh. Nếu như tích tụ trong dạ dày, những hạt trân châu này sẽ khó có thể tiêu hóa, thậm chí dồn ứ ở đó.[3]

Vài năm về trước, món trà sữa trân châu này chẳng có trà, chẳng có sữa, mà chủ yếu được tạo thành từ các chất phụ gia và trân châu giả, làm từ mảnh bỉm của trẻ em. Sở dĩ giá thành của một ly trà rẻ do hầu hết các quán không dùng sữa, trà hay hoa quả mà chỉ sử dụng các loại chất tạo màu, tạo mùi, cộng với hạt trân châu giả làm từ bột sắn dây và một loại bột hóa học chuyên dùng làm bỉm trẻ em hay từ đế giày bị hỏng ngâm tẩm hoá chất để tạo độ giòn và màu sắc bắt mắt nhưng vô cùng độc hại gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ[4]. Cho tới giờ, hành vi nhập lậu các chất phụ gia để làm giả trân châu, trân châu giả hay bột giả trà sữa đều bị Bộ Y tế Việt Nam nghiêm cấm triệt để, đề phòng cho sức khoẻ người tiêu dùng. Các quán trà sữa tại Việt Nam cũng được kiểm duyệt nghiêm ngặt về chất lượng.

Sữa sửa

Trong pha chế trà sữa trân châu, có thể dùng sữa không có nguồn gốc từ động vật, thay vì sữa thường, khi đó trà có mùi vị khác biệt. Một trong những lý do dùng loại sữa này là do chúng không gây kết tủa như sữa thường, hay giá thành của sữa này rẻ hơn, tiện dụng hơn và có nhiều kem hơn sữa thường.

Cách pha trà sửa

Trà sữa trân châu là trà pha đường, sữa và thường có các hương liệu khác. Trà uống nóng hoặc uống với nước đá. Trà được lắc kĩ, tạo ra các bong bóng nhỏ, đó là điểm đặc trưng của thức uống này. Cách pha trà sữa trân châu mỗi nơi mỗi khác. Trà thường được pha bằng trà đen hoặc trà xanh nóng, rồi đem lắc trong hộp lắc cocktail hoặc được trộn trong dụng cụ trộn với đá cho tới khi trà lạnh. Hỗn hợp này thường được cho thêm sữa và hạt bột sắn nấu chín. Li trà đã hoàn thành có thể được đậy bằng nắp nhựa hình vòm hay giấy bóng kính, người dùng có thể chọc thủng bằng ống hút.

Hương liệu sửa

Hương liệu thêm vào trà sữa trân châu có thể có dạng bột, nước trái cây, dạng bột nhão hoặc siro, ví dụ các loại hương liệu như dâu, chanh dây[cần dẫn nguồn], sô cô ladừa.

Nguồn gốc sửa

Trà sữa trân châu bắt nguồn từ Đài Trung, Đài Loan vào đầu thập niên 1980[1]. Nancy Yang, 1 chủ quán trà người Đài Loan đã thử thêm trái cây, siro, khoai lang tẩm đường, và trân châu vào trà sữa. Mặc dù thức uống này lúc đầu không phổ biến, nhưng một số đài truyền hình Nhật Bản đã khiến các doanh nhân chú ý. Vào thập niên 1990, trà sữa trân châu trở nên nổi tiếng ở hầu hết các nước Đông Nam Á.

Cuối thập niên 1990, trà sữa trân châu phổ biến ở đa số các thành phố Bắc Mỹ có nhiều người châu Á sinh sống. Xu hướng này bắt đầu từ thành phố SanGabriel, California và nhanh chóng lan ra khắp miền Nam California. Đồ uống này được chú ý nhiều từ các phương tiện truyền thông, cả trên sóng phát thanh quốc gia (National Public Radia show Morning Edition) và tờ báo Los Angeles Times. Trà sữa trân châu đã lan rộng ra quốc tế thông qua các Khu phố người Hoa (Chinatowns) và các cộng đồng châu Á hải ngoại. Ở Mỹ, các nhãn hiệu trà như Quickly và Lollicup phát triển ra các vùng ngoại ô, đặc biệt là các vùng có đông người châu Á. Trà sữa trân châu cũng xuất hiện ở phần lớn[cần dẫn nguồn] các thành phố châu Âu như Luân Đôn hay Paris.

