Trần Việt (Bắc Tống)

quan viên, nhà thơ phái Tây Côn thể đời Bắc Tống

Trần Việt (chữ Hán: 陈越, 973 – 1012), tự Tổn Chi, người huyện Úy Thị, phủ Khai Phong [1], quan viên, nhà thơ phái Tây Côn thể đời Bắc Tống.

Trần Việt
Tên chữTổn Chi
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
973
Quê quán
huyện Úy Thị
Mất1012
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Trần Hạ
Nghề nghiệpnhà sử học
Quốc tịchnhà Tống

Cuộc đời sửa

Ông nội là Trần Thủ Nguy, làm đến Hưng Đạo lệnh; cha là Trần Hạ, làm đến Ngu bộ viên ngoại lang. Việt từ nhỏ hiếu học, rất rành lịch sử; giỏi biên soạn văn chương, phong cách cao vời khác biệt.

Trong niên hiệu Hàm Bình (998 – 1003) thời Tống Chân Tông, có chiếu cử hiền lương, Việt được Hình bộ thị lang Quách Chí tiến cử, sau khi thi vấn đáp được xếp Đệ tứ đẳng, nhận chức Tương tác giám thừa, thông phán Thư Châu, dời làm Tri Đoan Châu, rồi dời đi Viên Châu. Ít lâu sau Việt được triệu về, thăng làm Trứ tác tá lang, Trực sử quán, Chưởng cổ tư Đăng văn viện. Việt tham gia biên soạn “Sách phủ nguyên quy[2], cùng Trần Tòng Dịch, Lưu Quân được đánh giá là rất siêng năng. Chân Tông cho rằng bổng lộc của họ ít ỏi, nên mệnh cho hàng tháng được thêm 5000 tiền. Xa giá đi Lạc Dương chầu hoàng lăng, Việt được làm Chưởng Lưu tư danh biểu, người đương thời khen là phù hợp [3]. Từ ấy tấu chương 2 phủ (Lạc Dương, Khai Phong) phần nhiều do Việt nhận mệnh mà soạn thảo, gia đình công thần, quý tộc đến mời ông viết bài minh, chí rất nhiều. Việt được thăng Thái thường thừa, Quần mục phán quan; sau khi tế Phần Âm [4], được cất nhắc làm Tả chánh ngôn.

Việt tính khí khái tùy tiện, hay khích lệ bạn bè, bởi thói buông thả rượu chè mà nhà cửa trống toác, nhưng không chịu thay đổi. Việt trở nên nghiện rượu, trước bữa ăn đều uống đến vài thăng, hiếm có ngày nào tỉnh táo, do đó sanh bệnh. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 (1012), mất, hưởng thọ 40 tuổi. Khi ấy Việt còn mẹ già, khiến người ta thương xót.

Hậu sự sửa

Anh Việt là Hàm, từng thi khoa Tiến sĩ nhưng không đỗ, nhờ Dương Ức, Đỗ Hạo, Trần Bành Niên cùng nhau nói giúp, khiến Chân Tông thương xót. Đến khi bộ Sách phủ nguyên quy hoàn thành, Chân Tông riêng ban cho Hàm danh phận Tam truyện xuất thân [5].

Theo lệ thì biểu chương của Trung thư tỉnh đều do Trung thư xá nhân làm, nhưng sau khi tế Đông phong, triều đình nhiều lễ mừng, xá nhân thêm lắm việc, vì thế Trung thư tỉnh chọn quan viên ở những cơ quan khác làm thay. Những Thịnh Độ, Lộ Chấn, Lưu Quân, Hạ Tủng, Tống Thụ với Việt chia nhau việc soạn biểu chương, nhờ đó tể tướng biết đến họ, về sau đều được coi việc soạn thảo chiếu, cáo của hoàng đế; chỉ có Việt chưa được đề bạt thì mất, người đương thời lấy làm tiếc cho ông.

Ngày nay người ta chỉ biết đến những bài thơ của Việt qua tập thơ Tây Côn thù xướng của Dương Ức, xem tại đây.

Tham khảo sửa

  • Tống sử quyển 411, liệt truyện 200 - Văn uyển 3: Trần Việt

Chú thích sửa

  1. ^ Nay là Úy Thị, Hà Nam
  2. ^ Sách phủ nguyên quy (chữ Hán: 冊府元龜) là bộ loại thư (类书) đời Tống, là tác phẩm lớn nhất trong số các tác phẩm đời Tống còn tồn tại đến ngày nay. Loại thư (category book) gần giống bách khoa toàn thư, nhưng không được tổng hợp một cách nhất quán. Sách phủ nguyên quy do Vương Khâm Nhược, Dương Ức làm chủ biên, mất 8 năm mới hoàn thành (1005 – 1013), gồm thâu Chánh sử và Thực lục, loại bỏ bút ký, tạp sử và các hình thức ghi chép cá nhân khác, do đó tác phẩm cũng không cần làm rõ nguồn gốc của sử liệu được dùng
  3. ^ Tống sử, tlđd chép nguyên văn là “掌留司名表/chưởng lưu tư danh biểu”. Chưởng danh biểu là chức danh, tương tự thư ký. Lưu tư là cách gọi phiếm chỉ Lạc Dương; 留/lưu nghĩa là ở lại, vì người đời Đường gọi bộ phận lưu trú của các cơ quan trung ương (分司/phân tư) tại Đông đô Lạc Dương là Lưu tư, nên người đời Tống gọi theo như vậy
  4. ^ Trong các nghi lễ cầu may (cát lễ), hoàng đế trực tiếp tham gia Nam giao, còn Bắc giao (Nam giao và Bắc giao ở phụ cận kinh thành, tế Hạo thiên thượng đế và Thần châu địa kỳ, Hoàng địa kỳ), Đông phong (tế trời ở Thái Sơn) và Tây tự (tế đất ở Phần Âm) thì tùy trường hợp. Tống Chân Tông chỉ phá lệ tham gia một lần Bắc giao trong đời. Ở đây Trần Việt là cấp phó của Thái thường tự, cơ quan chưởng quản việc tế tự, lễ nghi, nên ông có nhiệm vụ tổ chức lễ tế ở Phần Âm
  5. ^ Tam truyện là một khoa trong chế độ thi cử đời Tống, nội dung bao gồm 3 bộ sách về đời Xuân Thu (Xuân Thu tam truyện): Xuân Thu Tả truyện, Công Dương truyện, Cốc Lương truyện