Cơn sốt tại châu Á sửa

Việt Nam sửa

 
Một quán trà sữa TocoToco ở thành phố Nam Định.

Trà sữa của Đài Loan du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 2000 nhưng phải mất vài năm sau đó, thức uống này mới được giới trẻ ưa chuộng. Các quán nước ven đường, các xe đẩy hiếm khi nào vắng bóng những học sinh vừa cầm cốc trà sữa vừa vui vẻ nói chuyện. Nhưng bẵng đi một thời gian, trào lưu trà sữa dần hạ nhiệt. Nhiều cửa hàng phải thanh lý hoặc đóng cửa, số khác vẫn chật vật để tồn tại. Tất cả là vì thông tin trà không có nguồn gốc, trân châu làm từ nhựa polyme rộ lên vào khoảng cuối năm 2009.

Đến năm 2012, các thương hiệu Đài Loan đổ bộ vào Việt Nam, vẫn là món trà sữa ngày trước nhưng được phục vụ theo một phong cách hoàn toàn mới: trà sữa uống kèm topping, phát triển mô hình dạng chuỗi, không gian thiết kế bài bản không kém bất kỳ quán cà phê tên tuổi nào. Và ánh hào quang của trà sữa Đài Loan dần dần trở lại, đặc biệt vào khoảng cuối năm 2016 - đầu năm 2017.[5]

Theo một khảo sát của Lozi, trong năm 2017, thị trường trà sữa Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ với 100 thương hiệu lớn nhỏ cùng tồn tại và trên 1.500 điểm bán, trong đó có những thương hiệu lớn đến từ Đài Loan như Ding Tea (薡茶), Gong Cha (貢茶), BoBaPop, Tiên Hưởng (鮮饗茶),...[6] Khảo sát này cũng cho thấy trà sữa đang trở thành loại đồ uống phổ biến tại Việt Nam khi 53% người được khẳng định uống trà sữa ít nhất 1 lần/tuần.[5]

Xét trên khía cạnh người tiêu dùng, trà sữa đặc trưng bởi vị ngọt, béo ngậy, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, không chỉ học sinh, sinh viên mà cả trẻ em, giới văn phòng đều yêu thích. Bên cạnh đó, trà sữa liên tục "biến hình" để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, từ những dòng trà kem phô mai, trà hoa quả cho đến trà ít béo. Một điểm cộng nữa khiến trà sữa được ưa chuộng chính là phong cách phục vụ. Thay vì những hàng quán nhỏ, những xe đẩy cổng trường như trong quá khứ, trà sữa được thiết kế thành không gian rộng rãi, có chỗ ngồi cố định, có điều hòa mát lạnh...[6]

Hồng Kông sửa

Cửa hàng trà sữa trân châu đang là cơn sốt mặt bằng ở các trung tâm thương mại của Hồng Kông nhờ doanh thu vượt trội so với các dịch vụ ăn uống khác. Sự bùng nổ các quán trà sữa Đài Loan đã vượt qua bất kỳ làn sóng kinh doanh đồ ăn thức uống nào trước đó tại Hồng Kông.

Mỗi mét vuông của cửa hàng trà sữa có thể mang về 11.000 - 22.000 đô la Hồng Kông (tương đương 1.400 - 2.800 USD) mỗi tháng. Trong khi đó, nhà hàng ẩm thực Trung Hoa chỉ mang về 4.400 - 5.500 đô la Hồng Kông (tức 560 - 700 USD) mỗi tháng. Các cửa hàng đạt doanh thu càng cao thì chi phí thuê mặt bằng mà họ phải trả càng cao. Mối quan hệ giữa chủ và người thuê trong trung tâm mua sắm cũng giống như của các đối tác kinh doanh, thay vì chỉ tăng giá thuê cơ bản. Hầu hết chủ kinh doanh trà sữa ở đây đều yêu cầu kích thước cửa hàng khoảng 23 đến 28m², với giá 3.300 - 4.400 đô la Hồng Kông (tầm 420 - 560 USD) cho mỗi mét vuông tại khu vực đông khách hàng.

Thời điểm cuối những năm 1990, hầu hết các cửa hàng kiểu này ở Hồng Kông chỉ bán trà sữa trân châu Đài Loan và sau đó phát triển thành các quán cà phê phục vụ đồ ăn nhẹ và đồ tráng miệng. Còn sự phát triển nhanh chóng như hiện nay chỉ bắt đầu từ quãng năm 2012 - 2013, với hình thức các cửa hàng tiện lợi nhỏ. Tính đến tháng 7 năm 2018, đã có 62 nhãn hiệu trà sữa trân châu khác nhau với 282 cửa hàng đang hoạt động ở Hồng Kông.[7]

 
Một quán trà sữa Meet and More của Hàn Quốc nằm ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Hàn Quốc sửa

Trà sữa không chỉ là một món thức uống hàng ngày mà nó còn trở thành "cơn sốt" được yêu thích tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Tính riêng tại thủ đô Seoul, có 4 tiệm trà sữa nổi tiếng, thu hút và là địa điểm vui chơi, hẹn hò, gặp gỡ của giới trẻ Hàn Quốc vào mỗi dịp cuối tuần, đó là: Gong Cha (공차), Cofioca, Amasvin (아마스 빈) và Happy Lemon (해피 레몬).[8]

Ở Hàn Quốc có rất nhiều quán trà sữa lớn nhỏ khác nhau, thương hiệu nổi tiếng hay chỉ là quán nhỏ gọn với một quầy nước và một chiếc bàn đi kèm. Trà sữa trân châu tuy bắt nguồn từ Đài Loan nhưng sang đến Hàn Quốc đều có những thay đổi nhất định. Người Hàn Quốc rất quan trọng việc giữ gìn vóc dáng, mỗi một bữa ăn họ đều phải xem chính xác lượng ca-lo nạp vào người là bao nhiêu để sau đó có những bài tập thể dục phù hợp nhằm làm tiêu tan những loại mỡ dư thừa. Bởi vậy, khi vào những tiệm ăn hay tiệm bánh ở Hàn Quốc, ta sẽ nhìn thấy những chỉ số ca-lo được ghi rất tỉ mỉ và cẩn thận như một cách bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ví dụ, tại các quán trà sữa Gong Cha ở đây, khách hàng có thể tự lựa chọn cho mình độ ngọt của trà sữa thông qua chọn mức nước đường (0% – 30% – 50% – 70% và 100%) và tương tự với chọn đá để tăng thêm khẩu vị yêu thích mang tính cá nhân cho ly trà sữa.[9]

Nhật Bản sửa

Nhật Bản, rất khó để tìm thấy một cửa hàng trà sữa trân châu kiểu Đài Loan. Chúng chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn, đặc biệt là Tokyo, đơn cử như Gong Cha (貢茶) hay Shunsuido (春水堂) nhưng số lượng cửa hàng rất hạn chế. Tại thành phố Ōsaka cũng đã xuất hiện cửa hàng trà sữa Đài Loan có nguồn gốc từ Việt Nam mang tên Một Trăm (100), hay tên gọi đầy đủ là 生タピオカ専門店 モッチャム (Nama tapioka senmonten Mocchamu).[10]

Thế giới nước đóng chai ở các cửa hàng tiện lợi hay máy bán hàng tự động trên đường phố của Nhật có rất nhiều thương hiệu, mùi vị để khách hàng lựa chọn, và trà sữa ở Nhật Bản cũng hoạt động theo cách này.

Nói đến sự bùng nổ của trà sữa thì không thể không kể đến trà sữa "đóng chai". Ở Việt Nam, hãng Kirin của Nhật cũng đã cho ra đời 2 đến 3 loại trà sữa cùng kiểu này, nhưng hầu hết đều chưa hợp khẩu vị người Việt. Còn ở Nhật, tùy thương hiệu mà hương vị trà sữa sẽ khác nhau về độ ngọt của sữa hay vị đậm của trà. Ngoài ra, dạng đóng chai còn dễ dàng giúp người mua mang đi hoặc cất vào túi khi chưa uống hết, tiện dụng hơn nhiều so với trà sữa đựng trong ly.

Về giá cả, một ly trà sữa trân châu Đài Loan trung bình được bán ở Nhật dao động khoảng 500 yên (tương đương 100.000 đồng), ngang ngửa với Starbucks. Trong khi đó, giá một chai trà sữa 1,5l vào khoảng 150 yên (30.000 đồng).[11]

Sự kiện liên quan sửa

Quốc phòng tại Đài Loan sửa

Tháng 9 năm 2004, trong khi bảo vệ kế hoạch mua vũ khí trị giá 18 tỷ đô la, bộ trưởng quốc phòng Đài Loan đã sử dụng trà sữa trân châu như một ví dụ cho tổng chi phí mua vũ khí này. Ông đã so sánh, tổng chi phí cho hệ thống vũ khí trên chỉ bằng số tiền toàn dân Đài Loan tiết kiệm khi bớt uống một ly trà sữa mỗi tuần, trong hai mươi năm.

Bảo tàng trà sữa trân châu sửa

The Bubble Tea Factory - Bảo tàng trà sữa trân châu đầu tiên trên thế giới bắt đầu mở cửa đón khách từ ngày 19 tháng 10 năm 2019. Đến với nơi đây, những tín đồ trà sữa sẽ thực sự đắm mình vào thế giới của trà sữa và trân châu với hơn 10 căn phòng được trang trí theo các chủ đề khác nhau trong tổng diện tích là 7.000 m². Bảo tàng nằm ở khu *Scape, trên đường Orchard, Singapore. Toàn bộ không gian là sản phẩm trí tuệ của Weiting Tan, một doanh nhân có nền tảng về khởi nghiệp công nghệ.[12][cần dẫn nguồn]

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ a b Martin, Laura C. (2007). Tea: The drink that changed the world. Rutland: Tuttle Publishing. tr. 219. ISBN 9780804837248.
  2. ^ Abar (16 tháng 5 năm 2021). “Thạch cầu vồng là gì? Hướng dẫn cách làm”. Abar.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2021.
  3. ^ “Trà sữa trân châu có thể làm từ đế giày, săm lốp”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập 16 tháng 10 năm 2023.
  4. ^ “Hãi hùng trà sữa trân châu làm từ đế giày và bỉm trẻ em”. Báo Điện tử Tiền Phong. 8 tháng 11 năm 2015. Truy cập 16 tháng 10 năm 2023.
  5. ^ a b Hồng Lam (ngày 14 tháng 10 năm 2017). “Người người uống trà sữa, nhà nhà bán trà sữa, trào lưu này sẽ đi về đâu?”. Báo điện tử Trí Thức Trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 4 năm 2018. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2018.
  6. ^ a b Hồng Lam (ngày 23 tháng 10 năm 2017). “Chuỗi trà sữa thuần Việt lớn nhất nhì Hà Nội vừa tuyên bố 2 tháng nữa sẽ có mặt tại Mỹ?”. Báo điện tử Trí Thức Trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2018.
  7. ^ Phiên An (theo SCMP) (ngày 10 tháng 9 năm 2018). “Sốt mặt bằng trà sữa Đài Loan ở Hong Kong”. VnExpress Kinh Doanh. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2019.
  8. ^ Hà Linh (ngày 18 tháng 4 năm 2019). “4 tiệm trà sữa "khuấy đảo" giới trẻ Hàn Quốc”. Du Học Hàn Quốc Sunny. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2019.
  9. ^ Luz (ngày 2 tháng 10 năm 2017). “Thưởng thức Trà sữa GongCha Hàn Quốc”. GO Hàn Quốc. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2019.
  10. ^ Chee (ngày 25 tháng 12 năm 2018). “Hôm nay, Trà sữa trân châu đậm chất Việt "MỘT TRĂM" chính thức khuấy đảo Osaka”. Trang Japo.vn. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2019.[liên kết hỏng]
  11. ^ Chee (ngày 16 tháng 11 năm 2017). “Mặc cho trà sữa Đài Loan "ồ ạt khuấy đảo", đâu là nguyên nhân khiến người Nhật vẫn "trung thành" với hàng nội ?”. Trang Japo.vn. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2019.[liên kết hỏng]
  12. ^ “Bảo tàng trà sữa trân châu đầu tiên trên thế giới mở cửa đón khách”.

Liên kết ngoài sửa